Kim Cương Thừa trong văn hoá Phật giáo Việt Nam
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, một bộ phận người trẻ và trung niên thể sự quan tâm, tu tập và trải nghiệm theo Mật giáo, cụ thể hơn là Kim Cương thừa. Vậy Mật giáo Kim Cương Thừa là gì và có vai trò thế nào trong dòng chảy văn hóa Việt. Kính mời quý vị cùng tìm hiểu trong chuyên mục tiêu điểm của bản tin ngày hôm nay.
Mật giáo là từ dùng để gọi pháp môn bắt nguồn từ sự kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa nhưng trường phái này lấy thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính chất mật truyền. Vốn dĩ từ thời đức Phật, mật tông đã xuất hiện nhưng giai đoạn đó, yếu tố thiền và tịnh vẫn nổi bật hơn cả. Phải sau khi đức Phật nhập diệt, một số đệ tử của ngài biết nhiều thần thông mới phát triển hệ thống lý thuyết cho trường phái này. Vì lý do đó mà Mật tông thuộc dòng Phật giáo phát triển tức Bắc Tông.
Tuy nhiên, do có nhiều sự khác biệt trong phương pháp tu tập với Thiền – Tịnh nên Mật giáo đã tách ra thành một Tông phái riêng hay còn gọi là Kim Cương Thừa. Dẫu vậy, cũng giống như tiểu thừa và đại thừa, kim cang thừa chỉ là danh từ, những giai đoạn, trình độ hay phương tiện mà thôi chứ cả 3 con đường hoàn toàn không có gì sai khác.
Từ những tư liệu lịch sử, có thể khẳng định Kim Cương Thừa hay Mật Tông đã du nhập vào Việt Nam rất sớm, vào khoảng thế kỷ thứ 6 sau Tây lịch với sự xuất hiện của Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tuy được tôn vinh chính thức như là vị Tổ sư khai sáng dòng Thiền đầu tiên của Việt Nam, nhưng lại là người đầu tiên phiên dịch một bộ kinh liên quan đến Mật giáo đầu tiên ở nước ta, kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì. Hay như cột kinh đỉnh tôn thắng Đà La Ni – bản kinh phổ biến của Kim Cương thừa được xây dựng từ thời Lê Đại Hành. Dù có chiều dài phát triển như vậy nhưng theo các học giả, Mật tông vẫn hiện diện có phần khiêm tốn trong dòng chảy lịch sử.
Khiêm tốn là bởi tương tự như Thiền tông hay Tịnh Độ, hình thái Phật giáo này chưa bao giờ trở thành như một tông phái độc lập. Thay vào đó, thiền – tịnh – mật luôn là sự kết hợp và cũng là nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, trong khi ở Trung Hoa, Nhật Bản hay ở một vài nước khác, các dòng Phật giáo: Tịnh Độ Tông, Mật Tông hay Thiền Tông là những tông phái Phật giáo độc lập và có quan hệ đồng đẳng.
Không nổi bật hẳn như thiền hay tịnh nhưng Chất Mật giáo lại chiếm một tỉ lệ rất lớn trong nghi lễ Phật giáo. Trong nghi thức tụng niệm hằng ngày của các chùa hiện nay, phần thần chú chiếm tỉ lệ khoảng 1/3, còn trong khoa nghi Du già, như Chẩn tế, Bạt độ giải oan, tỉ lệ Mật chú còn lớn hơn rất nhiều, chưa kể những hành giả thực hiện các khoa nghi này hầu như là hành trì Mật giáo như tay bắt ấn, hoạ phù và miệng trì chú.
Mãi cho đến những năm cuối thế kỷ 20, khi đất nước mở rộng bang giao quốc tế, nhiều vị Tăng Việt Nam đã có cơ duyên đến các nước như Ấn Độ, Bhutan cầu pháp Mật Tông Tây Tạng, chẳng hạn như cố Hòa thượng.Thích Viên Thành, Thượng tọa.Thích Minh Hiền hay Đại đức.Thích Trí Không. Trong đó, HT.Thích Viên Thành là người được truyền thừa từ dòng Drukpa, Bhutan. Và có thể xem, chùa Hương là tự viện đầu tiên làm cầu nối cho Tạng Mật du nhập vào Việt Nam.
Từ sự nỗ lực của chư tôn đức, nhiều cộng đồng Phật tử đã hành trì, tu tập theo pháp môn Kim Cương Thừa. Tại đây, ngoài những bài chú hay cách thủ ấn vốn là nét đặc trưng của Mật Tông, người hành giả cũng sử dụng nhiều pháp khí như chuông, trống, mõ, ốc hay kèn để trợ giúp việc tu tập, quán tưởng mỗi ngày.
Do chịu ảnh hưởng của các luồng thông tin trên không gian mạng, nhiều người mới tu cho rằng Kim Cương Thừa hay Mật Tông với các câu chú hay pháp khí trợ giúp sẽ khiến việc tu tập nhanh chóng có thành tựu. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi theo kinh Trung Bộ và Trường Bộ, con đường duy nhất đến sự giác ngộ là Bát chánh đạo và Tứ niệm xứ thông qua thực hành đạo đức, thiền định và trí tuệ. Do vậy, người hành giả tu tập theo Kim Cương Thừa cần có 1 vị cao Tăng thạc đức để dẫn dắt, hành trì theo đúng pháp môn.
Dù mới có sự phát triển trở lại nhưng Kim Cương Thừa đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân và Phật tử. Như ở pháp hội Monlam Chenmo do chư tôn đức Phật giáo Bhutan chủ trì mỗi dịp đầu năm tại chùa Đống Cao, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, qua 4 lần tổ chức, sự kiện đã thu hút hàng nghìn Phật tử tham dự, tìm hiểu nét mới mẻ của Phật giáo trên dãy Himalaya.
Trong quá trình tu tập, chư Tăng Ni, Phật tử nào cũng từng đọc qua hay trì tụng minh chú của Mật Tông. Và dù có những nét riêng biệt nhưng trăm sông đều chảy về 1 biển, Kim Cương Thừa cùng những pháp môn khác như Thiền Tông, Tịnh Độ Tông đều giúp mỗi người tìm đến sự giác ngộ, giải thoát. Bởi thế, dù hành trì theo Mật Tông hay Tam Tông Quy Nhất thì mỗi hành giả cũng đều đạt được sự lợi lạc, an vui mỗi ngày.
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17-11-2024 18:18:23
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12-11-2024 14:14:49
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07-11-2024 11:48:06
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23-10-2024 15:22:49
Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản
Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57
Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản
Tin Phật sự 19-10-2024 21:05:57
22 lượt thích 0 bình luận