Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản

19/10/2024 21:05:57 2570 lượt xem

Sáng 19/09, tại Pháp viện Minh Đăng Quang đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản và khai mạc Hội thảo “Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn”.

Đức Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng

Chứng minh và tham dự buổi lễ có Đức Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hòa thượng. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt nam cùng chư Tôn Giáo phẩm Trung ương Giáo hội.

Tại buổi lễ, Thượng tọa.Tiến sĩ. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thay Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN phát biểu tại sự kiện, gồm 5 mục chính. 

Thượng tọa.Tiến sĩ. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch,Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Đại lễ Kỷ niệm – Khẳng định vị thế của Phật học trong thời đại mới

Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam không chỉ là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại chặng đường trưởng thành và lớn mạnh của Viện, mà còn là cơ hội để khẳng định vai trò, vị thế của tinh hoa nghiên cứu Phật học ứng dụng trong đời sống văn hóa tinh thần; trong đời sống tu tập của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam; và trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội đương đại của Phật giáo.

Việc tổ chức hai hội thảo khoa học: “Trưởng lão Thích Minh Châu: Tầm nhìn và sứ mệnh” trong hôm nay 19/10/2024 và “Khám phá các mối liên kết lịch sử, tâm linh, và văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam” (Exploring the Historical, Spiritual, and Cultural Links of Buddhism between India and Vietnam) vào ngày mai 20/10/2024 thể hiện tầm nhìn chiến lược của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Hội thảo về Trưởng lão Thích Minh Châu là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của bậc cao tăng thạc đức, một tu sĩ học giả uyên bác nổi tiếng thế giới. Trưởng lão Thích Minh Châu là bậc thạch trụ của GHPGVN. Ngài đã có những đóng góp mang tính căn cốt, nền tảng to lớn cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, đồng thời khơi dậy tinh thần dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc trong các thế hệ Tăng Ni, Phật tử hôm nay và mai sau.

Hội thảo “Khám phá các mối liên kết lịch sử, tâm linh, và văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đồng tổ chức là cơ hội một lần nữa khẳng định mối liên hệ Phật giáo chính là cây cầu bền vững nhất cho sự giao lưu văn hóa, tình hữu nghị

truyền thống lâu đời tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ từ hơn 2000 năm trước đây. Nó vẫn còn nguyên giá trị, là chất keo đặc biệt trong tình hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đây cũng là nỗ lực của Viện trong việc tăng cường giao lưu văn hóa quốc tế, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Sự kiện này cũng là dịp cùng nhau làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc, hai nền văn hóa đã cùng chung dòng chảy và di sản Phật giáo trong thời đại ngày nay vì hòa bình cho nhân loại.

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Trung tâm Nghiên cứu Phật học hàng đầu tại Việt Nam

Chặng đường 35 năm qua, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên trở thành một trong những Trung tâm nghiên cứu Phật học hàng đầu của cả nước, có uy tín trong khu vực và trên thế giới. Viện đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của Phật giáo, đáp ứng nhu cầu tu học và nghiên cứu của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

Trong đó, phải kể đến công trình dịch thuật và ấn hành Đại tạng Kinh Việt Nam, nay gọi là Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Đây là công trình mang tầm vóc lịch sử, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển tinh hoa Phật giáo Việt Nam trong lịch sử. Đây cũng là Bộ Đại kinh tạng đồ sộ, bao gồm Tam tạng Pali, Tam tạng Phật giáo Bộ phái, Tam tạng Phật giáo Đại thừa, cũng như Văn học Phật giáo Việt Nam. Tính đến tháng 10/2024, VNCPHVN đã ấn hành được 21 tập kinh điển và dự kiến sẽ hoàn thành thêm 3 tập nữa đến cuối năm nay. Đây thực sự là thành tựu đáng tự hào, thể hiện tinh thần dấn thân phụng sự của tập thể Tăng Ni, các nhà nghiên cứu, cán bộ, nhân viên của Viện.

Bên cạnh đó, Viện còn tổ chức nhiều hội thảo khoa học, các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức Phật học cho Tăng Ni, Phật tử, xuất bản hàng trăm đầu sách Phật học, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về giáo lý Phật pháp cho cộng đồng xã hội.

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam không chỉ là trung tâm nghiên cứu hàng đầu, mà còn đóng vai trò quan trọng như cơ quan tham mưu cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, định hướng tu tập và phụng sự nhân sinh. Với đội ngũ trí thức uyên bác, am hiểu sâu sắc giáo pháp Phật giáo và những vấn đề xã hội đương đại, Viện đã và đang đề xuất nhiều kế sách phát triển Phật giáo Việt Nam theo tinh thần nhập thế, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, sáng soi Phật pháp, hộ quốc an dân. Chúng ta tin tưởng rằng, với tuệ giác sáng suốt và tâm huyết với đạo pháp, Viện sẽ tiếp tục có những đóng góp ý tưởng, giải pháp thiết thực giúp GHPGVN định hướng hoạt động Phật sự, đáp ứng nhu cầu tâm linh ngày càng cao của đồng bào Phật tử, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh khi bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trưởng lão Thích Minh Châu – Bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam

Hai hình ảnh Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Cố Trưởng lão Minh Châu (1918-2012) luôn gắn liền với nhau. Nhắc đến Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Ngài đã có công lao to lớn trong việc sáng lập và dẫn dắt Viện trong hơn hai thập niên đầu thành lập.

Cuộc đời và sự nghiệp của Trưởng lão Thích Minh Châu là tấm gương sáng ngời về tinh thần cầu học, sự uyên bác và đức hạnh cao quý của người con Phật. Ngài đã có 12 năm tu học tại Nava Nalanda Mahavihara, Ấn Độ, và tốt nghiệp Tiến sĩ năm 1961. Ngài đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nền Phật học thế giới. Bốn tác phẩm bằng tiếng Anh của Ngài, bao gồm luận án tiến sĩ “So sánh và Kinh Trung A-hàm tiếng Hoa và Kinh Trung bộ tiếng Pali”, “So sánh Kinh Natiên Tỳ-kheo và Kinh Mi-tiên vấn đạo”, “Huyền Trang: Nhà chiêm bái và học giả” và “Pháp Hiển: Nhà chiêm bái khiêm tốn”… là những công trình nghiên cứu có giá trị, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng của lịch sử và triết lý Phật giáo.

Trở về Việt Nam, với tinh thần “Học để hành, hành để độ sinh”, Trưởng lão Thích Minh Châu đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và phụng sự chúng sinh. Ngài đã hoàn thành dịch thuật Kinh Trường bộ, Kinh Trung bộ, Kinh Tương ưng bộ, Kinh Tăng chi bộ, và 7 tập đầu Kinh Tiểu bộ, mở ra cánh cửa mới cho việc tìm hiểu và thực tập Phật giáo Nguyên thủy Theravada tại Việt Nam. Văn phong dịch thuật của Ngài được đánh giá là mẫu mực, uyên thâm, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học và từ vựng tiếng Việt.

Dấu ấn Trưởng lão Thích Minh Châu – Người khai sáng nền giáo dục Phật giáo Việt Nam

Không chỉ là nhà nghiên cứu Phật học uyên bác, Trưởng lão Thích Minh Châu còn là nhà giáo dục tài năng, người có công lao to lớn trong việc xây dựng nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện đại. Ngài đã tham gia thành lập Đại học Vạn Hạnh (1964), sáng lập Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I tại Hà Nội (1981) và Cơ sở II tại TP.HCM (1984),  nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM. Ngài là Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989).

Với tầm nhìn xa trông rộng, Trưởng lão Thích Minh Châu đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đào tạo Tăng tài, xây dựng đội ngũ kế thừa có trình độ Phật học vững vàng, để góp phần hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh. Những đóng góp to lớn này đã thúc đẩy phong trào nghiên cứu Phật học, góp phần tri thức hóa Phật giáo Việt Nam, đưa Phật giáo nước nhà hội nhập với dòng chảy Phật giáo thế giới.

Mối liên kết tâm linh Việt Nam – Ấn Độ: Cội nguồn văn hóa Phật giáo

Ấn Độ là đất nước vĩ đại, cái nôi của nền văn minh nhân loại sông Ấn và sông Hằng, là nơi ra đời của Phật giáo vào thế kỷ thứ VI TCN. Phật giáo đã đem đến cho nhân loại những giá trị phổ quát, thông điệp về hòa bình, trí tuệ, và lòng từ bi vì an lạc và hạnh phúc cho nhân loại.

Phật giáo tự hào là di sản chung trong mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ. Lịch sử giao lưu Phật giáo gắn liền giao thương hàng hải giữa Ấn Độ và Việt Nam có thể khởi đầu từ những thế kỷ trước Công nguyên. Phật giáo được du nhập rất sớm vào Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ. Trải qua hơn 2000 năm lịch sử, Phật giáo trở thành một thành tố văn hóa không thể tách rời trong đời sống tinh thần và văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, Phật giáo vẫn đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hàng năm hành hương về các thánh tích Phật giáo Ấn Độ đã trở thành nhu cầu tâm linh, văn hóa tinh thần của hàng triệu tín đồ Phật tử và nhân dân Việt Nam.

Sự viếng thăm lịch sử của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội vào ngày 03/9/2016 đã trở thành cột mốc đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa và tôn giáo. Phật giáo và Yoga thực sự là sức mạnh mềm của Ấn Độ trong chiến lược ngoại giao văn hóa thông minh và hiệu quả.

 Chúng ta rất phấn khởi trước sự hiện diện của Ngài Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam trong Đại lễ kỷ niệm này, và đặc biệt là việc Đại sứ quán Ấn Độ là đơn vị đồng tổ chức hội thảo khoa học “Khám phá các mối liên kết lịch sử, tâm linh và văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam”, là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai nước.

Để tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Ấn Độ, chúng tôi xin đề xuất một số hướng hợp tác giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam như sau:

  • Giáo dục và phát huy di sản Phật giáo: Cùng nhau thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh; Phối hợp xây dựng các tour du lịch tâm linh đến các thánh địa Phật giáo Ấn Độ và danh thắng Phật giáo Việt Nam, thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, góp phần phát triển du lịch và hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.
  • Hợp tác nghiên cứu, dịch thuật kinh điển: Ấn Độ là cái nôi của Phật giáo, và hiện nay sở hữu kho tàng kinh điển Phật giáo đồ sộ. Việc Chính phủ Ấn Độ cấp các học bổng học ngôn ngữ Pāli và Sanskrit, hợp tác nghiên cứu, dịch thuật và ấn hành các kinh điển Phật giáo từ tiếng Sanskrit và Pāli sang tiếng Việt sẽ góp phần làm phong phú thêm kho tàng kinh điển Phật giáo, đồng thời giúp người dân Việt Nam tiếp cận được những tinh hoa văn hóa Ấn Độ và tiếp cận giáo lý Phật giáo từ cội nguồn.
  • Giao lưu văn hóa Phật giáo: Hỗ trợ tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật Phật giáo, triển lãm tranh ảnh, pháp khí, kiến trúc Phật giáo… nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa Phật giáo của mỗi nước đến với công chúng.
  • Tổ chức các khóa tu học ngắn hạn: Tạo điều kiện cho Tăng Ni, Phật tử hai nước tham gia các khóa tu học ngắn hạn về thiền, yoga, Phật pháp ứng dụng… tại các trung tâm Phật giáo uy tín của mỗi nước.
  • Trao đổi Tăng Ni, Phật tử: Hỗ trợ Tăng Ni, Phật tử hai nước tham gia các chương trình tu học, trao đổi kinh nghiệm tại các cơ sở Phật giáo của nhau. Điều này sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm tu học và hoằng pháp.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Ban, Viện, Học viện Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đem đến lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, an lạc và hạnh phúc.

Lời tri ân và kỳ vọng

Nhân dịp này, chúng con xin gửi kính gửi lời tri ân sâu sắc đến chư tôn đức các thế hệ lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, cống hiến cho sự phát triển của Viện trong suốt 35 năm qua góp phần vào thành tựu chung của GHPGVN trong chặng đường hơn 40 năm qua của Giáo hội. Kính gửi lời cảm ơn tới các quý học giả, các nhà nghiên cứu đã đóng góp trí tuệ và tâm huyết cho sự thành công của Đại lễ kỷ niệm và hai hội thảo khoa học.

Kính chúc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, tổ chức nhiều hội thảo khoa học có giá trị, và sớm hoàn thành Dự án phiên dịch và ấn hành Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, góp phần đưa Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh.

Kính chúc Đại lễ và Hội thảo của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thành công viên mãn. Xin trân trọng cám ơn!

Chi tiết chương trình diễn ra lễ kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản và khai mạc Hội thảo “Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn”:

1. Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hội thảo “Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Sứ mệnh và tầm nhìn”

  • Thời gian: 7g30 – 17g30, Thứ Bảy, ngày 19/10/2024 (nhằm 17 tháng 9 Giáp Thìn).
  • Địa điểm: Pháp viện Minh Đăng Quang, 505 Võ Nguyên Giáp, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

2. Lễ Thắp nến tri ân

  • Thời gian: 19g00 – 21g00, Thứ Bảy, ngày 19/10/2024 (nhằm 17 tháng 9 Giáp Thìn).
  • Địa điểm: Thiền viện Vạn Hạnh, 750 Nguyễn Kiệm, P. 4, Q. Phú Nhuận, TP.HCM.

3. Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Khám phá những liên kết lịch sử, tâm linh và văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam” (Exploring the Historical, Spiritual, and Cultural Links of Buddhism between India and Vietnam)

  • Thời gian: 08g00 – 16g00, Chủ Nhật, ngày 20/10/2024.
  • Địa điểm: Pháp viện Minh Đăng Quang, 505 Võ Nguyên Giáp, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

6 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Lễ tưởng niệm tuần lâm Đại tường Đức Đệ Tam Pháp chủ

Tin Phật sự 18/10/2024 12:30:53

Đoàn Đại biểu GHPGVN thăm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tin Phật sự 17/10/2024 12:14:07

Đoàn Đại biểu GHPGVN thăm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tin Phật sự 17-10-2024 12:14:07

Nhân dịp tham dự Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ 6 tại TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, chiều 16/10, đoàn Đại biểu GHPGVN do Thượng Tọa Thích Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Kinh tế Tài chính TƯGH làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.
591 lượt xem 0 Bình luận

Đoàn đại biểu GHPGVN gửi thông điệp tại Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ 6

Tin Phật sự 16/10/2024 15:57:16

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ gặp lãnh đạo TP.HCM

Tin Phật sự 28/09/2024 08:51:53

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ gặp lãnh đạo TP.HCM

Tin Phật sự 28-09-2024 08:51:53

Chiều tối 27/9, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi tiếp Hòa thượng, GS.TS Phra Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) cùng phái đoàn ICDV, nhằm trao đổi và thống nhất các công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak LHQ vào năm 2025.
526 lượt xem 0 Bình luận

Họp báo công bố Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam

Tin Phật sự 27/09/2024 21:39:02