Điểm tựa trên hành trình hoàn lương

05/01/2024 10:48:36 461 lượt xem

Có nhiều lý do có thể khiến một con người mắc sai lầm, rơi vào vòng lao lý. Nhưng bản chất sâu thẳm bên trong mỗi cá nhân luôn là những mầm thiện cần được thức tỉnh, vun bồi. Để giáo dục, cảm hóa người phạm tội, Bộ công an đã đưa nhiều cuốn kinh sách, ấn phẩm tôn giáo vào sử dụng tại các trại giam. Thông qua việc tiếp cận những triết lý cao đẹp, đặc biệt là triết lý hướng thiện của Phật giáo, các phạm nhân phần nào được cảm hoá, giác ngộ trên con đường tìm về nẻo thiện.

Năm 2009, Phạm Xuân Cường ở huyện Hoành Bồ bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên án tử hình với tội danh giết người. Bênh vực bạn bè, bị kích động và thiếu kiềm chế khi đã sẵn hơi men trong người, Cường nổ súng khiến một người thiệt mạng. Cánh cửa cuộc đời tưởng như đã đóng sập với người thanh niên mới độ tuổi đôi mươi. Những ngày ở trong phòng biệt giam của công an tỉnh Quảng Ninh chờ đợi thi hành án, thứ duy nhất gắn bó với Phạm Xuân Cường là một quyển kinh Phật giáo. Việc tìm đến với những lời dạy của đức Phật, chăm chỉ cải tạo tốt là cách Cường chọn để sám hối tội lỗi của mình. Thế rồi, như một phép màu, cuối năm 2012, tử tù Phạm xuân Cường được Chủ tịch nước và Hội đồng Ân xá Trung Ương quyết định giảm án từ tử hình xuống chung thân. Dù đường về còn xa vời vợi nhưng cánh cửa cuộc đời đã được hé mở, gieo mầm thiện đối với người mang tội lỗi.

Năm 2013, chỉ vì bênh vực bạn bè mà mang trọng tội giết người, Bùi Thị Thu Hoài phải chịu mức án 9 năm tù giam khi mới 15 tuổi. Trong thời gian chấp hành án ở trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), quyết tâm cải tạo tốt mong sớm được trở về đoàn tụ với gia đình thì Hoài bỗng nhận được tin, người mẹ hết mực yêu thương qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Không kịp về thắp nén hương và nhìn mẹ lần cuối khiến Hoài suy sụp thời gian dài. Nỗi ân hận, xót xa của phạm nhân trẻ này cũng được nguôi ngoai phần nào khi Ban Giám thị tạo điều kiện, giúp đỡ cô đọc kinh sám hối, báo hiếu mẫu thân tại buồng giam. Được đọc kinh Phật và nhớ lại những lời căn dặn, sự bao dung của mẹ khiến niềm tin vào tương lai, hướng về nẻo thiện trong con người Hoài lại thêm phần mạnh mẽ.

Đó chỉ là hai trong số hàng trăm câu chuyện về tinh thần từ bi của Phật giáo góp phần giúp phạm nhân giác ngộ, hoàn lương. Kể từ ngày 01/01/2018, khi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có hiệu lực và Luật Thi hành án hình sự được áp dụng vào đầu năm 2020, trên kệ sách của các thư viện này được bổ sung thêm một tủ sách mới dùng để chứa các cuốn kinh sách, ấn phẩm các tôn giáo cho phạm nhân là các tín đồ sử dụng. Tại trại giam Nam Hà, mỗi phân trại ở đây đều có thư viện riêng phục vụ nhu cầu học, đọc, giải trí của phạm nhân vào ngày nghỉ cuối tuần. Theo định kỳ, hàng trăm cuốn sách được trao đổi giữa các thư viện của 3 phân trại và đổi sách giữa thư viện của trại giam với thư viện tỉnh Hà Nam.

Không chỉ đọc ở thư viện, người thi hành án nói chung và phạm nhân là các tín đồ tôn giáo đều có thể đăng ký mượn những ấn phẩm tôn giáo về đọc tại buồng giam. Quá trình rèn luyện, lao động cải tạo cùng với những triết lý nhân sinh cao đẹp từ kinh sách thực sự khiến những con người đã từng lầm lỗi thay đổi nhiều về nhận thức. Không chỉ đơn thuần là sự ăn năn, sám hối mà nó còn là hành trang tri thức về lẽ sống khi họ được trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Không chỉ riêng trại giam Nam Hà, toàn bộ 54 cơ sở giam giữ trên cả nước do Bộ Công an quản lý đều có thư viện, được trang bị nhiều loại sách trong đó có nhiều kinh sách, ấn phẩm của các tôn giáo chính thống tại Việt Nam hiện nay, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của khoảng 12.000 phạm nhân theo đạo đang chấp hành án. Việc đưa các ấn phẩm tôn giáo để phục vụ phạm nhân theo tôn giáo là sự cụ thể hoá Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và Luật Thi hành án hình sự, là chủ trương mang đầy tính nhân văn của nhà nước Việt Nam về tự do tôn giáo tín ngưỡng.

Bên cạnh các tủ sách hướng thiện, nhiều hoạt động ý nghĩa, đem phật pháp đến với trại giam được BTS GHPGVN các địa phương phối hợp tổ chức. Ngoài những lời động viên, thông qua triết lý sâu sắc của nhà Phật, chư tôn đức thuyết giảng giúp các phạm nhân hiểu rõ về nhân quả, về sự nỗ lực tự thân phấn đấu cải tạo, tự tin vào chính mình để vượt qua sai lầm, hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Hơn bao giờ hết, sự bao dung, quan tâm và tình yêu thương chính là động lực, điểm tựa cho phạm nhân có niềm tin làm lại cuộc đời.

Giữa điều thiện và cái ác, ranh giới mỏng manh với những ai không làm chủ được mình. Nhưng có lẽ, sau cơn bão giông của cuộc đời, những người từng lầm lỗi khi được tiếp cận ánh sáng Phật pháp sẽ tỉnh thức trên con đường tìm về nẻo thiện.

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

21 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49

Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản

Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57