Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.05.2024

23/05/2024 09:10:58 1649 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Phật đản 2024; Cố đô Huế – Rực rỡ sắc màu tuần lễ Phật đản…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Phật đản 2024

Sáng 22/5, nhằm ngày Rằm tháng Tư năm Giáp Thìn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, chúc mừng Phật đản tới Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Trong không khí hân hoan của Đại lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc tới Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài đón mùa Phật đản an lành, hạnh phúc. Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã luôn phát huy tinh thần hộ quốc an dân, là thành tố quan trọng của văn hóa dân tộc. Thủ tướng Chính phủ hy vọng, Giáo hội các cấp sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tiên phong trong các chương trình từ thiện xã hội, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Đáp từ, Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn, Phó pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS trân trọng cảm ơn tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đồng thời thông tin về các thành tựu Phật sự nổi bật thời gian qua, kế hoạch triển khai các hoạt động trọng tâm sắp tới, đặc biệt là Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 20, sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào năm 2025. Trưởng lão Hòa thượng chúc Thủ tướng cùng phái đoàn thân khỏe tâm an, lãnh đạo đất nước hội nhập và phát triển bền vững.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phái đoàn đã thực hiện nghi thức tắm Phật tại chính điện chùa Quán Sứ.

Cụm tin chúc mừng Phật đản tại các địa phương

Hòa chung không khí Phật đản cả nước, lãnh đạo các cấp đã có những hoạt động chúc mừng BTS GHPGVN các địa phương.

Sáng 22/5, phái đoàn lãnh đạo tỉnh Bến Tre do Ông Trần Thanh Lâm – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đến tặng hoa chúc mừng BTS GHPGVN tỉnh nhân Đại lễ Phật Đản 2024. Đoàn cảm ơn chư Tăng Ni, Phật tử đã chung tay chăm lo cho người nghèo, đồng hành trong các hoạt động về phát triển kinh tế, Chính trị, văn hóa xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ làm trưởng đoàn lãnh đạo TP.Cần Thơ đã thăm, chúc mừng Phật đản đến BTS GHPGVN TP. Đoàn mong muốn chư Tăng Ni, đồng bào Phật tử phát huy tinh thần sống tốt đời đẹp đạo, tiếp tục đóng góp xây dựng TP ngày càng giàu đẹp. Cảm ơn đoàn, chư tôn đức khẳng định sẽ tiếp tục vận động, hướng dẫn tín đồ chấp hành mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Còn tại Lạng Sơn, bà Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cùng đoàn đã đến thăm, chúc mừng chư tăng ni, phật tử đón Đại lễ phật đản an lạc, vui tươi. Dịp này, Tòa giám mục; Tỉnh đoàn; Hội LHTN tỉnh Phòng Pa02 – Công an tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo thành phố Lạng Sơn…cũng đã thăm, chúc mừng BTS tỉnh. Đáp lời Thượng tọa Thích Quảng Truyền, UV HĐTS, Trưởng BTS tỉnh đã trân trọng cảm ơn và chúc các phái đoàn nhiều thành tựu trong công việc.

Tiêu điểm: Thanh âm Phật đản

Có lẽ cứ đến tháng 4 âm lịch, cảm xúc của mỗi người con Phật lại có gì đó thật khác lạ, để mừng vui Đức Phật ra đời. Ở thủ đô Hà Nội, cái không khí ấy lại càng rõ nét qua chuỗi những hoạt động chào mừng mà các cấp Giáo hội tổ chức. Có thể đó là sự rộn ràng của lễ cung rước xá lợi Phật, cũng có thể là sự trang nghiêm, linh thiêng của Đại lễ Phật đản. Tất cả đã làm nên một mùa Phật đản thủ đô với đủ các thanh âm.

Mỗi năm, cứ đến mùa Khánh đản, lễ rước Phật do TƯGH tổ chức lại diễn ra vào đêm 14 tháng 4 âm lịch. Trời chiều mưa tầm tã, nhưng gần đến giờ rước, lại khô ráo, thời tiết mát mẻ. Một bầu trời thanh âm, sắc màu quanh khuôn viên chùa Quán Sứ, ấy là màu trang phục truyền thống các dân tộc, ấy là âm thanh của kèn trống, ấy là màu của sự lấp lánh, linh thiêng.

Lễ Cung rước Xá lợi Phật và xe hoa mừng Phật đản sinh diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn chư tôn đức, cùng đông đảo Phật tử và nhân dân chiêm bái. Đoàn xe hoa xuất phát từ trụ sở Trung ương giáo hội – chùa Quán Sứ, qua các phố Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo và trở về chùa. Ai nấy đều xúc động chắp tay cung kính, niệm danh hiệu Phật và nguyện cầu Phật pháp xương minh, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc no ấm.

Âm thanh đoàn rước Phật rộn ràng, hào hùng đến nỗi ai ai cũng phải ngước nhìn. Từ cụ già ngoài cửu tuần, đến em bé nhỏ xíu, sự mong chờ hiện rõ trên từng nét mặt, ánh mắt.

Rời xa những thanh âm rộn ràng của lễ Rước, chùa Quán Sứ sáng sớm ngày Rằm tháng 4… khoác lên mình vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch của ngôi cổ tự. Đông đảo Phật tử, trong đó có nhiều Phật tử trẻ nhất tâm dâng hương lễ Phật, trọn hưởng những giây phút an yên.

Năm nay, Đại lễ Phật đản được TƯGH tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo các nghi thức truyền thống như: tụng sám Khánh đản, tắm Phật, cầu nguyện thế giới hòa bình, nhà nhà an vui.

Ngày chính lễ, rất đông Phật tử đến chùa lễ Phật, thế nhưng ai nấy đều bình tĩnh và xếp ngay hàng thẳng lối. Sự thanh tịnh và an lạc như được cộng hưởng và lan tỏa khắp chùa.

Cố đô Huế – Rực rỡ sắc màu tuần lễ Phật đản

Rời xa thủ đô Hà Nội, đến với một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước – cố đô Huế. Hằng năm cứ đến mùa Phật đản, nơi này lại khoác lên mình tấm áo mới nhiều sắc màu với cờ, hoa, lồng đèn,… Không chỉ với những người con Phật, mà với tất cả người dân, Phật Đản là sự kiện để lại nhiều ấn tượng.

Với Cố đô Huế, mùa Phật đản luôn được không chỉ các phật tử mà người dân đều đón chờ với niềm tôn kính. Từ các tự viện đến các tư gia, tất thảy đều treo đèn kết hoa để cúng dường chư phật. Khi bảy đóa sen hồng được thắp sáng giữa dòng Hương tượng trưng cho 7 bước đi của Đức phật cũng báo hiệu một mùa Phật đản đã về trên đất Cố Đô

Trải qua dặm dài lịch sử, Phật giáo không chỉ trở thành nền tảng tinh thần của cư dân xứ Huế mà còn được xem là một trong những thành tố quan trọng, tạo nên bản sắc văn hóa. Tại nhiều gia đình, bàn Phật được trang hoàng thêm nhiều đèn nến lung linh, hoa tươi thơm ngát thể hiện sự thành kính dịp Đản sanh.

Trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn đều được trang hoàng cờ đèn, tạo không khí hân hoan. Các chùa trang trí chào đón Đại lễ Phật đản rực rỡ, lung linh hơn với hàng nghìn ánh đèn nến đủ sắc màu.

Năm nay, Tuần lễ Phật đản được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức từ ngày 8 – 15/4 Âm lịch (15-22/5) với nhiều sự kiện như: hạ thủy và thắp sáng 7 hoa sen trên sông Hương; thực hiện nghi thức tắm Phật và lễ rước Phật truyền thống cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình; Diễu hành thuyền hoa, phóng sanh đăng…

Điểm nhấn của đại lễ là chương trình diễu hành 32 thuyền hoa trên sông Hương trong ba đêm 13-15/4 Âm lịch. Những chiếc thuyền hoa được trang trí công phu, tỉ mỹ kết hợp với nghệ thuật ánh sáng và đèn tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ. Với ý nghĩa cầu nguyện “Quốc thái dân an, thế giới hòa bình, đạo pháp trường tồn và chúng sinh an lạc”, lễ hội Phật đản là lễ hội truyền thống, theo thời gian đã đi sâu vào tâm thức và đời sống của người dân xứ Huế.

Mùa khánh đản tại phương Nam bừng nắng

Không chỉ Huế, đi dọc chiều dài đất nước những ngày này, hẳn tại bất cứ nơi nào, sắc màu Phật Đản cũng rực rỡ, thanh âm Phật Đản khi rộn rã, lúc lại sâu lắng. Cũng với không khí ấy, tại phương Nam, chính lễ Phật Đản sáng nay đã diễn ra dưới ánh nắng chan hòa cùng sự hân hoan của người đệ tử Phật.

Tại Việt Nam Quốc Tự, Đại lễ Phật đản đã được cử hành trang trọng với sự góp mặt của đại diện nhiều ban ngành Trung ương, thành phố, chư tôn Giáo phẩm GHPGVN cùng hàng nghìn tăng ni, phật tử tại Thành phố.

Thông điệp mùa Phật đản Phật lịch 2568 cũng được Đức Pháp Chủ GHPGVN tuyên đọc trong không khí trang nghiêm với mong muốn những người con Phật luôn tinh tấn thực hành những lời dạy vàng ngọc của Ngài.

Hai tuần lễ vừa qua, tại nhiều tự viện, chư tăng ni, phật tử đã dành hết tâm sức giăng đèn, kết hoa, treo cờ phướn nhằm lan tỏa không khí hân hoan trong mùa Phật Đản sinh. Các tuyến đường xung quanh các ngôi chùa ở quận Phú Nhuận, dọc bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng rợp bóng cờ hoa. Tại chùa Pháp Hoa, đêm hội hoa đăng kính mừng Phật đản ngày 12.4 âm lịch; lễ tắm Phật tổ chức sáng ngày 15.4 âm lịch thu hút  hàng ngàn người dân tham dự.

Đại lễ Phật đản không chỉ là dịp để chư tăng ni, phật tử bày tỏ lòng thành kính đối với Đức Phật, mà sự kiện văn hóa này cũng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đại đa số người dân.

Tuần lễ phật đản tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, hân hoan. Từ đó, truyền đi thông điệp của tình yêu thương, lòng từ bi, giá trị đạo đức cốt lõi và tinh thần hòa bình lan tỏa đến toàn thể nhân loại trên thế giới.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 22.05.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

11 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

GHPGVN triển khai dự án lắp đặt tivi tại các chùa, cơ sở Tự viện

Tin tức 19/11/2024 10:58:02

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49