Những vị tu sĩ gắn với cuộc sống người đồng bào

01/11/2023 16:24:04 378 lượt xem

Những món quà yêu thương từ khắp mọi miền Tổ quốc thông qua chư tôn đức được trao đến bà con bằng cả tấm lòng. Nụ cười rạng rỡ của bà con là kết quả rõ nét nhất cho sự dấn thân không ngừng nghỉ của các vị tu sĩ và sự gắn bó, hướng tâm với đồng bào dân tộc ở khắp các vùng miền trên cả nước.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Với phương châm của Phật giáo song hành giữa đạo và đời, chư Tăng ni luôn hướng tâm hỗ trợ, giúp sức cho sự phát triển của đồng bào các dân tộc, thể hiện cao độ tinh thần đoàn kết dân tộc – vì một Việt Nam hùng cường.

Vào tiết chào cờ thứ 2 đầu tuần tại trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, dường như cả Thầy và trò đều đã chuẩn bị sẵn sàng, đợi đoàn chư tôn đức Phật giáo huyện Cư Mgar. Trường có 385 em học sinh chia thành 12 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5; 99% học sinh đồng bào dân tộc Ê đê; trong đó rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2020 đến nay, Đại đức Thích Minh Đăng cùng quỹ Tiếp sức em đến trường – hỗ trợ học bổng cho 16 em. Với 2 mức là 300.000đ/tháng và 500.000đ/tháng, con đường đi học của các em bớt chông chênh hơn rất nhiều.

Không chỉ riêng huyện Cư M’gar, quỹ Tiếp sức em đến trường của chùa Hoa Nghiêm và Phật giáo huyện Cư M’gar còn hỗ trợ cho các em học sinh đồng bào dân tộc trên toàn tỉnh Đắk Lắk. Mỗi tháng 1 lần, chư Tăng cùng quý Phật tử lại đi khắp các huyện để trao học bổng. Ở buôn Ea Hiao 1, xã Ea Hiao, huyện Ea H’Leo – 1 huyện vùng xa cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hơn 100km, căn nhà của em Kpa H’Narin – lớp 1C, trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn – lụp xụp, tạm bợ. Nhìn vậy nhưng đó là chỗ che nắng che mưa cho gia đình 4 người. Nhận học bổng, bánh kẹo và những cuốn sách truyện còn thơm mùi giấy từ chư tôn đức, H’Narin khá rụt rè.

Sự quan tâm đặc biệt đến các em học sinh đồng bào; đó là cách để vun bồi các mầm non tương lai của đất nước. Điều kiện vật chất còn thiếu thốn, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng đó sẽ không là rào cản để ngăn các em tìm đến với con chữ, bởi đã có sự đồng hành của chư Tăng ni.

Cũng dành nhiều thời gian, tâm sức cho công tác giáo dục, chùa Pitukhosarangsay (TP. Cần Thơ) do TT.Lý Hùng trụ trì còn được nhiều phương tiện thông tin đại chúng ngợi ca là “nơi cưu mang, nuôi hơn nghìn sinh viên nghèo thành tài, có người trở thành giám đốc doanh nghiệp, có người đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ”. Thượng tọa Lý Hùng xây hai ký túc xá trong chùa để nhận nuôi, lo chỗ ăn ở miễn phí cho sinh viên Khmer theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở TP.Cần Thơ. Từ năm 1996 đến nay, với sự dìu dắt, cưu mang, giúp đỡ của Thượng tọa Lý Hùng, đã có hơn 1.000 sinh viên ra trường nên danh và lập nghiệp.

Đã từng trải qua tuổi thơ cơ cực, nên khi thấy sự khó khăn của sinh viên dân tộc Khmer, Thượng tọa luôn sẵn lòng giúp đỡ. Sống trong chùa hoàn toàn miễn phí từ điện, nước, ăn uống, sinh hoạt… Bên cạnh đó, chùa còn mở lớp dạy tiếng Khmer, dạy lễ nghi, phong tục tập quán, nếp sống, văn hóa của dân tộc. Với nhiều sinh viên, nơi đây như ngôi nhà thứ 2. Dẫu đi đâu, làm gì cũng luôn nhớ quãng thời gian sống trong chùa và lời Sư dạy – cố gắng thành tài để giúp ích cho đời, phụng sự đất nước.

Bằng nhiều cách khác nhau, chư Tăng ni Phật giáo luôn mong muốn hướng tâm, giúp sức cho sự phát triển của đồng bào các dân tộc. Và đó đôi khi còn là sự dấn thân nơi miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có dịp đến huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai mới có thể tận mắt chứng kiến những tập giấy A4 xếp thành chồng, được Thượng tọa Thích Giác Duyên – Trụ trì Tịnh xá Phú Cường chép đầy đủ số nhân khẩu từng nhà và pháp danh từ Phật tử. Thiếu thốn, bất đồng ngôn ngữ; thế nhưng chẳng gì có thể làm chùn bước chân hoằng hóa của bóng áo nâu nơi núi rừng.

Giờ đây, chỉ cần nghe thông báo lịch sinh hoạt tu tập, bà con huyện Chư Sê đã hồ hởi đến chật cứng chánh điện Tịnh xá Phú Cường. Sau 1 thời gian được hướng dẫn, bà con đồng bào có thể tự tụng kinh niệm Phật. Những lời chư Tăng dạy, như cái nắng, cái gió của núi rừng, dần dần thấm sâu trong tâm trí của người đồng bào. Hơn cả, họ trân trọng sự tận tâm của chư tôn đức dấn thân nơi đại ngàn.

Từ trái tim sẽ đến với trái tim. Những món quà yêu thương từ khắp mọi miền Tổ quốc thông qua chư tôn đức được trao đến bà con bằng cả tấm lòng. Nụ cười rạng rỡ của bà con là kết quả rõ nét nhất cho sự dấn thân không ngừng nghỉ của các vị tu sĩ và sự gắn bó, hướng tâm với đồng bào dân tộc ở khắp các vùng miền trên cả nước.

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

24 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49

Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản

Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57