Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.12.2023

19/12/2023 09:56:08 765 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Khai mạc khóa tập huấn Hoằng pháp khu vực miền Trung – Tây Nguyên; Đại giới đàn Trúc Lâm Tam Tổ lần thứ XIII; Chuẩn bị cho khóa bồi dưỡng cư sĩ Phật tử dân tộc thiểu số.

Đà Nẵng: Khai mạc khoá tập huấn Hoằng pháp khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Sáng ngày 17.12, tại chùa Phúc Lâm, TP Đà Nẵng, Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội đã khai mạc Khóa tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp dành 350 chư Tôn đức Tăng Ni giảng sư Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Khoá tập huấn được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 17-19.12, với 3 nội dung chính gồm Kinh nghiệm Hoằng pháp, triển khai các văn kiện có liên quan đến đại hội IX – GHPGVN đã được tu chỉnh, các kỹ năng và công tác tổ chức pháp hội đạo tràng.

Ban tổ chức thỉnh chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, giảng sư có kinh nghiệm triển khai và chia sẽ những kinh nghiệm công tác hoằng pháp hiện nay, đáp ứng nhu cầu của đông đảo tín đồ Phật tử thời đại mới.

Dịp này vào tối ngày 17.12 đã diễn ra tọa đàm chủ đề “Hoằng pháp thời đại kỹ thuật số thuận lợi và thách thức” giới thiệu ứng dụng Hoằng pháp online để thuận tiện đăng tải video thuyết giảng và thuyết giảng trực tuyến.

Quảng Ninh: 160 Tăng Ni thọ giới tại Đại giới đàn Trúc Lâm Tam Tổ lần thứ XIII

Trong khi đó, sáng ngày 18.12, tại chùa Trình, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Đại giới đàn Trúc Lâm Tam Tổ lần thứ XIII.

Ban Tổ chức Đại giới đàn đã cung thỉnh HT. Thích Thanh Dũng – Phó Pháp chủ, Chánh Thư ký HĐCM, đương vi Đường đầu Hòa thượng đàn giới Tỳ-kheo và Sa-di; cung thỉnh Ni trưởng Thích Đàm Bản đương vi Đường đầu Hòa thượng các đàn giới Ni. Có 160 Tăng ni phát nguyện thọ giới lần này.

Trước đó, chiều ngày 17.12, Ban tổ chức đã khảo hạch giới tử để kiểm tra các tiêu chuẩn cần thiết cho việc được thụ giới gồm: Kinh, luật, Phật pháp căn bản, các nghi thức tụng niệm.

Đại giới đàn là Nghi thức truyền thống của Đạo Phật, là hình thức Yết Ma Tăng để trao truyền giới pháp cho các giới tử thụ giới theo đúng luật Phật chế. Sau khi được truyền giới, thụ giới đúng pháp, giới tử sẽ đắc giới và trở thành vị Như Lai sứ giả luôn nỗ lực tu học và hoằng truyền chính pháp lợi ích cho tự thân và tha nhân.

Chùa Yên Phú – 2000 năm vọng về

Ngày 17.12, chùa Yên Phú – Hà Nội đã trang nghiêm cử hành Lễ tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, lịch đại chư vị Tổ sư và kỷ niệm 2000 năm sư tổ Phương Dung khai sáng Thanh Vân cổ tự – chùa Yên Phú ngày nay.

Trong không khí trang nghiêm, chư tôn đức đã cung tuyên tiểu sử, hành trạng của Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN – Đại lão HT Thích Đức Nhuận. Đã 30 năm trôi qua, dù không còn hiện hữu, Đức Đệ nhất Pháp chủ vẫn luôn là cội bồ đề, tấm gương sáng cho hàng hậu học noi theo.

Ngay sau đó, chư tôn đức cắt băng khánh thành triển lãm “Đức đệ nhất Pháp chủ GHPGVN – Đại lão HT Thích Đức Nhuận – Cuộc đời và đạo nghiệp (1897 – 1993) và “Sư bà Phương Dung với Đạo pháp và Dân tộc”. Triển lãm với gần 250 tài liệu, hình ảnh khắc ghi công  trạng của các bậc tiền nhân với đạo pháp và dân tộc.

Dịp này, Ban Văn hóa TƯGH kết hợp chùa Yên Phú tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt: Chùa Yên Phú 2000 năm vọng về, gồm những tiết mục ca ngợi công lao của Sư bà Phương Dung và lịch sử, nét đẹp chùa Yên Phú; kỷ niệm 30 năm HT.Thích Thọ Lạc đảm nhiệm trụ trì chùa. Ban tổ chức cũng trao tặng 250 suất học bổng Khuyến học Sư tổ Phương Dung cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Chuẩn bị cho khoá bồi dưỡng cư sĩ Phật tử dân tộc thiểu số

Lần đầu tiên, khóa bồi dưỡng cư sĩ phật tử dân tộc thiểu số sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú thọ do Phân ban Đồng bào Dân tộc Thiểu số – Ban Hoằng pháp TƯGH phối hợp BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng của ngành hoằng pháp, vì vậy các công tác chuẩn bị đã được BTC sắp xếp chu đáo để sự kiện diễn ra thành công.

Nhiều ngày nay, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, Ban Tổ chức và các tiểu ban phụ trách gấp rút tiến hành công tác thiết trí, tuyên truyền. Cờ hoa, biểu ngữ được trang hoàng rực rỡ, mang đến không khí phấn khởi, rộn ràng, tươi vui. Để góp sức cho sự kiện, mỗi thành viên trong BTC đều nỗ lực, cố gắng hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tài liệu tập huấn, văn bản quy định cũng được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để mang đến cho đại biểu phật tử những thông tin hữu ích nhất. Song song với đó, công tác ẩm thực, lưu trú trong 4 ngày khoá học đã được lên kế hoạch kỹ càng, đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả, tạo dấu ấn tốt đẹp đến đại biểu tham dự.

Có thể nói, mọi chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng chào đón chư tôn đức, phật tử về tham dự Khóa bồi dưỡng. Với tâm huyết, chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tin tưởng rằng, Khóa bồi dưỡng cư sĩ phật tử dân tộc thiểu số năm 2023 sẽ diễn ra thành công, viên mãn.

Cụm tin Phật sự

Thời điểm này các Ban ngành tại địa phương bắt đầu tiến hành tổng kết hoạt động Phật sự năm qua nhằm đánh giá các thuận lợi, khó khăn và đề ra phương hướng cho năm mới. Ghi nhận tại TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp và Đắk Lắk.

Đồng Nai: Triển khai kế hoạch tổ chức Đại giới đàn Đạt Thanh

Sáng nay ngày 18.12 tại Đồng Nai, Thường trực BTS GHPGVN tỉnh đã họp triển khai kế hoạch tổ chức Đại giới đàn Đạt Thanh. Tại cuộc họp, chư Tôn đức đã nghe sơ lược các nội dung Đại giới đàn Đạt Thanh, đóng góp ý kiến cho công tác tổ chức. Được biết, Đại giới đàn Đạt Thanh diễn ra từ ngày 25 đến 28-4-2024 (17 đến 20-3-Giáp Thìn), tại chùa Tỉnh Hội, TP.Biên Hoà.

Trước đó, cũng tại Đồng Nai, Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh cũng vừa tổng kết công tác Phật sự năm 2023 và cho biết đã tích cực tham gia nhiều Phật sự của Giáo hội các cấp. Năm 2024, Ban sẽ tập trung truyền thông cho Đại giới đàn Đạt Thanh 2024; cấp mã id trang web Phật Giáo Đồng Nai; đào tạo nhân sự. Dịp này, nhân sự bổ sung của ban nhận quyết địnhvà ra mắt.

TP.HCM:Ban Giáo dục Phật giáo triển khai phương hướng Phật sự năm 2024

Tại TP.HCM, sáng nay ngày 18.2, Ban Giáo dục Phật giáo GHPGVN TP Tổng kết Phật sự năm 2023 và triển khai phương hướng năm 2024. Theo đó, Ban sẽ lập đề án xin mở trường nội trú Sơ Trung cấp Phật học TP.HCM (cơ sở 2) tại chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình); dự kiến tổ chức đợt giáo lưu 05 trường Đại học tại Đài Loan gồm: Tỉnh Giác Tăng Già, Phật Quang, Hoa Phạm, Pháp cổ Sơn và Phật học viện Viên Quang từ ngày 06-10.3.2024. 

Đồng Tháp: Tổng kết công tác Phật sự năm 2023

Trước đó tại Đồng Tháp, BTS GHPGVN huyện Lấp Vò đã tổng kết công tác phật sự năm 2023 với nhiều mặt hoạt động tích cực; đặc biệt đã huy động 6 tỷ đồng cho công tác TTXH. Toàn huyện hiện có tổng số 50 tự viện, 120 Tăng ni.

Đắk Lắk: Kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển GĐPT

Còn tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Phân ban GĐPT tỉnh Đăk Lăk đã kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển 1953 – 2023. Tiền thân của GĐPT Đăk Lăk là GDPT Hoàng Mai, ra đời năm 1953, sinh hoạt tại chùa Khải Đoan. Qua 70 năm, toàn tỉnh có 88 đơn vị GĐPT với 7000 Huynh Trưởng, đoàn sinh. Dịp này, BTS GHPGVN tỉnh đã trao bằng Tán dương công đức các đơn vị GĐPT cơ sở có nhiều thành tích và tặng 15 suất quà khuyến học đoàn sinh vượt khó.

Cụm tin từ thiện

Đắk Nông

Tại tỉnh Đắk Nông, GHPGVN tỉnh phối hợp với Hội từ thiện “Vòng tay nhân ái” đến từ TP Hồ Chí Minh bàn giao 3 công trình giếng nước khoan và hệ thống lấy nước cho 2 điểm trường mầm non tại huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song, với tổng kinh phí gần 150 triệu đồng. Qua đó kịp thời cung cấp nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho các em học sinh.

Tây Ninh

Còn tại tỉnh Tây Ninh, hôm qua 17-12, Hội từ thiện chùa Tường Nguyên (TP.HCM) tặng 230 phần quà đến bà con kiều bào Campuchia hồi hương tại xã Tân Thành, H.Tân Châu. Tặng phẩm gồm gạo, mì gói và nhu yếu phẩm, tiền mặt với tổng trị giá 138 triệu đồng.

Những cư sĩ Phật tử đồng bào nỗ lực vì đạo pháp

Tại các vùng đồng bào dân tộc, hình ảnh của người cư sĩ tại gia giữ vai trò quan trọng, là cầu nối giữa đạo với đời, đưa hình ảnh Phật giáo đi vào đời sống một cách gần gũi hơn. Hơn bao giờ hết, hàng cư sĩ phật tử tại gia được quan tâm và tham gia nhiều khóa bồi dưỡng để trở thành đội ngũ Hoằng pháp viên. Và Khóa bồi dưỡng cho các cư sĩ Phật tử dân tộc sắp diễn ra tại tỉnh Phú Thọ lần này chính là cơ hội để cư sĩ Phật tử – người dân tộc gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục truyền thống hộ trì Tam bảo, góp sức cho hoạt động ích đạo lợi đời.

Với niềm kính tín Tam Bảo, yêu mến Đạo phật, nhiều năm qua Phật tử Diệu Loan, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ luôn nỗ lực, gương mẫu, không ngừng trau dồi kiến thức phật pháp để có cuộc sống an lạc. Không chỉ tu cho bản thân, với cương vị là hội trưởng hội Phật tử, Phật tử Diệu Loan luôn nhận thức rõ trách nhiệm trong hộ trì tam bảo, tiếp sức chư tăng ni, chính vì thế, tất cả công việc Phật sự được giao, bà luôn dành hết sự nỗ lực hoàn thành và đặc biệt luôn tích cực hướng dẫn bạn bè tu theo đúng chánh pháp. Bởi bà hiểu rằng, tu không chỉ hoàn thiện bản thân mà còn là trách nhiệm lan tỏa, việc tu đạo, học đạo và gìn giữ đạo pháp.

Người cư sĩ phật tử không chỉ gương mẫu, trách nhiệm mà con là những thành viên rất quan trọng của Giáo hội. Cư sĩ phật tử Nguyễn Đình Vận, pháp danh Minh Tiến chính là một người như vậy. Huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ là địa bàn vùng sâu, vùng xa, trước đây, để Phật giáo đến với nơi này gặp nhiều khó khăn, thế nhưng, bằng sự tâm huyết, suốt hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Đình Vận đã miệt mài, cống hiến sức lực giúp cho phật giáo huyện ngày càng phát triển. Với vai trò là UV BTS GHPGVN tỉnh, Trưởng BTS GHPGVN huyện, những văn bản, công văn BTS, các thông tin về luật tín ngưỡng tôn giáo được ông Nguyễn Đình Vận triển khai, phổ biến đến từng Ban hộ tự của các tự viện. Chính sự sâu sát, tâm huyết của vị Trưởng ban đã giúp cho công tác phật sự tại huyện ngày càng khởi sắc.

Không chỉ giúp cho các hoạt động phật sự đi vào nề nếp, quy củ, công tác từ thiện nhân đạo cũng được ông Nguyễn Đình Vận đẩy mạnh. Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của cư sĩ, công tác từ thiện là một trong những điểm sáng của Phật giáo huyện Thanh Thủy, góp phần xây dựng huyện văn minh, giàu đẹp.

Đó là minh chứng rõ nét cho những đóng góp của cư sĩ Phật tử trong việc lưu truyền, gìn giữ mạng mạnh Phật pháp. Bởi Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi với nhiều huyện vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, số lượng tăng ni còn hạn chế. Chính vì vậy, để phật pháp đến gần hơn với bà con, chủ trương xây dựng lực lượng nòng cốt là cư sĩ chính là một trong những hoạt động được BTS GHPGVN tỉnh luôn chú trọng. Dù không có khả năng nghiên cứu Phật học thâm sâu, nhưng một số cư sĩ do tu hành tinh tấn hoặc đáp ứng được nhu cầu thiết thực của đời sống đã quy tụ được một số đông Phật tử qua công tác hộ niệm, ủy lạo, thiện nguyện…từ đó góp phần quan trọng vào việc gìn giữ tín đồ.

Đã có rất nhiều cư sĩ Phật tử dành nhiều tâm huyết miệt mài, âm thầm cống hiến hết mình cho đạo pháp, không quản ngại khó khăn để mang ánh sáng Phật pháp đến bà con cùng đồng bào ít người. Khóa bồi dưỡng cho các cư sĩ Phật tử dân tộc diễn ra tại tỉnh Phú Thọ lần này quy tụ gần 400 phật tử đến từ khu vực phía Bắc. Họ là những thành viên tiêu biểu, được tập huấn để tham gia vào đội ngũ Hoằng pháp viên, thọ nhận sứ mệnh thiêng liêng trong lan toả lời Phật dạy.

Không chỉ là dịp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoằng pháp, Khóa bồi dưỡng giúp cho các cư sĩ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thành công tại các địa phương. Từ đó, ngày càng phát triển sứ mệnh của hoằng pháp viên cư sĩ Phật tử.

Có thể thấy rằng, vai trò của cư sĩ Phật tử ngày càng quan trọng. Để đáp ứng nhu cầu hội nhập phát triển, cư sĩ Phật tử đã không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về đạo pháp, pháp luật và nắm bắt những thông tin truyền thông hàng ngày trong cuộc sống. Chắc chắn rằng, người cư sĩ có tri thức, có đạo đức, văn hóa, đó là gốc rễ, là chìa khóa để mở ra những thành công cho bản thân, gia đình và xã hội trên bước đường phụng sự nhân sinh và phục vụ đạo pháp.

Người cư sĩ Phật gắn bó với đồng bào

Là nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, do vậy công tác hoằng dương chính pháp được Chư tôn đức Tăng ni huyện A Lưới đẩy mạnh. Nhờ vậy mà nhiều Phật tử người dân tộc đã thay đổi, từ nhận thức, tư duy cho đến tinh thần học Phật. Phật tử Quảng Hà dân tộc Tà Ôi là một trong những ví dụ như vậy.

Bén duyên với Phật pháp từ sớm qua một vị cư sĩ Phật tử và những giáo lý của đức thế tôn được vị cư sĩ đó truyền lại đã giúp bà có những biến chuyển tích cực. Và người Phật tử già cũng luôn lan tỏa tình yêu với đạo Phật đến hàng xóm qua những buổi tu tập tại gia.

Trong thời đại công nghệ số 4.0 phát triển như hiện nay, các vị cư sĩ Phật tử cũng có những thay đổi trong công tác hoằng pháp để phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy mà bên cạnh các buổi tu tập, thì Phật tử Quảng Hà cũng khéo léo vận dụng công nghệ vào việc hoằng pháp giúp cho các bạn đồng tu dễ dàng tiếp cận và thọ nhận Phật pháp.

Nhờ những vị cư sĩ Phật tử người dân tộc với hạnh nguyện dấn thân nơi đại ngàn như bà Quảng Hà, mà bà con đồng bào có thể tự tụng kinh niệm Phật. Những buổi sinh hoạt, như cái nắng, cái gió của núi rừng, dần dần thấm sâu trong tâm trí của người đồng bào. Thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt, thế nhưng chẳng gì có thể làm chùn bước chân của bóng áo lam nơi núi rừng.

Hà Nội: CLB cựu chiến binh chùa Quán Sứ kỷ niệm 79 năm ngày thành lập QĐNDVN

Nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội Nhân Dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2023), CLB Cựu chiến binh Phật tử chùa Quán Sứ đã tổ chức buổi giao lưu, gặp mặt giữa những người lính từng tham gia kháng chiến.

Tại đây, các thành viên đã ôn lại quá trình hình thành và phát triển của CLB. Nhằm giúp những chiến sĩ sau thời gian cống hiến cho Tổ quốc, được tiếp tục phụng sự trí tuệ, sức lực cho Đạo pháp và Dân tộc, CLB Cựu chiến binh Phật tử do cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ khai sáng, được chư tôn đức trực tiếp hướng dẫn, định hướng để có nhiều hoạt động Phật sự thiết thực, tốt đạo đẹp đời, góp phần phát triển xã hội.

Ký ức “Hà Nội 12 ngày đêm” qua lời kể của các nhân chứng

Mặc dù chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ, thế nhưng ký ức về những năm tháng kiên cường, bất khuất vẫn luôn in đậm trong tâm trí của những người cựu chiến binh. Hơn 50 năm trôi qua, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn luôn là niềm tự hào cho bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, là bài học để thêm trân quý nền hòa bình, được đổi lấy bằng máu xương của biết bao thế hệ cha anh đi trước.

Những ngày tháng 12 lịch sử, Thượng tá Trần Hữu Tòng, cựu phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân dành nhiều thời gian tại góc làm việc quen thuộc, hồi tưởng lại những ký ức hào hùng của 12 ngày đêm Hà Nội kiên cường. Ngày 18.12.1972, khi Thượng tá cùng các đồng nghiệp đang ở tòa soạn, tất bật chuẩn bị cho những số báo Tết thì máy bay Mỹ tấn công ác liệt vào Thủ đô.

Trong 12 ngày đêm, riêng ở Hà Nội, đã 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên – khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.

Dẫu khó khăn, gian khổ, hy sinh; chiến dịch 12 ngày đêm đã hoàn toàn thắng lợi, khởi nguồn cho sự sụp đổ chế độ thực dân kiểu mới, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi lại đàm phán ở Hội nghị Pa-ri và ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị. Nhắc lại dấu mốc vàng son này không chỉ để những người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch tự hào về những thời khắc lịch sử thiêng liêng mà còn giúp mỗi thế hệ và người dân Việt Nam đều nhớ và biết ơn những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh để bảo vệ bầu trời miền Bắc, bảo vệ Tổ quốc.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 17.12.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

18 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Đoàn Đại biểu GHPGVN thăm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tin Phật sự 17/10/2024 12:14:07

Đoàn Đại biểu GHPGVN thăm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tin Phật sự 17-10-2024 12:14:07

Nhân dịp tham dự Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ 6 tại TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, chiều 16/10, đoàn Đại biểu GHPGVN do Thượng Tọa Thích Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Kinh tế Tài chính TƯGH làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.
570 lượt xem 0 Bình luận

Ni trưởng Huỳnh Liên – Hiện thân của Đạo pháp và Dân tộc

Tin tức 16/10/2024 16:06:58

Ni trưởng Huỳnh Liên – Hiện thân của Đạo pháp và Dân tộc

Tin tức 16-10-2024 16:06:58

Cả cuộc đời Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ là tấm gương sáng cho Ni giới soi chung khi là vị sư tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời huấn luyện chư Ni Khất sĩ hoạt động mạnh trong mọi lĩnh vực, từ thiện, kinh tế, tri thức, truyền bá giảng dạy…
1089 lượt xem 0 Bình luận

Đoàn đại biểu GHPGVN gửi thông điệp tại Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ 6

Tin Phật sự 16/10/2024 15:57:16

Đoàn thiện nguyện Truyền hình Bchannel – BTV9 và Tịnh Xá Ngọc Quy trao tặng 200 triệu đồng, tiếp sức bà con vùng lũ

Bồ Đề Tâm 08/10/2024 10:16:29

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ gặp lãnh đạo TP.HCM

Tin Phật sự 28/09/2024 08:51:53

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ gặp lãnh đạo TP.HCM

Tin Phật sự 28-09-2024 08:51:53

Chiều tối 27/9, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi tiếp Hòa thượng, GS.TS Phra Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) cùng phái đoàn ICDV, nhằm trao đổi và thống nhất các công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak LHQ vào năm 2025.
522 lượt xem 0 Bình luận