Chùa Bách Môn trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Bắc Ninh – Kinh Bắc

15/08/2023 14:21:00 294 lượt xem

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay ngôi chùa Bách Môn vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn; và chắc chắn sẽ còn được tiếp nối bởi những người con Phật nặng lòng với xứ Kinh Bắc.

Bắc Ninh, Kinh Bắc – mảnh đất ngàn đời của dân tộc, nơi được lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống cổ xưa cho tới tận ngày nay. Đây còn được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam với nhiều trung tâm lớn, lâu đời. Một trong những yếu tố tạo nên nét đặc sắc Phật giáo xứ Kinh Bắc còn là nghệ thuật kiến trúc; trong đó phải nhắc đến chùa Bách Môn. Hội thảo về chùa Bách Môn vừa qua đã phần nào cho biết thêm cuộc sống và con người quá khứ để nhìn rõ hiện tại, đồng thời, hiểu thêm một kho kinh nghiệm quý báu về mặt nghệ thuật và quan điểm thẩm mỹ. Và trong chuyên mục tiêu điểm hôm nay, kính mời quý vị cùng tìm hiểu rõ hơn về Kiến trúc – Văn hóa chùa Bách Môn trong dòng lịch sử Phật giáo Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Ngược dòng thời gian, trở về năm 2015, Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bắc Ninh, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện khảo cổ học, khai quật chùa Bách Môn với diện tích 78m2. Kết quả thu được là cống nước, nền lát đá, gạch và bờ kè. Di vật gồm gốm tráng men Việt Nam, đồ sành, vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc, đồ gốm tráng men Trung Quốc. Nhiều tài liệu cho rằng chùa Bách Môn xây dựng từ thời Lý. Năm 1566 và 1612 chùa Bách Môn được trùng tu, tôn tạo. Từ năm 1757 đến 1762 chùa được tiến hành đại trùng tu với sự đóng góp tiền bạc của Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Lần trùng tu này rất công phu, độc đáo theo dạng tháp hình vuông, đặc biệt chùa có trăm cửa đi lại thông thoáng. Tại chùa Linh Cảm hay còn gọi là chùa Bách Môn cũng vốn có văn bia trùng tu chùa, dựng năm Quang Bảo thứ 4 (1558). Bia nay không còn nhưng còn thác bản văn bia lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Cho đến nay chưa tìm được ghi chép cụ thể nào để có thể hình dung một cách rõ nét về kiến trúc chùa Linh Cảm từ khoảng giữa TK XVIII trở về trước, ngoài 1 đoạn văn bia trùng tu chùa. Chùa Bách Môn nằm trên lưng chừng núi Khám Sơn, thuộc làng Long Khám, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đáng chú ý so với những danh lam cổ tự thời Lý ở phủ Thiên Đức và khu vực lân cận, chùa Bách Môn có vị trí trung tâm. Phía Tây Nam là chùa Phật Tích, phía Tây Bắc là chùa Tiêu, phía Đông Bắc là chùa Dạm, phía Đông Nam là chùa Tĩnh Lự.

Chùa Bách Môn cũng có bố cục riêng rất đặc biệt – hình vuông chữ Điền ​​có 2 trục đối xứng và có hành lang bao quanh 4 phía. Bố cục chữ Điền làm chùa mở ra 4 hướng như nhau, hướng nào cũng có tượng thờ. Điều này đã góp phần làm nên hệ thống tượng thờ đặc biệt riêng có tại chùa Bách Môn.

Các mặt đứng của chùa Bách Môn có bố cục đối xứng gần như tuyệt đối, với điểm nhấn chính là tháp trung tâm, điểm nhấn phụ là 2 tháp 2 bên. Chiều cao của tháp vừa đủ để không tạo ra sự tranh chấp. 4 tháp ở 4 góc chùa cũng chính là gác chuông, gác trống, gác khánh và gác lễ của Phật giáo. Thông thường chùa chỉ có gác chuông hoặc gác trống hoặc gác trống/khánh. Trường hợp 4 gác treo 4 khí cụ khác nhau, có lẽ Bách Môn là duy nhất.

Bên cạnh đó, nếu hiểu “môn” là cửa thì Bách Môn chỉ có 20 cửa ở 4 mặt ngoài ngôi chùa. Nhưng nếu hiểu “môn” là “lối ra vào” theo từ điển Hán Nôm thì chùa có 100 lối ra vào, kể cả lối đi luồn dưới bệ thờ.

Đối sánh chùa Bách Môn với một số kiến trúc có hình dạng Mạn đà la ở Đông Nam Á, một số chuyên gia cho rằng kiến trúc này dường như là một hình thức mô phỏng Mạn đà la – một trong những biểu tượng đặc trưng nhất trong các thành tố kiến trúc và nghệ thuật của Hindu giáo và Phật giáo Kim Cương thừa. Với những gì được biết cho đến nay, chùa Bách Môn chỉ nên được gọi là một kiến trúc biểu tượng Mạn đà la, mà chưa có cơ sở khẳng định đây là một Mạn đà la đúng nghĩa. Bên cạnh đó, kiến trúc gỗ chùa Bách Môn cũng là 1 công trình có giá trị, không chỉ về nghệ thuật kiến trúc mà còn là các giá trị lịch sử văn hóa.

Trong quá khứ, chùa Bách Môn từng giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội, là chốn hành hương tâm linh của nhiều tầng lớp nhân dân trong vùng. Năm 2018, chùa Bách Môn đã được phục dựng, đại trùng tu bởi Đại đức Thích Giác Đạt – Trụ trì chùa; đến nay đã gần hoàn thiện. Đó cũng là tâm nguyện của vị tu sĩ gắn bó với xứ Kinh Bắc, mong cho bà con tinh tấn tu học, noi theo hạnh nguyện Đức thế tôn.

Cũng chính bởi lẽ mong muốn làm rõ hơn về kiến trúc, văn hóa chùa Bách Môn từ quá khứ đến hiện tại; Hội thảo khoa học quốc gia “Kiến trúc, văn hóa chùa Bách Môn trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Bắc Ninh – Kinh Bắc” đã diễn ra với sự phối hợp tổ chức của BTS GHPGVN huyện Tiên Du, chùa Bách Môn và Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGVN. Hơn 30 bài tham luận từ chư tôn đức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã được gửi về, chia làm 3 nội dung chính: Khảo cổ, văn bia và kiến trúc chùa Bách Môn; Âm nhạc, mỹ học, sinh thái, nhân sinh chùa Bách Môn; Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Phật giáo chùa Bách Môn.

Tại Hội thảo, có những ý tưởng đề xuất khá độc đáo như xây dựng Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Bách Môn, nhằm khẳng định con đường tu tập Tịnh độ vẫn được duy trì sau hàng trăm năm lịch sử. Cửu Phẩm Liên Hoa là sự kết hợp giữa kiến trúc tháp và hình tượng 9 bông hoa sen – Đây là biểu tượng toàn bích của thế giới. Khi đề xuất thiết kế cho chùa Bách Môn, nhóm thiết kế cũng sáng tạo thêm để tạo ra nét riêng của nghệ thuật xứ Kinh Bắc.

Quá khứ – Hiện tại – Tương lai, đó là dòng chảy theo quy luật tự nhiên của cuộc sống. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay ngôi chùa Bách Môn vẫn luôn được gìn giữ, bảo tồn; và chắc chắn sẽ còn được tiếp nối bởi những người con Phật nặng lòng với xứ Kinh Bắc. Dù nhiều nhận định, câu hỏi còn được bỏ ngỏ nhưng nét độc đáo, đặc biệt của kiến trúc, văn hóa chùa Bách Môn là điều không thể phủ định, tạo nên giá trị của ngôi già lam hộ trì nền văn hóa Phật giáo Kinh Bắc nói riêng, Việt Nam nói chung.

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

22 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Lễ tưởng niệm tuần lâm Đại tường Đức Đệ Tam Pháp chủ

Tin Phật sự 18/10/2024 12:30:53

Đoàn Đại biểu GHPGVN thăm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tin Phật sự 17/10/2024 12:14:07

Đoàn Đại biểu GHPGVN thăm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tin Phật sự 17-10-2024 12:14:07

Nhân dịp tham dự Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ 6 tại TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, chiều 16/10, đoàn Đại biểu GHPGVN do Thượng Tọa Thích Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Kinh tế Tài chính TƯGH làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.
576 lượt xem 0 Bình luận

Đoàn đại biểu GHPGVN gửi thông điệp tại Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ 6

Tin Phật sự 16/10/2024 15:57:16

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ gặp lãnh đạo TP.HCM

Tin Phật sự 28/09/2024 08:51:53

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ gặp lãnh đạo TP.HCM

Tin Phật sự 28-09-2024 08:51:53

Chiều tối 27/9, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi tiếp Hòa thượng, GS.TS Phra Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) cùng phái đoàn ICDV, nhằm trao đổi và thống nhất các công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak LHQ vào năm 2025.
522 lượt xem 0 Bình luận

Họp báo công bố Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam

Tin Phật sự 27/09/2024 21:39:02