Bản tin Bchannel – An Viên 24H 06.04.2024

08/04/2024 09:36:13 1734 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 05.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tưởng niệm 10 năm cố Đại lão HT. Thích Trí Tịnh viên tịch;

TP.HCM: Tưởng niệm 10 năm cố Đại lão HT. Thích Trí Tịnh viên tịch

Sáng 6/4, Lễ tưởng niệm 10 năm ngày viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhất Phó Pháp chủ, Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã được trang nghiêm cử hành chùa Vạn Đức, TP HCM.

Tại chùa Vạn Đức, đối trước hương án tôn trí di ảnh cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh – đệ nhất Phó Pháp chủ, Chủ tịch HĐTS, Đức đệ tứ Pháp chủ – đại lão HT.Thích Trí Quảng cùng chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS và chư Tăng Ni môn đồ Pháp quyến lắng lòng tưởng niệm ân đức vị giáo phẩm khả kính. Ngay sau đó, Ban Kinh sư đã cử hành nghi thức chúc tán, cung tiến Giác linh theo truyền thống Phật giáo miền Nam.

Dịp này, với những công hạnh cao dày và đóng góp lớn lao trong việc xây dựng, xiển dương pháp môn Tịnh độ tại Việt Nam, Đức đệ Tứ Pháp chủ cùng toàn thể chư tôn giáo phẩm đã nhất trí suy tôn cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh là Tổ sư của Tịnh độ Việt Nam.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Ngài là bậc cao Tăng với phẩm hạnh và sở học uyên thâm, một hành giả Tịnh độ mẫu mực, nhà lãnh đạo, bậc thầy trong lĩnh vực giáo dục của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, làm khuôn mẫu để Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nhiều thế hệ kính ngưỡng, noi theo.

* Trước đó, chiều ngày 05/04, đoàn chư tôn giáo phẩm Hội đồng Trị sự do Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS làm trưởng đoàn cũng đã đến chùa Vạn Đức niêm hương tưởng niệm 10 năm ngày viên tịch của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Đoàn đồng tụng Tứ hoằng thệ nguyện, truy tán công hạnh vị Cao tăng đã đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng và phát triển GHPGVN.

Cố đại lão HT.Thích Trí Tịnh được biết đến là một đại dịch giả đã để lại nhiều bản dịch kinh điển, các tác phẩm trong đó có Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam được nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam tụng đọc, nghiên cứu, tham học.

Đắk Nông: Triển khai kế hoạch Phật đản và An cư kiết hạ PL.2568

Tại phiên họp, chư tôn đức đã báo cáo các Phật sự 3 tháng đầu năm 2024, nổi bật là công tác từ thiện xã hội và tổ chức các khóa tu cho bà con vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, BTS thảo luận kế hoạch Phật đản và ACKH Pl.2568 dựa theo tinh thần thông bạch của HĐTS. Lễ đài Phật đản chính đặt tại chùa Pháp Hoa; đồng thời, trong tuần Đại lễ, Phật giáo các huyện thị phát động trang trí Phật đản tại tư gia, thuyết giảng, từ thiện xã hội cũng như tổ chức lễ tắm Phật.

Phú Yên: Ký kết giao ước thi đua các tổ chức tôn giáo

Chiều 5/4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các tôn giáo quý I/2024. Tại đây, 60 đại biểu đại diện các tổ chức tôn giáo đã ký kết giao ước thi đua năm 2024.

Giao ước thi đua gồm nhiều nội dung như: vận động đồng bào có đạo thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật và Luật Tín ngưỡng tôn giáo; động viên bà con tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, tốt đời đẹp đạo; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động do ủy ban MTTQ các cấp và địa phương phát động. Dịp này, chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh cùng quý chức sắc, chức việc đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng; thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự phối hợp giữa các tôn giáo với chính quyền địa phương.

Cụm tin chúc Tết Chôl Chnăm Thmây

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2024, các tỉnh, thành nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã tổ chức các đoàn công tác tới thăm, chúc Tết các chùa, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng. Ghi nhận tại Kiên Giang và Trà Vinh.

Tại Kiên Giang, đoàn Lãnh đạo tỉnh và các lực lượng vũ trang do ông Mai Văn Huỳnh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, CT HĐND tỉnh dẫn đầu đã đến thăm, chúc Tết các chùa, chư tôn đức và một số gia đình chính sách dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Kiên Lương. Tại mỗi điểm đến, đoàn đã ân cần thăm hỏi sức khoẻ, tặng quà và chúc chư tôn đức, người có uy tín và đồng bào phật tử đón Tết cổ truyền vui tươi, an lành; tiếp tục lao động, sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần xây dựng quê hương hưng thịnh.

Trong khi đó, tỉnh uỷ Trà Vinh vừa tổ chức buổi họp mặt mừng Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2024. Sau khi nghe Thư chúc mừng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Tỉnh ủy cùng các ban ngành chúc các vị chư tăng và đồng bào Khmer nhiều sức khỏe, đón Tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc, góp sức xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp.

Cùng ngày, bà Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã thăm, tặng quà đến người có uy tín trong đồng bào Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Bà Nông Thị Hà mong muốn người có uy tín tiếp tục là những tấm gương sáng cùng bà con vươn lên thoát nghèo bền vững. Dịp này, đoàn tặng 30 phần quà đến người có uy tín và gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể đồng bào Khmer.

Cụm tin từ thiện

Sáng nay ngày 06-04-2024, chùa Giác Ngộ (quận 10, TP. HCM) phối hợp cùng với bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức chương trình Hiến máu nhân đạo lần thứ 91 thu hút 450 tình nguyện viên tham gia, nhận về 400 đơn vị máu, góp phần mang lại niềm hạnh phúc cho bệnh nhân.

Trước đó, ngày 5/4/2024, Phân Ban Hoằng pháp Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị trao 240 suất quà gồm: Gạo, mì và nhu yếu phẩm tới bà con đồng bào tại xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong. Việc làm ý nghĩa giúp động viên bà con vươn lên trong cuộc sống.

Quán chay 0 đồng tại Đà Nẵng

Giữa lòng TP.Đà Nẵng nhộn nhịp có một bếp chay miễn phí luôn đỏ lửa. Không kể nắng mưa, tình nguyện viên có mặt ở quán thật sớm, cùng nhau chuẩn bị những phần cơm dành tặng người khuyết tật, người già, trẻ em và người lao động nghèo.  Họ là những người con Phật mang trái tim từ bi để lan tỏa yêu thương, giúp đỡ cộng đồng.

Như nhiều lao động tự do khác, người phụ nữ này xa quê vào TP. Đà Nẵng làm nghề bán vé số đã lâu. Vô tình biết đến quán chay 0 đồng trên đường Nguyễn Phong Sắc, Quận Cẩm Lệ, bà được các trẻ nhiệt tình mời vào quán thưởng thức cơm chay 0 đồng. Kể từ đó, nơi đây đã trở thành điểm tựa nhân ái cho những người có hoàn cảnh như bà.

Kể từ khi thành lập đến nay, quán luôn tấp nập khách và hầu hết họ đều là những vị khách rất đặc biệt. Bởi đa phần đều là lao động tự do như bán vé số, thu lượm ve chai, chạy xe ôm hoặc đang bị thất nghiệp. Họ đến với quán ăn này rất bất ngờ và càng bất ngờ hơn khi đồ ăn thức uống ở đây hoàn toàn miễn phí. Đây chính là mô hình quán chay 0 đồng được mở từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần do nhóm phật tử thiện nguyện Đặng Quốc Thịnh cùng các thành viên tâm huyết lập nên với mong muốn gieo duyên những món ăn chay thơm ngon, bổ dưỡng tới tất cả mọi người.

Là một người phật tử, với hi vọng gieo duyên tới cộng đồng, anh Thịnh cùng nhóm thành viên luôn tích cực lan tỏa các hoạt động thiện nguyện, kêu gọi sự ủng hộ, rau, củ quả từ các mạnh thường quân, cũng như tranh thủ thời gian mỗi ngày để cùng chế biến những món ăn, duy trì hoạt động của quán chay 0 đồng. Từ đó, ngày càng đáp ứng nhiều hơn những bữa ăn miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn tại TP. Đà Nẵng.

Bản tin Focus: Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam và hành trình viết tiếp hoài bão của Đại lão HT.Thích Trí Tịnh

Ngày 28/2 âm lịch, đúng tròn 10 năm ngày cố đại lão HT.Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch HĐTS GHPGVN viên tịch. Bản tin An Viên 24h xin thành kính tưởng niệm, cũng như tri ân công đức cao dày của Ngài vì những đóng góp to lớn cho công cuộc chấn hưng, thống nhất, hòa hợp Phật giáo, và đặt nền móng cho việc biên phiên dịch đại tạng Bắc truyền. Hoài bão của ngài không chỉ là truyền cảm hứng đến thế hệ hậu học, mà còn là ngọn đèn dẫn lối để Chư tôn đức tăng ni quyết tâm hoàn thành bộ Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ 2000 năm trước. Và trong thời kỳ Lý Trần, khi Phật giáo phát triển rực rỡ, Tôn giả Pháp Loa và Thiền sư Bảo Sái đã phụng chiếu Vua Trần Anh Tông đảm trách công trình cấp quốc gia là tiếp nhận và khắc gỗ Đại tạng kinh. Nhưng việc biên phiên dịch Đại tạng kinh sang tiếng Việt chỉ thực sự khởi sắc trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo giữa thế kỷ thứ XX. Tiêu biểu là cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh với việc phiên dịch Đại tạng Bắc truyền.

Ngài bắt đầu dịch kinh năm 30 tuổi, với bộ Kinh Pháp Hoa tại chùa Kim Huế. Sau đó ngài dịch tiếp các bộ Kinh Tam Bảo, Địa Tạng, phẩm Phổ Hiền, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Đại Bát Nhã, Phạm Võng và Đại Bửu Tích.

Dù Cố Đại lão hoà thượng Thích Trí Tịnh viên tịch khi việc biên phiên dịch Tam Tạng Thánh Điển còn chưa hoàn thành nhưng với giá trị đã tạo dựng, cũng như sự nhiệt huyết, trách nhiệm với Phật giáo nước nhà mà đã Ngài truyền trao thì ngày 28/5/2020, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam đã ấn ký, thành lập Trung tâm Dịch Thuật Trí Tịnh. Đây là bước khởi đầu nhưng thể hiện quyết tâm vô cùng mạnh mẽ của chư tôn đức trong việc tiếp nối, phát huy và hoàn thành hoài bão của bậc tôn túc đi trước.

Nếu như trước năm 1975, chư tôn đức tiền bối có học vị tiến sĩ đi tu học ở nước ngoài về chỉ vỏn vẹn chưa đến 20 vị, thì ngày nay, với sự phát triển của giáo hội, sự đầu tư cho đào tạo mà con số này đã tăng gấp nhiều lần. Đây cũng là nguồn nhân lực trọng yếu, góp phần thúc đẩy việc biên dịch Tam Tạng Thánh Điển Việt vừa nhanh, sát nghĩa, vừa thấm nhuần phương pháp, tư tưởng của Cố Đại lão Hòa thượng để mỗi bản kinh không chỉ truyền tải đúng lời Phật dạy, mà còn thuần Việt, dễ đọc, dễ nhớ.

Tính đến nay, Trung tâm phiên dịch Trí Tịnh đã dịch hoàn thiện nhiều bộ kinh như: Kinh A Hàm, Kinh Đại Bát Niết Bàn…. Đây đều là những bộ kinh đã được cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh dịch một số phần. Như với Kinh Đại Bát Niết Bàn, nếu trước kia Ngài mới chỉ hoàn thành Bắc bản số 0374 thì nay, sau 2 năm, theo chỉ đạo của Viện Nghiên cứu Phật học, kinh đã hoàn thiện đầy đủ từ số 0375 đến 0396.

Việc dịch kinh tạng xưa nay vốn là việc vô cùng khó, không chỉ bởi môi trường làm việc đơn lẻ mà còn bởi có nhiều bản dịch mang đặc thù và văn phong khác nhau. Đặc biệt với những bản biệt dịch, thì việc tra từ, so sánh trên các bản kinh tiếng Pali, tiếng Hán để tìm ngữ nghĩa phù hợp, chính xác đòi hỏi dịch giả mất nhiều công sức và phải có nền tảng về học thuật, lịch sử, văn hoá, văn học và kỹ năng nhuần nhuyễn.

Dù phải 10-15 năm nữa, Phật giáo Việt Nam mới có bộ Đại tạng kinh Phật giáo hoàn chỉnh bằng tiếng Việt. Tuy nhiên đến nay, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã cho ra mắt nhiều tác phẩm gồm kinh tạng Thượng tọa bộ, luật tạng Theravada và kinh A Hàm. Đây là một nỗ lực lớn của chư tôn đức, quý học giả cộng tác để kiến tạo công trình đầy ý nghĩa của Phật giáo VN.

Tam Tạng là ba phần cốt tủy của kinh sách đạo Phật, truyền lại trọn lời dạy của đức Thế Tôn trong 45 năm truyền đạo, thuyết pháp độ sinh. Vì vậy khi được hoàn thành, công trình giúp mỗi người có thể tự tiếp cận dễ dàng với kinh, luật, luận, hiểu đúng lời Phật dạy. Do đó, đây là việc tối quan trọng, góp phần thiết thực vào sự phát triển Phật giáo Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, Cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh không chỉ thành công trong việc xây dựng nền móng cho công tác biên phiên dịch Tam Tạng, mà việc làm và hoài bão của ngài còn truyền động lực mạnh mẽ đến các thế hệ sau.  Với sự quyết tâm, lòng đoàn kết và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hậu thế hoàn toàn có thể tin tưởng Bộ Tam Tạng Thánh Điển Việt Nam sẽ sớm hoàn thành, tạo nên dấu ấn quan trọng trong lịch sự phát triển của Phật giáo Việt.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 06.04.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

19 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

GHPGVN triển khai dự án lắp đặt tivi tại các chùa, cơ sở Tự viện

Tin tức 19/11/2024 10:58:02

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49