PV: Bên cạnh những gia đình hòa thuận, cha mẹ với con cái coi nhau là người bạn đồng hành thân thiết, cũng có rất nhiều gia đình không thể đón một ngày lễ ý nghĩa như Vu Lan vì mâu thuẫn giữa các thế hệ. Là người có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với rất nhiều người trẻ gặp vấn đề với gia đình, theo anh, đâu là những lý do phổ biến dẫn đến mâu thuẫn giữa cha mẹ – con cái?
Tôi nghĩ rằng đã là bố mẹ và con cái thì luôn tồn tại khả năng mâu thuẫn. Nghĩa là không chỉ thế hệ trẻ ngày nay, mà cả các thế hệ trước đó nữa, ngay cả thế hệ bố mẹ chúng ta cũng có những rạn nứt với bố mẹ của họ.
Một phần lí do bởi chúng ta không được học cách giao tiếp với nhau trong gia đình. Ta được học cách giải toán, lý, hoá trên trường, nhưng không có trường lớp nào dạy ta cách trò chuyện với cha mẹ, hay đối xử với con cái tốt hơn. Chính vì thế, chúng ta thường cư xử và giao tiếp với nhau theo một cách đầy bản năng, theo cách ta chứng kiến các thế hệ đi trước.
Một người bố đánh con không phải vì ông ấy muốn vậy, mà rất có thể bản thân ông ấy cũng lớn lên bằng đòn roi của bố. Do đó, khi muốn con nghe lời, ông ấy sẽ lặp lại hành động đã khiến ông ấy nghe lời ngày xưa. Có một thuật ngữ để chỉ hiện tượng này, gọi là “tổn thương liên thế hệ”.
Với tôi, chuyện mâu thuẫn trong gia đình, giữa bố mẹ với con, giữa bố với mẹ, giữa anh chị em với nhau là điều rất tự nhiên. Không thể nào những con người với tính cách, sở thích, quan điểm khác nhau có thể sống chung vài chục năm mà không xảy ra tranh cãi. Vậy thì vấn đề không phải là cố gắng để không bao giờ xảy ra mâu thuẫn, mà là khi xảy ra mâu thuẫn, ta sẽ làm gì.
PV: Khi rạn nứt có xu hướng truyền từ thế hệ trước như vậy, có phải những người con sẽ luôn ở thế bị động trong mâu thuẫn hay không? Làm thế nào để người con có thể chủ động bắt đầu hành trình hằn gắn của mình?
Quả thật, có nhiều đứa trẻ cảm thấy mình là nạn nhân trong những câu chuyện gia đình. Trong giai đoạn từ 0 đến 18 tuổi, hầu hết mọi đứa trẻ đều phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Lúc này, chênh lệch quyền lực trong gia đình là rất lớn. Tôi biết có những gia đình làm bạn với con ngay từ khi con còn nhỏ, nhưng cũng có nhiều gia đình “cha mẹ nói con phải nghe”. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình như vậy sẽ dễ cảm thấy mọi khổ đau của mình đều đến từ cha mẹ.
Tôi nghĩ rằng đây là cảm xúc mà mọi người đều sẽ trải qua trên hành trình chữa lành với cha mẹ. Bạn sẽ nhận ra mình thừa hưởng nhiều thứ từ gia đình, kể cả vấn đề và nỗi đau. Nhận ra là điều quan trọng, nhưng hành trình chữa lành sẽ không bắt đầu từ đây. Nó sẽ chỉ bắt đầu khi bạn nhận ra cha mẹ mình cũng là nạn nhân của “nỗi đau liên thế hệ”. Bố mẹ cũng từng có tuổi thơ, cũng từng làm con, cũng từng có những câu chuyện bạn chưa từng được nghe kể.
Khi bạn bắt đầu hiểu, bạn sẽ không còn ở thế bị động nữa. Thay vì trách móc, bạn sẽ muốn biết bố mẹ mình đã có một tuổi thơ thế nào, đã được nuôi lớn ra sao, trải qua những chuyện gì trên hành trình trưởng thành. Các cụ chỉ hay nói rằng ngày xưa rất khổ, nhưng đó chỉ là một lát cắt rất mỏng tạo nên con người cha mẹ bạn, rồi sau này là bạn. Tôi nghĩ rằng khi làm được điều đó, sẽ không còn ai là nạn nhân trong câu chuyện mâu thuẫn này nữa. Không còn trách móc và đổ lỗi, chúng ta chuyển sự quan tâm sang việc làm thế nào để cùng hàn gắn những tổn thương của cả bạn và mẹ cha.
PV: Anh chia sẻ rằng hành trình chữa lành sẽ thực sự bắt đầu khi người con không coi mình là nạn nhân của xung đột nữa. Vậy còn từ phía cha mẹ thì sao?
Tôi có một người bạn thường xuyên tham gia các khóa thiền và tu tập, rất cố gắng tự chữa lành cho bản thân. Tuy nhiên khi gặp vấn đề với chồng thì bạn ấy vẫn rất tức giận, và không biết làm sao để thay đổi được người chồng. Trước những thắc mắc của bạn, tôi chỉ hỏi ngược lại rằng, bạn có tu tập, thiền định được thay cho chồng mình không?
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng vậy. Bạn có thiền hộ cha mẹ bạn được không? Có đi học cách giao tiếp với con cái hộ cha mẹ được không? Tôi nghĩ điều này là rất khó. Có những đứa trẻ may mắn có bố mẹ tìm hiểu về chữa lành, sẵn sàng bỏ tiền đưa con đi học, đi tham gia các khóa tu hay thiền tập. Trong khóa học “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” tôi dạy tại Vườn Xả Đắk Lắk mới đây, cũng có vài bạn trẻ đến tham gia vì được bố mẹ đăng ký. Tuy nhiên, số lượng cha mẹ nhận ra trước con cái chỉ chiếm ít phần trăm, còn lại, thường sẽ là con cái biết đến tu tập, chữa lành rồi giới thiệu cho cha mẹ.
Nếu bạn không thuộc trường hợp may mắn có cha mẹ tỉnh thức và chủ động thay đổi, hãy nhìn nhận câu chuyện này như một cuộc thử nghiệm. Tôi nghĩ rằng bạn hãy cứ thử thay đổi bản thân mình trước, xem bố mẹ có thể thay đổi đến đâu. Có những người thử nghiệm thành công, bố mẹ họ trở nên sẵn sàng lắng nghe và tôn trọng ý kiến của họ hơn. Nhưng cũng có nhiều người đến 40 tuổi vẫn mắc kẹt trong nỗi buồn khi cha mẹ không thể thay đổi.
Câu chuyện khi ấy sẽ là, bạn có chấp nhận được sự không thay đổi ấy của bố mẹ không? Liệu bạn có hiểu được cho những người mãi mãi không hiểu được mình không? Tôi nghĩ đây mới là điều khó nhất, nhưng cũng là đỉnh cao của việc tha thứ, thấu hiểu và chấp nhận.
PV: Khi bị tổn thương trong mối quan hệ gia đình, người trẻ ngày nay thường tìm đến những nguồn chữa lành khác như: nghe giảng pháp, thiền tập, đọc sách chữa lành…Khi tìm thấy bình yên ở nơi khác, liệu có khi nào họ không còn muốn quay trở lại giải quyết tận gốc vấn đề gia đình của mình không? Quan điểm của anh về điều này là gì?
Tôi biết có những người bị “nghiện” các khóa tu tập, chữa lành. Cứ vài tháng, họ lại lên làng Mai ở Thái và ở đó tầm một tháng. Ở làng Mai, họ cảm thấy cuộc đời quá đẹp, con người ở đây rất thân thiện và thương mình, chỉ cần giơ tay ra là có người giúp đỡ. Thế nhưng khi quay trở lại cuộc sống thường nhật, các bạn lập tức rơi xuống cái hố của mâu thuẫn gia đình, của cơm áo gạo tiền. Khi bị sốc như vậy, các bạn lại cố gắng kiếm tiền thêm vài tháng để quay lại những nơi chữa lành. Nó trở thành một vòng lặp.
Tôi sẽ không đánh giá điều này là tích cực hay tiêu cực, bởi quả thật có những người không biết làm cách nào khác với vấn đề của mình ngoài đi tìm những nơi an trú tinh thần như thế. Tôi coi việc tự chữa lành giống như việc bạn uống vitamin, nó rất tốt cho cơ thể của bạn, nhưng chỉ giải quyết được vấn đề bề mặt mà thôi. Nếu vấn đề của bạn thực sự là gia đình thì bạn phải quay về gia đình.
Trước khi làm được điều đó, có người phải mất đến cả chục năm để “lành” hơn. Họ quay lại đối diện với gốc rễ vấn đề sau khi đã biết điều hoà cảm xúc tốt hơn nhờ thiền tập. Họ có thể nói chuyện với cha mẹ 30 phút mà không cáu điên lên hay muốn bỏ nhà đi. Tự chữa lành trước khi đối diện vấn đề là điều cần thiết. Bởi nếu bạn quay về nhà trong trạng thái ấm ức, giận dữ, đầy đau khổ, không thể nói chuyện được với bố mẹ quá vài câu, thì việc quay về của bạn không có tác dụng gì cả. Bạn vẫn chưa lành, vẫn đầy tổn thương như họ thôi.
PV: Chữa lành tổn thương là một hành trình dài. Vậy theo anh, có lộ trình cụ thể nào cho việc chữa lành mối quan hệ với cha mẹ không?
Khi bạn bị đau chân, gần như mọi bác sĩ từ Á sang Âu, sang Mỹ đều biết làm thế nào để giải quyết cái chân đau này. Nhưng nếu bạn bị đau lòng, mỗi người trên thế giới lại có một phương pháp khác nhau để giải quyết nỗi đau cho bạn. Sinh học khác tâm lý học ở điểm đó. Trong sinh học, ít nhất chúng ta đều tương đối đồng thuận về việc ta nên giải quyết chấn thương thế nào, nhưng với tâm lý học thì mỗi bác sĩ lại có một lộ trình riêng.
Lộ trình hàn gắn chấn thương gia đình rất đa dạng. Theo tôi được biết, riêng trị liệu phương Tây đã có tới hơn 200 trường phái lớn nhỏ, trong từng trường phái lớn lại chia ra thành hơn 20 trường phái nhỏ hơn nữa. Hoặc nếu theo trường phái tâm linh hơn, chẳng hạn như Phật giáo cũng có Bắc Tông (Đại thừa) và Nam Tông (Tiểu thừa), mỗi trường phái lại hướng bạn tới một cách giải quyết riêng trong khuôn khổ tinh thần tôn giáo chung. Việc bạn lựa chọn lộ trình nào còn tùy thuộc vào niềm tin, tôn giáo,… của mỗi người, nên rất khó để đưa ra một con đường chung cho tất cả.
Đối với cá nhân tôi, lộ trình chữa lành nào cũng cần làm 2 việc: Nhận ra và Hành động. Nhận ra là một trong những yếu tố quan trọng nhất trên hành trình chữa lành tổn thương gia đình, bao gồm nhận ra tổn thương của mình, những dấu vết của quá khứ, cách bạn được nuôi dạy, những tính cách của cha mẹ đang hiện diện trên bạn ở hiện tại,…
Sau khi nhận ra, nhiều người sẽ muốn tiến tới hành động. Họ có thể muốn tổ chức một chuyến du lịch với gia đình, gọi điện cho cha mẹ hằng ngày,… Cá nhân tôi thì tập trung vào việc hiểu cha mẹ hơn, cố gắng thấu hiểu cả những điều trước đây tôi không thể hiểu.
PV: Khi bước lên bất cứ hành trình nào, người ta cũng thường có một mục tiêu đặt sẵn. Với hành trình hàn gắn mối quan hệ gia đình, làm sao để biết được mình đã “lành” với cha mẹ? Bởi mong muốn của con người là vô hạn, ta sẽ luôn mong muốn đối phương phải tốt hơn nữa?
Việc bạn vẫn đang so sánh gia đình mình với gia đình khác là có thể chính là biểu hiện của sự “chưa lành”. Bạn sẽ nghĩ “tôi vẫn muốn bố mẹ thay đổi, tôi vẫn muốn bố mẹ phải khác đi”. Ngày xưa bạn chỉ mong gia đình không xảy ra cãi vã là được rồi, nhưng bây giờ khi cha mẹ đã từ âm về 0 trong lòng bạn, bạn lại muốn họ phải lên hai, lên ba, lên bốn điểm. Tâm lý đó là hoàn toàn bình thường, vì mong cầu của con người là vô hạn.
Cũng có một số câu trả lời chung cho câu hỏi thế nào là một người đã “lành” khỏi những tổn thương gia đình. Ví dụ như bạn chấp nhận bố mẹ mình như con người thật của họ thay vì ước ao mình được sinh ra trong một gia đình khác, có bố mẹ tâm lý hơn, ủng hộ bạn hơn,… Nếu bạn vẫn còn những mong cầu ấy, vẫn còn hậm hực với họ, thì bạn vẫn còn chưa “lành” lắm đâu.
Câu hỏi ở đây là, nếu cha mẹ không được như những gì bạn mong ước thì bạn có thể vẫn sống tốt không? Bạn có thể hạnh phúc không? Trong giới của tôi, dù bạn theo đuổi bất cứ trường phái chữa lành nào, bạn cũng có thể làm bài kiểm tra cao nhất, đó là hãy quay trở về nhà và nói chuyện với cha mẹ trong vòng 15-20 phút. Nếu trong khoảng thời gian đó, bạn không cáu gắt, lòng bạn vẫn yên ả như mặt hồ thì phần nào đó bạn đã ổn hơn với những chất thương trong quá khứ, và bố mẹ không còn khả năng kích hoạt bạn nhiều như trước nữa.
Khi hiểu được rằng việc chữa lành có thể kéo dài, bạn sẽ khoan dung với bản thân mình hơn. Bạn sẽ thấy rằng để đi từ “không thể nói chuyện với bố mẹ quá 1 phút” tới “có thể ngồi yên bình với bố mẹ khoảng 5 phút” đã là một bước tiến lớn, là rất nhiều cố gắng của bạn. Đó là điều đáng trân trọng, còn nếu để hướng tới mục tiêu hoàn toàn lành lặn, luôn luôn yên bình như chưa từng có gì xảy ra thì có khi người ta phải mất cả một đời người.
PV: Vậy đâu là khoảnh khắc mang tính “bước tiến lớn” trên hành trình hàn gắn với cha mẹ của anh?
Đó là lúc tôi nhận ra mình không muốn cố chấp với bố mẹ mình nữa. Đây là điều tác động rất mạnh đến việc hàn gắn với cha mẹ của tôi, gần như xoá bỏ mọi giận hờn của tôi với bố hay với gia đình mình.
Hôm trước có một bạn kể với tôi chuyện này. Nhà bạn có một nhóm chat gia đình, và bạn nhận ra rằng một ngày nào đó nhóm chat ấy sẽ chỉ còn hai chị em bạn. Tài khoản của bố mẹ vẫn còn đó, nhưng họ sẽ không bao giờ trả lời hay thả tim cho bạn được nữa.
Tôi thấy con cái chúng ta vẫn còn cố chấp với bố mẹ rất nhiều, và bố mẹ cũng vậy. Đến một lúc nào đó, một trong hai bên sẽ phải dừng lại. Với những người có bố mẹ lớn tuổi như tôi, nhận ra điều đó khiến tôi cảm thấy mình không còn nhiều thời gian để chầm chậm chữa lành hay hàn gắn từng chút một. Bởi chẳng biết khi tôi đã lành, thì bố mẹ có còn trên đời hay không. Khi đó thì muốn cố chấp cũng không được nữa.
PV: Trong quá trình chữa lành cho chính mình và giúp đỡ hàng ngàn người trẻ vượt qua những tổn thương với cha mẹ, quan điểm và định hướng chữa lành của anh có chịu ảnh hưởng phần nào từ Phật giáo không?
Tôi rất thích mô hình Phật giáo ở chỗ Phật giáo được chia thành Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa. Phật giáo Tiểu thừa nhấn mạnh vào sự hiểu. Bạn có thể tưởng tượng các vị thiền sư thường ngồi ở một gốc cây, tự tu tập, tự quan sát tâm trí để hiểu thấu nguồn cơn cảm xúc của mình.
Phật giáo nguyên thuỷ nhấn mạnh rất nhiều vào chữ “Tuệ”, dùng “Tuệ” để giác ngộ, khai sáng và chữa lành. Phật giáo Đại thừa lại nhấn mạnh vào tình yêu nhiều hơn. Khi bạn đau khổ nhất, bạn sẽ không ngồi một mình ở gốc cây mà bạn tới chùa, chắp tay lại và cầu xin các vị Bồ Tát che chở cho bạn.
Tôi nghĩ rằng phần nào đó cả hai tông phái này là sự bổ trợ cho nhau. Để thực sự chữa lành, chúng ta cần cả tình yêu và trí tuệ. Bạn có thấy quen khi nghe câu nói “Mẹ chỉ muốn tốt cho con” không? Tình yêu mà thiếu đi trí tuệ, thiếu đi sự hiểu thì sẽ dẫn đến đau khổ. Ngược lại, người có trí tuệ nhưng không có tình yêu thì sẽ chỉ là một trái tim trống rỗng, không ai có thể bước tới và thấu hiểu bạn được.
PV: Cuối cùng, thay cho lời kết, anh Minh Đào có lời nhắn nào muốn gửi tới quý độc giả của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên nhân dịp Vu Lan 2023 không?
Tôi nhận ra một điều, dù bạn có đang cách xa cha mẹ cả nghìn cây thì cha mẹ vẫn luôn ở trong đầu bạn. Vì thế, hành trình hàn gắn với cha mẹ không phải là câu chuyện bạn có thể làm hay không, mà là bao giờ bạn sẽ làm?
Tất nhiên sẽ có những người không bao giờ muốn hàn gắn với cha mẹ nữa. Nhưng nếu bạn đã đọc tới tận những dòng này, tôi tin rằng bạn vẫn còn hy vọng và mong muốn quay về với gia đình. Hay là nhân dịp Vu Lan này, bạn hãy thử làm lành với họ xem sao?
Riêng suy nghĩ muốn hàn gắn thôi đã là một điều vô cùng dũng cảm và đáng trân trọng. Trong khi ngoài kia còn rất nhiều người vẫn mắc kẹt trong trách móc, đổ lỗi, muốn tiếp tục cãi thắng cha mẹ của mình, thì bạn chọn giải pháp hoà bình. Ý nghĩ đó là một hạt mầm rất tốt mà bạn có thể gieo cho hành trình chữa lành với cha mẹ của mình, và bạn hãy công nhận nỗ lực này, chưa cần biết hạt mầm ấy sẽ nảy nở được tới đâu.
Báo hiếu, biết ơn hay quay về với gia đình không chỉ là việc làm vì cha mẹ, mà bạn còn làm cho chính bản thân mình nữa. Chúc các bạn có một mùa Vu Lan trọn vẹn và có đủ dũng khí để bắt đầu bước đi trên hành trình hàn gắn với cha mẹ mình.
PV: Cảm ơn anh Minh và chúc anh có một mùa Vu Lan trọn vẹn, an yên bên gia đình!