Công chúa Huyền Trân – Ni sư Hương Tràng

10/01/2025 16:53:35 282 lượt xem

Công chúa Huyền Trân – ni sư Hương Tràng với chùa Nộn Sơn, một ấn tượng dân gian sâu sắc đầy tính nhân văn. Đây cũng là một tấm gương sáng trong lịch sử đấu tranh giữ nước, dựng nước dưới vương triều Trần, của nhân dân Đại Việt. Đó là niềm tự hào, một bài ca lưu truyền hậu thế.

Công chúa Huyền Trân là con gái của vua Trần Nhân Tông (tức là Trần Khâm – 1279-1293) và là em gái của Trần Anh Tông (Trần Thuyên – 1293-1314).

Chuyện kể rằng khi vua Nhân Tông nhường ngôi cho con, lên làm Thượng hoàng, ông được mời đi du ngoạn nước Chiêm Thành vào tháng 3 năm Tân Sửu (1301). Hồi đó, nước ta cường thịnh, sau trận thắng Nguyên Mông trở thành một quốc gia hùng mạnh, được các nước láng giềng tin phục.

Chiêm Thành mời được vua sang, rất lấy làm hào hứng, đón tiếp thịnh tình. Nhà vua cùng với phái đoàn nước Việt ở ngay trong cung điện vua Chiêm, được tiếp đãi rất trọng thể. Vua Chiêm Thành hồi đó là Chế Mân là người biết phép lịch sự, kính trọng Nhân Tông, khiến cho phái đoàn nước Việt rất đẹp lòng.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

Cảm ơn về sự đối xử lễ phép và chân thành, Thượng hoàng Nhân Tông nảy ra ý kiến nên gả cho vua Chế Mân một nàng công chúa, con gái của mình. Cách xử sự này đã rất quen với các vương triều Đại Việt. Các nhà vua Lý – Trần (và các vua chúa sau này nữa) đều chọn những tù trưởng biên giới làm phò mã, cố kết thân tình để giữ vững được biên cương. Một khi các tù trưởng ấy đã thành người hoàng tộc thì mối dây thân tình được củng cố. Triều đình không lo những chuyện gây hấn ở chốn rừng núi xa xôi.

Nước Chiêm Thành ở phía Nam từ xưa thường hay quấy nhiễu, dẹp cho yên cũng mất nhiều sức lực, tốn của, tốn công rồi gây ra những mâu thuẫn nên truyền kiếp. Vua Nhân Tông nghĩ ra cách nhận Chế Mân làm con rể, quả là một giải pháp hay.

Về phía Chế Mân, khi được nghe gợi ý của Trần Nhân Tông cũng rất lấy làm sung sướng. Chiêm Thành tuy là một vương quốc, nhưng là một nước nhỏ, mà những quốc gia xa như Trung Quốc, gần như Chân Lạp cũng sẵn sàng nhòm ngó. Nay thành một nước thông gia của Đại Việt thì uy tín cũng được tăng lên. Mà cái lợi trước nhất là mối tình giao hảo Việt – Chiêm được thêm khẳng định.

Vì vậy, mặc dù Chế Mân đã có vợ chính thức, ông vẫn rất mong vườn mới thêm hoa. Bà vợ của ông là người xứ Java, được tôn là Hoàng hậu Tapasi, cũng chấp thuận việc cầu hôn này của chồng. Hết thời gian du lịch, Thượng hoàng Nhân Tông đã trở về Thăng Long. Chế Mân vẫn liên tiếp cử các đoàn sứ giả đến để xin được nhận công chúa nhà Trần về Chiêm Quốc.

Thượng hoàng Nhân Tông đã thuật lại cho triều đình và nhà vua tức vị chủ trương của mình. Đại đa số quan lại ý kiến cũng phân vân, nhiều người lại có ý không tán thành, việc gả công chúa lên các vùng miền ngược tuy đã được thực hiện, nhưng dù sao thì cũng vẫn ở trong phạm vi nước mình. Còn gả về nước Chiêm Thành ở tít mãi phía Nam xa xôi thì uổng thân cho người con gái ngọc ngà khuê các.

Người ta lại viện những câu chuyện bên Trung Quốc: Cho người đi lấy rợ mọi được xem là đi hòa phiên – Như chuyện nàng Chiêu Quân cống Hồ kia, là chuyện mất thanh danh, chứ không phải chuyện hòa hiếu, hữu nghị.

Nhưng dẫu sao thì cũng phải công nhận rằng nhà vua Chiêm Thành Chế Mân kia quả là chân thành và tha thiết. Sau nhiều lần gửi châu báu, bạc vàng ra cho nước Việt, Chế Mân quyết định xin dâng hai châu là châu Ô, châu Lý (vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay) làm đồ sính lễ.

Phái đoàn Vương quốc Chiêm Thành đã sẵn sàng cử người ra các châu này làm giấy tờ, bàn giao sổ sách và chính thức cắt đất nhường cho nước Việt. Thượng hoàng Nhân Tông thấy rõ ý đó và cũng hài lòng vì để một cô con gái ra đi mà lại mở mang được non sông thì đúng là một thắng lợi. Thượng hoàng bảo Trần Anh Tông quyết định thực hiện lời hứa này.

Và quyết định của hai cha con Nhân Tông, Anh Tông là dứt khoát. Nàng công chúa được lĩnh sứ mạng này là công chúa Huyền Trân.

Sử sách không chép rõ là lúc ấy Huyền Trân công chúa đã có ý trung nhân chưa. Chuyện đồn đại thì cho biết là nàng cũng có gần gũi với một người trong hàng tôn thất và hình như cũng đã có chuyện hẹn biển thề non rồi. Nhưng không có tài liệu nào xác minh chuyện truyền ngôn này cả. Nàng phải vâng lệnh vua cha, vua anh để lên đường sang Chiêm Quốc. Tất nhiên là trong nỗi niềm tiếc thương, đau khổ của bao nhiêu người, trong đó có ý trung nhân của nàng.

Chuyện cũng kể rằng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông (Trúc Lâm đại sĩ) lúc này đã về Yên Tử, tuy bận công việc hoằng pháp, nhưng Ngài vẫn sắp xếp thời gian gặp Huyền Trân. Hai cha con ngồi trên non xanh bên bờ suối trò truyện về việc chuyến du hành phía Nam cũng như chuyện ông vua trẻ Chế Mân văn võ song toàn, đồng thời nói việc phụ hoàng đã hứa gả con gái cho Chế Mân.

Phụ hoàng Nhân Tông còn bảo con gái giơ bàn tay lên cho Người xem và bảo con có thấy trên bàn tay có hình bóng của phụ hoàng và thái hậu không? Người lại nói tiếp: Trên bàn tay con không những có ta, có mẹ con mà còn có cả giống nòi đất nước.

Câu nói đầy ý nghĩa khiến Huyền Trân hiểu ra trọng trách mà phụ hoàng giao tin tưởng, giao phó đặt gánh nặng trên vai con gái nhỏ để tránh cho hai dân tộc khỏi thảm cảnh binh đao. Công chúa hiểu điều dó nên mọi thắc mắc lo âu của nàng bỗng tiêu tan, nàng thầm hứa sẽ làm tròn phận sự mà Thượng hoàng cũng như vua Anh Tông và triều thần giao phó.

Và thế là Huyền Trân công chúa trở thành vợ vua Chế Mân. Chế Mân rất trọng đãi nàng, phong cho nàng là hoàng hậu. Vua có hai hoàng hậu Chiêm và Việt. Tên hiệu của Huyền Trân lúc đó là Hoàng hậu Para Mécvari. Việc này diễn ra vào năm 1306 (mùa hạ, tháng 6).

Nhưng cuộc sống của Huyền Trân trong cung thất vua Chiêm lại không được lâu dài. Chỉ ít tháng nhớ nước, nhớ nhà, nàng đã gắng tập làm quen với hoàn cảnh mới, thì vào năm 1307, tháng 5, vua Chế Mân lại đột ngột qua đời. Về Chiêm Thành mới được 11 tháng, kịp sinh cho Chế Mân một con trai, Huyền Trân sớm trở thành góa bụa.

Theo tục nước Chiêm, khi vua mất thì hoàng hậu phải vào hỏa đàn để tuẫn tang (chết theo vua). Tin này truyền về Đại Việt khiến cho triều đình và hoàng tộc hết sức bàng hoàng. Để cho một người con gái của hoàng gia nhà Trần phải bị thiêu sống như vậy là một nỗi đau thương mà cũng là tội lỗi.

Triều đình nhà Trần quyết định phải lập kế cứu công chúa về. Họ bàn nhau, chọn một vị quan tinh anh, nhanh nhẹn vào gấp Đồ Bàn, tìm cách cứu công chúa ra. Đi vào thì dễ dàng mà có danh nghĩa hợp lý: Vào để điếu tang vua Chế Mân, người con rể của nước Việt. Nhưng cứu công chúa thì làm cách nào đây? Chọn được người làm được việc khó khăn ấy không phải là dễ. Nhưng một vị quan đã xin xung phong nhận trách nhiệm. Ấy là quan Nhập nội hành khiển, Thượng thư tả bộc xạ, tên là Trần Khắc Chung.

Mọi người loáng thoáng nghe rằng Trần Khắc Chung vốn là ý trung nhân của Huyền Trân công chúa, nên mới quyết tâm đi giải cứu. Như vậy càng hay, tình yêu sẽ giúp cho con người thêm nghị lực và nhiều sáng kiến. Trần Khắc Chung còn được cử thêm một người hộ tá là Đặng Văn, đang làm chức An phủ sứ, rất có tài giao thiệp và ứng xử trong những trường hợp gay go. Họ hỏa tốc đi gấp vào kinh đô Chiêm Thành theo đúng phép tắc và nghi lễ. Mọi việc đều phải chờ phái đoàn Đại Việt vào chịu tang, chia buồn với nước thông gia.

Vừa làm công việc sứ bộ, Trần Khắc Chung và Đặng Văn chú ý theo dõi cách thức tổ chức tang lễ, nhất là việc lập hỏa đàn để đưa các hoàng hậu lên chết theo vua. Hai ông đã trình với triều đình nước Chiêm một lời đề đạt: Hoàng hậu Huyền Trân phải chết theo vua là đúng phong tục, nhưng vì công chúa là người Việt, nên trước khi lên hỏa đàn, xin cho công chúa được bái vọng về quê hương để cầu với tiên tổ họ Trần, cáo với thần linh đất nước Việt.

Lễ bái vọng này, cũng phải làm cho nghiêm trang, bày đàn lễ ngay giữa biển cả, trong quang cảnh mênh mông của biển rộng, trời cao. Ở nước Việt vốn quen làm như thế. Các quan triều thần nước Chiêm cũng cho thế là hợp lý và cũng muốn làm đẹp lòng sứ bộ Đại Việt, nên nhất nhất tuân theo.

Trần Khắc Chung cho người bí mật bàn với công chúa đúng vào buổi lễ đó, cho một cung nữ người Chiêm mặc lễ phục giống như mình, bước xuống thuyền để ra khơi, bước lên dãy quan thuyền liên kết nhau làm lễ đài bái vọng. Quân lính, quan hầu, tướng tá xúm xít chung quanh.

Giữa lúc đang nhốn nháo thì công chúa tách khỏi người nữ tì, trút bỏ y phục hoàng hậu, bước xuống cái thuyền nhẹ ở giữa vô số thuyền bè san sát. Trần Khắc Chung vội vàng cho che kín nàng ở trong mui thuyền và ra lệnh cho đội thủy thủ chèo gấp ra xa. Một đội mấy chục chiếc thuyền do Đặng Văn phụ trách đã chờ sẵn. Đoàn thuyền lập tức giương buồm, chạy tít ra khơi nhằm theo hướng Bắc mà tiến. Mãi đến chiều, ở trên bờ biển thấy người cung nữ Chiêm lúng túng, quan binh và triều thần mới phát hiện người ra làm lễ không phải là Hoàng hậu Huyền Trân.

Người ta lại nghi rằng hoàng hậu đã lẩn trốn lên bờ, nên phái người dò tìm quanh đó. Không ai nghĩ rằng Huyền Trân đã xuống thuyền và đã trốn thoát một cách an toàn.

Đoàn thuyền do Trần Khắc Chung chỉ huy đi rất gấp về hướng Bắc, nhanh chóng vượt kịp sang hải phận nước Việt…

Đối với công chúa Huyền Trân, tuy về đến nước nhà, nhưng trong thâm tâm nàng thấy có sự đổ vỡ. Việc cướp người có thể dẫn tới người ta nghĩ xấu về Đại Việt, thậm chí còn cho là tráo trở. Và tất nhiên sự việc tày trời này phụ hoàng Nhân Tông đâu có biết, vì nếu phụ hoàng biết thì Người sẽ không cho hành sự. Huyền Trân hiểu phụ hoàng lắm chứ, nếu có bị lên giàn lửa để mối tình Chiêm – Việt bền vững , không có chuyện binh đao thì phụ hoàng sẵn sàng chịu đau xót mất con, để đổi lấy ước nguyện hòa bình.

Huyền Trân vừa thương chồng, thương con, thương cho thân phận mình, lại thương cho sinh linh sẽ hứng chịu tai vạ. Huyền Trân nghĩ đến phụ hoàng trên Yên Tử là vị Trúc Lâm đại sĩ, nghĩ tới thân mẫu Khâm Từ nhân hậu, dũng cảm, Tuyên Từ thái hậu cũng theo bước phụ hoàng xuất gia thụ giới bồ tát nên chỉ sau một ngày về kinh sư Thăng Long, Huyền Trân đã quyết định lên Yên Tử.

Gặp lại phụ hoàng, được chứng kiến cuộc sống đạm bạc, thọ trai bằng nắm cơm với muối vừng, uống nước suối múc trong phễu lá đa mà vẫn leo trèo hết núi này chùa nọ, còn trồng cây, trồng hoa cho am đẹp và thơm. Sự chấp nhận thật siêu phàm, thật lý trí vì người đã chọn nơi đây không có cung điện, thành quách, không có nhung lụa với hàng trăm, hàng ngàn kẻ hầu người hạ.

Nhưng ở nơi núi rừng cao xanh, u tịch phía Đông Bắc Tổ quốc có trái tim nhà tu hành mà xưa là ông vua anh hùng lúc nào cũng để tâm đến đất nước, lúc nào cũng mưu cầu bác ái, hỷ xả cho nhân loại. Tự nhiên Huyền Trân trào nước mắt, ngẫm tới quãng đời còn lại của mình đầy dằn vặt, trăn trở.

Sau khi rời Yên Tử, xa phụ hoàng yêu kính, Huyền Trân đi thăm một số cảnh Thiền theo sự dẫn dắt của đại sĩ cùng các bậc tăng ni và cuối cùng Huyền Trân trở về mảnh đất quê hương Thiên Trường, lên núi Hổ lập am thờ Phật.

Mô phỏng cảnh thuyền rồng đón công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước. Ảnh: afamily.vn

Chùa Nộn Sơn thuộc thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Núi Hổ nổi giữa bình địa bằng phẳng, có dáng như con hổ phục tạo cảnh đẹp tự nhiên, do vậy công chúa Thụy Bảo (con vua Trần Thái Tông, bà của công chúa Huyền Trân) đã về tạo vườn hoa An Lạc, lập chùa ở phía tây núi (nay thuộc xã Tam Thanh).

Công chúa Huyền Trân đã quyết chí đi tu, mở cảnh ở phía đông núi Hổ. Hai bà cháu cùng cảnh ngộ ưu tư đã tìm đường giả thoát, lại được ở gần nhau. Ngoài việc sớm tối kinh kệ, đôi lúc thư nhàn còn có thể qua lại thăm nom, an ủi, động viên nhau.

Trong hành đạo thì bà Thụy Bảo còn giúp Huyền Trân, giúp dân làng Hổ Sơn những ngày đầu xây dựng chùa, cũng như việc phụng sự Phật giáo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Do vậy chùa núi Hổ không chỉ liên quan đến công chúa Huyền Trân, mà còn nhờ cậy công chúa Thụy Bảo nên khi bà mất dân làng Hổ Sơn tạc tượng bà tôn thờ cùng với công chúa Huyền Trân, triều đình cấp sắc phong cho cả hai vị công chúa.

Ngoài sắc phong, câu đối tại chùa còn ghi:

“Đông A song hiển tiên tông cựu, Nam hướng tôn vinh miếu vũ tân” (Nhà Trần hiển hiện hai nàng tiên trước Đền miếu phụng thờ ngoảnh hướng Nam).

Tại chùa Hổ Sơn, nơi công chua Huyền Trân tu hành với hiệu ni sư Hương Tràng. Ni sư Hương Tràng dốc tâm vì chùa cảnh, người sống giản dị, thanh bạch, sớm tối trau dồi kinh sách. Rũ sạch bụi trần, ni sư chăm lo việc sạch cỏ đỏ nhang, lại lao động hết sức mình trồng cây tự túc tự cấp, đồng thời đem tâm chăm sóc cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được học hành, giúp đỡ lương dân ốm đau, bệnh tật. Ni sư được dân làng quý mến, coi như người thầy, người mẹ hiền của các cháu nhỏ côi cút đất Nộn Sơn này.

Thế là, từ một nàng công chúa cành vàng lá ngọc, đến một vị hoàng hậu ngôi cao bậc nhất được quý yêu trở thành người lao động cần mẫn, một ni sư mặc áo nâu sồng, không trang điểm, đi chân đất, ăn uống kham khổ. Hương Tràng lại như vị bồ tát cứu thế lo cho dân, nhất là các cháu nhỏ trong vùng.

Những việc làm của công chú Huyền Trân – ni sư Hương Tràng đã làm cho đương thời cũng như hậu thế trăm nghìn điều kính phục, đời tiếp đời ngưỡng mộ, lưu danh. Đúng như câu đối tại chùa:

“Hổ Lĩnh thiên thu truyền thắng tích, Đông A nhất phái hiển linh từ”. (Núi Hổ nghìn năm lưu chùa đẹp Họ Trần một phái tiếng anh linh)

Hội chùa Nộn Sơn xưa kia tổ chức tới 6 ngày (từ ngày 9 đến ngày 14), trong đó có rước kiệu hai vị công chúa vào các đình thờ Thành hoàng trong làng và sau đó mới rước về chùa yên vị. Lệ này như ôn lại hơn 700 năm trước công chúa thương dân, thường vào làng thăm bệnh, thuốc thang cho dân, để lại ấn tượng khó quên với nhân dân địa phương.

Công chúa Huyền Trân tu ở chùa Nộn Sơn một thời gian. Sau khi bà Thụy Bảo qua đời, Huyền Trân về tu ở một chùa khác thuộc vùng biển Kiến An. Khi công chúa Huyền Trân mất, dân làng Hổ lập đền thờ hai công chúa Thụy Bảo và Huyền Trân ngay tại chùa Nộn Sơn, tạc tượng hai bà để thờ ngay tại Phật đường. Phật điện chùa Nộn còn nhiều di vật thời Lê.

Hàng năm, cứ ngày mồng 9 tháng 4, dân hai làng An Lạc và Hổ Sơn đều mở hội tại đền. Điều đặc biệt, có lẽ dân hai làng đều cày ruộng điền trang, thái ấp của hai bà, nên ngày giỗ, gia đình nào cũng làm mâm cỗ chay (xôi chè, bánh trái, hoa quả) lên đền cúng rồi đưa về mời khách các làng xung quanh hưởng lộc. Tương truyền, ruộng điền trang, thái ấp của hai bà sau này biến thành ruộng công, định kỳ chia cho dân làng cày cấy, nên có lệ hàng năm, các gia đình trực tiếp làm lễ để tưởng nhớ công ơn của công chúa Thụy Bảo và công chúa Huyền Trân.

Hiện nay, để phục hồi cổ tự Nộn Sơn, chính quyền và nhân dân địa phương cùng với các nhà hảo tâm, khách thập phương đã đóng góp công sức, tiền của sửa sang, xây dựng chùa, đường lên chùa, đúc chuông chùa… Đây là từ tình cảm quê hương, từ chân tâm phụng đạo, từ lòng mến mộ các vị công chúa triều Trần, đặc biệt là công chúa Huyền Trân, một nữ nhi cành vàng lá ngọc mà giàu lòng vị tha, từ bi bác ái.

Công chúa Huyền Trân – ni sư Hương Tràng với chùa Nộn Sơn, một ấn tượng dân gian sâu sắc đầy tính nhân văn. Đây cũng là một tấm gương sáng trong lịch sử đấu tranh giữ nước, dựng nước dưới vương triều Trần, của nhân dân Đại Việt. Đó là niềm tự hào, một bài ca lưu truyền hậu thế.

Tác giả: Đặng Việt Thủy P.Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội ***

* Tài liệu tham khảo: – Đặng Việt Thủy – Đặng Thành Trung , 18 vị công chúa Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2008. – Hồ Đức Thọ, Vương phi công chúa triều Trần, những điển hình và ấn tượng dân gian, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội – 2005.

(Tạp chí nghiên cứu Phật học)

3 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Hành trình chữa lành: Phật pháp đã cứu rỗi cuộc đời nữ doanh nhân

Kiến thức 10/01/2025 14:30:34

Niềm tin mạnh mẽ nơi Phật pháp cứu rỗi cuộc đời nữ doanh nhân

Kiến thức 10/01/2025 14:08:18

Trong ngàn vạn tội lỗi ở đời, tội nào nặng nhất, nghiệp báo đáng sợ nhất?

Kiến thức 10/01/2025 09:19:39

8 tướng thành đạo của Đức Phật Thích Ca

Kiến thức 06/01/2025 10:21:49

8 tướng thành đạo của Đức Phật Thích Ca

Kiến thức 06-01-2025 10:21:49

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc giác ngộ thấu triệt chân lý đã thị hiện trong cõi Sa bà để khai sáng Ánh đạo vàng cho nhân gian. Trước khi nhập Niết Bàn, Ngài trải qua 8 tướng thành đạo quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu 8 tướng này để hiểu rõ hơn về hình tượng Đức Phật trong văn hóa Phật giáo.
33948 lượt xem 0 Bình luận

Vì sao Đức Phật ngự trên tòa sen?

Kiến thức 03/01/2025 11:40:08

Vì sao Đức Phật ngự trên tòa sen?

Kiến thức 03-01-2025 11:40:08

Giá trị của hoa sen là từ nơi bùn nhơ hôi hám mà trổ hoa có mùi hương tinh khiết, chính vì thế hoa sen được đưa vào làm biểu tượng của nhà Phật.
592 lượt xem 0 Bình luận