Chăm lo nếp sống tâm linh người Việt tại Châu Âu

14/09/2023 14:04:45 789 lượt xem

Chuyến hoằng pháp tại châu Âu của đoàn chư Tôn giáo phẩm TƯGH còn là cảm tình, sự gắn kết giữa Phật giáo và bà con người Việt tại các nước châu Âu. Một hành trình dài hàng chục nghìn km, xa xôi, nhưng vượt lên trên tất cả là mong muốn gắn kết cộng đồng Phật tử xa xứ và nhắc nhớ về nguồn cội, quê hương.

Vừa qua, phái đoàn chư Tôn giáo phẩm TƯGH đã có chuyến hoằng pháp tại châu Âu. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm được đặt ra trong nhiệm kỳ 2022-2027 của GHPGVN, quan tâm đời sống tâm linh của đồng bào Phật tử ở nước ngoài. Đó không đơn thuần chỉ là chương trình hoằng pháp mà còn là cảm tình, sự gắn kết giữa Phật giáo và bà con người Việt tại các nước châu Âu. Một hành trình dài hàng chục nghìn km, xa xôi, nhưng vượt lên trên tất cả là mong muốn gắn kết cộng đồng Phật tử xa xứ và nhắc nhớ về nguồn cội, quê hương.

Những cái bắt tay nồng nhiệt, những lời chào ấm áp,…

Đó là điều mong chờ từ rất lâu của chư tôn đức, các Phật tử châu Âu nói chung và CH Séc nói riêng; bởi sau khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, nay phái đoàn chư tôn giáo phẩm TƯGH do HT Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HDTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯGH làm trưởng đoàn và có sự hiện diện của TT Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS, Trưởng Ban Phật giáo quốc tế TƯGH, chư tôn đức của 3 Ban (Ban Hoằng pháp, Ban Phật giáo Quốc tế và Ban Kinh tế tài chính TƯGH) mới có dịp quay trở lại trong chuyến hoằng pháp 10 ngày. Điều ấn tượng lớn nhất có lẽ là sự phát triển của cơ sở tự viện và sự lớn mạnh của cộng đồng Phật tử xứ trời Tây.

Phái đoàn đã có chuyến hoằng pháp tại các nước CH Séc, CH Ba Lan và CHLB Đức. Tại các nước, chư Tôn đức đã chứng minh nhiều Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu cũng như gặp gỡ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, các cộng đồng Phật tử. Qua đó, bày tỏ sự quan tâm của Giáo hội tới người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài.

Trong không khí những ngày tháng 7 thiêng liêng, các khóa lễ Vu lan nơi xứ người dường như đông Phật tử tham dự hơn, ý nghĩa hơn khi có sự chứng minh của chư tôn đức TƯGH. Gác lại bộn bề công việc, bà con về chùa, cung kính chào đón chư Tăng từ quê hương xa xôi. Những bài pháp thoại, nghi lễ Phật giáo truyền thống của Việt Nam đã phần nào giúp bà con người Việt xa quê luôn nhớ về các đấng sinh thành, về nguồn cội và về quê hương đất nước.

Theo thống kê, tại châu Âu hiện có Khoảng 700.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc, trong đó đông nhất là tại Pháp, Đức, Séc, Nga, Anh, Ba Lan. Và trong số đó có hàng trăm nghìn người là Phật tử. GHPGVN luôn tích cực đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, góp phần giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Và việc hình thành những ngôi chùa Việt là một trong những hoạt động trọng tâm của không chỉ GHPGVN mà còn là tâm nguyện của nhân dân, Phật tử hải ngoại.

“…Trước khi có chùa thì Phật tử ở Cộng Hòa Séc toàn phải sang các nước lân cận…thậm chí là đi chùa Hoa…Có những gia đình phải đi đến hàng ngàn cây số chỉ để đi lễ chùa 1 buổi…Sau này có chùa rồi thì đi lễ phật các chùa có thầy ở Việt Nam sang”

Nếu như mỗi đất nước ở châu Âu mà người Việt Nam gắn bó là quê hương thứ hai thì với người Phật tử Việt Nam, những ngôi chùa Việt lại giống như ngôi nhà thứ 2. Họ mong muốn truyền tải những nét đẹp văn hóa truyền thống và thông điệp giữ gìn cho lớp lớp thế hệ. Có thể đó là lớp học tiếng Việt, những ngày tu học, tụng kinh bằng tiếng mẹ đẻ; hay cũng có thể là các trại hè Về nguồn gắn kết các thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Bên cạnh đó, những năm qua, các ngày lễ truyền thống của Phật giáo như Vu lan, Phật đản,… cũng đều được các chùa tổ chức đầy đủ, trang nghiêm.

Trước thực tiễn hội nhập quốc tế không ngừng, Đại hội IX – GHPGVN vừa qua cũng xác định và đặt ra phương hướng rất rõ ràng, ngành Phật giáo quốc tế quan tâm sâu sắc và đổi mới phương thức lãnh đạo, kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước, tạo cầu nối thông tin, liên lạc với quê hương. Đặc biệt là kế hoạch thành lập Trụ sở Hội Phật tử tại nước ngoài. Và chuyến hoằng pháp lần này được coi là bước đầu đặt nền móng cho các nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ.

Bên cạnh việc giữ gìn nét đẹp văn hóa tâm linh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và châu Âu nói riêng ngày ngày trăn trở, cố gắng lưu giữ ngôn ngữ mẹ đẻ – tiếng Việt. Với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt chính là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc cho văn hóa truyền thống. Thông qua tiếng Việt, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được lan tỏa nhiều hơn đến với bạn bè quốc tế. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên đặt nền móng cho việc thực hiện “Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” giai đoạn 2023 – 2030.

Thời gian có hạn với lịch trình dày đặc, nên phái đoàn hoằng pháp lần này gần như tận dụng hết để làm việc. Sự phát triển của Phật giáo Việt Nam ở các nước châu Âu tạo ấn tượng đặc biệt, là niềm hoan hỉ của chư tôn đức sau thời gian dài được quay trở lại. Dù ở phương trời nào, thì đời sống tâm linh vẫn luôn song hành cùng đời sống vật chất, gắn kết đạo và đời, trở thành điểm tựa cho những người Việt Nam xa xứ.

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

16 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49

Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản

Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57