Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân với trái tim không bao giờ cháy

07/06/2023 08:28:45 1201 lượt xem

Cách đây tròn 60 năm, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu trên đường phố Sài Gòn để phản đối làn sóng đàn áp Phật giáo của chính quyền đương thời, góp phần bảo vệ Phật giáo Việt được trường tồn, nước nhà độc lập, thống nhất.

Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 11/6/1963, nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Phóng viên Malcolm Browne của hãng AP (Associates Press) đã giành Giải thưởng “Ảnh Báo chí Thế giới” năm 1963 nhờ bức hình chụp cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. 

Những bức ảnh của Browne chụp cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã nhanh chóng truyền đi bằng các phương tiện điện tín và lên trang nhất của nhiều tờ báo khắp thế giới, trở thành một sự kiện chấn động.

Tượng Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc tự.

Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Năm lên 7 tuổi, cậu bé Lâm Văn Tức xuất gia. Năm 15 tuổi, Lâm Văn Tuất thọ giới Sa Di, năm 20 tuổi thụ Tỳ Kheo.

Sau quãng thời gian sống biệt lập, ông bắt đầu du hành khắp miền Trung để giảng pháp. Sau 2 năm ông trở lại nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên Tứ tại xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, gần thành phố Nha Trang. Năm 1932, ông được bổ nhiệm làm chức kiểm tăng tại chi hội Phật giáo Ninh Hòa, sau đó nhận nhiệm vụ kiểm tăng trong tỉnh Khánh Hòa. Trong suốt thời gian ở miền Trung Việt Nam, ông đã tiến hành kiến tạo và trùng tu 14 ngôi chùa. Năm 1934, rời Khánh Hòa vào miền Nam để giáo hóa, ông từng đến Campuchia hai năm để học hỏi và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada. 20 năm hành đạo ở miền Nam, ông đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa. Như vậy, ông đã có công xây dựng hoặc trùng tu tất cả 31 ngôi chùa.

Ngôi chùa nơi ông trụ trì cuối cùng trước khi tự thiêu là chùa Quan Thế Âm ở xã Phú Nhuận, Gia Định, nay con đường này đã đổi thành chính tên của ông là Thích Quảng Đức. Ông đã từng giữ chức vụ Phó Trị sự và Trưởng ban Nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt từ năm 1953 đến năm 1958. Trước đó, ông có lúc đã nhận nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt. Khi trụ sở này dời về chùa Xá Lợi, ông xin thôi việc để có đủ thời gian an tâm tu niệm

Tự thiêu vì đạo pháp

Sau khi chứng kiến bao nhiêu cực khổ của nhân dân, sự độc ác nhất là chính sách kỳ thị tôn giáo, nhất là Phật giáo, lệnh cấm treo cờ Phật giáo, cấm Tăng Ni hoằng Pháp và đánh đập họ khiến 8 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Trước sự việc này, các vị Phật giáo tại chùa Từ Đàm (Huế) đã gửi yêu cầu gồm 5 điều đòi chính quyền phải thực hiện để bình đẳng tôn giáo nhưng lại bị Tổng thống Ngô Đình Diệm từ chối chấp nhận, thậm chí còn gia tăng đàn áp tàn ác hơn. Chứng kiến cảnh này, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã viết đơn xin tự thiêu để bảo vệ và lấy lại công bằng cho đạo Phật, cứu nguy Phật giáo khỏi nạn diệt vong. 

Ngày 11/6/1963 (tức ngày 20/4 năm Quý Mão), sau khi tổ chức lễ cầu siêu tại chùa Phật Bửu rất đông, các vị Tăng Ni cùng nhau diễu hành trên đường phố yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm phải đáp ứng được 5 nguyện vọng của nhà Phật giáo, đồng thời mong muốn họ phải loại bỏ những chính sách thể hiện sự kỳ thị tôn giáo. 

Trong khi đoàn đi chuyển tới ngã 4 phố Phan Đình Phùng, Hòa thượng Thích Quảng Đức bước xuống xe và ngồi ngay giữa ngã tư. Trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân, Phật tử, Hòa thượng đã tự châm lửa thiêu đốt mình. Dù ngọn lửa ngày càng bùng cháy, Hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn giữ vững một tư thế là thế kiết già thẳng lưng. Khi ngọn lửa dịu dần, Ngài cúi đầu ba lần để nói lời tạm biệt với dân chúng rồi ngã gục xuống đất. 

Đại đức Thích Chơn Ngữ, người trực tiếp tưới xác lên đầu và thân mình Hòa thượng Thích Quảng Đức, thuật lại: “Tay trái tôi xách thùng xăng, tay mặt tôi dìu Ngài bước ra xe và mời Ngài ngồi xuống. Ngài ngồi kiết già tay mặt đặt lên tay trái. Tôi cầm thùng xăng đáng lẽ tưới lên vai Ngài, nhưng vì hốt hoảng lo sợ mật vụ tới nên đã đổ xăng từ đầu Ngài trở xuống. Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh. Lửa tức tốc bừng cháy đốt ngay thân xác Ngài như một pho tượng trong khi các tăng ni quỳ xuống vừa khóc vừa niệm: A Di Đà Phật.”

Bức ảnh của phóng viên Malcolm Browne chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối làn sóng đàn áp Phật giáo đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới.

Trước khi viên tịch, trong bức “Lời nguyện tâm quyết” của mình, Hòa thượng Thích Quảng Đức có viết 4 ý chính sau:

– Cầu mong Phật tổ phù hộ độ trì, gia hộ cho chính quyền Ngô Đình Diệm chấp nhận và thực hiện năm nguyện vọng của Phật giáo.

– Cầu mong Phật giáo Việt Nam được trường tồn mãi mãi.

– Cầu mong Chư Đại Đức Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam vượt qua khó khăn, thoát khỏi nạn khủng bố, bắt nạt của những kẻ gian ác.

– Cầu nguyện đất nước thống nhất, trở lại cuộc sống thanh bình, nhân dân được bình yên.

Cùng có mặt tại hiện trường với phóng viên Malcolm Browne là David Halberstam, lúc đó là phóng viên trẻ của báo The New York Times. Halberstam cùng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1964 nhờ bài báo nói về sự kiện này. Halberstam đã viết: “Tôi không muốn nhìn thấy cảnh đó thêm một lần nữa, một lần đã là quá đủ… Tôi đã quá sốc, không thể đưa ra bất cứ câu hỏi gì, thậm chí không thể nghĩ gì được. Khi ông ấy tự thiêu, ông ấy không hề cử động, không rên la, cái vẻ ngoài điềm tĩnh của ông trái ngược hẳn với đám đông nức nở xung quanh”.

Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc Hòa thượng Thích Quảng Đức giữ vững tư thế ngồi kiết già thẳng lưng trong ngọn lửa đang cháy rực của Malcolm Browne  đã gây xúc động đến nỗi Tổng thống Mỹ lúc đó John F. Kennedy phải thốt lên: “Không một bức ảnh thời sự nào trong lịch sử thế giới lại tạo ra nhiều cảm xúc như thế!”.

Sự việc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu khi đó đã làm chấn động dư luận thế giới, gây xúc động sâu sắc mọi tầng lớp nhân dân trong nước, không phân biệt tôn giáo, góp phần kết thúc đàn áp Phật giáo và kết thúc chiến tranh tại Việt Nam.

Để ghi nhớ công hạnh của Hòa thượng, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, năm 1964, Hội đồng Lưỡng viện Tăng Thống và Hóa Đạo đã quyết nghị suy tôn Hòa thượng pháp vị Bồ Tát.

“Trái tim bất diệt”

Sau khi tự thiêu, nhục thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức được đưa về quản tại chùa Xá Lợi. Đến ngày 20/6/1963, Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo và các Tăng Ni đưa thi thể ông đi hỏa táng tại An dưỡng địa Phú Lâm. Theo nhiều nhân chứng, sau khi nhục thân biến thành tro thì quả tim vẫn còn, trở thành một khối rắn như đá với hình dáng nguyên vẹn một cách lạ thường. Điều này cũng trùng với tâm nguyện của ngài trước khi tự thiêu, rằng sẽ để lại cho đời một vật gì đó, như là thành quả tu hành cả đời của ngài.

Vì lo sợ trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức bị chính quyền Ngô Đình Diệm cướp đi nên Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo quyết định bỏ vào một tháp đồng cao khoảng 0,5 m, rộng 0,3 m, rồi gửi vào kho cất giữ ở ngân hàng Pháp Quốc tại Sài Gòn khi đó. Trải qua nhiều năm, tới 2017, trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức đã được chuyển về Việt Nam Quốc Tự.

Xá lợi trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức được đặt tại bảo tháp ở Việt Nam Quốc tự.

Cho đến nay, hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức bình thản xếp chân kiết già, điềm nhiên châm lửa, rồi ngọn lửa bùng cháy lớn, bốc cao phủ kín thân nhưng Ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa đã khắc sâu trong tâm trí của hàng triệu người người về một vị Bồ tát xả thân vì đạo Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có câu đối tôn vinh Bồ tát Thích Quảng Đức:

Vị pháp thiêu thân, vạn cổ hùng uy thiên nhật nguyệt

Lưu danh bất tử, bách niên chính khí địa sơn hà”.

Trong khi đó, “trái tim bất diệt” của Hòa Thượng Thích Quảng Đức, chẳng nghi ngờ gì, đó chính là biểu tượng của lòng dũng cảm và sự nhiệm màu của Phật Pháp, sẽ còn mãi cho tới về sau.

Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM phối hợp Hội đồng Trị sự GHPGVN tổ chức lễ tưởng niệm 60 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân cùng chư Thánh tử đạo tại Việt Nam Quốc Tự. Lễ tưởng niệm có sự tham dự của chư tôn đức giáo phẩm TƯGH, Giáo hội TP.HCM, lãnh đạo các cơ quan TP.HCM, Giáo hội TP.Thủ Đức, 21 quận huyện và Phật tử các đạo tràng.

12 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Nghi thức tụng kinh Kim Cang

Kiến thức 27/08/2024 15:59:35

Nghi thức tụng kinh Kim Cang

Kiến thức 27-08-2024 15:59:35

Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật (Vajrachedikā Prajñāpāramitā) là một bài kinh ngắn khoảng 6.000 từ, tiêu biểu cho Phật giáo Đại thừa và phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng Đông Nam Á.
113 lượt xem 0 Bình luận

Cách tụng kinh Trường Thọ Diệt Tội

Kiến thức 27/08/2024 15:47:19

Cách tụng kinh Trường Thọ Diệt Tội

Kiến thức 27-08-2024 15:47:19

Kinh Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni bảo vệ trẻ em và giúp hóa giải nghiệp chướng, đặc biệt dành cho những ai muốn sám hối và thanh tịnh tâm hồn sau những hành động không may.
14370 lượt xem 0 Bình luận

Tại sao trước ngực của tượng Phật có hình chữ Vạn?

Kiến thức 26/08/2024 17:35:00

Tại sao lễ Phật phải cúi đầu?

Kiến thức 26/08/2024 15:36:44

Hướng dẫn chép kinh Pháp Cú

Kiến thức 24/08/2024 10:51:00

Hướng dẫn chép kinh Pháp Cú

Kiến thức 24-08-2024 10:51:00

Kinh Pháp Cú là tập hợp những lời dạy ngắn gọn và sâu sắc của Đức Phật, được xem như những bài kệ quý giá, chứa đựng tinh hoa của đạo Phật.
2488 lượt xem 0 Bình luận