Tụng Chú Dược Sư: Nghi thức, các bước, lợi ích to lớn hành trì
Chú Dược Sư được rất nhiều hành giả thực hiện niệm tụng mỗi ngày. Hiểu rõ về ý nghĩa chú và thực hiện trì tụng đúng sẽ giúp mỗi người nhận được đầy đủ những điều tuyệt vời mà câu chú mang lại.
Chú Dược Sư là gì? Nguồn gốc
Chú Dược Sư là pháp nguyện của Phật Dược Sư – bậc Đại Từ Đại Bi, nguyện hóa độ chúng sinh, chữa lành bệnh tật, tiêu trừ khổ đau và mang lại an lạc. Ngài còn được biết đến với nhiều danh hiệu cao quý như Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Đại Y Vương Phật, Vương Thiên Đạo, biểu trưng cho ánh sáng trí tuệ và năng lực cứu độ vô biên.
Dược Sư có tên đầy đủ là Dược Sư Như Lai hoặc Dược Sư Lưu Ly Quang. Theo giải nghĩa, Dược Sư chính là thầy thuốc chữa bệnh, Lưu Ly chính là một loại ngọc quý giá có màu xanh, trong suốt, còn Quang là ánh sáng. Danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang có nghĩa là thầy thuốc chữa bệnh mang ánh sáng đến như ngọc lưu ly.
Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật là vị Phật dùng thần lực giúp chúng sinh gia tăng lòng kiên cường và từ đó vượt qua bệnh tật trong cuộc sống. Việc tụng Chú Dược Sư sẽ giúp hành giả đang chìm đắm trong đau khổ về tâm hồn, sức khỏe bệnh tật dần được chuyển hóa.
Chú Dược Sư có nguồn gốc từ Phật Dược Sư. Bổn nguyện của Dược Sư Như Lai là trị tất cả trọng bệnh phiền não về thân và tâm của chúng sinh, cứu độ chúng sinh ra khỏi sinh tử khổ đau.
Tụng Chú Dược Sư 108 biến là gì?
Chú Dược Sư 108 biến là bài chú được trì tụng 108 lần, mỗi lần đọc hết bài chú được tính là một biến.
Trong việc trì tụng Chú Dược Sư, không có quy định cố định về số lần phải đọc. Tuy nhiên, theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, hành giả thường được khuyến khích tụng ít nhất 108 biến mỗi lần. Vậy tại sao lại là con số này?
Theo giáo lý nhà Phật, con người chịu ảnh hưởng của 108 phiền não, hình thành từ:
- 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
- 6 loại phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) phát sinh từ mỗi căn, tạo thành 36 phiền não.
- 3 thời (quá khứ, hiện tại, tương lai) nhân lên thành 108 phiền não.
Việc trì tụng 108 lần chính là pháp thực hành giúp đoạn trừ phiền não, thanh tịnh sáu căn, mang lại sự an lạc và giác ngộ.
Dù con số 108 mang ý nghĩa sâu sắc, người trì tụng có thể linh hoạt tăng giảm số biến tùy theo khả năng và lòng thành. Quan trọng nhất không phải là số lượng, mà là tâm thành kính, sự tập trung và nguyện lực khi trì chú—từ đó giúp bản thân và tha nhân tích tụ công đức, tiêu trừ khổ đau, hướng đến an lạc và giải thoát.
Tổng hợp Chú Dược Sư
Hành giả có thể thực hiện tụng niệm bản tiếng Phạn hoặc tiếng Việt tùy ý đều đem lại công đức như nhau. Với điều kiện bạn cần trì tụng đúng cách, đúng quy định và đều đặn.
Chú Dược Sư Tiếng Phạn
“Tayata Om Bekandze Bekandze Maha Bekandze Radza Samudgate Soha”
Chú Dược Sư Tiếng Việt
“Nam mô bạt già phạt đế, bệ sát xã, lũ lô thích lưu ly bác lặc bà, hắc ra xà giả.
Đát tha yết đa da, a ra hắc đế.
Tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha.
Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tóa ha.”
Ý nghĩa Chú Dược Sư
Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của từng câu chữ trong Chú Dược Sư đối với bản tiếng Phạn như sau:
- Tayata: có nghĩa là vượt qua mọi giới hạn, ra khỏi vòng luân hồi và kiếp niết bàn.
- Om: xuất hiện nhiều trong các câu chú của Phật giáo mang ý nghĩa thể hiện sức mạnh tinh thần tuyệt đối.
- Bekandze Bekandze: có nghĩa đang gọi tên Phật Dược Sư 2 lần liên tiếp.
- Maha Bekandze: mô tả đại đức của Phật Dược Sư
- Radza Samudgate: có nghĩa là hoàn toàn giải phóng hoặc đánh thức.
- Soha: có ý nghĩa là hoà tan trong mỗi chúng sinh.
Xem thêm: Chú Chuẩn Đề là gì? Ý nghĩa và nghi thức tụng đúng cách
Lợi ích khi tụng Chú Dược Sư
Khi niệm thường xuyên bạn sẽ thấy lòng mình thanh thản, sống chậm, phát khởi lòng từ bi, thương cảm với mọi người. Hơn nữa, niệm trì chú này còn nhận về nhiều lợi lộc như sau:
- Nếu bạn mắc nhiều lầm lỡ khi trì tụng với tâm sám hối thì sẽ được chuyển hóa, thành tựu giải thoát, bù đắp tội lỗi thành khẩn. Nhờ đó mà mọi lỗi lầm sẽ được bù đắp, tránh để lại nghiệp chướng khó hóa giải.
- Khi tụng Chú này, nếu người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có được thân tâm an lạc từ đó dần dần chuyển hoá những khổ đau.
- Những người ốm đau nhẹ khi trì Chú Dược Sư sẽ nhanh chóng có tinh thần an lạc, từ đó sẽ thoát khỏi bệnh tật. Họ sẽ trở nên tràn đầy sức lực, có thêm niềm tin vào cuộc sống, trí óc minh mẫn hơn.
Các bước trì tụng Chú Dược Sư
Trì tụng Chú Dược Sư là một pháp thực hành giúp tiêu trừ bệnh tật, phiền não và mang lại bình an. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
Chuẩn bị trước khi trì tụng
- Chọn không gian thanh tịnh: Nên tụng chú ở nơi yên tĩnh, sạch sẽ, có thể lập bàn thờ Phật Dược Sư (nếu có).
- Trang phục chỉnh tề: Mặc quần áo gọn gàng, trang nghiêm, thể hiện lòng tôn kính.
- Tâm thanh tịnh: Trước khi tụng, nên tĩnh tâm, buông bỏ phiền não, giữ tâm chân thành và an định.
- Chuẩn bị chuỗi hạt: Nếu muốn đếm số biến tụng, có thể dùng chuỗi 108 hạt.
Khai lễ
- Chắp tay hướng về Phật Dược Sư, phát nguyện trì tụng để cầu sức khỏe, bình an cho bản thân và chúng sinh.
- Tụng bài kệ tán thán Phật Dược Sư (nếu có).
- Lễ bái ba lạy (nếu thực hiện tại bàn thờ).
Trì tụng Chú Dược Sư
- Tụng Chú Dược Sư với tâm chí thành: Có thể tụng 21 lần, 49 lần hoặc 108 lần, tùy theo khả năng.
- Có thể niệm thầm, niệm nhỏ hoặc niệm lớn, nhưng quan trọng là sự tập trung và lòng thành.
- Giữ hơi thở điều hòa, không gấp gáp, không lơ là.
Hồi hướng công đức
- Sau khi tụng xong, chắp tay hồi hướng công đức cho bản thân, gia đình và tất cả chúng sinh.
- Tụng bài hồi hướng:
“Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sinh,
Đều trọn thành Phật đạo.”
Kết thúc buổi trì tụng
- Lạy ba lạy (nếu có bàn thờ Phật).
- Giữ tâm thanh tịnh, không vội vã trở lại công việc ngay, mà nên ngồi tĩnh lặng trong vài phút.
Nghi thức tụng Chú Dược Sư
Nguyện hương
(Chủ lễ quỳ ngay thẳng, xướng bài Nguyện hương. Gia chủ đồng mặc niệm và quán tưởng theo lời Nguyện)
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. O
Nhang trầm thơm ngát cả rừng thiền,
Vườn tuệ chiên-đàn nguyện kết nên,
Giới đức vót thành hình núi thẳm,
Hương lòng thắp sáng nguyện dâng lên. O
Đệ tử chúng con, một dạ chí thành, quỳ trước điện Phật, thiết lễ cầu an, trì chú Dược Sư, nguyện tiêu tai chướng, nguyện giáng kiết tường. Ngưỡng nguyện đức Phật Dược Sư Lưu Ly, Thất Bảo Như Lai, cùng mười hai vị đại tướng Dược Xoa, gia hộ chúng con: O
Oan trái nhiều đời đều được tháo mở, Oán thù bao kiếp thảy đều tiêu tan. Não phiền dứt sạch, xa lìa khổ ách, nghiệp chướng tiêu trừ, bốn mùa khỏe mạnh, thân tâm an lạc, niềm tin vững chắc, phước thọ tăng long, mọi việc hanh thông, gia đình hưng thịnh, quyến thuộc khương ninh, pháp giới chúng sinh, cùng lên bờ giác. O
Nam-mô Hương Cúng Dường Bồ-tát (3 lần) O
Đảnh lễ Tam Bảo
(Đứng thẳng, chắp tay trước ngực, cùng đọc và cùng lạy)
Chí tâm đảnh lễ: Nam-mô tận hư không, biến pháp giới, quá hiện, vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trú Tam bảo. (1 lạy) O
Chí tâm đảnh lễ: Nam-mô Ta-bà Giáo chủ, Điều ngự Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, đương lai hạ sanh Di-lặc tôn Phật, Đại Trí Vănthù-sư-lợi Bồ-tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, Hộ Pháp chư tôn Bồ-tát, Linh Sơn Hội thượng Phật Bồ-tát. (1 lạy) O
Chí tâm đảnh lễ: Nam-mô Tây Phương Cực Lạc thế giới, đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A-diđà Phật, đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát, đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát, Thanh Tịnh đại hải chúng Bồ-tát. (1 lạy) OOO
Tán Hương
(Đại chúng đứng thẳng và chắp tay trước ngực. Duy-na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Từ đây trở đi, chủ lễ xướng và gia chủ cùng tụng theo).
Lò hương vừa bén chiên đàn
Tỏa xông pháp giới đạo tràng mười phương
Hiện thành mây báu cát tường
Xin Phật chứng giám tâm hương chí thành
Pháp thân các Phật tịnh thanh
Chứng minh hương nguyện, phước lành rưới ban.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ-tát. (3 lần) OOO
Trì tụng Chân Ngôn
Chơn ngôn tịnh pháp giới:
Án lam tóa ha (7 lần) O
Chơn ngôn tịnh tam nghiệp:
Án ta phạ bà phạ, thuật đà ta phạ, đạt ma ta phạ, bà phạ thuật độ hám (3 lần) O
Phát nguyện trì chú
Kính lạy đức Thế tôn,
Quy y các Bồ-tát,
Nay con phát nguyện lớn
Trì tụng chú Dược Sư,
Trên đền bốn ơn nặng,
Dưới cứu khổ ba đường.
Nguyện cho người thấy, nghe
Đều phát tâm bồ-đề,
Thực hành hạnh trí huệ,
Sống an vui giải thoát
Khi mãn báo thân này,
Sanh về cõi Cực Lạc.
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần) O
Tán Phật Dược Sư
Đức giáo chủ Đông Phương,
Mười hai nguyện hoằng dương,
Cứu muôn loài thoát khổ,
Khai diễn pháp chân thường.
Bốn chín ngày đèn hương,
Trang nghiêm khắp đạo trường,
Trì danh và đảnh lễ,
Tiêu tai, thọ miên trường.
Nam-mô Dược Sư hải hội Phật Bồ-tát (3 lần) O
Ta-bà cảnh giới thật mong manh,
Vì để giúp đời, nói pháp kinh.
Bảy Phật Dược Sư diệt tội chướng,
Mười hai nguyện lớn cứu quần sanh.
Ba ngàn hóa Phật đồng gia hộ,
Tám vị Bồ-tát chứng lòng thành.
Giải kiết, tiêu tai, tăng tuổi thọ,
Phước duyên lợi lạc, sống an lành.
Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang
Vương Phật (3 lần) O
Dược Sư Quán Đảnh Chân Ngôn
(Tùy theo thời gian cho phép, có thể trì niệm 21, 49 hoặc 108 biến)
Nam mô Bạc già phạt đế, bệ sát xã, lũ lô thích lưu ly, bác lặc bà, hắc ra xà dã. Đát tha yết đa tha, a ra hắc đế. Tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha. Án bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tóa ha. O
Nam-mô Dược Sư hải hội Phật Bồ-tát (3 lần) O
Tháo mở hận thù, buông oan trái.
Nghiệp chướng bao đời đều rụng hết.
Rửa sạch lòng trần, phát tâm thành kính.
Quỳ trước Phật đài, xin giải oan nghiệt.
Dược Sư Phật, Dược Sư Phật.
Tiêu Tai Tăng Thọ Dược Sư Phật.
Tùy tâm mãn nguyện Dược Sư Phật. O
Niệm Danh Hiệu Bảy Vị Phật Dược Sư
Dược Sư Quang Phật,
Bậc Đại Y Vương,
Mười hai nguyện lớn,
Cứu khổ trầm luân.
Thành tâm quy ngưỡng,
Trang nghiêm đạo trường.
Niệm trì danh hiệu,
Đèn hoa cúng dường.
Đảnh lễ Phật tượng,
Cung kính tán dương.
Làm phan tục mạng,
Tuổi thọ miên trường.
Diệt trừ tội chướng,
Oan nghiệp không còn.
Phước lộc tăng trưởng,
Quả chứng chân thường. O
Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai. (18 lần) O
Nam-mô Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương Như Lai. (3 lần) O
Nam-mô Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang
Âm Tự Tại Vương Như Lai. (3 lần) O
Nam-mô Kim Sắc Bảo Quang Diệu
Hạnh Thành Tựu Như Lai. (3 lần) O
Nam-mô Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai. (3 lần) O
Nam-mô Pháp Hải Lôi Âm Như Lai. (3 lần) O
Nam-mô Pháp Hải Thắng Huệ Du Hí
Thần Thông Như Lai. (3 lần) OOO
Nguyện cầu an lành
– Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời đều an lành,
Tất cả các thời đều an lành,
Xin đấng Từ Bi thường gia hộ. O
– Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời đều an lành,
Tất cả các thời đều an lành,
Xin nguyện Tam Bảo thường gia hộ.O
– Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời đều an lành,
Tất cả các thời đều an lành,
Xin nguyện Hộ Pháp thường ủng hộ.O
Nam-mô Tiêu tai giáng cát tường Bồ-tát (3 lần) O
Năm điều quán tưởng
Thế Tôn lời dạy tỏ tường
Năm điều quán tưởng phải thường xét ra:
Ta đây phải có sự già,
Thế nào tránh khỏi lúc qua canh tàn. O
Ta đây bệnh tật phải mang,
Thế nào tránh khỏi đặng an, mạnh lành.
Ta đây sự chết sẵn dành,
Thế nào tránh khỏi tử sanh đến kỳ.
Ta đây phải chịu phân ly,
Nhơn vật quý mến ta đi biệt mà.
Ta đi với nghiệp của ta,
Dù cho tốt xấu tạo ra tự mình,
Theo ta như bóng theo hình,
Ta thọ quả báo phân minh kiết tường. O
Quán chiếu thực tại
Không truy tìm quá khứ,
Không ước vọng tương lai.
Quá khứ đã qua rồi,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính là đây.
Không động, không lung lay.
Hãy thực hành như thế! O
Không một ai biết trước
Cái chết đến lúc nào;
Tử thần có đợi đâu,
Làm sao điều đình được.
Vì thế nên nỗ lực,
Tinh tấn suốt đêm ngày,
Tỉnh thức từng phút giây,
An trụ bằng chánh niệm.
Như vậy mới xứng đáng
Người biết sống một mình,
Người ấy đã tôn vinh
Đạo nhiệm mầu vô thượng. O
Hồi hướng
Trì chú, tu tập, phước tăng,
Xin đem hồi hướng xa gần, khắp nơi.
Nguyện cho tất cả trời người,
Đều vào cõi Phật, sáng ngời chân tâm. O
Nguyện trừ ba chướng trầm luân,
Sống trong trí tuệ, tịnh thanh cõi lòng.
Nguyện cho tội nghiệp tiêu mòn,
Noi theo Bồ-tát làm tròn tấm gương. O
Nguyện sanh cõi tịnh Tây phương,
Mẹ cha: Chín phẩm sen vàng nêu danh,
Hoa cười, chứng ngộ vô sanh,
Cùng hàng Bồ-tát đồng hành tâm linh.O
Nguyện đem công đức tạo thành,
Hướng về tất cả chúng sanh mọi loài,
Rải ban hạnh phúc muôn nơi,
Giúp người giác ngộ, an vui đạo mầu.
(3 xá) OOO
Lời nguyện cuối
(Chủ lễ quỳ chắp tay, tha thiết nguyện; đại chúng mặc niệm)
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật O
Trời giác ngộ muôn nơi sáng tỏ,
Bánh xe pháp vận chuyển không dừng.
Tăng ni, đạo lực thậm thâm,
Phật tử, tín tâm kiên cố.
Nguyện nhà nhà hạnh phúc, an khang,
Cầu thế giới hòa bình, hưng thịnh.
Đời đời làm bà con Phật pháp,
Kiếp kiếp làm quyến thuộc từ bi.
Mọi người biết tu học điều lành,
Bốn biển được mưa hòa, gió thuận. O
Tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ
Bốn mùa hưng thạnh, tám tiết bình an
Sở nguyện tùy tâm, cát tường như ý
Tâm luôn hoan hỷ, thân dứt lỗi lầm,
Phủi sạch não phiền, trau dồi tuệ giác.
Học theo Trung đạo, tu hạnh nhất thừa,
Tinh tấn sớm trưa, trọn thành Phật đạo. O
Nam-mô Thường Trụ Tam Bảo. (3 xá) OOO
Đảnh lễ ba ngôi báu
Con xin nương tựa Phật,
Bậc Phước Trí Viên Thành,
Cầu tất cả chúng sanh
Giác ngộ, phát tâm lành. (1 lạy) O
Con xin nương tựa Pháp,
Nguồn tuệ giác, từ bi,
Cầu tất cả chúng sanh
Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (1 lạy) O
Con xin nương tựa Tăng,
Đoàn thể sống an vui,
Cầu tất cả chúng sanh
Hòa hợp, thương mến nhau. (1 lạy) O
Lưu ý khi tụng Chú Dược Sư tại gia
Để việc trì tụng được diễn ra tốt nhất, các hành giả cần phải có những lưu ý sau:
- Hành giả cần có niềm tin chân chính, kiên trì hành trì để cảm nhận sự nhiệm màu. Quan trọng là giữ giới, sống đạo đức, nuôi dưỡng tâm hoan hỷ, an lạc, không để đau khổ hay sân hận chi phối.
- Hãy phóng sinh, hành thiện, rộng lượng thứ tha, phát triển lòng từ bi và luôn làm chủ Thân – Khẩu – Ý, để trí tuệ khai mở, phước lành tăng trưởng.
Sự linh ứng đặc biệt của Chú Dược Sư
Phật Dược Sư có ánh sáng: “Trong ngoài sáng suốt, tinh ѕạch hoàn toàn, kҺông có chút nhơ bẩn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi”. Ánh sáng đó đi tới đâu là phá tan vô minh tăm tối, diệt tất cả những bệnh khổ từ thân tâm chúng sinh, giúp chúng sinh hướng đến giác ngộ và giải thoát.
Nhờ tụng chú Dược Sư mà chúng không còn tham lam ích kỷ mà đã mở rộng tấm lòng sẻ chia tới tất cả. Đối với chúng sinh đã lầm lỡ gây ra tội lỗi mà đã phát nguyện sống đạo đức, lương thiện theo lời Phật dạy từ đó tu học tinh tấn, diệt trừ khổ não.
Câu hỏi khi trì tụng Chú Dược Sư
Trì tụng Chú Dược Sư tại nhà cần tránh những gì?
- Tránh ăn uống không thanh tịnh: Nên hạn chế bia rượu, thức ăn nặng mùi trước khi tụng.
- Tránh tụng chú qua loa, thiếu tôn kính: Quan trọng nhất là thành tâm và nhất tâm khi trì tụng.
Trước khi tụng Chú Dược Sư nên làm gì?
- Tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, thể hiện lòng tôn kính.
- Chọn nơi yên tĩnh, có thể thắp hương, thắp đèn để tạo không gian trang nghiêm.
- Làm tịnh tâm, hít thở sâu, buông bỏ phiền muộn trước khi trì tụng.
- Phát nguyện trì chú với lòng thành, hồi hướng công đức cho bản thân và chúng sinh.
Tụng Chú Dược Sư vào lúc nào?
- Buổi sáng sớm: Giúp khởi đầu ngày mới an lạc, tăng cường năng lượng tích cực.
- Buổi tối trước khi ngủ: Giúp tịnh tâm, giảm lo âu, ngủ ngon hơn.
- Có thể tụng bất cứ lúc nào nếu tâm thanh tịnh và có thời gian.
Nên đọc Chú Dược Sư bao nhiêu lần?
- Tùy duyên, không bắt buộc số lần cụ thể.
- Người mới có thể tụng 21 lần mỗi ngày.
- Người hành trì lâu dài có thể tụng 49 lần, 108 lần hoặc nhiều hơn, tùy vào thời gian và khả năng.
- Quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm và nhất quán trong hành trì.
Tụng thế nào khi nhà không có bàn thờ Phật?
- Có thể ngồi ngay ngắn, hướng tâm về Phật Dược Sư, không nhất thiết phải có bàn thờ.
- Chọn nơi sạch sẽ, yên tĩnh, có thể đặt một bức ảnh Phật để tạo sự trang nghiêm.
- Quan trọng nhất là tâm thành kính, không cần quá câu nệ hình thức.
Nên tụng Chú Dược Sư bằng tiếng Việt hay tiếng Phạn?
- Nếu phát âm được tiếng Phạn, nên tụng nguyên bản vì âm thanh có năng lượng vi diệu.
- Nếu khó phát âm tiếng Phạn, có thể tụng bằng âm Hán – Việt để dễ ghi nhớ và hiểu nghĩa.
- Điều quan trọng nhất là tâm chí thành, không phải ngôn ngữ.
Ai có thể tụng và ngày tụng bao nhiêu biến?
- Bất kỳ ai cũng có thể trì tụng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, xuất gia hay tại gia.
- Có thể tụng ít hay nhiều tùy theo thời gian, sức khỏe và nguyện lực của mỗi người.
- Người muốn cầu nguyện bình an, sức khỏe có thể trì 21 – 49 – 108 lần/ngày hoặc nhiều hơn.
- Nếu đang gặp bệnh tật, khó khăn, có thể gia tăng số biến tụng để cầu nguyện hồi hướng.
Video tụng Kinh Chú Dược Sư
Những thông tin về ý nghĩa, công dụng, cách đọc Chú Dược Sư đã được giải đáp cụ thể ở nội dung trên. Đây là bài Chú có công lực hữu ích đối với việc chữa bệnh của chúng sanh. Bạn sẽ thoát được khổ ải, đau đớn do bệnh mang đến để có thể nhận được nhiều điều tốt đẹp.
Tin liên quan
Cách chép hồng danh Địa Tạng Vương Bồ Tát: Phát nguyện, hồi hướng
Kiến thức 13/03/2025 01:24:37

Cách chép hồng danh Địa Tạng Vương Bồ Tát: Phát nguyện, hồi hướng
Kiến thức 13-03-2025 01:24:37
Tịnh Nghiệp Tam Phước là gì? Bao gồm gì? Cách tu
Kiến thức 13/03/2025 01:20:33

Tịnh Nghiệp Tam Phước là gì? Bao gồm gì? Cách tu
Kiến thức 13-03-2025 01:20:33
Tìm hiểu Đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát
Kiến thức 13/03/2025 01:15:31

Tìm hiểu Đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát
Kiến thức 13-03-2025 01:15:31
Cách chép hồng danh Phật Dược Sư: Phát nguyện, hồi hướng
Kiến thức 13/03/2025 01:09:13

Cách chép hồng danh Phật Dược Sư: Phát nguyện, hồi hướng
Kiến thức 13-03-2025 01:09:13
Tụng chú Đại Bi có thật sự tiêu trừ được mọi tội lỗi?
Kiến thức 13/03/2025 00:40:54

Tụng chú Đại Bi có thật sự tiêu trừ được mọi tội lỗi?
Kiến thức 13-03-2025 00:40:54