Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

29/12/2023 16:51:21 650 lượt xem

Tinh thần Thiền phái Trúc Lâm đã thấm sâu trong đời sống và trở thành giá trị văn hóa bền vững trước thời gian, là sợi dây kết nối, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhân tháng 11 âm lịch với 2 ngày lễ trọng, 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và 765 năm ngày Ngài đản sinh, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – Các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay”. Thông qua đó, nhiều báo cáo, tham luận cho thấy tư tưởng nhập thế do Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng đã để lại những dấu ấn sâu sắc và giá trị to lớn không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà cả trong đời sống xã hội.

Trong lịch sử Việt Nam, sự kiện Đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con để xuất gia và sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử được xem như là mặt nổi bật nhất của sự nghiệp văn hóa của Ngài. Điều quan trọng nhất là Thiền phái Trúc Lâm do một người Việt Nam sáng lập đã thể hiện tinh thần nhập thế mãnh liệt.

Bản thân Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, khi xuất gia vẫn quan tâm đến vận mệnh đất nước. Ngài chọn Yên Tử làm trung tâm của Giáo hội Trúc Lâm. Tại đây, trên đỉnh núi Yên Tử, cùng với việc tu chứng, Ngài có thể quan sát được sự động tĩnh của các cánh quân xâm lược từ phương Bắc xuống. Mặt khác, Ngài đi khắp thôn dã, khuyên dân bỏ hủ tục, mê tín và thực hành giáo lý Thập thiện.

Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông – bậc sư tổ với đạo hiệu Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà, đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm. Ngài đã đưa sơn môn Yên Tử thành trung tâm sinh hoạt Phật giáo, khai mở dòng Thiền mới “thuần Việt”. Tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Trúc Lâm là “cư trần lạc đạo”, “tức tâm tức Phật”, hành đạo giúp đời, đưa đạo đến đời, mọi giáo pháp đều xuất phát từ khuynh hướng “nhập thế”. Có thể nói, ngài là biểu tượng cho các khối đại đoàn kết toàn dân chống ngoại xâm và là người có nhiều biện pháp thu phục lòng người và nhiếp hoá đối phương nhằm đem đến những lợi ích to lớn cho dân tộc.

Có thể cho rằng, trong quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã đóng vai trò quan trọng, góp phần lớn trong việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Vai trò ấy được thể hiện thông qua tính dân tộc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, là một nền Phật giáo giải Ấn, giải Hoa, mang tính dân tộc, tính sáng tạo rõ nét, mà Tuệ Trung Thượng sĩ, có thể cần được nhìn nhận như là vị tổ mở đầu cho đặc tính mới của Phật giáo Việt Nam thời cận đại.

Dòng thiền này đã trải dài hơn 700 năm, thăng trầm, thịnh suy theo mỗi thời kỳ. Mặc dù có những giai đoạn được xem như quốc giáo, nhưng rồi lại có lúc lặng trầm như vắng bóng, mất nhiều thập kỷ thất truyền và gần như bị lãng quên. Cuối thế kỷ 20, nguồn thiền đất Việt được hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ khai thông, nối tiếp. Thiền phái trúc lâm không những được phục hưng mà còn phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam ngày nay, tinh thần, tư tưởng thiền phái Trúc Lâm ngày càng được lan tỏa sâu rộng thông qua hệ thống các tự viện. Từ đỉnh non Yên Tử cho đến vùng biên giới Cao Bằng với ngôi Trúc Lâm Bản Giốc hay xuôi về phía Nam là Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm Thiên Trường, Sùng Phúc, thiền viện Trúc Lâm phương Nam. Mỗi tự viện hằng năm đều diễn ra các sự kiện văn hoá quy tụ lòng người, không chỉ là chư Tăng, Phật tử mà còn có sự tham dự của đông đảo người dân.

Có thể nói, thiền phái Trúc Lâm ngày càng lan tỏa và đến gần hơn với đại đa số người dân qua các công tác từ thiện xã hội, ASXH và đặc biệt chú trọng tới thế hệ trẻ. Nhiều khóa tu, trại hè dành cho thanh, thiếu niên phật tử được tổ chức tại các Thiền viện. Các đạo tràng dành cho giới trẻ ngày càng phát triển, giúp cho đời sống tinh thần, đạo đức các em ngày được nâng lên rõ rệt. Có thể khẳng định, tinh thần Thiền phái Trúc Lâm đã kịp chuyển hóa, thấm sâu trong đời sống và trở thành giá trị văn hóa bền vững trước thời gian, là sợi dây kết nối, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Không chỉ trong nước, Phật giáo Trúc Lâm còn thuyết phục người châu Âu hiện đại ngày nay, giới trẻ châu Âu cũng đang tìm đến Đạo Phật ngày càng nhiều. Tuy nhiên Phật giáo Trúc Lâm không tránh khỏi những trở ngại, đặc biệt với thế hệ trẻ người Việt sinh ra, lớn lên và thụ hưởng nền văn hóa, giáo dục tại Hải ngoại.

Vì vậy để hướng tới giới trẻ châu Âu, thiền phái Trúc Lâm cần thay đổi cách thức truyền giảng giáo lý sinh động, hiện đại, dễ hiểu, pháp môn tu tập cũng phải đơn giản, dễ thực hành, thiết thực giúp giới trẻ có thể tháo gỡ những vướng mắc ngay trong cuộc sống thường nhật, giải tỏa lo âu, phiền muộn, căng thẳng.

Vẫn còn đâu đó những rào cản, nhưng không thể phủ nhận rằng, Thiền phái Trúc Lâm đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt. Hơn 700 năm “cư trần lạc đạo”, tư tưởng của dòng thiền tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt, tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị – văn hóa – xã hội, góp phần huy động sức mạnh đoàn kết trong suốt diễn trình phát triển của dân tộc Việt Nam..

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

20 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49

Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản

Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57