PV: Hành trình đến với công việc dịch thuật sách Phật giáo của Đại đức đã bắt đầu như thế nào?
Có thể coi đó là một nhân duyên. Khi học năm thứ hai ngành Phật học tại Đài Loan, thầy được tiếp xúc với nhiều môn học và tài liệu rất hay. Thấy rằng bản thân mình là người nước ngoài, viết bài chắc chắn không hay bằng người bản địa, nhưng vẫn cần hiểu sâu để làm tốt bài kiểm tra, thầy lấy việc dịch tài liệu Phật giáo làm phương thức để hiểu tường tận những gì được học. Khi bắt tay vào dịch rồi, thầy cũng khởi tâm nguyện sau này về nước sẽ cầm theo được cả những tài liệu tự dịch để dạy lại cho mấy chú tiểu trong chùa.
Thầy bắt đầu dịch thuật với hai tâm nguyện vậy thôi, chứ chưa từng nghĩ bản dịch của mình sẽ được in thành sách, bởi thầy viết văn đâu có hay! Cho đến một ngày, Thượng tọa Thích Hạnh Bình – người dẫn dắt thầy đi học bảo đưa những bài viết, bản dịch thầy làm cho Thượng toạ xem và chỉnh sửa. Cuốn sách đầu tay của thầy đã ra đời như thế, nhờ sự trợ duyên của Thượng tọa Thích Hạnh Bình.
Rồi khi dịch và xuất bản càng nhiều, tâm nguyện của mình càng được vun bồi cho lớn lao và vững chắc. Dần dần, việc cố gắng dịch sách Phật giáo để làm giàu thêm nguồn giáo trình, nguồn sách tham khảo cho quý thầy cô Phật tử Việt Nam trở thành tâm nguyện mới của thầy và nhiều quý thầy cô khác, chứ ban đầu mình không nghĩ lớn được vậy đâu! (cười)
PV: Bên cạnh hai tâm nguyện Đại đức nhắc tới phía trên, thông qua những cuốn sách dịch của mình, Đại đức còn muốn truyền tải giá trị nào khác?
Như vừa rồi thầy chia sẻ, đó là tâm nguyện của mình khi còn là sinh viên đại học. Khi học lên thạc sĩ, tư duy của mình cũng lớn hơn và khi trở thành tiến sĩ rồi thì tầm nhìn của mình lại càng rộng mở hơn nữa.
Khi học lên cao, thầy nhận ra sách Phật giáo là nguồn tri thức, là nền tảng rất tốt cho sự phát triển của con người. Bạn đọc có thể thấy rằng, cách ta sống, cách ta đối xử với mọi người đều xuất phát từ cái gốc là những gì ta được học trên trường lớp, sách vở hay ngoài xã hội. Do đó, thầy rất mong mọi người ai cũng có thể tiếp cận với sách Phật giáo để nâng cao trí tuệ, sau đó sử dụng trí tuệ ấy để đối nhân xử thế, đối tốt với chính mình.
Đặc biệt, thế giới đang ở trong thời đại kinh tế, chính trị bất ổn. Trong giai đoạn này, điều tốt nhất chúng ta nên làm là tập trung vào nâng cao năng lực bản thân, tự đầu tư vào chính mình. Trong đó, đầu tư vào giáo dục là tối quan trọng. Ngoài việc bỏ tiền vào các khoá học ngoại ngữ, kỹ năng, thì eđọc sách cũng là một nguồn tri thức không nên bỏ qua.
PV: Vậy bên cạnh việc phải đúng với tâm nguyện ấy, thầy còn chọn sách để dịch dựa trên những tiêu chí nào?
Đức Phật là yếu tố hàng đầu để thầy chọn lọc sách dịch, bởi Đức Phật là một người toàn diện về trí tuệ và tình thương. Thế nhưng trong bối cảnh hiện thời, khi đạo đức xã hội đang dần bị mai một, sự vô cảm giữa người với người trở nên phổ biến, thầy sẽ ưu tiên các tác phẩm liên quan đến Bồ Tát hạnh. Mỗi tác phẩm về hạnh Bồ Tát mình dịch lại là một lời nhắc nhở, khích lệ tình thương. Bởi tình thương không có giới hạn, không có biên giới, chỉ có tình thương mới xóa đi khoảng cách giàu nghèo, chiến tranh và phân biệt chủng tộc.
PV: Là một dịch giả, cũng là một người tu hành, Đại đức cảm thấy công việc dịch thuật sách Phật giáo tác động đến việc tu tập của mình như thế nào?
Mỗi người chúng ta lại có những hạnh nguyện và phương pháp tu tập riêng. Tu thế nào cũng chứng ngộ, có người tu khổ hạnh, có người giảng kinh thuyết pháp. Có những vị đại sư lại làm mật hạnh (làm việc thiện lành âm thầm, kín đáo – PV) theo nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến một mục đích chung là đạt tới sự giải thoát, giác ngộ bên trong mỗi con người.
Dịch sách, đối với thầy cũng là một pháp môn để hàng ngày mình gắn tâm trí với những lời Phật dạy. Bởi nếu không đạt đến một cảnh giới tu tập nhất định, không có trải nghiệm thì không thể dịch được sách Phật giáo.
Muốn dịch được đúng và hay, tự thân người dịch phải có ý thức “nâng cấp” chính mình thông qua tu tập, thiền định để đồng nhất tâm mình với tư tưởng của tác giả, hiểu rõ tác giả và những trải nghiệm cuộc đời đã giúp họ viết nên tác phẩm này. Chỉ có như vậy, bản dịch của ta mới “có hồn”. Còn nếu không, ta chỉ như một người biết ngoại ngữ đang đọc sách lại hộ người khác mà thôi.
Thêm nữa, dịch sách Phật giáo là một công việc khó, bởi ngôn ngữ trong Phật giáo mang tính đặc thù, nhiều thuật ngữ không phổ biến toàn dân. Đó là chưa kể cách diễn giải, ngữ pháp, nêu ví dụ của từng quốc gia còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố văn hoá. Qua mỗi cuốn sách, thầy lại được mở mang thêm nhiều kiến thức mới đa ngành, và tự trui rèn được thêm những đức tính cần thiết để làm tốt hơn nữa với những cuốn sách sau đó.
Và cuối cùng, khi chia sẻ những tác phẩm dịch của mình cho mọi người cùng học, đó cũng là lúc mình làm pháp bố thí. Vậy là cả quá trình từ dịch tới lan toả sách Phật giáo, lúc nào mình cũng đang tu.
PV: Trong quá trình dịch sách Phật giáo – vốn cần đầu tư nhiều công sức và thời gian nghiên cứu, đâu là cách Đại đức duy trì được sự sự tập trung và bền bỉ với công việc này?
Như thầy đã chia sẻ, dịch sách Phật giáo là một công việc khó. Để đi bền được với công việc này, ta cần xây dựng được cho bản thân một nội lực mạnh mẽ. Trong cuộc sống, kể cả không phải là một nhà tu hành hay một dịch giả, chúng ta ít nhiều cũng sẽ phải làm những việc khó khăn, những việc đẩy chúng ta vào thế tiến thoái lưỡng nan: Bỏ thì tiếc tâm nguyện, mà làm tiếp thì cũng khó vì không đủ nội lực, không đủ kiên trì.
Để đi bền được với việc dịch sách Phật giáo hay bất cứ chặng đường sự nghiệp nào ngoài kia, thầy nghĩ rằng mình có 3 yếu tố mà bất cứ ai cũng có thể tham khảo và áp dụng cho hành trình riêng của mình.
Thứ nhất, việc đó phải là tâm nguyện, đam mê lớn nhất của ta. Ta phải trung thực với lòng mình khi nói tới đam mê: Ta làm nó cho ai, vì ai, vì sao ta lại muốn làm điều đó…Bởi hiện thực hoá tâm nguyện là một hành trình rất dài, có thể là cả một đời người, nên nếu không cảm thấy công việc mình đang làm là ý nghĩa, nếu không cảm thấy mình đang được làm những gì mình cần làm, ta sẽ rất dễ nản chí trước khó khăn.
Thứ hai, nếu thấy khó quá, hãy mời mọi người cùng làm. Không ai trong chúng ta có thể tồn tại riêng lẻ, tất cả đều là những mắt xích đan chặt với nhau trên sợi dây “xã hội”. Nếu cuốn sách này viết bằng tiếng Phạn, mình thỉnh vấn các chuyên gia tiếng Phạn. Nếu cuốn sách này có thơ, mình lại tham khảo các vị nhà thơ. Đối với thầy, việc ta mở lòng kết nối và kêu gọi sự trợ giúp của mọi người cũng chính là nỗ lực tạo nên một tác phẩm hoàn thiện nhất, chỉn chu nhất trước khi lan tỏa tới đại chúng.
Thầy chia sẻ vậy để bạn đọc hiểu thêm rằng, chúng ta không bao giờ được tự kiêu. Bởi mỗi tác phẩm ra đời, mỗi thành tựu ta gặt hái được trong cuộc sống đều là công sức và sự hy sinh của rất nhiều người khác. Cái tâm nguyện ta gieo xuống là hạt giống, còn nắng, gió, nước, đất…cần có những cánh tay khác vun đắp nữa thì cây mới đâm chồi.
Điều thứ ba cũng là điều chúng ta thường bỏ quên. Để xây dựng và duy trì được nội lực mạnh mẽ, ta cần phải có một thời khóa sinh hoạt ổn định để đảm bảo sức khỏe. Mỗi ngày, thầy đều tuân thủ thức giấc vào một giờ cố định, ăn uống ngủ nghỉ ra sao, trong bao lâu, thiền định thế nào, kể cả đi bộ bao nhiêu bước…Thời gian còn lại, thầy dành cho công việc.
Khi có kế hoạch cụ thể, ta sẽ không bị mất phương hướng, không còn lo âu mình có bỏ lỡ việc nào không, có đang mất cân bằng không…nhờ vậy mà có thể đặt trọn vẹn tâm trí vào từng việc mình làm.
PV: Hiện nay có rất nhiều phương tiện lan tỏa tri thức như podcast, video, mạng xã hội…Các thiền sư thông qua đó cũng trở nên gần gũi, truyền tải được nhiều giá trị tích cực của Phật giáo đến cộng đồng. Với Đại đức thì phương tiện này là sách đúng không ạ? Đại đức có từng nghĩ, sách “kén” khán giả hơn các phương tiện khác và đây sẽ là một rào cản cho tâm nguyện lan tỏa của mình không?
Đối với thầy, dù trong thời đại nào, sách cũng đóng vai trò là nền tảng cốt lõi của tri thức, của mọi tiến bộ khoa học ứng dụng sau này. Một cuốn sách hay, có hàm lượng kiến thức cao mà được dịch cẩn thận, chuẩn xác thì sẽ không bao giờ lỗi thời, mà giá trị của nó sẽ trường tồn mãi theo thời gian. Khi xác định rõ vai trò của mình là xây dựng nền móng khoa học căn bản thông qua dịch sách Phật giáo, thầy chỉ tập trung vào phát huy tối đa năng lực của mình cho mục tiêu này.
Tập trung hoàn toàn vào khía cạnh đã chọn, không cảm thấy lung lay khi ngoài kia có nhiều phương tiện có thể đưa tri thức đến nhanh hơn, hấp dẫn hơn với đại chúng, nhưng không vì vậy mà thầy bỏ qua công dụng của những phương tiện này. Khi dịch xong một cuốn sách, thầy vẫn sử dụng các phương tiện khác để lan tỏa thông báo, trích dẫn hay…Là một người làm giáo dục, mình sẽ tìm mọi cách để tri thức chạm được tới nhiều người hơn, chứ không từ chối hay phản bác bất cứ loại hình nào hết.
PV: Ngày nay, người trẻ dành nhiều sự tập trung cho trau dồi năng lực làm việc và kỹ năng sống hiện đại để theo kịp sự phát triển của công nghệ và nền kinh tế. Khi chọn sách, độc giả cũng ưu tiên những dòng sách như sách kỹ năng sống, sách chuyên môn…vì cho rằng đây là thể loại giúp phát triển bản thân tốt nhất. Theo quan điểm của Thầy, đọc sách Phật giáo có thể giúp con người trở nên tốt hơn như thế nào?
Nhiều người nhìn sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, của xã hội hiện nay như một thách thức, một “nguy cơ” đe dọa con người, đòi hỏi chúng ta phải tiến bộ thật nhanh, thật nhiều để không bị tụt lại phía sau. Thầy thì lại tiếp cận vấn đề theo một góc nhìn khác.
Trong thời đại này, nhờ sự phát triển không ngừng đó, cuộc sống của con người có thêm rất nhiều thuận lợi. Ta có nhiều xe để đi, có thuốc để uống, có phương tiện giải trí, có áo quần để mặc…Nếu đột nhiên dừng mọi hoạt động sản xuất, thì với lượng hàng hoá có sẵn hiện tại, cả thế giới vẫn có thể sống bình thường trong vòng 7-10 năm. Nói vậy để hiểu rằng, bài toán lớn mà con người cần giải trong thời đại này không phải là về vật chất, mà là về mặt tâm hồn – phần “nhân tính” đặt trong máy móc, nhà cửa, trong các mối quan hệ và cuộc sống của chúng ta. Sống trong thế giới đủ đầy mà tâm hồn ta không biết cách cảm nhận, ta sẽ không bao giờ thấy an yên.
Muốn có một tâm hồn biết cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của cuộc sống, chúng ta phải có tri thức. Tri thức trong sách Phật giáo không phải một kỹ năng chuyên môn cụ thể, mà lời Phật dạy sẽ giúp ta tu tâm dưỡng tính, hạ bớt cái tôi của mình. Cái tôi càng nhỏ, ta càng học được nhiều thứ từ nhân loại.
Đừng hiểu rằng ta phải loại bỏ hoàn toàn cái tôi. Thay vào đó, ta học được cách hạ cái tôi xuống vừa đủ để vẫn giữ được bản sắc riêng, vừa hợp tác được với những người khác. Chúng ta đang sống trong cùng một nền kinh tế, nơi không một thành tựu nào chỉ thuộc về một người. Nếu tâm ta vẫn còn chứa đầy những định kiến, suy nghĩ giới hạn hoặc cái tôi cao, bạn nghĩ rằng mình có thể làm hợp tác với người khác và phát triển bền vững được không?
Bên cạnh đó, sách Phật giáo cũng vẽ cho chúng ta con đường tới lối sống chánh niệm, tỉnh thức, giúp ta thêm hiểu mình – hiểu người. Quan sát chính mình, ta biết bản thân có đang bị danh vọng kéo đi không, có đang sống đúng với tâm nguyện, với lý tưởng của mình không. Quan sát người, ta biết họ rảo bước vì đang vội, đang lo âu hay vì một lý do nào khác. Những cảm nhận tinh tế và đầy thấu cảm về chính mình, về cuộc đời như vậy là món quà dành cho những ai dày công tu tập. Mà nào có cần phức tạp lắm đâu, hành trình chánh niệm và tỉnh thức ấy hoàn toàn có thể bắt đầu chỉ với một cuốn sách Phật giáo.
PV: Đại đức chia sẻ sách Phật giáo giúp chúng ta có một cuộc đời hạnh phúc, an yên hơn. Vậy cụ thể, hình ảnh một cuộc đời hạnh phúc trọn vẹn sẽ là như thế nào?
Thầy mong rằng tất cả mọi người, từ đồng bằng tới miền núi, từ Việt Nam tới sinh sống tại nước ngoài đều có cơ hội đọc sách Phật giáo ít nhất một lần trong đời.
Bởi sách Phật giáo sẽ giúp ta nhận ra 5 điều tạo nên một cuộc đời hạnh phúc:
Thứ nhất, được sinh ra đời với một thân thể lành lặn.
Thứ hai, được làm đúng ngành nghề mình yêu thích.
Thứ ba, được lập gia đình với người chồng hoặc vợ mà mình yêu thương.
Thứ tư, được làm việc trong một đoàn thể ổn định, hài hoà.
Thứ năm, hiểu được cuộc đời vô thường.
Trong năm điều thầy liệt kê trên đây, chắc hẳn bạn đọc cũng đã đạt được một vài điều, tuỳ vào việc bạn bao nhiêu tuổi, đã đến tuổi đi học, đi làm và lập gia đình chưa. Còn những điều chưa đạt được, đặc biệt là điều cuối cùng, nếu ta được tiếp cận giáo lý nhà Phật từ sớm, hiểu về lẽ vô thường của cuộc đời, ta sẽ có được hạnh phúc trọn vẹn vì giờ đây cái chết không còn là điều đáng sợ nữa.
PV: Cảm ơn Đại đức Thích Vạn Lợi và những chia sẻ về tâm nguyện lớn lao của thầy. Để khép lại buổi phỏng vấn, đâu là điều mà Đại đức muốn gửi gắm tới những quý thầy cô đã và đang kiên trì với sự nghiệp trồng người?
Vừa là thầy tu, vừa là thầy giáo, chữ “thầy” ở đây mang trách nhiệm rất lớn lao. Tâm nguyện của một người thầy có thể gói gọn lại bằng vài ý: Truyền lại tri thức cho thế hệ sau, nuôi dưỡng con người, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Đây là nghĩa vụ quan trọng, không chỉ vì lợi ích của một cá nhân mà còn là của toàn xã hội.
Ai đến với cuộc đời này cũng mưu cầu hạnh phúc. Chúng ta phải sống làm sao để bản thân hạnh phúc và tôn trọng hạnh phúc của mọi người. Hy vọng tất cả chúng ta luôn phát triển, đạt được đỉnh cao nhất về sự giải thoát, giác ngộ và lan tỏa được sự hạnh phúc ấy cho những người xung quanh, cho những người học trò của chúng ta.