Ngũ giới là gì? Bao gồm giới nào? Lợi ích khi thọ ngũ giới

26/07/2023 17:00:09 1457 lượt xem

Tuân theo ngũ giới trong quan điểm Phật giáo sẽ giúp bạn loại bỏ lo lắng và hối tiếc gây xáo trộn việc hành thiền, tu tập. Ngũ giới Phật giáo mang đến nhiều lợi ích cho con người trong quá trình tu hành. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ngũ giới cấm của nhà Phật.

Ngũ giới là gì? 

Ngũ giới là 5 giới cấm do Đức Phật gồm: Không sát sinh, không tà dâm, không vọng ngữ, không trộm cắp, không uống rượu với mục đích để ngăn chặn những tưởng niệm ác, hành động bất chính.

Ngũ giới là gì_ Bao gồm giới nào_ Lợi ích khi thọ ngũ giới (6)

Sau khi quy y thì các Phật tử cần phải tuân hành theo 5 giới này để đời sống được an lành, hạnh phúc. Gìn giữ năm giới này là vì bản thân mỗi người, không phải vì Phật và phải giữ luôn trong suốt cuộc đời.

Ngũ giới bao gồm giới nào?

Ngũ giới trong Phật giáo bao gồm có 5 loại là không sát sinh, không tham lam, không tà dâm, không uống rượu và không vọng ngữ. Mỗi giới có những điểm đặc biệt riêng mà bạn cần nắm giữ như: 

Không sát sinh

Không sát sanh là việc không được giết hại mạng sống của con người hay loài vật khác. Giết hại mạng sống có nhiều loại như trực tiếp giết hại, xúi bảo người giết, tùy hỉ trong việc giết hại. Khi Phật tử không giết mạng người, không dùng miệng xúi bảo  kẻ khác giết, thương xót khi thấy giết hại nhau chính là việc giữ giới không sát sanh. Để quy kết một người phạm giới sát sanh dựa vào 5 yếu tố: 

  • Chúng sinh đều có thức tánh, loại trừ thực vật, vi khuẩn, vi trùng. 
  • Biết rõ chúng sinh có thức tánh 
  • Có tác ý muốn giết chúng sinh 
  • Cố gắng giết chúng sinh 
  • Chúng sinh đã chết vì chính bản thân mình giết 

Ngũ giới là gì_ Bao gồm giới nào_ Lợi ích khi thọ ngũ giới

Lý do Phật giáo cấm sát sanh:

  1. Tôn trọng sự công bằng:
    Tất cả chúng sinh đều quý trọng mạng sống của mình. Con người khi đối diện với hiểm họa thường tìm mọi cách để bảo vệ mạng sống, và các loài vật cũng không khác. Một con bò hay con heo khi bị dẫn đến lò mổ thường phản kháng mãnh liệt và kêu gào đau thương. Đức Phật dạy: “Ai ai cũng sợ gươm đao, ai ai cũng sợ sự chết. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết! Chớ bảo giết!”. Tôn trọng sinh mạng của người và vật cũng chính là thực hành lòng từ bi và giữ sự công bằng.
  2. Tôn trọng Phật tánh bình đẳng:
    Dù hình dạng khác nhau, tất cả chúng sinh đều có chung một Phật tánh. Không có lý do nào để xem mạng sống của loài người là quý giá hơn các loài khác. Sát hại một sinh vật không chỉ là xâm phạm mạng sống mà còn tổn thương Phật tánh trong chính bản thân mình.
  3. Nuôi dưỡng lòng từ bi:
    Lòng từ bi là gốc rễ của đạo Phật. Việc giết hại sinh mạng, dù là người hay vật, sẽ bóp chết lòng từ bi và nuôi dưỡng tính hung ác. Khi ta làm một sinh vật phải quằn quại trong đau đớn trước khi chết, ta không chỉ gây đau khổ cho nó mà còn làm khô cạn tình thương trong tâm hồn mình. Như Khổng Tử từng nói: “Nghe tiếng kêu la của con vật, không nỡ ăn thịt nó; thấy nó sống, không đành thấy nó chết”.
  4. Tránh nhân quả báo ứng:
    Giết hại sẽ tạo ra nghiệp báo và oán thù. Một sinh vật khi bị giết thường ôm lòng căm hận, chờ cơ hội báo thù qua nhiều đời kiếp. Sự oán hận tích lũy lâu ngày sẽ trở thành nghiệp lực, kéo ta vào vòng xoáy đau khổ và luân hồi bất tận. Đức Phật dạy: “Người thường sanh tâm sát hại, càng tăng trưởng nghiệp khổ, mãi xoay vần trong sanh tử, không có ngày ra khỏi” (Kinh Lăng Già).

Lợi ích của việc không sát sanh:

  1. Đối với cá nhân:
    Người không sát hại sinh vật sẽ có tâm hồn nhẹ nhàng, không bị bứt rứt hay hối hận. Giấc ngủ sẽ an lành, tâm trí bình an, và nét mặt hiền hòa.
  2. Đối với xã hội:
    Nếu nhân loại thực hành giới không sát sanh, chiến tranh và bạo lực sẽ không còn, xã hội trở nên an bình. Các nghiệp ác tích tụ do sát hại cũng dần tiêu tan, giúp chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ.

Hạn chế và hướng dẫn thực hành:

Phật giáo nhận thức rằng người tại gia khó tránh khỏi việc gián tiếp sát sanh, chẳng hạn như ăn mặn hay làm việc trong môi trường không lý tưởng. Tuy nhiên, cần hạn chế giết hại trong khả năng của mình, đặc biệt là:

  • Không giết người hoặc ăn 10 loài vật lớn như thịt người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu .
  • Tránh giết hại vô lý, chẳng hạn như giết để thỏa mãn thú vui.

Ngoài ra, cần tránh để lòng ác ý khởi lên trong tâm. Một hành động giết hại dù nhỏ nhưng xuất phát từ sự độc ác sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn hành động lớn do vô ý.

Quan trọng nhất, cha mẹ nên giáo dục con cái không làm quen với việc giết hại từ nhỏ. Những hành động tưởng chừng vô hại như bắt chuồn chuồn, bươm bướm rồi hành hạ, nếu không được ngăn cản, có thể dẫn đến tính bạo ác khi trưởng thành. Khi trưởng thành cũng tránh chơi trò chơi điện tử, xem phim ảnh bạo lực, giết hại để tránh được quả về sau.

Ngoài ra việc vượt đèn đỏ cũng phạm giới sát sinh khi gây nguy hiểm cho người khác, làm người khác run sợ giật mình để giữ gìn tính mạng của chính họ. Tuy nhiên, đối với người tài xế cứu thương được coi là không bị phạm giới. 

Trong sinh hoạt gia đình, bản thân Phật tử ăn chay nhưng khi khách đến nhà vẫn có thể nấu thịt, tuy nhiên nên sử dụng thịt tam tịnh nhục bao gồm:

  1. Không tự tay giết vật để có thịt.
  2. Không thấy người giết vật.
  3. Không nghe tiếng rên xiết thê lương của con vật khi bị giết.

Các đồ trên có thể mua hoàn toàn có sẵn trong siêu thị, không nên ra chợ chỉ động vật để giết. Trong quá trình ăn uống, có thể chia sẻ thêm về tu học Phật pháp không cần đặt nặng vấn đề ăn chay, trước tiên cần hiếu thảo bố mẹ, sử dụng thịt tam tịnh nhục là được.  

Không sát sanh là nền tảng của lòng từ bi, sự công bằng và trí tuệ. Khi thực hành giới này, chúng ta không chỉ bảo vệ mạng sống của các loài mà còn bảo vệ sự thanh tịnh và an vui trong chính tâm hồn mình. Hãy luôn nhớ lời Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh không nghiệp giết, mười phương nào có nổi đao binh”.

Không trộm cắp

Không được trộm cắp, tham lam chính là việc không được lấy tài sản thuộc sở hữu của người khác khi chưa có sự ưng thuận. Hay việc bạn cưỡng ép người khác khi họ không muốn. Gian lận trốn thuế… cũng là việc tham lam, trộm cắp mà người tu hành cần tránh.

5 yếu tố hình thành nên tội trộm cắp như sau:

  • Vật có chủ sở hữu 
  • Biết rõ vật nào đó có chủ sở hữu 
  • Có ý muốn lấy, chiếm hữu
  • Cố gắng lấy hay chiếm hữu
  • Vật đó đã bị dời chỗ đi do sự cố ý lấy của bản thân mình.

Ngũ giới là gì_ Bao gồm giới nào_ Lợi ích khi thọ ngũ giới (2)

Trong Ngũ Giới của Phật giáo, không trộm cắp là lời dạy thứ hai mà Đức Phật truyền trao để chúng sinh sống an lạc, hòa bình và nuôi dưỡng đạo đức. Trộm cắp được hiểu là bất cứ hành vi nào lấy tài sản của người khác một cách bất chính, dù đó là vật lớn hay nhỏ, dù công khai hay lén lút.

Trộm cắp và các hình thức phổ biến

Trộm cắp không chỉ đơn giản là lén lút lấy tài sản của người khác. Hành vi này còn bao gồm nhiều hình thức tinh vi như:

  • Công khai cướp đoạt: Dùng sức mạnh, vũ lực hoặc quyền hành để chiếm đoạt tài sản của người khác.
  • Bắt chẹt trong lúc túng thiếu: Cho vay nặng lãi, ép giá cầm cố hay mua bán rẻ mạt.
  • Đầu cơ tích trữ: Lợi dụng nhu cầu khan hiếm để nâng giá bất công.
  • Gian lận và lừa đảo: Cân đo đong thiếu, khai gian thuế má, hoặc giữ của rơi mà không trả lại.

Tất cả những hành vi trên, bất kể xuất phát từ lòng tham hay thói quen bất cẩn, đều được xem là trộm cắp. Nếu hành động vì nghèo khổ, đói kém thì có thể được cảm thông phần nào; nhưng nếu đã sống trong sung túc mà vẫn chiếm đoạt của người khác để làm giàu cho mình, thì tội lỗi lại càng nặng nề.

Vì sao Đức Phật cấm trộm cắp?

  1. Tôn trọng sự công bằng:
    Đức Phật dạy rằng quyền sở hữu là điều thiêng liêng. Nếu ta không muốn ai xâm phạm tài sản của mình, tại sao lại tìm cách chiếm đoạt của người khác? Một xã hội thiếu công bằng sẽ trở nên hỗn loạn và sụp đổ.
  2. Tôn trọng sự bình đẳng:
    Mọi người đều có Phật tánh bình đẳng, không ai cao thấp hơn ai. Tước đoạt của cải của người khác để mưu lợi cho bản thân là chà đạp lên quyền sống của họ, đi ngược lại tinh thần bình đẳng mà Phật giáo hướng đến.
  3. Nuôi dưỡng lòng từ bi:
    Khi một người mất mát tài sản, họ thường đau khổ, lo lắng, thậm chí rơi vào tuyệt vọng. Lòng từ bi không cho phép chúng ta làm điều gì gây tổn hại đến người khác, dù đó là việc nhỏ nhặt như giữ lại món đồ không thuộc về mình.
  4. Tránh nghiệp báo và oán thù:
    Trộm cắp không chỉ dẫn đến hậu quả trước mắt như bị pháp luật trừng trị mà còn tạo nghiệp báo xấu trong luân hồi. Người chiếm đoạt của người khác sẽ phải chịu cảnh mất mát tương tự, hoặc phải trả giá bằng những kiếp sống khổ đau, luân chuyển trong vòng nghiệp báo. Đức Phật cảnh tỉnh:
    “Người tham luyến tài vật như đứa trẻ liếm mật trên lưỡi dao, ngọt ngào trước mắt nhưng ẩn chứa hiểm họa khôn lường” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương).

Lợi ích của việc không trộm cắp

  1. Đối với cá nhân:
    Người không trộm cắp có cuộc sống thanh thản, không lo lắng bị bắt bớ hay trả thù. Được người khác tin tưởng, giao phó trách nhiệm quan trọng. Đời sau, người ấy sẽ hưởng phước báu, giàu sang, và con cháu cũng nhờ âm đức mà được hưởng phúc.
  2. Đối với xã hội:
    Một xã hội không có trộm cắp là xã hội lý tưởng. Nhà cửa không cần đóng kín, tài sản không lo gìn giữ. Người giàu và người nghèo đều sống an ổn. Như lời Tổ xưa đã nói:
    “Người không gian tham, trộm cướp, đã âm thầm ban sự an lạc cho người khác mà không cần lời nói”.

Cách thực hành và giáo dục

Phật giáo khuyến khích người tại gia giữ giới không trộm cắp ở mức khả thi. Tránh các hành vi bất chính nhỏ nhặt để nuôi dưỡng lòng tự trọng và đạo đức. Cha mẹ cần giáo dục con cái từ nhỏ, không để chúng quen với việc chiếm đoạt hay gian dối.

Ví dụ trong phạm vi công việc, có người mang tiền hay quà giá trị để biếu tặng mà mình không thể trả lại. Nên đem số tiền đó bố thí tại bệnh viện, nơi người nghèo khó,… Việc xấu ác thì phải từ chối và việc phận sự mình phải làm tốt cũng nên bố thí vì cơ quan đã trả lương mình làm tốt – không được phép có suy nghĩ làm tốt để nhận quà biếu.

Ngoài ra trong công việc, sử dụng thời gian hay vật công để làm việc tư cũng được xem là ăn trộm. 

Giới không trộm cắp không chỉ bảo vệ tài sản mà còn bảo vệ sự bình đẳng, công bằng và lòng từ bi trong xã hội. Thực hành giới này, chúng ta không chỉ mang lại sự an lạc cho người khác mà còn gieo nhân lành để gặt quả ngọt trong đời sống hiện tại và tương lai.

Không tà dâm

Người Phật tử có vợ chồng rồi thì tuyệt đối không phạm đến sự trinh bạch của kẻ khác. Khi bạn phạm vào điều này thì mắc tội tà dâm, gây đau khổ gia đình mình và người, gây nguy cơ tán gia bại sản. Vì tình cảm riêng tư của mình mà bạn khiến nhiều người khổ đau tức là thiếu lòng nhân.  

4 yếu tố hình thành nên tội tà dâm như: 

  • Người đã có sở hữu hay đã được bảo hộ. 
  • Có tâm muốn hành dâm bất chính ngoài mục đích duy trì nòi giống.
  • Cố gắng hành dâm bất chính ngoài mục đích duy trì nòi giống.
  • Có sự thích thú khác thường khi thực hiện hành dâm.

Ngũ giới là gì_ Bao gồm giới nào_ Lợi ích khi thọ ngũ giới (3)

Giới thứ ba trong Ngũ Giới của Phật giáo là không tà dâm, một nguyên tắc quan trọng để xây dựng cuộc sống cá nhân đạo đức và xã hội hài hòa. Tà dâm được hiểu là bất kỳ hành vi dâm dục nào trái với lễ nghĩa, pháp luật và đạo đức.

Tà dâm là gì?

  • Tà dâm thô thiển: Là quan hệ tình dục bất chính, ngoài phạm vi hôn nhân hợp pháp. Những hành động lén lút, lang chạ với người khác ngoài vợ hoặc chồng chính thức đều được xem là tà dâm.
  • Tà dâm vi tế: Bao gồm những suy nghĩ, hành vi không chính đáng như chơi bời lả lơi, đắm chìm trong sắc dục, hoặc tưởng tượng những điều bất chính.
  • Thủ dâm: Hành động tự kích thích cơ quan sinh dục của bản thân để tạo cảm giác hưng phấn, thường là đạt đến cực khoái.

Ngay cả trong hôn nhân, nếu quan hệ vượt quá giới hạn đạo đức, không tôn trọng lẫn nhau hoặc chỉ để thỏa mãn dục vọng, cũng thuộc phạm vi tà dâm. Hiện nay, giới dâm bao gồm: cố tình xem – nghe – đọc – bình phẩm, tạo tranh – ảnh – sách – truyện phổ biến dâm dục vượt qua giới hạn đạo đức con người thì cũng được xem là phạm giới tà dâm. 

Vì sao Phật cấm tà dâm?

  1. Tôn trọng sự công bằng:
    Ai cũng mong muốn gia đình mình yên ấm, con cái đoan chính, vợ chồng chung thủy. Khi phá hoại hạnh phúc của người khác, chúng ta không chỉ gây đau khổ mà còn làm tổn hại đến đạo lý xã hội.
  2. Bảo vệ hạnh phúc gia đình:
    • Tà dâm là nguyên nhân hàng đầu khiến gia đình tan vỡ. Khi một trong hai người không chung thủy, hạnh phúc gia đình bị hủy hoại, con cái phải chịu cảnh bơ vơ, bà con chê bai, danh giá suy giảm.
    • Những hành động tà dâm thường dẫn đến ghen tuông, cãi vã, thậm chí bạo lực gia đình hoặc trả thù. Sự mất lòng tin giữa vợ chồng sẽ kéo theo hậu quả xấu xa không thể cứu vãn.
  3. Tránh oán thù và quả báo xấu xa:
    • Phật dạy: “Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương).
    • Tà dâm không chỉ gây ra oán thù cá nhân mà còn gieo nghiệp xấu, dẫn đến quả báo đau khổ trong luân hồi. Người đắm chìm trong sắc dục dễ bị hủy hoại danh tiếng, gia đình và sức khỏe, thậm chí gây ra thảm kịch như án mạng hoặc mất mạng.

Lợi ích của việc không tà dâm

  1. Đối với cá nhân:
    Theo Kinh Thập Thiện, người không tà dâm sẽ đạt được những lợi ích:

    • Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) vẹn toàn, không bị xao động bởi dục vọng.
    • Được mọi người kính trọng, tin cậy trong cuộc sống.
    • Tránh được những phiền lụy, đau khổ và rắc rối trong các mối quan hệ.
    • Tình duyên trọn vẹn, không lo bị ai xâm phạm hay phá hoại.
  2. Đối với đoàn thể, xã hội:
    • Khi mọi người giữ gìn giới không tà dâm, gia đình sẽ hạnh phúc, không còn cảnh bại hoại luân lý hay thù hiềm chém giết.
    • Con cái được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, xã hội phát triển cường thịnh và an vui.
    • Những tranh chấp, đau khổ liên quan đến tình ái sẽ không còn, biến cõi Ta bà đầy đau khổ thành một thế giới thanh tịnh và hòa bình.

Cách thực hành giới không tà dâm

  1. Tự giác kiểm soát tâm và hành vi: Luôn giữ tâm thanh tịnh, không để dục vọng điều khiển suy nghĩ và hành động.
  2. Chung thủy trong hôn nhân: Tôn trọng người bạn đời, xem đó là nền tảng để xây dựng hạnh phúc gia đình.
  3. Giáo dục đạo đức: Phổ biến tư tưởng sống lành mạnh, tiết chế dục vọng cho con cái và cộng đồng.

Trong quá trình sinh hoạt vợ chồng cần tư duy để duy trì nòi giống, nên trao đổi với người bạn đời của mình về việc thời gian hành dâm, nếu chìm đắm làm quá nhiều cũng là tà dâm, sử dụng tư thế hay vật dụng gì bất thường cũng là tà dâm. 

Giới không tà dâm là nền tảng quan trọng để bảo vệ hạnh phúc gia đình, tránh những oán thù và quả báo xấu. Thực hành giới này không chỉ giúp mỗi cá nhân sống thanh thản, mà còn góp phần xây dựng xã hội yên bình, đạo đức, và an vui.

Không uống rượu

Theo quan điểm Đạo Phật chủ trương giác ngộ và cần có tinh thần điềm đạm, tỉnh sáng. Khi bạn uống rượu vào khiến tâm trí quay cuồng, mất hết bình tĩnh và trái với mục đích giác ngộ. Uống rượu làm mất trí khôn, gây nên bệnh hoạn cho thân thể,  di hại cho con cái đần độn. 

Do vậy, người Phật tử vì sự nghiệp giác ngộ quyết hẳn không uống rượu. Trừ trường hợp, Phật tử mắc bệnh y sĩ bảo phải dùng rượu hòa thuốc uống thì sẽ sử dụng đến khi lành bệnh thì chấm dứt và phải trình cho chư Tăng biết trước khi uống.

2 yếu tố hình thành nên tội uống rượu như:

  • Mình có ý muốn uống rượu
  • Đã uống rượu qua khỏi cổ ( hay là ham thích vị của rượu )
  • Sử dụng chất gây nghiện, kích thích sự gây hại như game, cờ bạc, ma túy, thuốc lá,…

Ngũ giới là gì_ Bao gồm giới nào_ Lợi ích khi thọ ngũ giới (4)

Tất cả những thứ có chất men làm say người hay chất độc hại người đều không được uống. Chính mình không uống đã đành, mà cũng không được ép nài người khác uống. Ép nài, khuyến khích người khác uống, tội lại nặng hơn cả chính mình uống nữa. Lúc lâm bệnh nặng, uống các thứ thuốc không lành, lương y bảo phải dùng rượu hòa vào thuốc, thì tạm được dùng. Nhưng trước khi dùng phải bạch cho chúng Tăng biết. Khi hết bệnh, không được tiếp tục uống thuốc có hòa rượu ấy nữa. 

Vì những lý do gì Phật cấm uống rượu? 

  • Bảo toàn hạt giống trí tuệ: Rượu còn nguy hiểm hơn thuốc độc. Một chén thuốc độc ta uống vào chết ngay, nhưng chỉ chết một thân hiện tại, chứ rượu uống vào, làm mất giống trí tuệ, phải chết đi sống lại vô số kiếp. Vì thế để bảo toàn hạt giống trí tuệ quý báu, Phật cấm uống rượu. 
  • Ngăn ngừa những nguyên nhân sanh ra tội lỗi: Rượu chính nó không phải là một tội lỗi như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nhưng nó có thể làm nhân cho những tội lỗi kia sanh ra. Khi đã uống rượu vào say sưa thì tội nào cũng có thể phạm được. 

Tóm lại rượu gây ra nhiều tội lỗi. Sau đây là 10 tai hại của rượu mà trong Kinh đã nói đến: 

  1. Của cải rơi mất; 
  2. Tăng trưởng lòng giết hại; 
  3. Trí tuệ kém dần; 
  4. Sự nghiệp chẳng thành; 
  5. Thân tâm nhiều khổ; 
  6. Thân hay tật bệnh; 
  7. Tâm sân hận bồng bột, ưa cãi lẫy; 
  8. Phước đức tiêu mòn; 
  9. Tuổi thọ giảm bớt; 
  10. Mạng chung đọa vào địa ngục. 

Lợi Ích Của Sự Cấm Uống rượu 

  • Về phương diện cá nhân: Người không uống rượu thì tránh được 10 điều hại vừa kể trên. 
  • Về phương diện đoàn thể: Gia đình được yên vui, con cái ít tật bệnh, xã hội được hòa mục, nòi giống được hùng cường. 

Không vọng ngữ 

Trong Phật giáo, nói sai sự thật là một hành vi không chỉ gây hại cho bản thân mà còn phá hoại mối quan hệ giữa con người với nhau. Phật dạy rằng việc kiểm soát lời nói, tránh nói sai sự thật, là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đời sống cá nhân và xã hội lành mạnh.

Nói lời trái với sự thật để hại người là nói dối cần tránh trong ngũ giới Phật Pháp. Phật tử nên ăn nói có mẫu mực, không vọng ngữ và không điêu xảo dối trá. Trừ trường hợp vì lợi người lợi vật, do lòng nhân cứu người cứu vật mà nói sai sự thật.

Bốn Kiểu Nói Sai Sự Thật

  1. Nói dối (nói láo):
    • Là việc không nói đúng sự thật, ví dụ:
      • Chuyện có nói không, chuyện không nói có.
      • Khen ngợi trước mặt, chê bai sau lưng.
      • Khi thích thì dùng lời ngọt ngào, khi ghét lại dùng lời cay nghiệt.
    • Bản chất của nói dối là sự mâu thuẫn giữa ý nghĩ, lời nói và hành động, dẫn đến sự bất nhất giữa trong và ngoài.
  2. Nói thêu dệt:
    • Là việc thêm thắt, phóng đại sự thật để:
      • Gây chia rẽ hoặc kích động người khác.
      • Làm người nghe mê đắm hoặc đau khổ qua những lời bóng bẩy, châm biếm, hay chỉ trích.
    • Những lời nói không đúng nghĩa chân thật hoặc làm rối loạn tâm trí người nghe đều thuộc phạm trù này.
  3. Nói lưỡi hai chiều (đòn xóc nhọn hai đầu):
    • Là việc nói một cách mâu thuẫn để gây chia rẽ, ví dụ:
      • Đến nơi này thì nói xấu bên kia, đến bên kia lại nói xấu bên này.
      • Làm người thân trở thành đối nghịch, gây mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, gia đình.
  4. Nói lời hung ác:
    • Là những lời nói thô tục, cộc cằn, chửi rủa, khiến người nghe đau khổ, lo sợ hoặc buồn rầu.

Ngũ giới là gì_ Bao gồm giới nào_ Lợi ích khi thọ ngũ giới (5)

Vì Sao Phật Cấm Nói Sai Sự Thật?

  1. Tôn trọng sự thật:
    • Phật giáo là đạo của sự thật. Người tu hành phải tôn trọng chân lý, tránh xa vọng tưởng và lừa dối.
    • Nếu không thực hành sự chân thật, người tu không chỉ làm mất giá trị tu hành mà còn rơi sâu hơn vào vọng tưởng.
  2. Nuôi dưỡng lòng từ bi:
    • Nói dối xuất phát từ ích kỷ, ác tâm và thường mang lại đau khổ cho người khác.
    • Khi một người lừa dối, họ phá hoại lòng tin và sự từ bi trong bản thân, biến việc tu hành thành giả dối.
  3. Bảo tồn sự trung tín trong xã hội:
    • Sự trung thực là nền tảng của lòng tin trong gia đình và xã hội.
    • Một xã hội không có lòng tin sẽ dẫn đến nghi ngờ, đố kỵ, và thất bại trong mọi công cuộc.
  4. Tránh nghiệp báo khổ đau:
    • Lời nói có sức mạnh hơn cả lưỡi kiếm, vì nó gây tổn thương cả người nghe và người nói.
    • Những người dối trá sẽ phải nhận quả báo xấu, như mất lòng tin, bị cô lập, hoặc gánh chịu hậu quả đau thương từ sự dối trá của chính mình.

Lợi Ích Của Việc Không Nói Sai Sự Thật

  1. Về cá nhân:
    • Được người kính trọng, tin cậy, và yêu quý.
    • Trong công việc, người chân thật thường được giao phó những nhiệm vụ quan trọng.
  2. Về đoàn thể:
    • Gia đình và xã hội gắn kết bền chặt nhờ sự trung thực.
    • Tăng cường lòng tin, tạo điều kiện cho sự hợp tác và phát triển.

Trường Hợp Đặc Biệt: Khi Nói Dối Được Chấp Nhận

  • Lòng từ bi:
    • Nói dối để cứu người hoặc vật trong trường hợp cấp bách, như để cứu mạng sống, được xem là hành động xuất phát từ thiện tâm, không mang tội.
  • Khác biệt trong động cơ:
    • Nói dối vì tham lam, sân hận hoặc ác ý là tội.
    • Nói dối vì mục đích tốt đẹp và lòng từ bi có thể được chấp nhận trong một số tình huống đặc biệt.

Lưu ý: Ví dụ người bệnh nặng nằm trên giường không nên nói sự thật, có thể nói dối và hướng họ tới điều tích cực, qua đó hướng dẫn niệm Phật để vãng sinh. 

Nói sai sự thật, dù ở hình thức nào, đều gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm suy yếu mối quan hệ giữa con người và gây bất hòa trong xã hội. Việc thực hành sự chân thật giúp nuôi dưỡng lòng từ bi, xây dựng lòng tin, và tránh được những nghiệp báo đau khổ. Trong mọi hoàn cảnh, lời nói phải luôn dựa trên nền tảng sự thật và lòng từ bi để mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng.

Tại sao cần phải thọ ngũ giới?

Trong cuộc đời, ai cũng yêu quý và muốn bảo vệ sự sống của mình. Ai cũng sợ chết, sợ đau khổ… Vậy tại sao ta quý trọng sự sống của mình mà hủy diệt mạng sống của chúng sanh khác? Tại sao bản thân ta biết tránh đau khổ nhưng lại gieo đau khổ cho chúng sanh khác? Khi bạn gieo nhân giết hại sẽ nhận lại quả báo đó.

Bởi nếu chúng ta đi vào con đường nguy hiểm thì tất nhiên sẽ gặp tai họa tự nhiên, chứ Phật không tạo ra tai họa trừng phạt. Khi bạn làm ác thì bạn sẽ phải chịu quả xấu, ta làm thiện sẽ nhận quả tốt. Khi thọ ngũ giới chính là thành trì ngăn chặn cho ta đừng đi lạc vào đường ác, tránh bạn rơi xuống vực sâu trên con đường giải thoát. 

Lưu ý: 4 giới bao gồm: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ được xem là tánh giới – nghĩa là dù Phật tử hay không, nếu phạm đều bị đọa lạc. Còn giới rượu được xem là giá giới – tức là giới phòng bị, cần phải cẩn trọng theo mỗi hoàn cảnh để mình không bị mê mờ. 

1. Phật Tử Không Giữ Giới Không Phải Là Phật Tử

Ngũ giới là những nguyên tắc đạo đức căn bản mà người Phật tử tại gia cần thực hành để tiến gần hơn đến con đường giải thoát. Nếu Tam Quy là nền tảng giúp người Phật tử quy y với Phật, Pháp và Tăng, thì Ngũ Giới chính là căn bản hoàn thiện bản thân và hướng đến Thánh quả.

Trong giai đoạn đầu, nếu người Phật tử chưa thể giữ trọn cả năm giới, có thể phát nguyện giữ một hoặc vài giới mà bản thân cảm thấy có thể thực hiện được, như:

  • Không uống rượu.
  • Không nói dối.

Dần dần, với sự tinh tấn và lòng kiên định, người Phật tử sẽ tiếp tục phát nguyện giữ thêm các giới khác, như:

  • Không tà dâm.
  • Không trộm cắp.

Tuy nhiên, một khi đã phát nguyện giữ giới nào, cần giữ trọn vẹn và kiên định, tránh tình trạng tiến một bước, lùi hai bước, không quyết tâm thì sẽ khó đạt được bất kỳ tiến bộ nào.

Nếu người tự xưng là Phật tử mà không giữ giới nào thì không thể xem là Phật tử chân chính. Ngay cả những người không theo Đạo Phật cũng thường thực hành các nguyên tắc đạo đức như không nói dối, không trộm cắp, không uống rượu. Là Phật tử, chúng ta cần vươn lên, vượt qua cuộc sống tầm thường của thế gian. Nếu gia nhập Đạo mà vẫn sống buông thả hoặc tệ hơn cả người thế tục, chẳng phải chúng ta đang làm hoen ố danh nghĩa của Đạo Phật hay sao?

Do đó, giữ giới không chỉ là trách nhiệm của Phật tử mà còn là cách mang lại hạnh phúc cho chính mình và tất cả chúng sinh.

2. Người Không Theo Đạo Phật Cũng Nên Giữ Giới

Ngũ giới không phải là những điều cao siêu, khó hiểu hay mang tính huyền bí. Chúng là những nguyên tắc đạo đức căn bản, phù hợp với mọi người, mọi xã hội, và mọi thời đại. Đó là:

  1. Không sát sinh.
  2. Không trộm cắp.
  3. Không tà dâm.
  4. Không nói dối.
  5. Không uống rượu.

Những nguyên tắc này không chỉ dành riêng cho Phật tử, mà còn là tiêu chuẩn sống lành mạnh và tiến bộ cho bất kỳ ai muốn xây dựng một cuộc đời an vui, có lễ nghĩa.

Một xã hội mà tất cả mọi người đều thực hành Ngũ giới sẽ trở thành một cộng đồng lý tưởng:

  • Không có bạo lực, trộm cắp, hay lừa đảo.
  • Gia đình và xã hội được bảo vệ, đoàn kết, và hạnh phúc.
  • Cuộc sống trở nên văn minh, tiến bộ, và ổn định.

Như vậy, việc thực hành Ngũ giới không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn là nền tảng xây dựng một xã hội văn minh, gương mẫu, và hòa bình.

Ngũ giới là những nguyên tắc đạo đức không chỉ giúp người Phật tử hoàn thiện bản thân trên con đường tu tập, mà còn mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng. Người Phật tử cần giữ giới để xứng đáng với danh nghĩa của mình, còn người không theo Đạo Phật cũng nên thực hành Ngũ giới để hướng đến cuộc sống an vui và ý nghĩa hơn.

Một xã hội mà mọi người đều thực hành Ngũ giới sẽ là xã hội lý tưởng, nơi con người sống trong sự an bình, tôn trọng, và yêu thương lẫn nhau.

Xem thêm: Kiến thức Phật giáo

Ngũ giới là gì_ Bao gồm giới nào_ Lợi ích khi thọ ngũ giới (7)

Lợi ích khi giữ gìn ngũ giới

Giữ gìn ngũ giới nhà Phật mang đến nhiều lợi ích to lớn cho con người. Người biết giữ gìn năm giới tạo ra sự an lành cho bản thân. Không sát sanh sẽ không bị tù tội về giết người, không có thù hận nên sẽ không phải lo sợ trả thù.

Không trộm cướp, bản thân sẽ không mắc tội tù về trộm cướp, tới lui tự do, đến đi an ổn. Không tà dâm, bạn không phải lao thần tổn trí, được mọi người đều tín nhiệm và tin cậy. Không nói dối sẽ gây được niềm tin của mọi người. Không uống rượu sẽ giúp bản thân không bị cái tệ điên cuồng mất trí tác động, sức khỏe đảm bảo. 

Đó là những lợi ích bản thân ngay trong hiện tại. Nếu về mai sau người có đạo đức, sống giữ giới sẽ được mọi người yêu thương, tôn trọng và kính nể. Người giữ ngũ giới luôn thanh thản, không phân vân, hổ thẹn hay sợ hãi với mọi người. Đặc biệt, khi lâm chung sẽ ra đi trong tỉnh giác, không hối hận ăn năn về những việc ác đã gây ra trong đời. Nhờ tâm thanh thản và thanh tịnh sẽ giúp chúng ta có thể tái sinh vào cõi lành. 

Người giữ giới luật nghiêm túc sẽ không gây tạo ác nghiệp, không bị quả báo luân hồi. Năm giới không còn được ngộ nhận như điều cấm đoán mất tự do mà chính là  nếp sống an lạc giải thoát. Gìn giữ năm giới là tôn trọng nhân bản, là nền tảng đạo đức.

Video ngũ giới

Trên đây là những chia sẻ sơ lược về ngũ giới Phật giáo đến bạn đọc. Mong rằng mỗi Phật tử khi tu hành sẽ thực hiện đúng 5 giới để có được sự thanh thản, tái sinh vào cõi lành.

76 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Cách chép hồng danh Địa Tạng Vương Bồ Tát: Phát nguyện, hồi hướng

Kiến thức 13/03/2025 01:24:37

Cách chép hồng danh Địa Tạng Vương Bồ Tát: Phát nguyện, hồi hướng

Kiến thức 13-03-2025 01:24:37

Chép hồng danh Địa Tạng Vương Bồ Tát là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để tiêu trừ nghiệp chướng và gia tăng phước báu. Đây là một việc làm dễ thực hiện được nhiều Phật tử áp dụng và nhận thấy có công đức lớn hơn so với việc chép toàn bộ kinh Địa Tạng Vương.
52 lượt xem 0 Bình luận

Tịnh Nghiệp Tam Phước là gì? Bao gồm gì? Cách tu

Kiến thức 13/03/2025 01:20:33

Tịnh Nghiệp Tam Phước là gì? Bao gồm gì? Cách tu

Kiến thức 13-03-2025 01:20:33

Tịnh nghiệp tam phước là pháp tu "Tán Thiện" dành cho phàm phu, giúp ổn định tâm trí và tu Tịnh Nghiệp. Pháp này được Phật dạy cho Bà Vi Đề Hy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
34 lượt xem 0 Bình luận

Tìm hiểu Đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát

Kiến thức 13/03/2025 01:15:31

Cách chép hồng danh Phật Dược Sư: Phát nguyện, hồi hướng

Kiến thức 13/03/2025 01:09:13

Tụng chú Đại Bi có thật sự tiêu trừ được mọi tội lỗi?

Kiến thức 13/03/2025 00:40:54