Đọc lại các tác phẩm dịch thuật, trước tác của cố Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ

31/10/2023 13:48:45 548 lượt xem

Đức đệ tam Pháp chủ GHPGVN – Cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là hiện thân của của một bậc chân tu với đời sống thanh bần giản dị, Ngài còn để lại cho hậu thế một kho tàng di sản kinh sách đồ sộ, phong phú. Với tâm nguyện căn bản, chùa là trường học để giáo hóa thập phương đồng bào bỏ ác theo thiện, thấm nhuần giáo lý nhân quả, các tác phẩm của Ngài đều mang tính giáo dục cao, định hướng cách đối nhân xử thế. Nhân lễ tưởng niệm Đại tường của Đức đệ tam Pháp chủ, kính mời quý vị cùng đọc lại những tác phẩm dịch thuật và trước tác quý báu của Ngài, từ đó thêm tri ân hành trạng của bậc cao tăng trí đức vẹn toàn của Phật giáo Việt Nam.

Trong không gian trang nghiêm nơi chính điện chốn Tổ Viên Minh, hàng trăm ván khắc kinh cổ vẫn được cẩn thận gìn giữ. Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, trụ trì, pháp tử thân cận của cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ luôn nâng niu, sắp xếp từng trang kinh theo thứ tự. Ván được khắc bằng gỗ mít, mềm nên dễ khắc mà lại có độ bền cao. Nhờ vậy mà dù nhiều thập kỷ trôi qua, từng nét chữ vẫn vô cùng sắc nét.

Cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ dành cả cuộc đời cho sự nghiệp biên soạn, chú giải Đại Từ điển Phật học. Ngài là bậc cao Tăng thông tuệ, am hiểu Tam tạng Thánh giáo, đặc biệt Ngài tinh thông kim cổ và là vị giáo phẩm có những đóng góp không nhỏ trong việc biên soạn, dịch thuật và trước tác các tác phẩm về Phật học ở Việt Nam. Sự nghiệp nghiên cứu giảng dạy phiên dịch, trước tác, chú giải kinh điển của Ngài rất nổi bật, đáng chú ý là các tác phẩm để lại cho đời như: Đại từ điển Phật học, kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư âm, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, cùng sự biên tập Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần… Các tác phẩm đều mang tính giáo dục cao: giáo dục nhân cách, đạo đức, cách làm người.

Sự uyên bác về Phật học của Ngài được khắc họa sâu sắc hơn cả qua tác phẩm “Bát Nhã dư âm” do chính Ngài biên soạn. Năm 1987, nhiều vị Hòa thượng vô tình đọc được và nhận ra sự uyên thâm ấy, bởi kinh Bát Nhã vốn là một bộ kinh rất khó để có thể thấu hiểu toàn vẹn. Tác phẩm “Dư âm bát nhã” không giống với bất kỳ tác phẩm nào viết, luận, bàn về kinh bát nhã. Bởi nó vừa có cái chung nhưng cũng có cái riêng, đó là cả đời tu hành phạm hạnh, rèn luyện và nói lên sự đắc, giác ngộ của mình, nhận thức của mình.

Nội hàm của các tác phẩm kinh sách Phật giáo vốn thâm sâu, không dễ để tiếp cận và thấm nhuần tường tận. Chính vì vậy, phong cách dịch thuật và trước tác của Ngài đã có sự điều chỉnh để phù hợp với quần chúng nhân dân và Phật tử. Nhiều sáng tác của Ngài theo lối thơ Đường luật, theo thể thất ngôn bát cú giúp hàng hậu học dễ hiểu, dễ tiếp cận, áp dụng ngay trong các thời khóa an cư kiết hạ. Đặc biệt, Ngài sử dụng triệt để tinh hoa tiếng Việt, dùng lời văn, lối diễn đạt dung dị, đời thường mà cũng vô cùng thấm thía, sâu sắc.

Những tác phẩm biên phiên dịch của Đức Đệ tam Pháp chủ đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho thế hệ Tăng Ni trẻ sau này. Đó là tâm cầu Phật đạo. Học từ Ngài với quan điểm việc biên, phiên dịch mang mục đích chính là tu tập, chiêm nghiệm lời Phật, ứng dụng vào bản thân để chuyển hoá thân tâm. Mục đích thứ 2 là quảng diễn, gieo duyên, lan tỏa tinh thần và giá trị tinh túy, cốt lõi, cao đẹp của Phật giáo đến Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Thông qua những tác phẩm Ngài để lại, mỗi vị Tăng Ni như học được tâm nguyện tu hành, tâm nguyện học pháp, sự kiên trì, nỗ lực thường trực trong Ngài.

Dù bận rộn biết bao Phật sự nhưng việc giảng dạy, tô bồi những hạt giống trí tuệ của Ngài đệ tam pháp chủ vẫn được chăm bón và nở nhụy khai hoa. Nhiều tác phẩm giá trị xuất hiện, góp phần vào việc nối lửa tiếp đèn của lịch đại Tổ sư để lại. Những tác phẩm do ngài biên phiên dịch trở thành tài liệu quý hiếm gối đầu giường của biết bao thế hệ Tăng-Ni, Phật tử trong việc học tập, nghiên cứu, hành trì. Tại các trường TCPH, Học viện Phật giáo, các bộ kinh, sách của Đức đệ tam Pháp chủ đã trở thành tài liệu giảng dạy căn bản, hướng dẫn Tăng Ni sinh học tập, nghiên cứu.

Tất cả tác phẩm, bài viết, bài giảng của Ngài toát lên ý: Phật giáo không ở đâu xa, Phật ở ngay trong cuộc sống hàng ngày mỗi người. Từ đó, người tiếp nối cần làm lành lánh dữ, học cách đối nhân xử thế từ những sự việc và hành động nhỏ nhất trong cuộc sống. Nương theo lời dạy của Ngài cũng là cách để hàng hậu học nguôi ngoai nỗi nhớ về một bậc cao tăng thạc đức khả kính của Phật giáo Việt Nam.

Có thể nói rằng, Đức Đệ tam Pháp chủ – Cố Đại lão Hòa thượng.Thích Phổ Tuệ đã suốt đời mình sống thanh bần lạc đạo, tụng kinh viết sách, tu tập dưới mái chùa làng khiêm tốn, thanh tịnh. Ngài đã để lại sự nghiệp dịch kinh sách đồ sộ, với các tác phẩm có giá trị, là kim chỉ nam trong quá trình tu học của mỗi Tăng Ni.

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

26 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49

Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản

Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57