Chuyên nghiệp hoá việc tổ chức lễ hội Xuân Giáp Thìn

21/02/2024 17:16:51 695 lượt xem

Để công tác tổ chức lễ hội xuân Giáp Thìn diễn ra an toàn, lành mạnh phục vụ nhân dân vui xuân trong thời gian qua Ban tổ chức lễ hội các tỉnh thành đã có nhiều đổi mới và cải tiến tích cực.

Để công tác tổ chức lễ hội Xuân Giáp Thìn diễn ra an toàn, lành mạnh, phục vụ nhân dân vui xuân, thời gian qua, Ban Tổ chức lễ hội các tỉnh thành đã có nhiều đổi mới, cải tiến, thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước trong hoạt động này. Sự điều chỉnh trong công tác tổ chức lễ hội tết Giáp Thìn 2024 hướng đến sự văn minh, nhân văn và giàu truyền thống văn hoá tốt đẹp. Để giúp quý vị hiểu rõ những thay đổi, sự chuyên nghiệp trong tổ chức lễ hội xuân Giáp Thìn, Bản tin An viên 24h đã có mặt tại các sự kiện để tìm hiểu câu chuyện này.

Đây là một trong những giải pháp nhằm siết chặt kiểm soát thuyền, đò chở khách vào chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, để đảm bảo an toàn cho du khách. Toàn bộ thuyền, đò, được sơn lại màu nhận diện, đánh số và logo để tạo sự chuyên nghiệp. Tất cả phương tiện đò, thuyền tại bến Yến trước khi xuất bến đều phải đăng ký, trang thiết bị phao cứu sinh, dụng cụ nổi và đặc biệt không được chở quá số người theo quy định.

Ngoài đổi mới về hoạt động chở khách trên suối Yến, năm nay ban tổ chức lễ hội chùa Hương nâng cao vận hành 110 xe điện, đảm bảo chất lượng xe, an toàn, đi đúng lộ trình, niêm yết giá công khai, lưu thông thuận tiện, tránh gây phiền hà cho du khách. Tại các khu vực gửi xe, lưu lượng vận tải phục vụ du khách diễn ra đúng quy định, được phân luồng trật tự và quy củ. Từ 5h sáng, các lực lượng an ninh, dân phòng, hướng dẫn đã có mặt ở các điểm chốt để hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh.

Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải, Ban quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn triển khai bán vé điện tử. Mỗi du khách được cấp một mã QR cá nhân để sử dụng từ đầu cho đến cuối hành trình chiêm bái tại chùa. Điều này vừa giúp công tác mua vé, soát vé được nhanh gọn, thuận tiện và tránh vé giả. Song song với đó, các điểm ở chùa Hương đều được gắn những mã QR, điều này giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về lễ hội, giá cả cũng như địa chỉ liên hệ để phản hồi những thắc mắc của du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội kéo dài 3 tháng, thu hút hàng vạn khách tham gia mỗi ngày. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không đốt vàng mã, hoạt động mê tín dị đoan ở khu vực chùa Hương từ nhiều năm nay. Trên tinh thần phục vụ chúng sanh, tại các tự viện sẽ thực hiện các nghi lễ, nghi thức theo đúng truyền thống Phật giáo.

Bên cạnh lễ hội chùa Hương, ngay từ những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, rất đông du khách đã về chùa Phật Tích để tham lễ hội hội khán hoà mẫu đơn và lễ Phật, cầu bình an. Đặc biệt, trong ngày mùng 4 chính hội, hàng vạn lượt người có mặt tại đây đã khiến các lối lên chùa, tháp chuông, Đại phật tượng A Di Đà chật kín. Do vậy, để đảm bảo lê hội diễn ra an toàn, văn minh, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện Tiên Du thường xuyên có mặt, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những bất cập, vấn đề này sinh.

Chùa cũng phối hợp cùng Ban Tổ chức lễ hội triển khai các điểm chốt tại những khu vực đông người, huy động các lực lượng túc trực, kiểm tra, bảo đảm an toàn cho du khách du Xuân trẩy hội. Đặc biệt, năm nay, Ban Tổ chức triển khai hiệu quả Bộ tiêu chí về Môi trường Văn hóa trong lễ hội truyền thống của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vì vậy không gian lễ hội được đảm bảo văn minh, vệ sinh môi trường..

Song song với việc đảm bảo an ninh trật tự, chư tôn đức cũng khuyến khích người dân khi tham dự lễ hội thực hiện những hoạt động tâm linh phù hợp, hạn chế đốt vàng mã, đặt tiền lên tượng Phật. Do vậy mà người dân du xuân viếng chùa đều hành xử rất văn minh, lịch sự, thành tâm. Nhìn chung, bà con đi chùa không phải mê tín dị đoan mà biết tựa nương vào cửa Phật, tìm sự thanh thản để rồi tự nhắc nhở bản thân tu nhân tích đức, thực hành theo chánh pháp.

Ngược về miền đất học xứ Nghệ, không năm nào là Lễ hội khai bút cầu trí tuệ tại chùa Đại Tuệ (huyện Nam Đàn) không đông đúc, tấp nập; thế nhưng mỗi năm mỗi đổi mới, công tác tổ chức lại quy mô và cũng quy củ hơn. Để đáp ứng việc xin chữ – 1 nét đẹp văn hóa đầu năm của hàng nghìn bà con Phật tử, chùa sắp xếp nhiều khu vực cho chữ khác nhau. Trời nắng nóng nhưng tất cả đều xếp hàng, không chen lấn xô đẩy. Các tình nguyện viên là thanh thiếu niên Phật tử tuy còn trẻ cũng hết sức trách nhiệm để điều phối dòng người, công việc.

Năm nay là năm thứ 6 ông đồ Lê Đức Lương ở CLB Thư pháp TP.Vinh đảm nhận trọng trách cho chữ tại chùa Đại Tuệ. Bên cạnh việc gieo duyên đầu năm, thì đây cũng là những kỉ niệm đẹp, những trải nghiệm quý giá để ông đồ thêm yêu nghề, truyền cảm hứng và tình yêu thư pháp cho mọi người.

Cũng với mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống và tăng thêm trải nghiệm cho nhân dân thập phương về dự lễ hội tại các chùa, Hội Xuân chùa Bái Đính đã mang đến rất nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Ngay từ lối vào Tam quan ngoại, hàng chục chiếc đàn tranh được các nghệ sĩ biểu diễn vô cùng chuyên nghiệp, tạo nên khí thế của lễ hội xuân không nơi nào có được.

Từ truyền thống đến hiện đại, chương trình nghệ thuật Hội Xuân Bái Đính đã đưa quý khách chạm mọi cung bậc cảm xúc. Đó có thể là múa lục cúng hoa đăng do các nghệ sĩ Nhà hát ca kịch Huế thể hiện, múa lân rồng, biểu diễn đàn tranh, các tiết mục mừng xuân an lạc,…

Tất cả những mảnh ghép vừa rồi đã tạo nên bức tranh sống động về không khí lễ hội tại các tự viện những ngày đầu Xuân. Một điều rõ ràng có thể thấy, đó là sự chuyên nghiệp hóa lễ hội, từ công tác chuẩn bị đến khâu tổ chức. Tất cả đều hướng đến sự văn minh, nhân văn, và lan tỏa truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời nay.

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

22 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49

Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản

Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57