Rồng trong văn hóa Việt
Trong chuyên mục tiêu điểm đầu xuân năm mới, kính mời quý vị cùng bản tin An Viên tìm hiểu rõ hơn câu chuyện xoay quanh linh vật Rồng.
Trong văn hóa Việt, rồng vẫn được nhắc đến như biểu tượng của sự linh thiêng, sức mạnh và sự may mắn. Hơn thế nữa, rồng còn được coi là nguồn gốc dân tộc “Con rồng, cháu tiên”. Chính vì vậy rồng không chỉ xuất hiện qua những câu chuyện xưa, hay tại những di tích kiến trúc, mà còn là mong ước phát triển đất nước ở hiện tại và tương lai. Với những ý nghĩa đó, 2024 trở thành năm được mong đợi và tin tưởng sẽ mang đến nhiều điều may mắn và tốt đẹp. Trong chuyên mục tiêu điểm đầu xuân năm mới, kính mời quý vị cùng bản tin An Viên tìm hiểu rõ hơn câu chuyện xoay quanh linh vật này.
Rồng là con vật thiêng duy nhất không có thật trong 12 con giáp, linh vật đứng đầu bộ tứ linh – Long, ly, quy, phụng. Rồng xuất hiện hầu khắp tại các công trình kiến trúc từ cung đình đến đền chùa và cả trong nhà thường dân. Rồng biểu tượng cho vật tổ, vương quyền và cả thần quyền.
Rồng được coi là chúa tể cai quản vùng sông nước, linh vật gắn với nền văn minh lúa nước, ẩn chứa yếu tố Âm – Dương, Lửa – Nước… và từ bao đời luôn đồng hành với người Việt. Vì vậy Rồng Việt được cho là rồng nước, rồng từ các con sông như rồng sấu, rồng cá… Việc tích hợp các nguồn gốc, các luồng văn hoá với mong cầu mưu sinh đã tạo nên linh vật không có thật nhưng lại rất gần gũi với người dân.
Những hình tượng đầu tiên về rồng Việt Nam được thể hiện trên những đồ đồng của văn hóa Đông Sơn như trống đồng Ngọc Lũ, thạp Đào Thịnh… Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và mỹ thuật đều cho rằng hình tượng cá sấu cách điệu, hay hình giao long chính là nguồn gốc khởi thủy của hình tượng rồng Việt Nam.
Việc coi rồng là vật tổ còn được thể hiện qua tục xăm vẽ hình rồng lên cơ thể của người thời Hùng Vương với mong muốn được bảo vệ và không quên gốc tích. Truyền thống xăm mình này của người Việt còn kéo dài đến thời Trần.
Sau nghìn năm Bắc thuộc, chiến thắng Bạch Đằng năm- 938 đã mở đầu kỷ nguyên độc lập của dân tộc, tạo những tiền đề để đến thời Lý (thế kỷ 11) dân tộc ta bước vào giai đoạn phục hưng và phát triển. Trong bối cảnh phát triển toàn diện, hình tượng con rồng dần dần tích hợp những ý nghĩa mới. Đến lúc này, rồng không chỉ biểu hiện cho ước vọng mưa thuận gió hòa, sự quyền uy và sang trọng mà còn thể hiện khát vọng và tư thế vươn lên của một dân tộc, sự cao sang và uy quyền của bậc thiên tử.
Đến thời Lý, hình tượng rồng Việt đã hoàn thiện, thoát khỏi ảnh hưởng rồng phương bắc với dáng đầu ngẩng cao, thân uốn khúc hình sin, đặc trưng vận động của loài rắn, vây chạy dài suốt sống lưng. Rồng có 4 chân, mỗi chân đều có khuỷu; lông sau khuỷu dài và uốn lượn mềm mại.
Việc rời đô từ thế thủ là cố đô Hoa Lư để về với Thăng Long Hà Nội, nơi có thế rồng cuộn hổ ngồi đã tạo bản lề cho việc xây dựng vị thế đất nước. Cũng từ đó, hình tượng rồng thời Trần được tiếp tục kế thừa và phát triển.
Tương tự như rồng thời Lý, về hình dáng tổng thể rồng thời Trần, đầu ngẩng cao, miệng há rộng, lưỡi dài và vươn lên để hứng ngọc báu. Răng nhọn, sắc như răng thú, hai răng cuối của hàm trên biến thành răng nanh mọc dài ra, uốn cong và vắt qua mép trên. Thân vẫn uốn khúc mềm mại nhưng to khoẻ hơn, mang khí phách oai hùng sau 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Đặc biệt, một số hình rồng thời Trần đã xuất hiện sừng như sừng hươu.
Có thể thấy, tạo tác rồng qua các thời kỳ cũng thể hiện sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá, mỹ thuật giai đoạn đó. Vì thế đến thời vua Minh Mạng, vị vua thứ 2 nhà Nguyễn xưng đế với tên gọi Đại Nam, khi cương thổ đất nước phát triển rộng lớn trên cả đất liền và hải đảo, thì rồng cũng được tạo hình đặc biệt với mặt luôn ở vị trí trung tâm, mũi to, mõm ngắn, bờm uốn lượn từng dải liền nhau, râu thường uốn cong xoắn ốc, thân mảnh, đuôi xoáy, và yếu tố ngũ hành được thể hiện rõ.
Với mong muốn mang di sản đến đương đại, góp phần quảng bá, giới thiệu đến đông đảo bà con, Phật tử, nhiều năm qua, chư tôn đức tăng ni chú trọng việc phục dựng, cải tạo, xây mới tự viện vẫn đảm bảo kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Chính vì vậy, các hình tượng rồng cũng được nghiên cứu, cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng, sao cho phù hợp với cảnh quan, lịch sử vùng đất cũng như ngôi chùa.
Vượt qua cánh cửa quá khứ, rồng còn trở thành nguồn cảm hứng cho cả những người trẻ thời đại hội nhập. Họ không chỉ thường xuyên đến những di tích để được ngắm nhìn, chạm vào lịch sử, mà còn bỏ nhiều công sức để nghiên cứu, tìm hiểu nhằm đưa các hoa văn cổ đến công chúng bài bản hơn.
Như vậy có thể thấy, linh vật bí ẩn này không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ người Việt, mà còn là thông điệp lịch sử thể hiện sự phát triển của đất nước qua từng giai đoạn.
Chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, hy vọng biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, của sự giao hòa, tương sinh, tương hợp “âm dương ngũ hành”, của sự sống và sinh sôi sẽ mang đến mưa thuận gió hoà, kinh tế phát triển, đưa đất nước bước vào vận hội mới sánh vai với các cường quốc năm Châu.
Tin liên quan
GHPGVN triển khai dự án lắp đặt tivi tại các chùa, cơ sở Tự viện
Tin tức 19/11/2024 10:58:02
GHPGVN triển khai dự án lắp đặt tivi tại các chùa, cơ sở Tự viện
Tin tức 19-11-2024 10:58:02
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17-11-2024 18:18:23
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12-11-2024 14:14:49
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07-11-2024 11:48:06
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23-10-2024 15:22:49
21 lượt thích 0 bình luận