Chư Tăng Ni và việc bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc
Chư Tăng ni Phật giáo Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy, gìn giữ mà còn tạo dựng và để lại những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đặc sắc.
Với triết lý đạo đức, nhân sinh sâu sắc, tính từ bi, hỉ xả, bao dung, độ lượng nên khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo dễ dàng thấm sâu vào đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân và dần trở thành tôn giáo bản địa. Trong quá trình đó, chư Tăng ni Phật giáo Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy, gìn giữ mà còn tạo dựng và để lại những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vô cùng đặc sắc. Để ghi nhận những đóng góp ấy, tại chương trình: Di sản Văn hoá Việt Nam – Trường tồn cùng dân tộc, Hội đồng dân tộc của Quốc Hội, Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam đã trao tặng giấy khen cho rất nhiều chư tôn đức vì đã có nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc.
Không đàn đáy, phách và trống chầu. Chỉ đôi câu trích đoạn trong bài ca trù Tiền Tiền, Bạc Bạc, Vàng Vàng nhưng cũng mang lại không khí đặc biệt đến những Phật tử đang quây quần dưới mái chùa Lá. Ca trù là một loại hình nghệ thuật độc đáo, có giá trị đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng loại hình này mới chỉ được quan tâm và biết đến nhiều ở các tỉnh thành phía Bắc.
Là người con của Bắc Ninh, lại tham gia hoạt động văn hoá địa phương từ trước khi xuất gia, nên đại đức Thích Giác Tiến luôn coi việc bảo tồn, lan tỏa di sản văn hoá Việt không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm. Đại đức thường tìm kiếm đôi ba câu trích đoạn ca trù có nội dung phù hợp để đưa vào trước các bài giảng pháp. Điều đó không chỉ giúp thu hút sự chú ý của người nghe, mà còn cho thấy sự kết nối, đồng điệu giữa lời dạy của đức Phật với truyền thống, đạo đức dân tộc, đồng thời quảng bá đến đông đảo bà con về loại hình văn hoá dân tộc cần gìn giữ.
Bên cạnh việc quảng bá văn hoá phi vật thể thì đại đức còn nỗ lực bảo tồn cả văn hoá vật thể với việc trùng tu, tôn tạo ngôi chùa Linh Cao, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ 17, là căn cứ cách mạng thời kháng chiến. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian nhưng với tâm huyết của vị trụ trì, đến nay chùa vẫn giữ nguyên được những chứng tích lịch sử như tượng bà Diệu Chân, giếng cổ, bia đá, hay cả những dòng chữ hán trên các cột gỗ xưa.
Và cũng như nhiều vị tăng ni khác, đại đức Thích Giác Tiến thường xuyên vận động, tổ chức các hoạt động từ thiện giúp đỡ người khó khăn, lan tỏa văn hoá truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách”. Với rất nhiều hoạt động, đại đức đã vinh dự được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc Việt Nam trao tặng bằng khen.
Không chỉ Đại đức Thích Giác Tiến mà trong thời gian qua, nhiều chư tăng ni trên cả nước cũng luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản của dân tộc và được ghi nhận bởi Hội đồng dân tộc của Quốc Hội, Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc VN. Bảo tồn di sản văn hoá đòi hỏi không chỉ nỗ lực mà còn cả tâm huyết của mỗi chủ thể văn hoá, đặc biệt là với di sản văn hoá phi vật thể. Bởi đây là những di sản không tồn tại dưới dạng vật chất cụ thể mà chủ yếu dưới dạng tư tưởng, giá trị tinh thần và đòi hỏi các chủ thể văn hoá phải có năng lực sáng tạo, truyền dạy để đảm bảo phát triển bền vững.
“Bao giờ cho đến tháng ba/Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”…, cứ đến ngày 5/3 đến ngày 7/3 âm lịch hàng năm, những người con xứ Đoài lại tưng bừng mở hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Những nghi lễ đặc sắc, đặc biệt là lễ múa rối nước gắn với câu chuyện đầy huyền tích về thiền sư Từ Đạo Hạnh đã khiến lễ hội chùa Thầy trở thành duy nhất. Vì vậy, nhằm bảo tồn, quảng bá nét đẹp lễ hội, từ nhiều năm nay, sở văn hóa cùng UBND TP và Ban quản lý di tích đã tra cứu, tìm hiểu để phục dựng các nghi lễ theo đúng truyền thống.
Với mong muốn khôi phục lại nghề múa rối nước trên chính đất tổ, huyện Quốc Oai đã quyết định thành lập CLB Múa rối nước xã Sài Sơn. Bên cạnh đó, Giai đoạn 2015-2020, huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn cho học viên cùng nhiều mô hình khác để bảo tồn và phát triển nghề tổ do thiền sư Từ Đạo Hạnh truyền dạy.
Tại miền Bắc, những ngôi chùa làng không chỉ thờ Phật mà là “tiền Phật, hậu Thánh” hoặc “tiền Phật, hậu Thần”. Các vị thánh có công lao đối với ngôi làng thường được nhân dân địa phương thờ ở chùa cũng được coi là điểm tựa tâm linh. Đây được xem là biểu hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của khu vực phía Bắc.
Cũng có kiến trúc tiền công (thờ phật) và hậu nhất (thờ thánh), chùa Long Đẩu, nằm trong quần thể di tích quốc gia chùa Thầy, Hà Nội thường là nơi tổ chức những lễ hội tín ngưỡng dân gian cho người dân bản địa. Từ những lễ hội này, các giá trị văn hoá được bảo tồn và gìn giữ thông qua các nghi lễ Phật giáo đan xen với các nghi lễ tín ngưỡng dân gian với sức sống mạnh mẽ.
Còn tại các tỉnh Nam Bộ, nơi có phần lớn bà con Khmer sinh sống, ngôi chùa không chỉ là không gian sinh hoạt tôn giáo, mà còn là nơi lưu giữ văn hóa, nơi dạy và học chữ viết, ngôn ngữ dân tộc. Hầu hết các ngày lễ lớn, bà con Khmer đều lên chùa lễ Phật, tham gia các hoạt động văn hoá cộng đồng. Rất nhiều loại hình nghệ thuật như biểu diễn nhạc ngũ âm, nhạc truyền thống, múa sa dăm,…
Tại nhiều địa phương trên cả nước, Văn hóa dân tộc được lồng ghép một cách khéo léo, hòa quyện cùng văn hóa Phật giáo tạo nên nét đặc trưng riêng có. Cũng bởi vậy mà chư tôn đức không chỉ coi việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh trên con đường phụng sự đạo pháp và dân tộc. Mỗi mái chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh đơn thuần mà còn trở thành nơi “che chở hồn dân tộc” nơi gìn giữ “nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Có thể nói việc ghi nhận đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc đã thực sự trở thành động lực cũng như khẳng định vai trò sứ giả văn hoá của những người đệ tử Phật. Đồng thời với sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, chư Tăng ni đang trở thành cầu nối, chiến sỹ văn hoá góp sức giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
https://youtu.be/rJCx7X11Ax4?si=AhliUDCHdlYuB0iP
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17-11-2024 18:18:23
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12-11-2024 14:14:49
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07-11-2024 11:48:06
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23-10-2024 15:22:49
Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản
Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57
Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản
Tin Phật sự 19-10-2024 21:05:57
15 lượt thích 0 bình luận