Không gian văn hoá Phật giáo Bắc Giang trong dòng chảy Phật giáo Việt Nam
Bắc Giang là vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa Phật giáo gắn liền với vùng đất và con người xứ Kinh Bắc. Tuy nhiên, những giá trị di sản văn hóa cũng như hiện trạng, vấn đề mới phát sinh, những thách thức của sự phát triển trong tương lai Phật giáo Bắc Giang vẫn là vấn đề bỏ ngỏ, chưa được được quan tâm nghiên cứu. Vì vậy, trong 2 ngày 31/10 và 1/11, Hội thảo khoa học quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)” đã được tổ chức với mong muốn làm sáng rõ, lan tỏa những giá trị mang tính di sản và đương đại một cách có hệ thống và đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy, những giá trị này.
Hàng nghìn năm trước, người Việt cổ sống gắn bó với sông nước, hình thành nên hệ thống văn hóa sông nước. Hàng loạt các loại hình văn hóa, nghệ thuật ra đời cũng bắt nguồn từ các con sông. Và Bắc Giang “phên dậu” của Thủ đô Hà Nội và là một trong “tứ trấn” trọng yếu của đất nước, với lãnh thổ có 3 con sông lớn là sông Cầu, sông Thương và Lục Nam chảy qua, tạo nên sự trù phú, đa dạng văn hoá, mà các dấu tích, di chỉ còn lưu đến ngày nay.
Phật giáo xuất hiện ở Bắc Giang rất sớm, khoảng thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch nhưng dấu tích còn lại không nhiều. Các hiện vật Phật giáo được phát hiện sớm tại vùng đất này phần nhiều, từ thời Lý với chân tảng đá, cột tháp hoa văn sóng nước, phù điêu lá đề…
Nổi bật và đầy đủ hơn cả là hiện vật Phật giáo thời Trần, cho thấy sự phát triển cực thịnh của Phật giáo giai đoạn này, cũng như vị thế quan trọng của Bắc Giang khi được Phật hoàng – Trần Nhân Tông chọn làm nơi đặt trụ sở của GHPG Trúc Lâm Yên Tử.
Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, nơi lưu giữ xá lị Ngài, thì Tây Yên Tử là con đường Ngài hoằng dương Phật pháp. Trước đây, nhà vua lên đỉnh Yên Tử chính là từ phía tây sang phía đông. Không chỉ Phật hoàng, mà từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XIII, có nhiều chư Tăng cũng chọn con đường lên Yên Tử bắt đầu từ vùng đất thiêng phía tây để tu hành, dựng chùa, xây tháp, phát đạo.
Dấu chân Phật hoàng Trần Nhân Tông trên vùng đất Tây Yên Tử, Bắc Giang đã tạo nên một không gian văn hóa – Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử đặc sắc. Chùa Vĩnh nghiêm là nơi Phật Hoàng bắt đầu con đường bộ hành hoằng dương Phật pháp, đi qua các điểm chùa, tháp dọc sườn Tây Yên Tử, lên đến chùa Đồng.
Cổ tự Vĩnh nghiêm cũng là nơi Tam tổ Trúc Lâm thuyết giảng Phật pháp cho chư tăng ni, Phật tử cả nước. Hiện nơi đây vẫn còn lưu vô số bộ mộc bản kinh Phật hàng trăm năm tuổi và đã trở thành Di sản tư liệu thế giới.
Cùng với chốn tổ Phật giáo Trúc Lâm – chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang còn là chốn tổ của sơn môn Phật giáo Lâm Tế với chùa Bổ Đà. Đây là hai dòng Phật giáo tiêu biểu, có sự ảnh hưởng lớn bậc nhất ở Việt Nam. Lịch sử Phật giáo rực rỡ nơi vùng đất Kinh Bắc này hình thành nên gần 940 ngôi chùa đến ngày nay.
Để đưa những giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể trong không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang thành tài nguyên, thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển KT-XH, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cùng nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành đã tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo.
Trong giai đoạn 2011-2020, thực hiện đề án “Bảo tồn và Phát huy di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020” công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc giang đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã có 4 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 13 di tích xếp hạng quốc gia, 163 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 445 di tích được tu bổ, 11 điểm khảo cổ được khai quật….
Bên cạnh việc khai quật, bảo tồn di sản vật thể thì những giá trị phi vật thể cũng đặc biệt được quan tâm. Như trong bài tham luận “ Kế thừa và phát huy phương pháp tu tập và hành đạo của Tam tổ Trúc Lâm”, Đại đức Thích Huệ Lương đã nghiên cứu về 4 phương pháp tu tập của chư tổ gồm: Lục thời sám hối, Phản quang tự kỷ, Biết vọng không theo và Chân tâm hiện tiền để giúp không chỉ những người tu hành, mà cả những người mếm mộ đạo Phật cũng có thể học tập, hành trì và từ đó đưa ra kiến nghị, giải pháp để phát huy hơn nữa tinh thần nhập thế tích cực, tuỳ duyên lạc đạo vì một xã hội đoàn kết, yêu thương, tích cực làm việc thiện và những giá trị khác của phật giáo thời Trần.
Nhằm phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước, Bắc giang đã tập trung bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, trong đó có các giá trị văn hóa Phật giáo hết sức phong phú của địa phương để phát triển du lịch. Công tác quảng bá những giá trị di sản văn hóa Phật giáo, tổ chức các lễ hội phục vụ sinh hoạt văn hoá tinh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng đã giúp ngày du lịch chuyển biến mạnh mẽ và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Với bề dày lịch sử và những công trình hiện có, Bắc Giang hội đủ các yếu tố để xây dựng không gian Phật giáo dành cho du lịch tâm linh với đầy đủ các trải nghiệm, khám phá, và nghiên cứu. Tuy nhiên, phát triển du lịch tâm linh Phật giáo cần có sự định hướng của các ngành quản lý; có sự tuyên truyền giáo lý của chư Tăng Ni, thái độ tu tập nghiêm túc của quý cư sĩ. Bởi mô hình này không chỉ để hoằng dương đạo pháp, mà quan trọng hơn là để khai tâm, hướng Phật. Có như thế, mối quan hệ giữa đạo pháp và xã hội mới cân bằng, trọn vẹn được giá trị mà chư Phật, chư Tổ tựu tác truyền lưu.
Tin liên quan
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17-11-2024 18:18:23
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12-11-2024 14:14:49
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07-11-2024 11:48:06
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23-10-2024 15:22:49
Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản
Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57
Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản
Tin Phật sự 19-10-2024 21:05:57
18 lượt thích 0 bình luận