Bản tin An Viên 24H 22.09.2023
Bản tin An Viên 24H 22.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đắk Nông: Sở Nội vụ và các ban ngành gặp mặt, làm việc với BTS GHPGVN tỉnh; Trang nghiêm lễ tạ pháp hậu An cư; Những đóng góp của Phật giáo với giáo dục mầm non.
Đắk Nông: Sở Nội vụ và các ban ngành gặp mặt, làm việc với BTS GHPGVN tỉnh
Sáng 22/9, tại tỉnh Đắk Nông (TP.Gia Nghĩa), Sở Nội vụ tỉnh phối hợp với Ban Dân vận, UBMTTQVN, Công an tỉnh đã có buổi gặp mặt, làm việc với BTS GHPGVN tỉnh, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Phật giáo và các cấp chính quyền, trao đổi tình hình sinh hoạt Phật giáo ở địa phương.
Tại phiên làm việc, đại diện Ban Tôn giáo đã thông tin về công tác quản lý, hỗ trợ kết hợp với BTS GHPGVN tỉnh làm việc với các huyện còn vướng mắc về thủ tục hồ sơ thành lập cơ sở, điểm sinh hoạt Tôn giáo tập trung.
Theo đó, Chư Tăng Ni Phật giáo các địa phương luôn hướng dẫn bà con Phật tử tu học theo đúng chính Pháp, và tuân thủ Pháp luật nhà nước; đoàn kết, hòa hợp giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Dịp này, Ban kêu gọi chư Tăng Ni chung tay hướng đến kỷ niệm 20 thành lập tỉnh Đắk Nông; vận động, xây dựng nhà tình thương, công trình phúc lợi xã hội.
Chư Tôn đức Tăng Ni đã có nhiều ý kiến đóng góp nhờ sự hỗ trợ của Sở Nội vụ và các cơ quan quản lý để giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý Phật sự. Buổi làm việc nhằm hướng dẫn, tạo điều kiện cho chư Tăng ni, tín đồ Phật giáo trên địa bàn tỉnh hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Cụm tạ pháp
Truyền thống an cư kiết hạ từ thời Đức Phật vẫn được tiếp nối đến ngày nay. Trong 3 tháng đấy, chư Tăng, chư Ni được thực tập tinh thần lục hòa Phật dạy, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ. Thời điểm này, Phật tử nhiều tỉnh thành đã trang nghiêm tổ chức Lễ tạ pháp sau thời gian hậu an cư.
Sáng 22/9, 278 hành giả an cư tại trường hạ chùa Đại Thành (tỉnh Bắc Ninh) đã trang nghiêm tạ pháp hậu an cư PL.2567, dưới sự chứng minh của HT Thích Thanh Dũng – Phó pháp chủ, Chánh thư ký HĐCM, Đường chủ hạ trường. Trong 3 tháng qua, trường Hạ đã duy trì đầy đủ các thời khóa tụng niệm theo quy củ, nêu cao tinh thần lục hòa cộng trụ, với tinh thần và ý nghĩa cùng nhau thăng tiến trên con đường lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Dịp này, chư hành giả dâng lời tác bạch tạ pháp và khánh tuế chư Tôn đức. Từ ngày 11-13/8AL, trường hạ sẽ cử hành lễ hành đạo tự tứ vào ngày 14/8 AL.
Còn tại tỉnh Ninh Bình, cũng trong sáng nay ngày 22/9, tại trường hạ cơ sở 2 – chùa Đồng Đắc (huyện Kim Sơn) đã trang nghiêm tổ chức Lễ tạ pháp hậu an cư PL.2567. Trường hạ chùa Đồng Đắc năm nay có 86 hành giả, trong mùa hậu an cư đã tập trung trau dồi cả nội điển và ngoại điển; tìm hiểu Hiến chương Giáo hội sửa đổi, nội quy Ban Tăng sự TƯ; luật ATGT… Dịp này, Hòa thượng Thích Thọ Lạc – UVTT HDTS, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình, Đường chủ Hạ trường khuyến tấn chư Tăng, Ni tiếp tục tinh tấn để hoàn thành sứ mạng của người đệ tử Phật.
Cùng thời gian này tại Nam Định, trường hạ Trúc Lâm Thiên Trường trang nghiêm cử hành lễ tạ pháp, khép lại 3 tháng hậu an cư của 116 hành giả qua việc trau dồi các kiến thức trong Kinh Hiền ngu, Giới Luật, nghi lễ và thời khóa. Thay mặt cho chư Tôn đức chứng minh, Hoà thượng Thích Quảng Hà, Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh, Đường chủ Hạ Trường đã ban đạo từ sách tiến tới các hành giả và Phật tử cần phát huy những sở học để mang giáo pháp của Đức Phật truyền bá đến mọi người.
Trong khi đó, tại lễ tạ pháp hậu an cư của trường hạ chùa Thánh Long, tỉnh Thái Bình, chư hành giả đảnh lễ Tam bảo, tụng thời kinh và trang nghiêm lắng nghe lời đạo từ của trưởng lão hoà thượng Thích Thanh Dục, Phó pháp chủ HĐCM, đường chủ hạ trường. Tại đây, Hoà thượng cũng mong muốn chư Tăng Ni thực hành trọn vẹn lời Đức Phật dạy, góp sức để hạ trường những năm sau luôn là kiểu mẫu, điểm sáng trong sinh hoạt Phật giáo tỉnh nhà.
Còn tại tỉnh Hải Dương, trường hạ cơ sở 1 chùa Đông Thuần đã trang nghiêm diễn ra lễ bế mạc khóa hậu an cư 2023. Mùa an cư năm nay, Phật giáo tỉnh Hải Dương có hơn 380 hành giả tu học, hành trì dưới sự hướng dẫn của Ban Chức sự. Tại buổi lễ, hòa thượng Thích Quảng Tùng Phó Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN – Trưởng ban Từ thiện xã hội TW GHPGVN đã tán thán tinh thần tu học của các hành giả an cư, đồng thời tin tưởng sự đoàn kết này góp phần thực hiện thành công các chương trình Phật sự trọng yếu năm 2023 mà BTS tỉnh đã đề ra.
Lan tỏa tinh thần giọt hồng tri ân
Hiến máu nhân đạo, một nghĩa cử cao đẹp mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc. Đối với những tu sĩ Phật giáo, tham gia hiến máu nhân đạo chính là cách thể hiện hạnh cho đi để sẻ chia cùng các số phận khó khăn, đang cần nguồn máu để duy trì cuộc sống. Với ý nghĩa thiết thực đó, sáng nay 21/09, chùa Vạn Đức, TP.Thủ Đức kết hợp cùng Hội chữ thập đỏ phường Tam Phú, TP.HCM tổ chức ngày Hội hiến máu cứu người.
7h sáng, rất đông chư tăng ni và phật tử đã có mặt tại chùa Vạn Đức, TP.Thủ Đức để tham gia hiến máu nhân đạo. Đây là hoạt động thiện nguyện được chùa tổ chức thường xuyên với hi vọng có thể trao đi giọt máu yêu thương để cứu giúp được nhiều mảnh đời khó khăn, bệnh tật.
Trong những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện lan rộng trong cộng đồng và được đông đảo các tầng lớp tham gia. Phong trào mang ý nghĩa này cũng lan tỏa tới các tăng ni, phật tử chùa Vạn Đức với rất nhiều kỳ hiến máu ý nghĩa. Đối với người con Phật nơi đây, tham gia hiến máu nhân đạo chính là cách cho đi, giúp sẻ chia, cứu giúp những người bệnh.
Với tinh thần “Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”, buổi hiến máu nhân đạo đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của chư Tăng, Ni, Phật tử tại địa phương. Theo đó, gần 100 đơn vị máu được thu nhận và được chuyển đến ngân hàng bảo quản để cấp cứu, góp phần hỗ trợ cho công tác cứu chữa người bệnh.
Mùa trăng rằm trọn vẹn
Tết Trung thu là lễ hội đặc sắc trong năm với không khí rộn ràng của buổi rước đèn, phá cỗ và phút giây đoàn viên của mỗi gia đình, ăn bánh, thưởng trà dưới ánh trăng rằm tháng 8. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tết trung thu đối với trẻ em vùng sâu vùng xa, gặp nhiều khó khăn vẫn còn đó những thiếu thốn, chưa thật trọn vẹn. Nhằm đem lại niềm vui, sự sẻ chia, chùa Linh Sơn (tỉnh Thái Nguyên) đã kết nối những nhà hảo tâm tài trợ, gửi tặng những phần quà hết sức ý nghĩa tại 2 huyện Định Hoá và Đồng Hỷ.
Hơn 1000 suất quà , mỗi suất quà trị giá gần 700.000đ đã được trao đến các em nhỏ ở 4 trường Mầm non: Linh Sơn và Hoá Thượng (Huyện Đồng Hỷ), Linh Thông và Tân Thịnh (Huyện Định Hoá). Tại các điểm trường, chư tôn đức, quý Phật tử đều nhận được rất nhiều tình cảm từ phía các bạn nhỏ, thầy cô và các bậc phụ huynh. Niềm vui của các em khi được vui đón Tết trung thu sớm, nhận sự quan tâm từ chùa Linh Sơn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã khiến mọi thứ trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
Tết Trung thu, chia sẻ những khó khăn, nhân đôi niềm vui cũng là dịp lành để thiếu nhi được thỏa sức vui chơi trong không khí đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều năm gần đây, hoạt động chăm sóc các em nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội nói chung và Phật giáo nói riêng.
Tết Trung Thu – Tết riêng dành cho trẻ em với những sự háo hức, mong đợi. Đây cũng chính là dịp để người lớn thể hiện tình yêu thương với các trẻ nhỏ. Những phần quà ý nghĩa này chính là thắp lên ngọn lửa thiện ái trong mỗi em nhỏ, vì một thế hệ trẻ em Việt Nam nhân hậu, yêu thương. Vì một Tết trung thu đoàn viên và trọn vẹn.
Đóng góp của Phật giáo với giáo dục mầm non
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của GHPGVN 42 năm qua, ngành giáo dục Phật giáo ở nước ta cũng đã đạt được những bước tiến không ngừng. Với một hệ thống hoàn chỉnh từ cấp cơ sở tới Học viện, cùng chương trình thống nhất trong mỗi cấp học, đến nay đã đào tạo được nhiều thế hệ tăng tài phụng sự cho Giáo hội và Tổ quốc. Bên cạnh đó, khi GHPGVN chủ trương đẩy mạnh tham gia vào nền giáo dục xã hội, đặc biệt là ở cấp giáo dục mầm non, đã triển khai nhiều chương trình, hành động và gặt hái được thành tựu đáng ghi nhận.
Hệ thống giáo dục Phật học Việt Nam gồm 4 Học viện đặt tại TP.HCM, Hà Nội, Huế và Cần Thơ, cùng các cơ sở đào tạo Trung cấp ở các địa phương, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Giáo hội nói riêng và đất nước nói chung. Từ đây, mỗi năm hàng ngàn Tăng Ni tốt nghiệp các cấp, có trình độ Phật học và thế học vững vàng, trí đức song toàn, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sứ mệnh hoằng pháp, từ thiện, an sinh xã hội… góp phần không nhỏ phát triển đất nước.
Với chủ trương của Giáo hội đào tạo tăng tài, đào tạo con người giáo dục tự thân – tức là con người hoàn thiện Giới đức, tâm đức, tuệ đức và con người xã hội, phục vụ, dấn thân cho đạo, cho đời… giáo dục Phật giáo tiếp tục khẳng định tầm quan trọng đối với sự nghiệp trồng người, đóng góp cho sự phát triển, tiến bộ của quốc gia, đất nước.
Năm 2014, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM liên kết với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM mở khoa Giáo dục mầm non với khóa đầu tiên niên khóa 2015-2019, đã đánh dấu cột mốc mới của ngành giáo dục Phật giáo trong việc cung cấp nguồn nhân lực là các tu sĩ Phật giáo tham gia vào công tác quản lý và giảng dạy tại các trường mầm non.
Trải qua quá trình hoạt động, các cơ sở giáo dục mầm non của Phật giáo nhận được sự tin tưởng của các bậc phụ huynh nhờ môi trường giáo dục giàu tình yêu thương, đề cao việc nuôi dưỡng trẻ có đạo đức theo giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên, đến nay vì nhiều lý do, các cơ sở này mới chỉ có ở một số thành phố lớn.
Nếu ví con người như một cái cây thì việc giáo dục ở cấp học mầm non chính là quá trình chăm sóc cho phần gốc. Gốc có vững chắc, có khoẻ mạnh thì thân mới phát triển, đơm hoa kết trái mang lại ích lợi cho đời. Sự tham gia của Phật giáo vào việc giáo dục trẻ ở cấp học mầm non cũng với ý nghĩa như vậy. Bằng sự tận tâm, bằng tấm lòng từ bi của những người con Phật, chư Tăng Ni đang lặng thầm cống hiến, nuôi dưỡng những mầm non “tương lai của đất nước”.
Ươm mầm trí tuệ cho trẻ nhỏ
Đức Phật có dạy, việc giáo dục thế hệ tiếp nối là điều vô cùng trân quý. Và đó cũng chính là nền tảng cho việc giữ gìn Chính pháp tồn tại vững bền và dài lâu. Việc giáo dục thanh thiếu niên nói chung, đặc biệt là trẻ em mầm non nói riêng theo phương hướng sống tốt đẹp là cực kì cần thiết, góp phần vào sự an bình và phát triển của xã hội. Và tại tỉnh TT-Huế, trường mầm non Lâm Tỳ Ni đã ra đời nhằm vun trồng những hạt mầm tương lai của đất nước
Với diện tích hơn 3000m2, Trường mầm non Lâm Tỳ Ni toạ lạc tại TP.Huế sơ khai tọa lạc tại khuôn viên chùa Diệu Đế, và đến năm 2009 chính thức được xây dựng. Trường được hình thành từ chính tâm nguyện của Chư Tôn Đức Tăng Ni tỉnh Thừa Thiên Huế đối với thế hệ tương lai.
Ngôi trường mới được thiết kế và xây dựng hiện đại, cơ sở vật chất và môi trường sạch đẹp, các trang thiết bị an toàn, đồ dùng đồ chơi phong phú, tạo điều kiện cho các em được học tập, vui chơi trong một môi trường an lành, thân thiện.
Bên cạnh cơ sở vật chất, phương pháp đào tạo cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng. Chư tôn đức và giảng viên chú trọng vào sự quan sát của trẻ, giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh, khích lệ sự ham học hỏi, tìm tòi học tập, phát triển khả năng tưởng tượng, sáng tạo qua các hoạt động cùng nhiều phương pháp khác lồng ghép giữa đạo và đời.
Công tác tổ chức đào tạo của trường là điều kiện thuận lợi mở ra cho chư Ni và các giảng viên tại đây cơ hội dấn thân trên con đường thực hiện hạnh Bồ-tát. Với đức tính hiền hòa, kiên nhẫn, đội ngũ giảng viên làm công tác giáo dục tâm hồn non nớt của các em theo tinh thần Phật pháp. Đặc biệt, “lòng yêu thương, sự thấu hiểu và sẻ chia” là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của nhà trường.
Với những nỗ lực của chư tôn đức và giáo viên tại trường, có thể tin tưởng rằng nền giáo dục Phật giáo dành cho lớp mầm non sẽ giúp các em phát triển tâm trí, lòng từ bi và những yếu tố cần thiết để khi trưởng thành luôn có cuộc sống an vui, xây dựng gia đình hạnh phúc; góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
Cụm quốc tế
Singapore: 1/3 số người trưởng thành là Phật tử
Theo khảo sát mới đây của Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo, 31% số người trưởng thành tại Singapore là Phật tử. Số liệu này tương đương khoảng 2 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số của đảo quốc sư tử. Cũng theo báo cáo trên, Phật giáo Bắc Tông chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân Singapore khi phần lớn các tự viện đều tu tập, hành đạo theo truyền thống này. Đặc biệt, số lượng Phật tử chiếm tỷ lệ cao trong nhóm dân cư gốc Hoa, xấp xỉ 60% số người trưởng thành là tín đồ hoặc có cảm tình với đạo Phật.
Hàn Quốc: Nhiều hoạt động trong lễ hội Phật giáo Hwaeom
Tại Hàn Quốc, từ ngày 6 đến mùng 8/10 tới, Lễ hội chùa Hwaeom (Hoa – ưm) tại huyện Gurye (Ku – rê), tỉnh Jeolla Nam (Chôn – la – Nam) sẽ được tổ chức. Là sự kiện văn hóa truyền thống của ngôi chùa có nghìn năm tuổi, ngoài các thời khóa tâm linh, tại Lễ hội còn có trình diễn dân ca, dân vũ; triển lãm các bảo vật Phật giáo; hành hương trên con đường hoằng pháp của chư tôn đức tiền bối. Có lịch sử hàng trăm năm, lễ hội chùa Hwaeom (Hoa – ưm) là 1 trong những sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Jeolla Nam (Chôn – la – Nam), thu hút hàng nghìn người dân và Phật tử tham dự.
Nhà sàn người Thái – nét độc đáo miền sơn cước
Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho văn hóa vùng Tây Bắc. Với đồng bào Thái, nhà sàn là một sản phẩm văn hóa đặc sắc, giữ vị trí quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần. Trong bối cảnh giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền, việc bảo tồn, gìn giữ các nếp nhà sàn truyền thống chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo quan niệm từ cha ông để lại, người Thái rất coi trọng nơi đặt nhà, hướng nhà phải trùng với hướng núi, rộng, thoáng và đặt làm sao để ngôi nhà được hài hòa với thiên nhiên và đặc biệt phải gần nguồn nước. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều ngôi nhà sàn đã được cách tân, nhưng hầu hết mái được lợp ngói, thưng ván gỗ, ngôi nhà sàn thường có 3 đến 5 gian, gia đình có điều kiện thì làm nhà 7 gian. Số gian nhà cũng như bậc cầu tháng bắt buộc phải là số lẻ, bởi người Thái quan niệm, số lẻ mới là số của sự phát triển.
Với quan niệm “Nhà có gác, sàn có cột”, do đó nhà sàn của người Thái đều dựng bằng gỗ từ cột, xà đến ván,… mang đến một nét đẹp riêng biệt và độc đáo. Đặc biệt nhiều ngôi nhà sàn vẫn giữ được thiết kế truyền thống là có hai cầu thang lên xuống nằm ở đầu nhà và cuối nhà. Theo quan niệm, cầu thang ở đầu nhà thường dành cho nam giới, những người cao tuổi đi lại; còn cầu thang cuối nhà là dành riêng cho phụ nữ.
Những ngôi nhà sàn bình dị đã tạo nên khung cảnh miền sơn cước đặc trưng của dân tộc Thái ở vùng biên cương Điện Biên.. Dù cuộc sống có thay đổi thì đồng bào Thái nơi đây vẫn đang giữ gìn lối sống sinh hoạt quây quần, ấm cúng bên ngôi nhà sàn truyền thống đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển từ xa xưa.
Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới tại Việt Nam
Cuối tuần qua, tại Thủ đô Riyadh của A-rập –Xê út, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Quần thể Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong phần cuối bản tin hôm nay, xin mời quý vị đến với những hình ảnh ấn tượng của 9 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới của VN tính đến hiện tại, qua đó thêm tự hào về vẻ đẹp địa chất, bề dày văn hóa lịch sử của dân tộc.
Đến nay Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới. Trong đó, có 5 di sản văn hóa, 3 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Đó là:
- Quần thể di tích Cố đô Huế – Di sản văn hóa thế giới năm 1993
- Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994, 2000
- Khu di tích Mỹ Sơn – Di sản văn hóa thế giới năm 1999
- Đô thị cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới năm 1999
- Phong Nha-Kẻ Bàng – Di sản thiên nhiên thế giới năm 2003, 2015
- Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới năm 2010
- Thành nhà Hồ – Di sản văn hóa thế giới năm 2011
- Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản hỗn hợp năm 2014
- Quần thể Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh và TP.Hải Phòng) – Di sản thiên nhiên thế giới năm 2023
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 22.09.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
GHPGVN triển khai dự án lắp đặt tivi tại các chùa, cơ sở Tự viện
Tin tức 19/11/2024 10:58:02
GHPGVN triển khai dự án lắp đặt tivi tại các chùa, cơ sở Tự viện
Tin tức 19-11-2024 10:58:02
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17-11-2024 18:18:23
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12-11-2024 14:14:49
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07-11-2024 11:48:06
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23-10-2024 15:22:49
11 lượt thích 0 bình luận