Bản tin An Viên 24H 11.09.2023

12/09/2023 10:34:13 544 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 11.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Học viện Phật giáo trao bằng tốt nghiệp năm 2023; Hoà thượng Yoshimizu tân viên tịch; Thay đổi nhận thức về bảo vệ chim hoang dã và các hoạt động thiện nguyện.

Hà Nội: Học viện Phật giáo trao bằng tốt nghiệp năm 2023

Ngày 10.09, Học viện PGVN Việt Nam tại Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ Khai giảng năm học 2023 – 2024 và trao bằng Tiến sĩ – Thạc sĩ – Cử nhân Phật học năm 2023.

Học viện PGVN tại HN hiện có 734 Tăng Ni sinh và học viên, nghiên cứu sinh đang theo học. Đặc biệt, vừa qua có 01 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ đạt loại xuất sắc; 07 học viên bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ; 33 vị Tăng Ni tốt nghiệp Hệ Cử nhân Phật học. Chư Tăng ni này sẽ đóng góp trí tuệ, sức trẻ vào sự phát triển chung của GHPGVN.

Dịp này, HT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo TƯGH, Viện trưởng Học viện đã đánh trống khai giảng năm học mới 2023 -2024. Ban đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS đánh giá cao khi Học viện đã tận tâm, tận sức trong việc đào tạo Tăng tài, xây dựng cơ sở ngày càng khang trang nhằm khích lệ sự tu học của Tăng Ni sinh.

Cụm Phật sự

Bến Tre: Triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới

Báo cáo các Phật sự của tỉnh thời gian qua cho thấy các ban ngành, cũng như PG các huyện thị hoạt động rất đồng bộ, nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ để mang lại những thành quả tốt đẹp. Nổi bật vẫn là công tác từ thiện khi huy động hơn 16 tỷ đồng. Thời gian tới, Ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh sẽ thành lập đoàn đến thăm Phật giáo các huyện thị; tổ chức khóa Kiết đông lần thứ I năm 2023; Ban Hướng dẫn Phật tỉnh cử thành viên dự hội nghị tập huấn tại TP.Cần Thơ; Ban Từ Thiện xã hội tỉnh lên kế hoạch tổ chức trung thu cho các em thiếu nhi.

Khánh Hoà: Hơn 500 triệu từ thiện xã hội nhân mùa Vu Lan

Tại TP.Nha Trang, BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hoà đã họp vào sáng nay ngày 11.09. Theo báo cáo từ bộ Thư ký, PG TP.Nha Trang đã huy động hơn 500 triệu giúp người yếu thế mùa Vu lan. Chương trình ‘Hoa hồng xuống phố’ đã đạt được thành tựu, và sẽ được tiếp tục trong các năm tiếp theo để lan toả tinh thần báo hiếu của Phật giáo.

Lâm Đồng: Phổ biến luật giao thông đường bộ cho tăng ni

Trong khi đó, tại tỉnh Lâm Đồng, UBMTTQVN tỉnh vừa phối hợp cùng BTS GHPGVN tỉnh tuyên truyền luật giao thông đường bộ cho 100 tăng ni sinh trường TCPH tỉnh. Theo đó, chư tăng ni sinh nghe về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh và cả nước thời gian qua, hướng dẫn kiến thức về các quy tắc khi tham gia giao thông; hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về đảm bảo ATGT, ngăn ngừa số vụ tai nạn giao thông xảy ra.

Cụm từ thiện

Đồng thời với các hoạt động Phật sự, Phật giáo các địa phương còn tích cực thực hiện, tham gia vào công tác ASXH, đồng hành cùng bà con khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Trong hai ngày 09-10/09, chùa Thanh An, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã phối hợp cùng các nhà hảo tâm tặng 500 phần quà đến bà con đồng bào S’Tiêng tại xã Bom Bo với tổng giá trị của buổi phát quà  là 150 triệu đồng. Qua đó, giúp bà con vơi bớt khó khăn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Dịp này, Chùa cũng tổ chức Đại lễ Vu lan nhằm nhắc nhở mỗi người cần nâng niu tình cảm tốt đẹp, giúp cho cuộc đời thêm an lạc.

Cùng thời gian này tại Quảng Bình, phái đoàn từ thiện do HT. Thích Duy Trấn – Uỷ viên HĐTS, Phó trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội làm trưởng đoàn đã trao tặng 500 phần quà với tổng kinh phí 250 triệu đồng đến bà con dân tộc Bru Vân Kiều trên địa bàn miền núi xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Đoàn đã thăm hỏi, động viên bà con hướng Phật, lạc quan vượt lên mọi khó khăn để ổn định cuộc sống.

Còn tại tỉnh Quảng Trị, Ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh kết hợp với các tổ chức tổng kết chương trình dinh dưỡng gieo mầm, ươm cây, xây dựng kỹ năng nuôi dạy trẻ mầm non. Theo đó, trong năm học 2022-2023, Ban đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn về quà, tiền mặt, cơ sở vật chất tổng kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng; hỗ trợ dinh dưỡng, thuốc bổ, sữa cho học sinh người dân tộc hơn 8,2 tỷ đồng. Dịp này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã tuyên dương 1 tập thể và 8 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác từ thiện xã hội ở địa phương.

Nghĩa tình vun đắp sự sẻ chia

Tại TP.HCM, cùng với các hoạt động tri ân báo ân, những ngày này người con Phật tiếp tục đồng hành, chia sẻ và thể hiện sự quan tâm tới những mảnh đời khó khăn. Từ đó, giúp họ ổn định và vươn lên trong cuộc sống.

Nằm trong con hẻm sâu tại phường 15, đó là ngôi nhà nhỏ của em Đại Hồng Thắm, học sinh lớp 11 trường cao đẳng thực phẩm. Mẹ mất trong đại dịch Covid-19, Thắm sống cùng ba và anh trai trong căn nhà tình thương chỉ 20 mét vuông. Những ngày đầu năm học mới lại trong tháng vu lan, được chư tôn đức và đoàn chữ thập đỏ đến thăm hỏi, động viên, Thắm cảm thấy rất ấm áp, vui mừng.

Thắm là một trong số rất nhiều hoàn cảnh khó khăn được đón nhận sự quan tâm của chư Tôn đức ngày hôm nay. Tháng vu lan cũng là tháng tri ân, thể hiện sự quan tâm, sẻ chia đến những hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn. Hơn 1.000 phần quà gồm nhu yếu phẩm, xe đạp và xe gắn máy đã được trao tận tay đến với người già neo đơn, người khiếm thị, người khuyết tật và các em học sinh nghèo nhằm giúp mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tháng 7ÂL là khoản thời gian mà sự sẻ chia được xây đắp để để những hoàn cảnh khó khăn, những số phận kém may mắn được quan tâm và lan tỏa những điều tốt đẹp.

Hoà thượng Yoshimizu tân viên tịch

Do niên cao lạp trưởng, Hòa thượng Yoshimizu Daichi, Chứng minh tối cao Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, một vị giáo phẩm đã có nhiều hoạt động gắn bó với Phật giáo và đất nước Việt Nam tròn 60 năm qua, đã viên tịch tại Nhật Bản, trụ thế 82 tuổi.

Hòa thượng Yoshimizu Daichi sinh ngày 04.07.1941, là một trong những vị giáo phẩm Phật giáo Nhật Bản có quá trình gắn bó liên tục với Việt Nam lâu dài nhất.

Từ năm 1960, Hòa thượng đã sang Việt Nam, tham gia các phong trào đấu tranh vì hòa bình và tự do tôn giáo của Tăng Ni, Phật tử ở miền Nam nước ta. Ngài cũng được biết tới là một trong những ân nhân nhiệt thành đỡ đầu, tạo nhiều thuận duyên cho Tăng Ni, du học sinh, người lao động Việt Nam học tập và làm việc tại Nhật. Hòa thượng Yoshimizu Daichi cũng thường xuyên đến Việt Nam, tham dự nhiều hoạt động, sự kiện Phật giáo, văn hóa; gắn bó với Tăng Ni, gần gũi với Phật tử Việt Nam.

Do tuổi cao sức yếu, hòa thượng đã viên tịch vào lúc 2 giờ 34 phút ngày 10/9, theo giờ địa phương Nhật Bản.

Lễ tang sẽ được tổ chức theo phong tục Nhật Bản. Lễ phúng điếu sẽ cử hành vào lúc 18 đến 20 giờ ngày 15.09. Lễ tống biệt cử hành vào lúc 12 giờ đến 13 giờ ngày 16.09, sau đó kim quan Hòa thượng sẽ được hỏa thiêu.

Thay đổi nhận thức về bảo vệ chim hoang dã

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực tập trung chim hoang dã, di cư và các loài chim đặc hữu của thế giới, tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước. Đến nay, nhiều loài chim hoang dã được đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật… Nhiều hành động nhân văn nhằm bảo vệ các loài chim hoang dã có nguy cơ tận diệt với nạn săn bắt ngày càng quy mô. Câu chuyện đã được đề cập nhiều lần nhưng vẫn cần sự chung tay tuyên truyền, ủng hộ, vào cuộc thực sự của cộng đồng nói chung và Phật giáo các cấp nói riêng.

Sâm cầm giá 1 triệu 300 nghìn đồng/con, diệc xám giá 1 triệu 200 nghìn đồng/con…  Bất chấp nhiều chế tài xử phạt, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học. Có cung thì ắt có cầu, hoạt động rao bán chim hoang dã vẫn tràn lan và ngang nhiên. Thực trạng này đang thực sự trở thành một vấn đề cấp bách nghiêm trọng và Việt Nam đang là một điểm nóng của vấn nạn săn bắt chim hoang dã trái phép.

Nghị định 35 (sửa đổi bổ sung bởi Nghi định 07/2022 của CP) có nêu rõ kể cả những loài chim hoang dã không phải loài nguy cấp quý hiếm, nếu bị săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép cũng có thể có thể bị xử phạt lên đến 300 triệu đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Đây được xem là giải pháp kịp thời và thiết thực, góp phần tăng cường chế tài xử phạt, tăng tính răn đe với các đối tượng săn bắt và buôn bán chim hoang dã trái phép.

Quả đúng như vậy, việc phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng chính là giải pháp hiệu quả để các chỉ thị, văn bản thực sự sâu sát và được triển khai đồng bộ tại các địa phương… Các phương án, mô hình phối hợp đã được cụ thể hóa, tăng cường vai trò đồng hành giữa các đơn vị liên quan, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân và toàn xã hội, chung tay bảo vệ chim hoang dã.

Và với sự chung tay cùng cộng đồng, Phật giáo khắp các tỉnh thành cũng đã thể hiện tinh thần đưa đạo với đới với các hoạt động tích cực tham gia chiến dịch bảo vệ loài chim hoang dã, chim di cư… Nhiều BTS GHPGVN các tỉnh thành như tại tỉnh TT – Huế vừa qua đã phối hợp chính quyền tuyên truyền trực tiếp đến toàn thể phật tử để thay đổi nhận thức về phóng sinh; khuyến cáo phật tử không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành động tiếp tay cho các hành vi săn bẫy chim hoang dã trái phép.

Bên cạnh đó, một số tự viện cũng có nhiều phương thức để góp phần bảo vệ các loài chim. Như chùa Hang, huyện Châu Thành, Trà Vinh hiện tại đang là nơi trú ngụ, sinh sôi của hàng ngàn cánh chim các loại. Trong đó có nhiều loại chim chóc như: Sáo, cò, diệc, cồng cộc. Được yêu thương, bảo vệ, bên lời kinh tiếng kệ, các loại chim ngày càng dạn dĩ hơn. Chúng làm tổ cả trên khu vực cây cảnh, trước sân chánh điện, khi tăng xá…Chính điều này làm nên sự hấp dẫn và nét riêng độc đáo cho ngôi chùa cổ.

Để có được mái nhà chung để đàn chim tìm về như vậy, cũng phải kể đến sự tâm huyết của các chư Tăng trong việc góp công sức gây dựng và chăm sóc vườn chim. Từ năm 1990 trở lại đây, Chùa đặt ra những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ chim và cây rừng, tạo môi trường tự nhiên an bình cho những đàn chim trở về trú ngụ ngày càng đông hơn.

Cũng giúp sức trong việc bảo vệ loài chim hoang dã, thì chùa Nodol cũng là nơi nương náu của 10 loại chim cò trong đó có nhiều loài quý hiếm cần được bảo vệ. Trước đây, cò nhiều tới mức phải đậu từ cổng tới luỹ tre sau chùa…hiện tại số lượng cò ít dần nên nhà chùa đã kết hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ đàn cò an toàn.

“Đất lành chim đậu”, nhiều đàn chim đã tìm được chỗ nương náu an toàn dưới mái già lam. Sự bảo vệ, yêu thương của chùa càng khiến khách phương xa ấm áp với câu chuyện về tình người. Đặc biệt, việc thay đổi nhận thức của Phật tử trong việc phóng sinh cũng góp phần không nhỏ vào bảo tồn các loài chim hoang dã. Mong rằng, có thật nhiều mái nhà chung, để muôn loài cùng sống an hòa bên nhau, để muôn cánh chim chao lượn tự do trong niềm hân hoan, phấn khởi.

Cụm Quốc tế

Nepal là một trong những quốc gia sở hữu nhiều di sản Phật giáo trên thế giới. Tuy nhiên vì thiên tai mà một số lượng không nhỏ đã bị hư hại nặng nề. Dẫu vậy thì điều may mắn là các di sản Phật giáo này đang được phục hồi nhanh chóng.

Một tự viện Phật giáo tại Nepal, có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 5 đã được xây dựng trở lại với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ. Được biết, ngôi chùa mang tên Shree Napichandra Mahavihara nằm ở phía bắc quảng trường Patan Durbar, Khu Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở Thung lũng Kathmandu. Chùa bị hư hại nặng nề trong trận động đất năm 2015 và Ấn Độ cam kết giúp tái thiết 28 di sản văn hóa trên khắp Nepal sau trận động đất kinh hoàng.

Trong khi đó tại Trung Quốc, theo thống kê mới nhất, số lượt viếng thăm các ngôi chùa đã tăng 310% kể từ đầu năm 2023. Ví dụ, Cung Ung Hòa – Bắc Kinh, một ngôi chùa Phật giáo của hoàng gia xưa kia đã đón khoảng 40.000 du khách mỗi ngày kể từ đầu tháng 3. Các ngôi chùa khác như Linh Ẩn ở Hàng Châu, cũng chứng kiến người xếp hàng dài bên ngoài cổng từ sáng sớm, trái ngược hoàn toàn với năm trước. Đáng chú ý, khoảng 50% du khách đến chùa kể từ tháng 2 là thế hệ Gen Z tức những thanh thiếu niên trẻ tuổi.

Cụm văn hoá

Hà Nội tổ chức lễ hội áo dài du lịch vào tháng 10.2023

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 dự kiến sẽ được tổ chức từ 13-15.10 tại không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm với sự tham gia của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, làng nghề truyền thống, doanh nghiệp du lịch.

Lễ hội nhằm mục tiêu kích cầu du lịch của Thủ đô; khai thác, tôn vinh tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong khuôn khổ Lễ hội, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, cầu Long Biên, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội và Câu lạc bộ Đình Làng Việt sẽ tổ chức chương trình đồng diễn áo dài với chủ đề “Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội”.

Đặc sắc lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2023

Trong khi đó, Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023 diễn ra từ ngày 24.09 đến 04.10 tại cả hai di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc, với 8 nghi lễ chính. Tại Khu di tích Kiếp Bạc, diễn ra Lễ Cáo yết, tưởng niệm 723 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; Tuần Văn hóa Du lịch và xúc tiến thương mại… Tại Khu di tích Côn Sơn, ngày 30.09 sẽ diễn ra lễ rước bộ; tưởng niệm 581 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc là 1 trong 2 kỳ lễ hội truyền thống tại đây, trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu.

Phát triển làng nghề mộc gắn với du lịch

Mới đây, làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm được công nhận là điểm du lịch của Thành phố Hà Nội; phát huy những tiềm năng, thu hút nhiều du khách ghé thăm và trải nghiệm. Phát triển làng nghề mộc Vạn Điểm gắn với du lịch, là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà  Thường Tín nổi tiếng “đất trăm nghề” đang triển khai thực hiện.

Tinh xảo trong từng chi tiết..

Sản phẩm đồ gỗ làng nghề Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội đạt đến sự hoàn thiện về thẩm mỹ và chất lượng.

Tận dụng các loại gỗ từ tự nhiên như: gỗ mun, gỗ gụ, gỗ mít, gỗ hương, gỗ trắc, …, các sản phẩm phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã.

Thời điểm này, các công nhân của cơ sở sản xuất đồ gỗ Điệp Dương, làng nghề Vạn Điểm tất bật hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chuyển đổi từ làm giường, tủ bán những năm trước đây, hiện nhiều hộ sản xuất đã đi theo hướng thiết kế nội thất cho các tòa nhà, căn hộ chung cư. Hướng đi này tạo đã công ăn việc làm ổn định.

Hiện nay, huyện Thường Tín, Hà Nội có 4 làng nghề được công nhận là điểm du lịch làng nghề. Trong đó, làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm có trên 500 hộ, với 10 nghệ nhân, trên 300 thợ giỏi có khả năng chế tác những tác phẩm mỹ nghệ từ gỗ tự nhiên… Gắn bó với nghề mộc, mỗi người dân làng nghề cảm thấy tự hào khi Vạn Điểm được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô.

Để làng nghề mộc thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm và mua sắm còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó ngoài việc giúp các hộ sản xuất hiểu được trách nhiệm trong xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thì các hệ thống công trình về xử lý nước thải được đầu tư, cần sớm đi vào hoạt động.

Lưu giữ điệu múa truyền thống trong lễ hội Phật giáo

Là vùng đất có nền văn hóa phong phú, lâu đời, Đồng Tháp sở hữu nhiều điệu múa truyền thống, đến nay vẫn được trình diễn trong các lễ hội ở địa phương. Ý thức được tầm quan trọng của việc lưu giữ và phát triển những di sản của các bậc tiền nhân, một nhóm múa gồm các Phật tử ở chùa Thiền Kim, huyện Tháp Mười đã được hình thành với mục đích tập hợp, phát huy giá trị của các điệu múa xứ Sen Hồng trong các lễ hội Phật giáo.

Chị Võ Thị Thắm cùng các chị em trong nhóm múa chùa Thiền Kim, huyện Tháp Mười, dù khá bận biệu công việc gia đình, xã hội nhưng vẫn cố gắng dành thời gian, vượt trở ngại đường xa, trời mưa để đến chùa theo kế hoạch đã định, cùng nhau ôn luyện múa dâng hoa, một trong những điệu múa truyền thống trong các lễ hội Phật giáo ở Đồng Tháp. Được hộ trì Phật pháp, dâng cúng lên tam bảo những điệu múa đậm chất văn hoá vùng đất Sen Hồng khiến cho các thành viên cảm thấy tự hào và nỗ lực không ngừng trong từng động tác.

Được thành lập từ năm 2021, nhóm múa ban đầu chỉ nhằm phục vụ các dịp lễ hội ở riêng chùa Thiền Kim nhưng nay đã nhận được lời mời biểu diễn tại nhiều sự kiện của địa phương và các lễ hội Phật giáo lớn của tỉnh.

Bên cạnh gìn giữ các điệu múa truyền thống, nhóm múa còn sáng tạo để mỗi bài múa có thêm sự sinh động, mới mẻ, mang hơi hướng của thời đại và đặc biệt còn có thể truyền tải trong đó thông điệp triết lý nhân sinh quan hay bài học giáo dục, đạo đức sống của đức Phật.

Bên cạnh thể hiện lòng thành kính cúng dường tam bảo, các điệu múa mà những người Phật tử thuần thành ở Đồng Tháp đang nỗ lực giữ gìn còn mang ý nghĩa giáo dục người trẻ vươn tới cái đẹp, cái thiện trong đời sống đương đại.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 11.09.2023:

https://www.youtube.com/watch?v=f_607scLe2U

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

17 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Lễ tưởng niệm tuần lâm Đại tường Đức Đệ Tam Pháp chủ

Tin Phật sự 18/10/2024 12:30:53

Đoàn Đại biểu GHPGVN thăm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tin Phật sự 17/10/2024 12:14:07

Đoàn Đại biểu GHPGVN thăm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tin Phật sự 17-10-2024 12:14:07

Nhân dịp tham dự Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ 6 tại TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, chiều 16/10, đoàn Đại biểu GHPGVN do Thượng Tọa Thích Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Kinh tế Tài chính TƯGH làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.
574 lượt xem 0 Bình luận

Ni trưởng Huỳnh Liên – Hiện thân của Đạo pháp và Dân tộc

Tin tức 16/10/2024 16:06:58

Ni trưởng Huỳnh Liên – Hiện thân của Đạo pháp và Dân tộc

Tin tức 16-10-2024 16:06:58

Cả cuộc đời Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ là tấm gương sáng cho Ni giới soi chung khi là vị sư tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời huấn luyện chư Ni Khất sĩ hoạt động mạnh trong mọi lĩnh vực, từ thiện, kinh tế, tri thức, truyền bá giảng dạy…
1090 lượt xem 0 Bình luận

Đoàn đại biểu GHPGVN gửi thông điệp tại Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ 6

Tin Phật sự 16/10/2024 15:57:16

Đoàn thiện nguyện Truyền hình Bchannel – BTV9 và Tịnh Xá Ngọc Quy trao tặng 200 triệu đồng, tiếp sức bà con vùng lũ

Bồ Đề Tâm 08/10/2024 10:16:29