Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Hội Hạ
Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Quan Âm lưu truyền và phát triển rộng trong dân gian. Đức Quan Âm thường được dân gian xưng tụng là “mẹ hiền Quán Thế Âm”. Ở nhiều địa phương, chúng dân cũng thường gọi các pho tượng Quan âm là Phật bà Quan Âm. Pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ được dân địa phương gọi là Phật bà Quan Âm nhiều tay.
Chùa Hội Hạ và pho tượng Quan Âm
Ngôi chùa có tên chữ là Động Lâm tự, thường được gọi là chùa Hạ, tọa lạc tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Pho tượng Quan Âm trong chùa có kích thước lớn; tổng thể pho tượng cao 314 cm, nặng khoảng 3 tấn, là một trong những pho tượng Quan Âm Bồ tát bằng gỗ lớn nhất và đẹp nhất của loại hình tượng Quan Âm Diệu Thiện ở Việt Nam. Pho tượng được đặt ở vị trí cao nhất nơi Phật điện.
Quan Âm (cách gọi khác của Quan Thế Âm Bồ tát) là vị Bồ tát đại từ đại bi, có thể hiện ra được 33 hóa thân, cứu 12 loại đại nạn, tôn hiệu là “Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát”, gọi tắt là “Đại Bi”. Tín ngưỡng thờ Quan Âm bắt đầu từ Ấn Độ, Tây Vực, sau được truyền đến Trung Quốc, Nhật Bản… và Việt Nam. Vì lòng từ bi cứu khổ cứu nạn chúng sinh, ngài tùy cơ hóa hiện. Ban đầu, Quan Âm được tôn tượng theo hình tướng nam giới. Sau khi đạo Phật được du nhập và phát triển ở các nước viễn Đông, Quan Âm được chuyển hóa và tôn tượng theo hình tướng nữ giới.
Dựa trên hình tượng nghệ thuật, kinh điển và truyền thuyết về Quan Âm lưu truyền ở Việt Nam, có thể thấy pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ thể hiện ứng thân của Nam Hải Quan Âm, cũng thường được biết đến với tên gọi Diệu Thiện, hay bà chúa Ba Quan Âm. Kinh truyện về đức Quan Âm Diệu Thiện có nhiều dị bản, nội dung cơ bản đều kể việc: Đức Phật bà vốn là con gái của vua Diệu Trang (Diệu Trang vương), có nhan sắc và mộ Phật. Bà đã từ bỏ vinh hoa phú quý, một lòng phát nguyện từ bi cứu độ chúng sinh, vượt mọi chướng ngại để tu hành đắc đạo.
Những năm đầu thập niên 1960, TK XX, chùa Hội Hạ bị hư hỏng nhiều, lại không có sư trụ trì. Một số pho tượng và văn bia trong chùa, trong đó có pho tượng Quan Âm, không được quan tâm bảo quản kịp thời nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Ở nhiều vị trí trên pho tượng Quan Âm, gỗ đã bị tiêu tâm (mất lõi), chỉ còn lớp vỏ sơn, một số cánh tay tượng đã bị rời ra, được xếp tạm quanh tòa sen. Biết được tình trạng của chùa Hội Hạ và sự xuống cấp đáng báo động của pho tượng Quan Âm ở đây, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1922-1977), khi đó đang là Viện trưởng Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ, phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã ngay lập tức liên hệ với địa phương và thực hiện những thủ tục cần thiết, đưa pho tượng về hệ thống sưu tập ban đầu của Bảo tàng.
Một nhóm cán bộ phục chế của bảo tàng, gồm kỹ sư bảo quản, thợ mộc, thợ sơn giỏi, áp dụng nhiều sáng kiến phục chế trên cơ sở kết hợp phương pháp cổ truyền và hiện đại để lấp đầy những phần gỗ mục ruỗng, chống mối mọt… Để giữ nguyên được mầu sắc của pho tượng, cán bộ phục chế chỉ dán ép những mảng sơn cũ đã bị bong vênh mà không sơn thếp lại toàn bộ tượng. Công việc tu sửa phục chế kéo dài cả năm.
Nghệ thuật tạc tượng
Pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ được cho là mang phong cách nghệ thuật thời Mạc. Pho tượng có kết cấu chia làm hai phần chính: Phần thân tượng và phần bệ tượng.
Phần thân tượng thể hiện hình ảnh đức Quan Âm 42 tay. Đức Quan Âm 42 tay chính là sự hiện hình thiên thủ thiên nhãn (nghìn tay, nhìn mắt). Đầu đội mũ thiên quan, gương mặt đức Quan Âm tròn đầy, phúc hậu mà vẫn mang nét thanh tú. Trong số 42 tay, đôi tay chính chắp trước ngực ở thế liên hoa hợp chưởng, hai tay đặt dưới lòng kết thủ ấn Thượng phẩm thượng sinh. Mỗi bên vai có 19 cánh tay, tỏa sang hai bên, xòe mở. Những bắp tay căng tròn, những ngón tay mềm mại, mũm mĩm, duyên dáng. Các tay tượng đều cầm pháp khí hoặc kết ấn. Có thể nhận thấy một số pháp khí trên tay đức Quan Âm, như sổ châu, nguyệt tinh ma ni, ngũ sắc vân, bảo khiếp, bảo bát, cô lâu (trượng thủ), bảo kiếm,… Nhiều pháp khí đến nay không còn nhưng vẫn có thể bổ sung khi đối chiếu với Tứ thập nhị thủ nhãn đồ của chú Đại Bi.
Phần bệ tượng được chia làm đôi: Phía trên có Long thần đội tòa sen, Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ đứng trên đài sen trồi lên từ mặt bể; phía dưới là bệ lục giác, mặt trên bệ lục giác thể hiện “biển Nam Hải”. Bệ lục giác giật cấp 3 tầng với nhiều lớp trang trí, thể hiện những hình ảnh hoa cỏ, động vật vừa có trong thế giới thực vừa như chỉ có ở thế giới nhà Phật: rồng, cá hóa rồng, kỳ lân, sư tử, chim cánh vàng (garuđa), hoa sen, mây lành… Tất cả đều được tạo tác vô cùng đẹp đẽ, sinh động. Những hình tượng chạm khắc, trang trí trên bệ tượng đều mang ý nghĩa tường thụy (biểu thị điềm lành), không chỉ là biểu tượng Phật giáo mà còn gắn liền với việc ca ngợi, làm sáng tỏ ân đức của đế vương. Tòa sen có những lớp cánh sen múp tròn, đầu cánh sen trang trí văn xoắn, tạo hình tựa bông hoa. Đây là dạng cánh sen thường gặp trong nghệ thuật tạo dáng tòa sen nửa cuối TK XVI sang đầu TK XVII. Hình tượng Thiện Tài, Long Nữ đứng trên tòa sen nổi lên từ mặt bể, sóng hàng hai bên có tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều so với tượng Quan Âm nhưng các đường nét trên gương mặt, trang phục được tạo tác tinh tế và tỷ lệ cơ thể hài hòa. Hai tay Long Nữ dâng ngọc, gợi lại tích truyện Long Vương dâng đức Quan Âm viên dạ minh châu.
Các phần tạo hình tượng Quan Âm được ghép lại từ nhiều miếng gỗ khác nhau. Về mặt cấu trúc, đầu tượng Long thần chính là thành phần chịu lực chính, đỡ toàn bộ phần thân tượng Quan Âm; đôi tay Long thần đỡ đài sen và đôi rồng nhỏ hai bên là thành phần hỗ trợ chịu lực. Khi bàn về nghệ thuật tạc tượng truyền thống của người Việt, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã đánh giá: “các cụ tạc tượng của chúng ta ngày xưa thật đã vững vàng về phương diện điều khiển kỹ thuật, và rất am hiểu thực tế”. Ông đã nhìn ra tính chất “vuông tròn” trong mô thức tạc tượng của điêu khắc cổ truyền Việt Nam. Theo ông, “những tượng của ta là do những hình khối vuông vắn và tròn trĩnh tạo thành”. Đó là những pho tượng mang vẻ đẹp chắc nịch, “ít hoạt động nhưng có duyên kín đáo, nhìn mãi không thấy chán”.
Những nhận định trên của Nguyễn Đỗ Cung hoàn toàn phù hợp dành cho pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ. Pho tượng có kích thước lớn, nghệ thuật tạo hình vững vàng, khối hình chắc khỏe mà đường nét vẫn hài hòa, duyên dáng. Tính chất cân xứng của tượng thể hiện trên cả trục ngang, trục dọc. Trục dọc giữa tượng là đường thẳng nối từ đầu tượng xuống đầu Long thần. Chiều cao thân tượng bằng chiều cao bệ tượng. Nhìn ở góc ngang ½ (từ hông tượng), tổng thể tượng nằm trong một bố cục hình tam giác cân, đỉnh tam giác là một góc 30o. Phần lưng dốc thẳng, gây cảm giác tượng hơi cúi người về phía trước. Ở góc chính diện, tượng nằm trong một bố cục hình chữ nhật đứng. Những cánh tay xòe ra từ hai bên vai phá vỡ sự tĩnh lặng của thế, dáng tượng Quan Âm, đồng thời lại tạo thế cân xứng về chiều ngang thân tượng và bệ tượng. Khi quy tượng về các hình cơ bản, có thể dễ dàng nhận thấy tính chất vuông tròn trong nghệ thuật tạo tượng truyền thống Việt Nam. Nếu nối đỉnh trán tượng và hai điểm đầu gối thì sẽ có một tam giác đều, cân xứng, vững chãi. Hai đầu vai tượng nối với hai điểm bên hông tượng tạo thành một hình vuông. Điểm giữa hình vuông chính là tâm của vòng tròn xoay qua đỉnh đầu tượng, đáy đài sen và chiều rộng những cánh tay tượng đang xòe mở.
Trái với nét chắc khỏe, quy về khối của phần thân tượng, bệ tượng Quan Âm chùa Hội Hạ được trang trí dày đặc các họa tiết, hoa văn đặc sắc. Kỹ thuật chạm bong, kênh được sử dụng đan xen một cách nhuần nhị. Đặc biệt tinh xảo phải kể đến mảng chạm rồng trong lá đề, cách điệu trang trí ở mặt trước của bệ lục giác. Thân rồng chắc lẳn, dáng xoay người mạnh mẽ mà mềm mại, bay bổng hơn nhờ những chi tiết của râu, bờm, vảy… Những linh vật, sen báu, mây lành trên bệ tượng rất quen thuộc, thường xuất hiện trên các mảng chạm khắc trang trí bệ tượng, kiến trúc đình, chùa, đền, miếu ở miền Bắc đương thời.
Nhìn chung, hình ảnh đức Quan Âm nhiều tay, ngồi trên tòa sen, được Long thần đỡ qua “biển Nam Hải”, có Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ theo hầu là hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật tạo tượng Quan Âm Nam Hải bằng gỗ, các TK XVI, XVII, XVIII ở nhiều ngôi chùa Việt. Chính sự hiện hóa vô cùng của đức Quan Thế Âm đã tạo điều kiện cho các thế hệ nghệ nhân làm tượng phật được thỏa sức sáng tạo, tạo ra nhiều mẫu hình tượng Quan Âm mà mỗi mẫu lại chứa đựng ngôn ngữ biểu đạt về sắc tướng và tạo hình rất riêng.
Pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ có kích thước lớn, nghệ thuật tạo hình đặc sắc: hoành tráng trong tổng thể mà vẫn giữ được sự tinh tế, duyên dáng trong từng chi tiết. Tính chất toàn vẹn, sự thống nhất về mặt phong cách tạo tượng sớm đã làm tăng giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử của pho tượng, xếp pho tượng vào hàng Bảo vật Quốc gia. Đã gần 400 năm trôi qua, pho tượng vẫn tồn tại và là minh chứng cho nền nghệ thuật Phật giáo giàu bản sắc của người Việt.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhất là những lần sơ tán trong chiến tranh, pho tượng vẫn được giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn, hiện được trưng bày thường xuyên ở khu vực giới thiệu mỹ thuật cổ, trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tác giả: Vũ Thị Hằng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021
Tin liên quan
Các tôn hiệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Kiến thức 18/12/2024 10:30:13
Các tôn hiệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Kiến thức 18-12-2024 10:30:13
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 17/12/2024 19:31:37
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 17-12-2024 19:31:37
Đề Bà Đạt Đa – Vị đại Bồ Tát ứng dụng nghịch hạnh
Kiến thức 17/12/2024 15:24:41
Đề Bà Đạt Đa – Vị đại Bồ Tát ứng dụng nghịch hạnh
Kiến thức 17-12-2024 15:24:41
Tôn giả La Đà – Viên mãn hạnh nguyện nhờ siêng năng phụng sự, tinh tấn tu hành
Kiến thức 17/12/2024 14:31:31
Tôn giả La Đà – Viên mãn hạnh nguyện nhờ siêng năng phụng sự, tinh tấn tu hành
Kiến thức 17-12-2024 14:31:31
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 17/12/2024 09:54:28
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 17-12-2024 09:54:28
11 lượt thích 0 bình luận