Sư bà Phương Dung – nhà tu hành gắn đạo với đời

14/12/2023 11:06:28 805 lượt xem

Công chúa Phương Dung với danh xưng Sư bà Phương Dung đã trở nên quen thuộc gắn liền với dấu ấn lịch sử Việt Nam thời Hai Bà Trưng.

Công chúa Phương Dung là một nữ tướng thời Hai Bà Trưng, đã cùng với Hai Bà lập nên nhiều chiến công lớn. Sau khi Hai Bà Trưng bị Mã Viện đánh bại, các tướng lĩnh Hai Bà mai danh ẩn tích khắp các vùng miền, công chúa Phương Dung xuất gia tu hành tại chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Theo GS. Đinh Khắc Thuân nhận định: “Cốt lõi là có một nhân vật lịch sử bằng xương, bằng thịt đó là bà Phương Dung, nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh đuổi quân xâm lược Tô Định, thu phục đất nước. Bà còn có công giúp dân trị thủy, chống lụt. Việc phát hiện có sắc phong Quốc mẫu Phương Dung – tức Sư bà Phương Dung ở ngoài khu vực thờ phụng chính lâu nay cho thấy danh tiếng, tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng của Sư bà Phương Dung không chỉ bó hẹp trong vùng Yên Phú”.

Từ Phương Dung Công chúa đến Sư bà đứng lên đánh giặc giữ nước

Thần phả lưu trữ tại chùa Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) có ghi lại: Cuối thời Hùng Vương thứ 18, ý trời đã định, lúc đó vào thời Đông Hán tại làng Lưu Hàm, huyện Thượng Hiền, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam Hạ có Trương Công Điều (tên húy là Điều) là người được kế thừa tập ẩm, lấy vợ là Phùng Thị, tên húy là Huệ, vốn là người cùng quận, dòng dõi trâm anh nức tiếng đã lâu, cũng là chỗ môn đăng hộ đối. Ông bà đã sinh hạ mấy người con trai, mãi đến sau này sinh thêm cô con gái lấy tên là Phương Dung. Vừa sinh ra, Phương Dung đã có sắc đẹp “Chim sa cá lặn” mặt hoa da phấn, mày cong tựa vành trăng khuyết, dáng vẻ yểu điệu thướt tha không ai sánh bằng. 

Tròn 16 tuổi, duyên lành chưa định, Phương Dung nguyện không lấy chồng, một lòng mộ theo đạo Phật. Một ngày nọ, Phương Dung đến huyện Thanh Trì (xưa gọi là Thanh Đàm), Châu Thưởng Tín, thành Thăng Long (Tên xưa là phủ Phụng Thiên), khi đến đầu làng Yên Phú thì thấy một ngôi chùa, ngóng trông bốn bề khoáng đãng, phong cảnh hữu tình liền đặt tên Thanh Vân Cổ Tự và nguyện ở nơi đây và nguyện ở lại đây sớm khuya hương khói.

Tôn tượng Sư bà Phương Dung.

Trong bản Thần phả còn ghi chép sự xuất hiện của con nuôi của Sư bà Phương Dung là Trung Vũ và Đài Liệu. Theo đó, Sư bà trụ trì tròn một năm, một ngày Sư bà ra tắm ở bến sông Kim Ngưu khi mặt trời chưa đứng bóng. Sư bà ngước lên trời thấy một đám mây lành sà xuống cuốn lấy thân thể. Sợ hãi trước cảnh tượng này, Sư bà chạy về chùa. Đêm đó bà nằm mộng thấy tướng quân mặc áo gấm, đeo ngọc châu, thân thể kỳ dị từ dưới nước đi lên tự xưng là Thủy Thần và nói: “Làng này đức dầy, trời đã soi tỏ, lệnh cho hai vị Thủy Thần đầu thai xuống làm con nên chớ lo lắng về điều đó”. 

Ngày hôm sau, Sư bà đi qua miếu thấy hai quả trứng lớn bèn mang về chùa, bỗng từ hai qua trứng phát ra âm thanh vang như sấm (ngày 22 tháng 4 năm Quý Tỵ) vỏ trứng tách ra xuất hiện hai vị đầu người thân rắn. Phụ lão trong làng thấy lạ kéo nhau đi xem. Hai vị thần cho biết vốn là Thủy Thần mà dân dân bấy lâu thờ phụng, một người tên Trung Vũ, một người tên Đài Liệu.

Hai vị thần được Sư bà nuôi dưỡng, khi tròn 7 tuổi, thiên tư càng ngày càng lộ rõ, học lực tinh thông, đọc Binh Thư mà trưởng thành võ lược. Một năm trời đại hạn, hai vị truyền dân làng lập đàn cầu âm dương đất trời sau đó lập tức trời đổ cơn mưa. Năm đó, dân làng được mùa, từ đó yên ổn làm ăn. 

Đặc biệt, trong Thần phả có ghi lại công lao to lớn của Sư bà Phương Dung và hai người con khi tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng góp phần giành lại độc lập dân tộc. Nghe lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng, Sư bà đồng tâm đứng lên trợ giúp nhà nước. Trung Vũ đứng lên triệu tập được mấy ngàn người trong làng, tập trung dưới trưởng được 25 trai tráng khỏe mạnh ở làng Yên Phú và cũng trong ngày hôm đó Thái Bà cùng hai ông cử binh lên đường, cờ giong trống mở âm vang đến ngàn dặm núi cao, một ngày đã đến nơi đóng quân của Trưng Nữ Vương. Trưng Nữ Vương vừa trông thấy hai ông văn võ toàn tài, toát lên vẻ thần lực bèn nói: “Người trời giáng sinh nơi trần thế ắt chẳng phải kẻ tầm thường?”. Bèn cho hai ông làm tướng chỉ huy bên tả hữu, phong mẹ nuôi là Phương Dung làm công chúa. 

Sư bà và hai người con tiếp tục nhận lệnh thẳng tiến đến doanh trại Tô Định. Đội quân chia thành 5 đạo cùng lúc tiến đánh. Quân Tô Định thua bỏ chạy, quân ta bắt được tướng giặc, thu phục được 65 thành về nước Nam. Trung Nữ lên ngôi Vua, ngày 18 tháng 5 mùa Hạ năm đó sứ giả đến Yên Phú tuyên chiếu mời mẹ con Thái Bà về triều để nhà vui mở tiệc mừng và phong thưởng ban cho mẹ con họ trở về hưởng lợi tức từ ấp Thanh Trì. 

Sự tích “hóa về trời”

Theo địa phương tương truyền, sau khi đất nước hòa bình, Hai Bà Trưng xưng vương, Thái Bà cùng hai con trở về quê hương Yên Phú. Sư Bà tiếp tục đời sống tu hành của một hành giả xuất gia mặt khác vẫn cùng hai người con tiếp nối xây dựng quê hương Yên Phú. Tương truyền, có năm vào tháng 7 Âm lịch trờ mưa to, nước tràn sông gây lũ lụt, hai ông Trung Vũ và Đài Liệu đã vươn người nổi nhau chặn nước để dân làng lấy đất ngăn lũ. Trong khi đào đất, một ông chẳng may bị một người san đất làm mất một đuôi. Vì vậy, từ đây mới có sự tích chàng dải, chàng cụt. Từ sự tích này mà dân làng Yên Phú không dùng từ cụt mà chỉ gọi là cộc.

Sư bà cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc, giữ nước.

Trong tài liệu điều dã tại địa phương Yên Phú, số ruộng đất mà Sư bà và hai người con nuôi được cấp là 300 mẫu. Số tượng này được chia cho mỗi gia đình của làng là 3 sào. Ngoài ra, còn dành để làm công điền. Sư bà và hai người con đã giúp dân làng cày cấy làm ăn, chăm lo cuộc sống.

Sau ba năm đất nước hòa bình, giặc phương Bắc tràn sang đánh chiếm nước ta. Một đội quân kéo đến Yên Phú phá hoại cửa nhà, tàn sát dân làng. Theo hướng dẫn của Sư bà và hai bị Trung Vũ, Đài Liệu nhiều dân làng bỏ trốn lánh được nạn nên tránh được nhiều thiệt hại mà giặc phương Bắc chủ trương. Khi quân giặc rút lui Sư bà cùng hai vị Trung Vũ, Đài Liệu trở về quê hương xây dựng lại nhà cửa, phục hồi sản xuất.

Tài liệu thu thập ở địa phương cho biết, giặc phương Bắc đến tàn pháp dân làng nhiều lần nhưng lần nào dân làng cũng đều kịp lánh nạn để sau đó tiếp tục phục dựng lại cuộc sống.

Sau ba năm đất nước hòa bình, giặc phương Bắc lại tràn sang đánh chiếm nước ta. Một đội quân kéo đến Yên Phú phá hoại nhà cửa, những mong tàn sát dân lành. Theo sự hướng dẫn của Sư bà và hai vị Trung Vũ, Đài Liệu, hầu hết dân làng bỏ trốn lánh nạn nên tránh được nhiều thiệt hại mà giặc phương Bắc chủ trương. Khi quân giặc rút lui Sư bà cùng hai vị Trung Vũ, Đài Liệu trở về quê xây dựng lại nhà cửa, phục hồi sản xuất. Tài liệu thu thập ở địa phương cho biết giặc phương Bắc không chỉ đến làng tàn phá một lần mà nhiều lần. Nhưng lần nào dân làng cũng kịp lánh nạn để rồi sau đó tiếp tục làm lại cuộc sống.

Sự tích “hóa về trời” của Sư bà Phương Dung được ghi lại trong bản Thần phả cho biết: Trung Vũ và Đài Liệu  cùng mẹ lên thuyền rồng trở về đến giữa sông Kim Ngưu thì thấy một đám mây vàng như dải lụa sà xuống thuyền rồng. Thấy vậy ba mẹ con vô cùng sợ hãy liền chạy lên đứng ở bãi đất đầu sông bên làng Yên Phú, bỗng chốc thấy đất trời tối sầm, mưa gió thổi lên rồi thấy Thái Bà (tức Sư bà Phương Dung), mình mặc áo gấm, ngồi trên liệu hoa cưỡi mây là đi, hai ông tự bay lên rồi lao xuống sông mất hút vào ngày 7 tháng 11.

Sau khi Sư bà cùng Trung Vũ và Đài Liệu “hóa về trời”, dân làng thương tiếc, thờ phụng.

Làng Yên Phú thờ phụng Sư bà Phương Dung

Sư bà Phương Dung, với công đức trong cuộc sống và sau khi qua cõi âm, không chỉ được thờ phụng tại chùa Yên Phú, mà còn được tôn vinh ở đình làng với danh hiệu Bản Cảnh Thành Hoàng và thậm chí được thờ tại chùa với tư cách Thánh Mẫu.

Làng Yên Phú thờ phụng.

Ở đình làng Yên Phú, hiện vẫn giữ 23 bảng sắc phong, trong đó có 18 sắc phong từ thời Lê Trung Hưng và 5 sắc phong từ thời Nguyễn. Bảng sắc phong sớm nhất là niên hiệu Dương Hòa (1639), muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924).

Với ba tôn vị quan trọng (Sư bà, Thánh Mẫu, Thần Thành Hoàng Làng), lễ hội hàng năm tại làng Yên Phú trở nên sôi động và thu hút không chỉ người dân trong làng mà còn Phật tử và người con nhang (Tam phủ, Tứ phủ) từ các vùng lân cận đến tham gia và chiêm bái. Trước đây, lễ hội thường kéo dài 6 ngày từ ngày 4 đến 9 tháng 11 theo lịch Âm lịch. Đám rước có hai kiệu bát cống nước đặc trưng cho thần Trung Vũ và Đài Liệu, sau đó là kiệu Võng Bà.

Đêm trước ngày lễ chính, có tiết mục hát chầu văn thỉnh Thánh Mẫu (Sư bà được tôn phong). Tài liệu địa phương cũng ghi chép rằng vào ngày chính lễ, từ thời Lê, Bộ Lễ thường cử người xuống tham dự.

Sư bà Phương Dung với đạo pháp 

Theo chia sẻ của Hòa Thượng Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa T.Ư Hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Yên Phú: “Sư bà Phương Dung là trụ trì đầu tiên tại chùa Yên Phú. Sư bà không chỉ là một vị sư tinh tấn trong tu hành nghiêm chỉnh giới luật, giữ gìn đạo hạnh, hoằng pháp, hóa độ chúng sinh mà còn là nhà tu hành gắn đạo với đời”. 

Qua cuốn Thần phả ghi chép rất rõ hành trạng của Sư bà Phương Dung khi đến tu hành tại chùa Yên Phú. Sau một năm tu hành, niệm Phật, Sư bà nhận Trung Vũ và Đài Liệu làm con nuôi. 

Sư bà Phương Dung với đạo pháp.

Trải qua 2000 năm lịch sử, Sư bà Phương Dung – Sư tổ của các vị sư Ni, người có công lớn trong việc hình thành nền Phật giáo sơ khai của Việt Nam và góp phần vào chiến thắng chống quân Đông Hán. 

Với những đóng góp của Sư bà Phương Dung trong quá trình xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam, ngày 26/8/2020, đồng chí Vũ Oanh – lão thành cách mạng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị đã gửi thư cho đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy (nay là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) đề nghị đặc biệt quan tâm, cho nghiên cứu để có thể công nhận Sư bà Phương Dung, một nữ tướng thời Hai Bà Trưng – được nhân dân thờ tại chùa Yên Phú và lập lăng mộ tại khu Đồng Lăng (cách chùa Yên Phú 300m), là danh nhân Phật giáo tiêu biểu của Thủ đô, đồng thời cho phép tiến hành xây dựng, tôn tạo lăng mộ Sư bà để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể di tích chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.

41 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Công tác từ thiện xã hội trong lòng Phật giáo

Đặc biệt 07/10/2024 10:44:03

Công tác từ thiện xã hội trong lòng Phật giáo

Đặc biệt 07-10-2024 10:44:03

Trải qua hàng chục năm kể từ khi thành lập, GHPGVN đã có nhiều hoạt động trong công tác từ thiện, an sinh xã hội, thể hiện rõ tinh thần ích đạo - lợi đời, đạo pháp đồng hành cùng dân tộc.
699 lượt xem 0 Bình luận

Hiểu rõ Thông tư 04 về quản lý tiền công đức

Đặc biệt 28/09/2024 11:08:13

Lan tỏa phong trào hiến tặng mô, tạng – Ý nghĩa cao cả và những rào cản còn tồn tại

Sự kiện 20/09/2024 13:46:58

Tầm vóc và ý nghĩa của việc thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện

Sự kiện 23/08/2024 14:24:55

Đâu là những điểm đặc biệt lưu ý trong Luật Đất đai 2024 liên quan đến đất tôn giáo?

Đặc biệt 14/08/2024 14:15:03