Chú Vãng Sanh là gì? Ý nghĩa, lợi ích và cách tụng chính xác
Chú Vãng Sanh được xem là bài kinh trì tụng của nhiều Phật tử tại nhà. Tuy nhiên, ý nghĩa thần chú và lợi ích mang lại cho các Phật tử là vô cùng to lớn. Mỗi người đều có thể trì chú ở bất cứ đâu, vào thời gian nào nếu bản thân thấy phù hợp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.
Chú Vãng Sanh là gì?
Chú Vãng Sanh là bài thần chú 59 chữ có tên đầy đủ là “Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà-ra-ni” do Phổ-hiền Đại Bồ-tát bạch Phật trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật.
Chú Vãng Sanh tiếng Phạn
Thông thường thần chú này được trì tụng theo phiên âm và theo nguyên văn tiếng Phạn.
“Nam mô A Di Ða bà đạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A Di rị đô bà tỳ
A Di rị đa tất đam bà tỳ
A Di rịa đa tỳ ca lan đế
A Di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha”
Dưới đây là bảng liệt kê giải đáp phiên âm từ Vãng Sanh Chú tiếng Phạn sang tiếng Việt để bạn dễ hình dung hơn:
Tiếng Phạn | Phiên âm tiếng Phạn |
NAMO AMITÀBHÀYA | Nam mô a di đa bà đạ |
TATHÀGATÀYA | Đa tha dà đa dạ |
TADYATHÀ | Đa điệt dạ tha |
AMRTOHAVE ( AMRÏTA UDBHAVE ) | A di rị đô bà tỳ |
AMRTA SAMBHAVE | A di rị đa tất đam bà tỳ |
AMRTA VIKRÀNTE | A di rị đa tỳ ca lan đế |
AMRTA VIKRÀNTA GAMINI | A di rị đa tỳ ca lan đa |
GAGANA KÌRTTI | Dà di nị , Dà dà na, |
KARE SVÀHÀ | Chỉ đa ca lệ, Ta bà ha |
Ý nghĩa Chú Vãng Sanh
Cụm từ “Bạt nhất thiết nghiệp chướng” trong tên đầy đủ của Vãng Sinh Chú có nghĩa đánh tan đi tất cả các nghiệp chướng mà ta vô minh tạo ra.
Thực tế, con người phải lưu luyến trong tái sinh và luân hồi bởi nghiệp chướng nặng nề. Sau một thời gian, nghiệp chướng để lại hậu quả xấu, hình thành sự thọ khổ của chúng sanh và tuần hoàn không ngừng. Những chướng ngại đó khiến bạn luôn khổ sở. Do đó, khi đọc Chú Vãng Sanh sẽ khiến các chướng ngại này mất đi.
Ngoài ra, cụm từ “Đắc sinh tịnh độ” trong tên gọi Vãng Sinh Chú có ý nghĩa như sau:
- Con người khi trì chú thì vẫn ở cõi người, chưa thể lên vùng cực lạc nhưng sẽ cảm nhận tâm hồn có được sự nhẹ nhàng, an lạc.Sự tịnh độ, sự an nhàn đó được thực hiện ngay bây giờ.
- Cụm từ “Đà La Ni” là tiếng Phạn với ý nghĩa là “tổng trì”. Dễ hiểu hơn là câu thần chú tuy chỉ có vài chữ nhưng đã bao gồm tất cả ý nghĩa của Phật pháp nên có công đức vô lượng.
Lợi ích Chú Vãng Sanh
*Trích Kinh Niệm Phật Ba La Mật
Lúc bấy giờ, ngài Phổ-hiền Đại Bồ-tát bach Phật rằng:
– Thưa Thế-tôn, nay con vì thương tưởng chúng sanh nơi thời Mạt pháp, khi ấy kiếp giảm, thọ mạng ngắn, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người niệm Phật thần chú Đà-ra-ni nầy, để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng trừ sạch phiền não, được mau chóng sanh về Cực-lạc. Gọi là Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà-ra-ni. Liền nói thần chú:
– Nam mô a di đa bà dạ, đá tha già đá dạ, đá địa dạ tha, a di lị đô bà tỳ, a di lị đá tất đam bà tỳ, a di lị đá tỳ ca lan đế, a di lị đá, tỳ ca lan đá, già di nhị, già già na, chỉ đá ca lệ sa bà ha.
Người niệm Phật phải giữ giới, ăn chay, thân khẩu ý đều phải thanh khiết. Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi mốt biến. Như vậy, diệt được các tội: Tứ trọng, ngũ nghịch, thập ác, và hủy báng Chánh pháp. Thường được đức Phật A-di-đà hiện trên đỉnh đầu. Hiện đời an ổn, phước lạc. Hơi thở cuối cùng, được tùy nguyện mà vãng sanh Cực-lạc. Hoặc tụng đến ba chục muôn biến, liền thấy Phật ngay trước mặt mình.
Tức là:
Người tu hành theo pháp môn Tịnh Độ cần phải giữ giới, ăn chay, thân – khẩu – ý thanh tịnh. Bên cạnh việc niệm Phật, cần kết hợp tụng Chú Vãng Sanh để tăng trưởng công đức, tiêu trừ nghiệp chướng.
Mỗi ngày, nên chia thành sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi mốt biến Chú Vãng Sanh. Nhờ công đức này, các tội nặng như Tứ trọng, Ngũ nghịch, Thập ác, và hủy báng Chánh pháp đều được tiêu trừ. Người trì tụng tinh tấn thường được Đức Phật A Di Đà gia hộ, hiện trên đỉnh đầu. Nhờ vậy, cuộc sống hiện tại được an ổn, nhiều phước lạc, và khi lâm chung có thể tùy nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Nếu kiên trì trì tụng đến ba chục muôn biến Chú Vãng Sanh, hành giả có thể chứng nghiệm được sự cảm ứng, trực tiếp thấy Phật hiện trước mặt mình, lòng tin ngày càng kiên cố, đạo tâm càng vững bền. Vì thế, song song với niệm Phật, trì tụng Chú Vãng Sanh là phương tiện thù thắng giúp người tu hành mau chóng đạt được cảnh giới an lạc và giải thoát.
Muốn tụng Chú Vãng Sanh, hành giả cần lấy niệm Phật làm chánh hạnh. Theo lời dạy trong Kinh điển và chư Tổ, dù có trì tụng chân ngôn, vẫn phải lấy niệm Phật cầu vãng sanh làm nền tảng chính yếu.
Chú Vãng Sanh có oai lực lớn, giúp hộ thân, tiêu trừ tai chướng, ngăn chặn các chướng ngại trong tu tập. Tuy nhiên, nếu chỉ nương tựa vào việc trì chú mà không lấy niệm Phật làm gốc, thì chưa đúng với tôn chỉ của Kinh điển. Vì thế, trước khi trì chú, hành giả nên đọc qua Kinh niệm Phật Ba La Mật để thấu hiểu rõ ràng hơn về pháp môn Tịnh Độ.
Thực tế, mọi kinh chú đều vi diệu, nhưng sự linh ứng không nằm ở bản thân câu chú, mà ở nơi tâm người trì tụng. Nếu hành giả chí thành, cung kính, thanh tịnh và giữ giới đầy đủ, thì sự linh nghiệm sẽ càng lớn.
Cách tụng Chú Vãng Sanh
Để thực hành trì Chú Vãng Sanh tại nhà, bạn cần chuẩn bị mọi yếu tố thật cẩn thận trước khi trì tụng. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến công năng mà trì tụng Chú Vãng Sanh mang lại.
Bước 1: Trước khi đọc Chú Vãng Sanh nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mặc y phục trang nghiêm.
Bước 2: Chuẩn bị cần thiết
- Nến: Tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ, xua tan vô minh và dẫn dắt tâm hồn đến sự sáng suốt.
- Nhang: Thắp nhang là cách giao cảm tâm linh giữa Phật tử và chư Phật, Bồ-tát. Hương khói nhẹ nhàng giúp lắng lòng, dừng suy nghĩ, hướng tâm thành kính đến Bậc Giác ngộ. Ngoài ra nhang còn biểu trưng cho giới
- Nước sạch: Nước sạch biểu trưng cho tâm hồn trong sáng, tinh khiết, dâng lên với lòng chân thành và thanh tịnh.
- Kệ, bàn đọc Kinh: Kệ, bàn giúp tạo không gian trang nghiêm, hỗ trợ sự tập trung và thể hiện sự tôn trọng đối với kinh điển.
- Bàn thờ Phật: Nơi tôn nghiêm để kính ngưỡng, tri ân và hướng tâm tu tập theo giáo lý của Đức Phật.
Lưu ý: Tùy theo hoàn cảnh mà Phật tử có thể không cần sử dụng các đồ dùng trên, thậm chí không có tượng Phật vẫn có thể tụng được, miễn là chân thành và giữ giới luật Phật chế.
Bước 3: Tiến hành nghi lễ tụng Kinh
Trước khi tiến hành tụng Chú Vãng Sanh, cần dọn dẹp không gian sạch sẽ, trang nghiêm, thắp nhang, nến và dâng nước sạch với lòng thành kính. Ngồi ngay ngắn, giữ tâm thanh tịnh, đọc lời phát nguyện trước khi tụng. Giữ thân đoan nghiêm
- Đọc âm thanh vừa đủ
- Đọc chăm chú
Bước 4: Kết thúc đọc tụng và hồi hướng
Sau khi hoàn thành, hồi hướng công đức cho chúng sinh, cầu nguyện bình an và trí tuệ. Cuối cùng, dọn dẹp không gian và giữ tâm thanh tịnh sau nghi lễ.
Nghi thức tụng Chú Vãng Sanh
Áp dụng đúng cách đọc Chú Vãng Sanh tại nhà sẽ giúp bạn nhanh chóng hoàn thành công năng. Sau đây là hướng dẫn chi tiết dành cho các hành giả:
Phát nguyện trước khi tụng Chú Vãng Sanh
Ở bước đầu tiên trong cách trì Chú Vãng Sanh tại nhà, bạn sẽ chắp tay rồi phát nguyện tụng chú như sau:
“Nam mô A Di Đà Phật (đọc 03 lần). Nay con vì khắp pháp giới chúng sanh, vì linh hồn ông bà tổ tiên, thân gia quyến thuộc của con và hết thảy các chúng sanh có nhân duyên với con trong từ vô thỉ kiếp đến nay mà trì tụng chú Vãng Sanh. Con cầu nguyện Bồ Tát từ bi phóng quang, gia hộ cho hết thảy cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây phương Cực Lạc quốc. Nam mô A Di Đà Phật (đọc 03 lần).”
Trì Tụng Chân Ngôn
Tịnh Pháp Giới Chân Ngôn
Úm lam, xóa ha. (7 lần)
Tịnh Khẩu Nghiệp Chân Ngôn
Tu rị tu rị, ma ha tu rị tu tu rị, ta bà ha. (3 lần)
Tịnh Tam Nghiệp Chân Ngôn
Án ta phạ bà phạ, truật đà ta phạ, đạt mạ ta phạ, bà phạ truật độ hám. (3 lần)
Án Thổ Địa Chân Ngôn
Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, án độ rô độ rô, địa vỷ ta bà ha. (3 lần)
Phổ Cúng Dường Chân Ngôn
Nguyện Hương
Nguyện đem lòng thành kính,
Gởi theo đám mây hương.
Phưởng phất khắp mười phương.
Cúng dường ngôi Tam Bảo,
Thề trọn đời giữ đạo,
Theo tự tánh làm lành,
Cùng pháp giới chúng sinh,
Cầu Phật từ gia hộ,
Tâm Bồ Đề kiên cố,
Xa bể khổ nguồn mê,
Phát Tâm
Chúng con là: …. (đọc tên quý vị) quỳ trước Phật đài, trì chú Vãng Sanh cầu Phật gia độ: Thế giới được hòa bình, quốc gia luôn hưng thịnh; nhà nhà cơm no, áo ấm, người người hạnh phúc, an vui; mưa thuận gió hòa, tai ương dứt sạch; thân khỏe, tâm an; nghiệp chướng tiêu trừ, căn lành thêm lớn; sở nguyện tùy tâm, cát tường như ý; phước lộc thọ đủ đầy, giới định tuệ viên mãn; siêng tu học chính pháp, cùng lên bờ giác ngộ.
Đảnh lễ Tam Bảo
Chí tâm đảnh lễ:
Nam mô tận hư không, biến pháp giới, quá hiện, vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trú Tam Bảo. (1 lạy)
Chí tâm đảnh lễ:
Nam-mô Ta-bà Giáo chủ, Điều Ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, đương lai hạ sanh Di-lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, Hộ Pháp chư tôn Bồ tát, Linh Sơn Hội thượng Phật Bồ-tát. (1 lạy)
Chí tâm đảnh lễ:
Nam-mô Tây Phương Cực Lạc thế giới, đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ tát. (1 lạy)
Tán Hương
Lò hương vừa bén chiên đàn
Tỏa xông pháp giới đạo tràng mười phương
Hiện thành mây báu cát tường
Xin Phật chứng giám tâm hương chí thành
Pháp thân các Phật tịnh thanh
Chứng minh hương nguyện, phước lành rưới ban.
Nam Mô Hương Vân Cái Bồ tát. (3 lần)
Phát nguyện
Kính lạy Đức Thế Tôn,
Quy y các Bồ-tát,
Nay con phát nguyện lớn
Trì tụng chú Vãng Sanh,
Trên đền bốn ơn nặng,
Dưới cứu khổ ba đường.
Nguyện cho người thấy, nghe
Đều phát tâm bồ-đề,
Thực hành hạnh trí huệ,
Sống an vui giải thoát
Khi mãn báo thân này,
Sanh về cõi Cực Lạc.
Nam-mô A Di Đà phật
Sám hối
Nay con xin thay mặt tất cả các chúng sinh chí thành sám hối mọi tội lỗi đã lỡ gây tạo từ nhiều kiếp cho đến kiếp này. Từ vô thủy đến giờ, xuôi theo dòng nước tội ác mà chúng con tạo ra vô vàn nghiệp chướng. Trong cuộc sống hằng ngày, thân cũng thường sát sinh, trộm cắp, tà dâm; miệng thường nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác; ý thường tham lam, sân giận , si mê bằng cách tự làm, bảo người làm, thấy người làm mà vui mừng theo.
Cũng như khi chưa biết Phật Pháp, khi chưa biết thiện ác, nhân quả, chúng con cũng tạo ra vô vàn nghiệp chướng đối với Tam bảo như đập phá chùa tháp, làm hỏng tôn tượng, trộm cướp tài vật của Chùa, phá huỷ Kinh tạng, tổn hại đánh mắng Tăng ni. Do chúng con vô minh nên tạo tác vô số lỗi lầm mà không hề hay biết. Từ nay, mỗi ngày chúng con xin kiểm soát hành động, tư tưởng mình để sám hối, sửa sai và xin nguyện giữ mình không tái phạm.
Con nay qui mạng, đối trước chư Phật, Bồ tát, Thánh chúng, thảy đều trình bày tội lỗi, không dám che dấu. Tội chưa làm, con không dám gây tạo, những tội đã làm, con đều xin sám hối. Chúng con nguyện đời này có bao nhiêu nghiệp chướng đều được tiêu diệt .Cũng như quá khứ, hiện tại, vị lai tu bồ đề hạnh, đã có nghiệp chướng thảy đều sám hối.
Con xin nguyện cho con cùng tất cả chúng sanh đều được thân tâm an lạc ,nghiệp chướng tiêu trừ ,phước huệ trang nghiêm, oan trái duyên đều giải hết.
Cúi mong Tam bảo thường ở khắp 10 phương cùng chư Long Thần Hộ Pháp từ bi thương xót đồng đến chứng minh và gia hộ. (3 lần)
Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật!
Nam mô Hộ Pháp chư tôn Bồ tát.(1 lạy)
Nam mô Linh Sơn Hội thượng Phật Bồ tát. (1 lạy)
Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát(1 lạy)
Nam mô Đại Thế Chí Bồ tát (1 lạy)
Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát (1 lạy)
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ tát. (1 lạy)
Thần chú Vãng Sanh
“Nam mô A Di Ða bà đạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A Di rị đô bà tỳ
A Di rị đa tất đam bà tỳ
A Di rịa đa tỳ ca lan đế
A Di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha”
Quán chiếu thực tại
Không truy tìm quá khứ,
Không ước vọng tương lai.
Quá khứ đã qua rồi,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính là đây.
Không động, không lung lay.
Hãy thực hành như thế!
Không một ai biết trước
Cái chết đến lúc nào;
Tử thần có đợi đâu,
Làm sao điều đình được.
Vì thế nên nỗ lực,
Tinh tấn suốt đêm ngày,
Tỉnh thức từng phút giây,
An trụ bằng chánh niệm.
Như vậy mới xứng đáng
Người biết sống một mình,
Người ấy đã tôn vinh
Đạo nhiệm mầu vô thượng.
Hồi hướng công đức sau khi đọc Chú Vãng Sanh
Ở bước cuối cùng, hành giả cần hồi hướng công đức để viên mãn thời khóa với các câu niệm chú như: “Nam mô A Di Đà Phật(đọc 03 lần). Con nguyện hồi hướng công đức tụng Chú Vãng Sanh này cho Pháp giới chúng sanh, cho linh hồn ông bà tổ tiên, thân gia quyến thuộc của con trong từ vô thỉ kiếp đến nay; và cho hết thảy các chúng sanh có nhân duyên với con trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Nguyện cho tất cả cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây phương Cực Lạc quốc. Nam mô A Di Đà Phật (đọc 03 lần)”.
Tứ hoằng thệ nguyện
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Đảnh lễ ba ngôi báu
Con xin nương tựa Phật,
Bậc Phước Trí Viên Thành,
Cầu tất cả chúng sanh
Giác ngộ, phát tâm lành. (1 lạy)
Con xin nương tựa Pháp,
Nguồn tuệ giác, từ bi,
Cầu tất cả chúng sanh
Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (1 lạy)
Con xin nương tựa Tăng,
Đoàn thể sống an vui,
Cầu tất cả chúng sanh
Hòa hợp, thương mến nhau. (1 lạy)
Nam mô tận hư không, biến pháp giới, quá hiện, vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trú Tam Bảo.
Lưu ý khi tụng Chú Vãng Sanh
Khi trì niệm thì mỗi người cần lưu ý các điều sau để có hiệu quả cao nhất:
Lấy niệm Phật làm chánh hạnh: Theo lời dạy của chư Tổ, dù trì tụng Chú Vãng Sanh nhưng vẫn phải lấy niệm Phật cầu vãng sanh làm nền tảng chính yếu. Chú có công năng hộ trì, tiêu trừ nghiệp chướng, nhưng chánh hạnh vẫn là niệm Phật để được tiếp dẫn về cõi Cực Lạc.
Giữ giới, ăn chay, thanh tịnh thân – khẩu – ý: Khi trì chú, cần giữ gìn giới luật, ăn chay để tăng trưởng công đức. Thân thanh tịnh (tránh sát sinh, trộm cắp, tà dâm), khẩu thanh tịnh (tránh nói dối, nói lời ác, nói lưỡi đôi chiều), ý thanh tịnh (tránh tham, sân, si).
Chọn thời điểm và không gian thanh tịnh: Nên trì tụng vào các thời điểm tốt như sáng sớm hoặc tối trước khi ngủ. Chọn nơi yên tĩnh, sạch sẽ để tụng, có thể lập bàn thờ Phật để tăng sự trang nghiêm.
Không chấp vào số lượng, quan trọng là sự chân thành: Nhiều người đặt nặng số lượng biến tụng, nhưng thực chất, sự cảm ứng nằm ở tâm thành kính, không phải ở số lần tụng. Tập trung vào từng câu từng chữ, không để vọng niệm xen vào.Khi tụng, cần tâm chí thành, không vội vàng hay tụng theo kiểu đối phó.
Không mong cầu kết quả nhanh chóng, tránh tâm vọng động: Việc tụng chú cần có thời gian, công phu, không nên mong cầu hiệu quả tức thì. Tâm vọng động, mong cầu sẽ làm giảm sự linh nghiệm của chú.
Hạn chế khoe khoang, giữ tâm khiêm tốn: Nếu có sự cảm ứng khi trì chú (như thấy ánh sáng, nghe âm thanh lạ…), không nên tự cao hay khoe khoang với người khác. Việc tu hành cần sự khiêm tốn, giữ kín công phu để tránh tổn phước.
Ứng dụng vào đời sống hàng ngày: Tụng chú không chỉ để cầu vãng sanh, mà còn giúp tăng trưởng từ bi, trí tuệ, hóa giải nghiệp chướng trong đời sống. Khi gặp khó khăn, thử thách, có thể trì chú để tâm an tịnh, tránh nóng giận, sân hận.
Câu hỏi thường gặp khi tụng Chú Vãng Sanh
Một số các câu hỏi khác nhau khi tụng Vãng Sanh Chú như:
Tụng Chú Vãng Sanh khi nào?
Vãng Sanh Chú khá ngắn gọn nên rất dễ nhớ và dễ trì tụng. Mỗi người có thể trì tụng bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh nào mà bản thân mong muốn. Ví dụ như tụng niệm vào buổi sáng, buổi tối hay trước khi đi ngủ.
Tụng thế nào khi nhà không có bàn thờ Phật
Nếu nhà của bạn không có bàn thờ Phật thì bạn nên ngoảnh mặt sang hướng Tây để trì tụng. Nếu bạn ở trọ chật hẹp có thể ngồi một góc sạch sẽ để tụng Chú Vãng Sanh với tâm thanh tịnh. Bởi trong nghịch cảnh mà phát được tâm tụng chú thì hành giả sẽ nhận phước đức vô lượng vô biên.
Trên đây là tất cả nội dung về Chú Vang Sanh là gì, ý nghĩa và cách trì tụng. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có được thông tin mong muốn.
Tin liên quan
Cách chép hồng danh Địa Tạng Vương Bồ Tát: Phát nguyện, hồi hướng
Kiến thức 13/03/2025 01:24:37

Cách chép hồng danh Địa Tạng Vương Bồ Tát: Phát nguyện, hồi hướng
Kiến thức 13-03-2025 01:24:37
Tịnh Nghiệp Tam Phước là gì? Bao gồm gì? Cách tu
Kiến thức 13/03/2025 01:20:33

Tịnh Nghiệp Tam Phước là gì? Bao gồm gì? Cách tu
Kiến thức 13-03-2025 01:20:33
Tìm hiểu Đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát
Kiến thức 13/03/2025 01:15:31

Tìm hiểu Đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát
Kiến thức 13-03-2025 01:15:31
Cách chép hồng danh Phật Dược Sư: Phát nguyện, hồi hướng
Kiến thức 13/03/2025 01:09:13

Cách chép hồng danh Phật Dược Sư: Phát nguyện, hồi hướng
Kiến thức 13-03-2025 01:09:13
Tụng chú Đại Bi có thật sự tiêu trừ được mọi tội lỗi?
Kiến thức 13/03/2025 00:40:54

Tụng chú Đại Bi có thật sự tiêu trừ được mọi tội lỗi?
Kiến thức 13-03-2025 00:40:54