Cẩm nang du lịch chùa Côn Sơn Hải Dương chi tiết

05/12/2023 16:26:56 328 lượt xem

Chùa Côn Sơn một trong những địa điểm du lịch tâm linh sở hữu vẻ đẹp non nước hữu tình nổi tiếng tại Hải Dương. Nơi đây còn là minh chứng lưu giữ nhiều giai thoại lịch sử và nhiều giá trị tâm linh.

Địa chỉ chùa Côn Sơn ở đâu?

Chùa Côn Sơn, hay còn được biết đến với tên gọi Chùa Hun, nằm tại chân núi Côn Sơn, thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1962 bởi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam, chùa Côn Sơn trở thành một phần quan trọng trong hệ thống khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc khi được nâng cấp thành di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

Cẩm nang du lịch chùa Côn Sơn chi tiết

Thời điểm đi chùa Côn Sơn mùa nào đẹp nhất?

Khám phá Chùa Côn Sơn không bị ràng buộc bởi mùa vụ nào trong năm. Nếu bạn muốn trải nghiệm sự tinh tế của làn mưa xuân, hòa mình vào hương vị của đất trời và âm nhạc của tiếng chim rừng, thì mùa xuân là thời điểm lý tưởng. Nếu bạn có dịp ghé thăm vào mùa này, không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời, mà còn có cơ hội tham gia vào các lễ hội truyền thống như thi gói bánh chưng, giã bánh giầy và những biểu diễn nghệ thuật sôi động tại chùa Côn Sơn. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ.

Nếu bạn khao khát tìm kiếm một không gian mát mẻ, tránh xa ánh nắng gay gắt và tiếng ồn ào của thành thị, để tận hưởng sự yên bình trong lòng thiên nhiên, thì Chùa Côn Sơn là điểm đến lý tưởng, đặc biệt là vào mùa hè.

Cẩm nang du lịch chùa Côn Sơn chi tiết (2)

Cách đi đến chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn thuộc khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, cách Hà Nội khoảng 70km về phía Đông. Nếu di chuyển từ Hà Nội, bạn có thể chọn một trong hai phương tiện sau:

Đi bằng phương tiện cá nhân (xe máy hoặc ô tô): Bạn hãy di chuyển theo hướng cầu Thanh Trì, rồi rẽ vào quốc lộ 1 và tiếp tục theo đường 18, hướng về Phả Lại. Trên đường, đừng quên dừng lại để chiêm ngưỡng và chụp hình với khung cảnh tuyệt vời xung quanh. Tiếp theo, vượt qua cầu Phả Lại và khi đến Ngã ba Sao Đỏ, hãy đi theo hướng về Quảng Ninh khoảng 1km. Bạn sẽ thấy biển hướng dẫn đường về Côn Sơn – Kiếp Bạc, chỉ cần tiếp tục đi thẳng là bạn sẽ đến đúng địa điểm.

Đi bằng xe khách: Nếu bạn muốn tránh phí gửi phương tiện và chọn xe khách làm phương tiện di chuyển, đây là một lựa chọn khá thuận tiện. Bạn chỉ cần đến bến xe Mỹ Đình và chọn các nhãn hiệu xe như Kumho Việt Thanh, Kalong, Đức Phúc,… với giá vé dao động từ 70k đến 100k/người, tùy thuộc vào từng nhà xe. Khi đến ngã 3 Sao Đỏ, bạn có thể xuống xe và chuyển sang sử dụng xe ôm hoặc taxi để tiếp tục hành trình đến Côn Sơn.

Lưu ý: Để có một chuyến đi thật thoải mái và thư giãn, bạn nên xuất phát vào khoảng 6h sáng từ Hà Nội và khoảng 8h bạn sẽ đến được chùa Côn Sơn.

Cẩm nang du lịch chùa Côn Sơn chi tiết (6)

Khám phá chùa Côn Sơn

Tổng quan chùa Côn Sơn 

Chùa Côn Sơn được xây dựng hướng về Đông Nam, với cảnh đẹp hòa quyện với thiên nhiên hùng vĩ. Toàn bộ kiến trúc của chùa theo hình chữ C, trải dài từ phía Tây Bắc đến Đông Nam, nằm gần chân núi.

Khi bước vào chùa, bạn sẽ chạm trán với một hồ bán nguyệt lớn. Một con đường nhỏ chạy dọc theo hồ, tạo ra không gian tuyệt vời để nhìn ra toàn bộ hồ. Từ đó, bạn sẽ đi qua Tam Quan Ngoại, giữa hai hàng thông cổ thụ, và đến Tam Quan Nội. Trên trục chính của chùa, có nhiều công trình quan trọng như Tam Quan Nội, Tam Bảo, Nhà Phẩm, Nhà Tổ và Hậu Đường. Các công trình này được bao quanh bởi hai lớp Hành Lang, lớp đầu tiên ở hai bên sân trước, giữa Tam Quan Nội và Tiền Đường. Lớp thứ hai bắt đầu từ Tiền Đường và kéo dài về phía sau Hậu Đường.

Cẩm nang du lịch chùa Côn Sơn chi tiết (3)

Tổng thể kiến trúc của chùa rất chặt chẽ, với mặt bằng hình chữ C tạo nên một bức tranh “nội Công ngoại Quốc”. Ở phía bên phải của Hậu Đường, có một cửa hậu dẫn đến khu Tháp mộ sư, nơi chôn cất những người trụ trì chùa trước đây. Trên sân trước của chùa, bạn còn thấy bốn ngôi nhà Bia.

Trong toàn bộ kết cấu này, các công trình như Tam Quan Nội và Tam Bảo, là những kiến trúc gỗ giữ được giá trị lâu dài. Các công trình khác đã được tu sửa, nâng cấp và phục chế gần đây, tạo nên một không gian linh thiêng và trang nhã.

Kiến trúc chùa Côn Sơn

Tam Quan Nội

Tam Quan Nội có kích thước (12,5×6,8m) kiến trúc kiểu ba gian hai chái, hai tầng tám mái. Bộ khung kiến trúc dựng trên bốn hàng chân cột: hai hàng Cột cái (đường kính 0,44m) vươn lên đỡ Vì nóc ở tầng mái tầng trên và hai hàng Cột quân (đường kính cột 0,38m) đỡ các Vì nách ở tầng dưới. Các Vì nóc ở Tam Quan Nội kết cấu kiểu Giá Chiêng – Chồng Rường; liên kết hiện tầng trên là kiểu Bẩy chéo với một đầu ăn mộng qua đầu Cột cái, đầu

kia vươn ra đỡ Tàu mái tầng trên. Ở tầng mái dưới, các Vì nách kết cấu kiểu Chồng rường; liên kết hiện kiểu Bẩy chéo vươn ra đỡ Tàu mái tầng dưới.

Nối các đầu Cột với nhau bởi hệ Xà dọc, khoảng cách từ nền tới Xà dọc Cột quân là 3,9m. Nối Cột cái là ba cấp Xà: Xà thượng cách nền 7,48m, Xà trung cách nên 5,27m và Xà hạ cách 3,96m. Khoảng cách từ nền tới sàn tầng hai là 5,6m, tới Thượng lương là 8,86m, tới Câu đầu là 7,8m.

Cẩm nang du lịch chùa Côn Sơn chi tiết (5)

Tầng một của Tam Quan Nội có tường được xây bằng gạch, trát vữa và sơn màu trắng. Ở các góc là những trụ gạch có hình vuông. Cửa ra vào được đặt ở cả ba phần trên hàng cột, với cửa Thượng song hạ bản. Trên tầng hai, hai chái bên được che phủ bởi ván gió, và hai mặt trước và sau được thiết kế thoáng đãng với lan can có chiều cao khoảng 0,6m, được đặt ở giữa các cột quân.

Mái của Tam Quan Nội được làm bằng ngói mũi hài, và đầu đao trang trí với biểu tượng tứ linh, tạo nên một diện mạo ấn tượng cho toàn bộ công trình.

Tam Bảo

Tam Bảo có kết cấu hình chữ ‘Công’ với ba khu vực chính: Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện. Sàn của Tiền Đường có độ cao lớn hơn sân trước 1,03m, và có bậc cấp để lên hiên Tiền Đường. Sàn Thiêu Hương nằm cao hơn sàn Tiền Đường 0,38m, còn sàn Thượng Điện cao hơn sàn Thiêu Hương 0,74m. Mặt sàn của Tam Bảo được lát gạch bát (0,3×0,3)m theo kiểu Công mạch.

Tiền Đường có kích thước (26,43×9,16m), bao gồm năm gian và hai chái: ba gian ở giữa, mỗi gian rộng 3,7m; hai gian bên cạnh mỗi gian giữa rộng 3,1m; và mỗi chái rộng 4,55m. Bậc lên xuống được đặt ở phía trước ba gian giữa, với bẩy bậc cấp bằng đá xanh, và cả hai bên chân đế của nền được trát xi măng.

Cẩm nang du lịch chùa Côn Sơn chi tiết (7)

Khung gỗ được xây trên bốn hàng chân cột, gồm hai hàng cột cái (đường kính 0,45m) cách nhau 3,46m và hai hàng cột quân (đường kính 0,36m) cách nhau 2,1m. Chân tảng đá đỡ cột được làm cao nổi trên mặt nền khoảng 0,07m, chia thành bốn cấp.

Vị nóc của Tiền Đường có kiểu Giá Chiêng – Chồng Rường liên kết hiên kiểu Bẩy chéo. Các Vì nách được làm kiểu Cốn – Chồng Rường với ba con Rường chồng lên nhau. Liên kết hiên ở Tiền Đường là kiểu Bẩy chéo với đầu ăn mộng qua đầu cột quân thành Nghé, đỡ dạ Xà nách. Khoảng cách từ nền tới Xà dọc cột cái là 4,36m và tới Xà dọc cột quân là 3,07m. Kiến trúc tòa Tiền Đường chùa Côn Sơn mang phong cách thời Nguyễn.

Cửa ra vào được đặt ở mặt trước năm gian Tiền Đường, trên hàng cột quân, với cửa gỗ kiểu cửa Thượng song, hạ bản. Cửa ba gian giữa có sáu cánh, còn cửa hai gian còn lại có bốn cánh. Phần còn lại được xây tường gạch, cách hàng cột quân 0,75m; thân tường được trát vữa, sơn vàng nhạt và có cửa sổ kiểu chữ Thọ vuông ở hai chái.

Tiền Đường có bốn mặt mái lợp ngói Di. Bờ nóc chính được đặt biển ngạch và trang trí chữ theo lối Đại tự. Hai đầu bờ nóc có Kìm nóc được gắn mảnh sành; khúc nguỷnh đắp con xô (con Náp); đầu đao được đắp rồng, phượng, vân mây.

Thiêu Hương là tòa ở giữa nối mái Tiền Đường với Thượng Điện có kích thước (9,8×7,47)m, gồm hai gian rộng 2,58m và 2,73m. Bộ khung gỗ được dựng trên bốn hàng chân Cột: hai hàng Cột cái (đường kính từ 0,42m đến 0,45m) dựng cách nhau 3,15m, hai hàng Cột Quân (đường kính từ 0,35m đến 0,355m), dựng cách Cột cái liền kề 1,5m. Đỡ cột là các chân tảng hoa sen với phần vòng tròn gương sen đỡ cột, được đặt cao hơn nền khoảng 0,1m.

Các Vì nóc ở Thiêu Hương có kiểu Chồng Rường – Cọc Báng. Ở kiểu Vì này, Cọc Bảng được tạo một đầu ăn mộng vào giữa cật Câu đầu (độ cao cách nền 3,76m), đầu kia vươn lên đỡ Thượng lương (độ cao cách nền 4,95m). Hai bên Cọc Bảng những con Rường có một đầu ăn mộng vào Cọc Báng, đầu kia vươn ra đỡ các Hoành mái; các con Rường chồng lên nhau qua Đấu của Trụ tròn ngắn.

Cẩm nang du lịch chùa Côn Sơn chi tiết (8)

Các Vì nách ở Thiêu Hương kết cấu kiểu Chồng Rường với một Trụ trốn ngắn kê trên cật Xà nách (độ cao cách nền 2,63m), đỡ hai con Rường phía trên. Rường ở Vì nách có một đầu ăn mộng vào thân Cột cái, đầu kia vươn ra đỡ các Hoành mái. Liên kết hiên ở Thiêu Hương là kiểu Bẩy chéo với một đầu ăn mộng qua đầu Cột quân thành Nghé, đỡ dạ Xà nách, đầu kia vươn ra đỡ Tàu mái. Có thể thấy Kết cấu kiểu Vì mái ở Thiêu Hương mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Nối các đầu cột ở Thiêu Hương là hệ Xà dọc. Khoảng cách từ nền tới dạ Xà dọc Cột cái là 3,27m, tới dạ Xà dọc Cột quân là 2,13m.

Bao che hai bên Thiêu Hương là tường xây gạch được làm cách Cột quân liền kề 0,5m; thân tường được trổ các ô cửa sổ nhỏ và mở hai cửa đi ngách nhỏ. Mặt trong tường được trát vữa, sơn vàng nhạt, mặt ngoài tường được ốp đá rối.

Thượng Điện có mặt bằng gần vuông, kích thước (9,3×9,5m) gồm một gian hai dĩ, được làm cao hơn nền Thiêu Hương 0,74m, cao hơn nền sân sau 0,9m. Đây là kiểu cấp nền thường gặp ở những ngôi chùa cổ, xây dựng từ trước thế kỷ XVI, như chùa Dâu, chùa Thái Lạc, chùa Bối Khê…

Bộ khung kiến trúc Thượng Điện dựng trên bốn hàng chân Cột với bốn Cột cái có đường kính bằng nhau là 0,455m và bốn Cột Quân cũng có đường kính bằng nhau là 0,35m. Vì nóc Thượng Điện kết cấu kiểu Giá Chiêng – Chồng Rường. Ở kiểu vì này, Câu đầu (cao cách nền 4,1lm) được làm nối hai đầu Cột cái theo hàng ngang; cật Câu đầu đỡ một Rường suốt phía trên; cật Rường suốt đỡ hai Trụ trốn qua Đấu vuông, đỉnh Trụ đội con Rường Bụng Lợn; giữa hai Trụ trốn có lồng Ván Lá Đề, tương tự như kết cấu Vì nóc ở chùa Giám (Hải Dương), mang phong cách kiến trúc đầu thế kỷ XVII. Liên kết hiên Thượng Điện là kiểu Bẩy chéo với một đầu ăn mộng qua đầu Cột quân thành Nghé, đỡ dạ Xà nách, đầu kia vươn ra đỡ Tàu mái. Nối các đầu Cột là hệ Xà dọc, khoảng cách từ nền tới dạ Xà dọc Cột cái là 3,77m, tới dạ Xà dọc Cột Quân là 2,25m.

Cẩm nang du lịch chùa Côn Sơn chi tiết (9)

Bao che hai bên hồi Thượng Điện cũng là tường xây gạch, trát vữa như ở tòa Thiêu Hương nhưng được

kéo dài, nối với hai Trụ biểu. Bao che ở mặt sau gian giữa Thượng Điện là hệ Vách gỗ được đặt trên một Xà ngưỡng cao khoảng 0,9m. Mặt sau hai chái được trổ hai cửa đi nhỏ hai cánh dẫn ra hiện sau. Hiện sau được làm thấp hơn nền bên trong 0,12m và từ đây có ba bậc dẫn xuống sân sau chùa.

Với kiến trúc như vậy, có thể giả thiết ở thời Trần, chùa Côn Sơn chỉ có mặt bằng chữ Nhất, dựng trên nền của Thượng Điện, sang thời Lê và thời Nguyễn, ngôi chùa đã bổ sung thêm các hạng mục Thiêu Hương, Tiền Đường để có tòa Tam Bảo mặt bằng chữ Công như hiện nay…

Bài trí và mỹ thuật tượng

Số lượng tượng ở Tòa Tam Bảo chùa Côn Sơn chỉ có 14 pho tượng. Ở Tiền Đường là 2 Hộ Pháp Kim Cương đứng, một bên là ban Đức Ông, một bên là ban Thánh Hiền như truyền thống.

Trên ban Tam Bảo, ở chính giữa là tượng A Di Đà rất lớn. Có lẽ do kích thước quá lớn nên trong Quá trình bổ sung tượng. pho A Di Đà được đưa đặt ra phía sau cùng để khỏi che tượng khác. Ở hai bên của tượng A Di Đà là 2 pho tượng Phật có cùng phong cách mỹ thuật thế kỷ XVII, có tạo dạng ngực nở đầy đặn, trên đầu có nhục kế và đỉnh tướng hình Quả cầu phảng phất nét mỹ thuật Chăm pa. Một pho kết ấn Thiền Định là Ứng Thân Phật, một pho kết ấn Thuyết Pháp là Báo Thân Phật. Tạo hình của tượng Phật ở trước pho A Di Đà cơ bản cũng đồng nhất về niên đại và phong cách mỹ thuật với 2 tượng Ứng Thân và Báo Thân mặc dù đầu không có nhục kế và đỉnh tướng hình quả cầu. Tượng này một tay kết ấn Xúc Địa, một tay cầm bông sen nên có thể đoán định Pháp hiệu là Phật Thích Ca, khi đặt ở chính giữa 3 pho sẽ thành Pháp Thân Phật. Vì vậy có thể đưa ra giả thiết 3 pho này là một bộ tượng Tam Thân hoàn chỉnh.

Phía trước là 2 tượng Bồ Tát ngồi hai bên. Ở cấp tượng dưới cùng đặt Phật Thích Ca Niêm Hoa ở chính giữa, 2 thị giả là Ca Diếp và A Nan Đà được đặt tiến lên phía trước ở 2 bên tòa Cửu Long.

Cẩm nang du lịch chùa Côn Sơn chi tiết (10)

Như vậy, tượng ở đây được chia làm hai phong cách mỹ thuật rõ ràng. Một là phong cách mỹ thuật thế kỷ XVII như bộ tượng Tam Thân, tượng Bồ Tát, hai là phong cách mỹ thuật thế kỷ XIX như tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niêm Hoa, tượng Ca Diếp và A Nan Đà, tòa Cửu Long.

Tượng ở Tiền Đường cũng có phong cách mỹ thuật thế kỷ XIX và đậm nét tượng Bảo Hà, một phong cách đặc trưng của xứ Đông.

Lưu ý khi đi chùa Côn Sơn

Khi thăm Côn Sơn, vùng di tích lịch sử quan trọng, hãy lưu ý một số điều quan trọng sau đây để có trải nghiệm tốt nhất:

  • Trang phục nên làm sao để kín đáo, tránh mặc váy quá ngắn.
  • Được khuyến khích chọn giày bệt hoặc giày thể thao để giảm áp lực và đau nhức chân khi di chuyển qua các đoạn đường dài.
  • Hãy chú ý bảo quản và giữ gìn đồ đạc của bạn một cách cẩn thận để tránh tình trạng mất mát hoặc cướp giật đáng tiếc trong khu vực.

Khám phá di sản này không chỉ là cơ hội để bạn khám phá gốc nguồn của chúng ta mà còn là dịp tuyệt vời để sắm vai ngày cuối tuần trọn vẹn với ý nghĩa lịch sử và giải tỏa căng thẳng. Từ những chia sẻ về hành trình đến Côn Sơn Kiếp Bạc, Bchannel – BTV9 An Viên mong muốn tất cả mọi người, đặc biệt là những bạn ở gần Hải Dương, có thể dễ dàng trải nghiệm và lưu giữ kỷ niệm về sự hào hùng của dân tộc. Hãy đồng hành và cập nhật thêm thông tin thú vị tại trang web bchannel.vn nhé!

27 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Chùa Thần Quang – Ngôi cổ tự “không Sư trụ trì” tại làng hiếu học Nam Định

Du lịch chùa 26/08/2024 15:40:17

Đại danh lam cổ tự chùa Vĩnh Nghiêm – Nơi lưu giữ hơn 3000 báu vật

Du lịch chùa 26/08/2024 15:23:57

Chùa Bà Đanh ở Hà Nam ngôi cổ tự nổi tiếng vì “vắng người”

Du lịch chùa 26/08/2024 14:33:36

Chùa Kom Ph’lưng – Nơi lưu giữ nhục thân vị sư gần 1 thập kỷ không phân huỷ

Du lịch chùa 24/08/2024 11:05:22

Ngôi cổ tự nơi 27 nhà sư “cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận”

Du lịch chùa 30/07/2024 16:48:58