

Suốt hơn hai ngàn năm qua, Vesak đã trở thành ngày hội thiêng liêng của những người con Phật trên khắp thế giới, được Liên Hợp Quốc công nhận và cổ vũ, như một lời nhắc nhở nhân loại cùng chiêm nghiệm về chân lý giải thoát và hướng đến một xã hội an lạc.
Nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 diễn ra tại Việt Nam, mời Quý vị quay ngược dòng thời gian, khám phá cội nguồn, hành trình phát triển và những giá trị sâu sắc mà Vesak mang lại trong đời sống xã hội. Đây không chỉ là một sự kiện tâm linh mà còn là diễn đàn để các quốc gia cùng nhau đối thoại, tìm kiếm con đường xây dựng hòa bình, hạnh phúc và phát triển bền vững theo tinh thần Phật giáo.

Năm 1950, 26 quốc gia tham dự Hội nghị chung lần thứ nhất của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB) tại Sri Lanka, chính thức thống nhất ngày Vesak trên toàn cầu.
Năm 1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận Vesak là Ngày lễ quốc tế, đánh dấu sự công nhận của cộng đồng thế giới đối với Đại lễ thiêng liêng nhất của Phật giáo. Tính đến nay, hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tổ chức Vesak thu hút hàng trăm triệu sự quan tâm của Phật tử và người dân.
Không chỉ dừng lại là một lễ hội tôn giáo, Vesak ngày nay đã trở thành sự kiện mang tầm vóc toàn cầu, nơi hội tụ tinh thần hòa bình, trí tuệ và từ bi. Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã chung tay tổ chức Vesak, hàng triệu người tham dự, hàng tỷ trái tim hướng về những thông điệp nhân văn của Đức Phật. Qua các kỳ hội thảo quốc tế, Vesak không chỉ là dịp tôn vinh giáo lý giải thoát mà còn là diễn đàn đối thoại vì hòa bình, phát triển bền vững. Từ lời dạy của Đức Phật, Vesak đã cụ thể hóa thành những sáng kiến, góp phần xây dựng tương lai, vun bồi giá trị đạo đức và kiến tạo một thế giới an lành. Và kết quả đó bắt đầu từ chính sự kiện năm 1950.
Chia sẻ cụ thể hơn về hoàn cảnh Hội nghị chung lần thứ nhất của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB) tại Sri Lanka, chính thức thống nhất ngày Vesak trên toàn cầu, Tiến sĩ Bùi Hữu Dược – Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay: “Năm 1950, tại Hội nghị, thống nhất lấy ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch (ngày rằm tháng 4 âm lịch) làm ngày Đại lễ Tam Hợp hay còn gọi là Đại lễ Vesak. Truyền thống Đại lễ Vesak trở thành truyền thống của Phật giáo, tuy nhiên do bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, các nước vẫn chưa thể thực hiện chung được.
Ngày 15/12/1999, tại nghị quyết 54/115 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố 3 nội dung: Công nhận Phật giáo là tôn giáo điển hình của nhân loại; Đức Phật – người sáng lập ra Phật giáo (giáo chủ của một tôn giáo) được tôn vinh là người đã tạo nên một tôn giáo có ảnh hưởng rộng khắp và có nhiều giá trị trong đời sống nhân loại. Hằng năm, Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức Đại lễ Vesak để kỷ niệm người đã sáng lập ra Phật giáo; Các nước thành viên Liên Hợp Quốc có quyền đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak để tôn vinh những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, cũng là góp phần tôn vinh những giá trị đạo đức – văn hóa của nhân loại”.

Để Vesak trở thành Ngày lễ quốc tế, nhiều quốc gia Phật giáo đã chung tay vận động mạnh mẽ. Trong đó, Sri Lanka đóng vai trò tiên phong khi đề xuất nghị quyết lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Với sự ủng hộ của Thái Lan, Việt Nam và nhiều quốc gia khác, vào ngày 15/12/1999, nghị quyết 54/115 đã chính thức được thông qua. Kể từ đó, Vesak không chỉ được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo mà còn hiện diện tại Hoa Kỳ, Thuỵ Sĩ, Áo trở thành diễn đàn toàn cầu, tôn vinh các giá trị hòa bình, từ bi, phát triển bền vững.
Vesak trở thành lễ hội văn hóa toàn cầu dưới sự chủ trương của Liên Hợp Quốc đã mở ra một chương mới trong việc tôn vinh những đóng góp của Đức Phật đối với lịch sử tư tưởng nhân loại. Từ đó, các thông điệp về hòa bình, cộng tồn, tôn trọng sự khác biệt và tìm kiếm các giải pháp bền vững cho các vấn đề toàn cầu, vốn được Đức Phật giảng dạy trong kinh điển, đã trở thành nguồn tài liệu quý giá được lãnh đạo Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia trân trọng. Chính điều này góp phần đưa Phật giáo trở thành một tôn giáo thiêng liêng với tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Từ năm 2000 đến nay, 23 kỳ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc đã được tổ chức. Trong đó, Việt Nam vinh dự đăng cai 3 lần vào các năm 2008 tại Hà Nội, 2014 tại Chùa Bái Đính, Ninh Bình và 2019 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Với thông điệp: Hòa bình, phát triển bền vững và đoàn kết toàn cầu; Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số, giáo dục và đạo đức toàn cầu; Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục và hòa bình bền vững, Vesak Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã thu hút hàng nghìn đại biểu từ hơn 100 quốc gia, góp phần truyền bá tư tưởng hòa bình, yêu thương, hướng đến một thế giới hài hòa và phát triển bền vững.

Năm 2025, Vesak tiếp tục lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam. Người dân và du khách sẽ có cơ hội chiêm bái xá lợi Phật, tham gia các nghi lễ tâm linh, hội thảo học thuật và nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.
Đặc biệt, trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức lần đầu tiên được giới thiệu, khơi gợi tinh thần từ bi, bất khuất của Phật giáo Việt Nam. Đây không chỉ là dịp tôn vinh di sản tâm linh, mà còn lan tỏa tinh thần nhập thế, khẳng định Phật giáo Việt luôn đồng hành cùng dân tộc trên mọi phương diện.
Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN; Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2025 nhấn mạnh: “Xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam, dân tộc Việt Nam về sự yêu chuộng hòa bình, cống hiến cho hòa bình thế giới. Chúng ta đồng thời hướng đến một kỳ Đại lễ Vesak mang tính hội thảo học thuật thực chất – hiệu quả, đi sâu vào vấn đề Phật giáo tham gia xây dựng cộng đồng hạnh phúc, an lạc, đích thực với sự tỉnh thức, đem lại sự phát triển bền vững cho nhân loại”.
Dù hơn hai nghìn năm đã qua, nhưng tinh thần từ bi, hòa hợp và giác ngộ từ giáo lý của Đức Phật vẫn không ngừng lan tỏa, trở thành kim chỉ nam cho một thế giới an bình, bền vững. Vesak không chỉ là dịp kỷ niệm những dấu mốc trọng đại trong cuộc đời Ngài, mà còn là cơ hội để nhân loại cùng chiêm nghiệm và ứng dụng trí tuệ Phật giáo vào đời sống. Mỗi mùa Vesak trở về, ánh sáng chân lý ấy lại thắp sáng lòng người, khơi dậy tinh thần yêu thương, hiểu biết và đoàn kết, hướng đến tương lai hòa bình và thịnh vượng.
