PV: Có lý do đặc biệt nào khiến thầy chọn làm clip về chủ đề nấu ăn để tiếp cận các bạn trẻ mà không phải một chủ đề nào khác?
Thầy nhận thấy đôi khi các bạn trẻ nhìn nhận các thầy tu hành bằng một con mắt rất xa vời. Nhất là vào thời điểm thầy mới sử dụng mạng xã hội, Phật giáo bị gắn với nhiều điều tiếng không hay, nên hình ảnh người tu sĩ trên mạng xã hội cũng ít nhiều bị ô uế. Nhận thấy điều đó thầy cũng buồn lắm, nên hy vọng mình có thể làm được một chút gì đó, dù chỉ nhỏ bé như một giọt nước thôi cũng được, để góp phần thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về hình ảnh người tu sĩ.
Lúc đó thầy nghĩ người ta đang ghét thì làm sao dám cho mặt mình lên được, nên thầy lựa chọn dùng các hình ảnh đồ ăn và việc nấu nướng để mang vào các clip TikTok. Xem người đẹp hoài người ta sẽ chán, xem nhảy nhót hoài người ta cũng mệt, nhưng mà đồ ăn người ta có thể coi hoài mà không chán, mà nội dung về ẩm thực là bất tận, thầy nghĩ như vậy. Trong mỗi clip về ẩm thực, thầy chỉ lồng ghép một vài câu nói với hy vọng có thể chuyển hóa được một chút suy nghĩ của cộng đồng về hình ảnh người tu sĩ, đồng thời rút ngắn được khoảng cách giữa người tu hành và các bạn trẻ. May mắn là cho đến giờ mỗi clip đều được các bạn trẻ hoan hỉ ủng hộ.
PV: Xem các clip TikTok trên kênh “Ẩm thực Phật giáo”, con băn khoăn hỏi không biết thầy có phải đầu bếp chính ở Thiền viện Trúc Lâm Phú Yên không?
Thầy không phải là đầu bếp chính đâu. Khi sống trong một đại chúng, mọi người đều làm việc xoay vòng, nghĩa là hôm nay anh may đồ, thì ngày mai anh rửa bát, ngày mai nữa thì anh nấu ăn. Vậy nên cho dù mình có nấu ăn tệ đến đâu thì cũng vẫn phải biết nấu. Sống trong đại chúng ai cũng phải biết làm mọi việc, đó là điều may mắn vì mình có cơ hội để tôi luyện.
Thầy được đi rất nhiều nơi từ Bắc chí Nam, miền Trung hay miền Tây, và đến đâu thầy cũng thích được tìm hiểu văn hóa ẩm thực ở đó nên cũng học mót được từ rất nhiều người. Khi về thiền viện, mình sẽ chỉ lại cho các thầy ở đó. Còn các món ăn trong clip của thầy, có lúc là món mình tự nấu tự quay, có món là các thầy nấu rồi mình quay lại.
PV: Thời gian đầu khi làm clip đăng lên TikTok, thầy cũng nhận phải nhiều phản hồi thiếu tích cực, thầy đã vượt qua những bình luận tiêu cực đó như thế nào?
Đúng là ban đầu thầy cũng phải nhận khá nhiều “gạch đá”, ngay cả các huynh đệ cũng không hiểu mình. Nhưng may mắn là có sư phụ tin tưởng và hiểu cho vì thầy biết Khải Tuấn sẽ không bao giờ làm gì mà không suy nghĩ cả. Sư phụ đã tiếp thêm động lực để mình tiếp tục. Trong bao lời bình luận tiêu cực vẫn có những bạn để lại lời cảm ơn và thầy thực sự rất trân quý. Đó như là món quà khích lệ để thầy tiếp tục công việc này.
PV: Các câu chuyện thầy chia sẻ trong mỗi clip thường đến từ đâu? Và thầy chuẩn bị cho các nội dung đó như thế nào?
Mọi suy nghĩ hay câu chuyện thầy chia sẻ trong clip, dù là đến bất chợt hay được mình suy ngẫm từ rất lâu, thì cũng đều xuất phát từ cái tâm chân thật. Còn khi chuẩn bị nội dung cho mỗi clip, thầy đều cố gắng để truyền tải được những điều gần gũi và ít giáo điều nhất có thể. Nếu như ngôn ngữ mình sử dụng mang hơi hướng giáo điều và tôn giáo quá thì dễ làm người xem cảm thấy xa vời. Để những gì mình nói chạm được đến Tâm của mọi người, thầy thích sử dụng những câu chuyện bình dị, và quan trọng nhất mọi thứ đều là sự thật, xuất phát từ tâm tư thật lòng của mình.
Mình mà gian dối là người xem biết ngay, cộng đồng mạng giờ có triệu tai triệu mắt mà, làm sao mình qua mặt được (cười). Nếu như mình làm mọi thứ bằng cái tâm chân thật, với mong muốn thật lòng vì cộng đồng, thì chuyện gì cũng xuôi chèo mát mái hết.
PV: Khi xem các clip của thầy, con nhận thấy thầy thường sử dụng dụng cụ nấu nướng kiểu truyền thống, và ít thấy sự xuất hiện của chảo chống dính, bếp từ, lò nướng. Có lý do nào cho việc này không?
Thầy là kiểu người thích hướng về sự đơn giản, và cũng mong muốn hướng mọi người về những gì bình dị và đơn sơ nhất có thể. Thực ra khi nào cần sử dụng đến thiết bị hiện đại, thầy vẫn phải sử dụng thôi. Ví dụ như trong clip mọi người thấy thầy dùng bếp củi, nhưng thầy lại quay clip bằng máy Sony.
Văn minh chưa chắc đã là hiện đại đâu. Thầy nghĩ rằng văn minh là những gì làm cho đời sống chúng ta được hạnh phúc, còn hiện đại nhiều khi hại điện lắm (cười). Những hình ảnh thầy tải lên, thầy mong muốn đem đến một đời sống bình dị nhất có thể. Bởi thầy thấy hiện nay nhiều người đang chạy theo mức sống quá cao, nên đôi khi họ phải gồng mình lên để đáp ứng được mức sống đó. Nếu họ chịu giảm mức sống của mình xuống thì có khi cũng không đến nỗi phải khổ, không đến nỗi phải trầm cảm, không đến nỗi phải điên cuồng làm việc. Ví như không có váy kim sa lấp lánh thì mình mặc một bộ đồ bình thường cũng vẫn rất đẹp mà.
Thầy từng gặp nhiều người dân miền Tây sống thật thà, chân chất, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Thầy cũng gặp nhiều người sống trong đô thị phồn hoa, giờ mà cho họ về quê là họ sống không nổi. Nhiều người sống quen ở thành phố với mức sống cao, rồi tình hình kinh tế khó khăn khiến họ thất nghiệp, sống ở thành phố thì không đủ tiền, mà về quê họ lại không quen, nên cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
PV: Trong mỗi clip TikTok đăng trên kênh “Ẩm thực Phật giáo”, thầy đều gửi gắm rất nhiều lời khuyên quý báu, nhưng qua buổi phỏng vấn hôm nay, con mong được thầy nhắn gửi vài lời đến các bạn đang gặp bế tắc trong cuộc sống, để lỡ như có bạn trẻ nào chưa từng xem các clip của thầy, mà nếu có duyên đọc bài phỏng vấn này, sẽ có thể tìm kiếm cho bản thân một giải pháp nào đó, bởi vì “Pháp ở muôn nơi” mà.
Thời đại ngày nay con người đang quá coi trọng giá trị thực dụng, và nhiều khi xem thường giá trị nhân bản. Gia đình bây giờ cũng có vẻ ôm ấp và nuông chiều con cái quá, khiến cho các bạn trẻ như một cái cây được trồng trên mảnh đất màu mỡ, nghĩa là cây ngắn hạn sẽ sớm bị thu hoạch, có cơn gió thổi qua là bung gốc luôn. Nên các bạn giờ rất mỏng manh dễ vỡ, dễ khóc, dễ đau khổ, dễ thất tình, lúc nào cũng sống nhanh, sống vội. Các bạn trẻ giờ được trang bị rất nhiều kỹ năng, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng hùng biện, kỹ năng quản trị, nhưng mà kỹ năng làm chủ chính mình thì không có, khi mình bị tổn thương thì lại không biết cách tự chữa lành cho mình.
Thế cho nên lời khuyên thầy muốn gửi tới các bạn là hãy cố gắng quay về giá trị bản thân và nâng cao sức khỏe tinh thần. Khi nâng cao được sức khỏe của mỗi cá nhân, mình sẽ nâng cao được sức khỏe tinh thần của gia đình mình, từ đó cuộc sống của mình sẽ trở nên sáng sủa và rộng mở hơn.
Mà muốn nâng cao sức khỏe tinh thần thì phải có sự luyện tập mỗi ngày. Hàng ngày các bạn ráng quay về bên trong để nhìn nhận lại mình, tập ngồi thiền, tập nói lời biết ơn và xin lỗi. Như vậy, khi người khác có gây nên vết thương cho mình, thì mình cũng không khoét sâu thêm vết thương đó bằng con dao của người khác. Muốn có kỹ năng đó các bạn phải có kỹ năng nhận diện cảm xúc, để mình dừng lại ở thời điểm người khác mang nỗi khổ đến cho mình, chứ không để nỗi khổ đó chi phối cảm xúc của ta, để rồi tự mình găm vào tim mình một con dao nữa. Vậy nên nếu nhìn nhận được cảm xúc, nhìn nhận được những bất như ý xảy đến, thì ta sẽ làm chủ được rất nhiều điều trong cuộc sống, và khi đó với một nội tâm bình an, ta sẽ dễ tha thứ cho người khác. Bởi vì tha thứ là mùi hương của bông hoa dưới gót chân của kẻ đã chà đạp lên nó.
PV: Thầy có nghĩ là mình có sứ mệnh lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người không ạ?
Thầy không dám nghĩ vậy, vì đó là trách nhiệm của người tu. Nếu như thầy mà có sứ mệnh như thế thật thì bản thân mình sẽ phải có cái gì đó rất phi thường, tức là anh hùng rồi. Mà người tu nào có ý niệm như vậy thì là “ngã mạn”. Ngoại trừ những bậc thánh, các ngài có thể nói là có sứ mệnh cứu nhân độ thế. Thế nên dùng từ “sứ mệnh” cho một người nhỏ bé như thầy là thầy sợ lắm.
Nếu như tu đúng đường, thì đó là con đường phải đi, vì đó là “tiến trình tâm”. Khi cái tôi tan vỡ ra, cái ích kỷ mất đi dần, lòng yêu thương vị tha trở thành điều tất yếu, là điều phải có. Nếu như đã tu tập được 5 năm, 10 năm mà vẫn không có tinh thần sống vì cộng đồng thì phải coi lại bản thân. Nhiều người làm việc vì cộng đồng nhưng chưa chắc đã thực tâm vì cộng đồng, vì đằng sau đó còn rất nhiều điều kiện. Nếu mình làm gì đó cho cộng đồng mà lại nghĩ cho mình hết là không được rồi. Còn nếu làm gì đó thực tâm cho cộng đồng, tuy vẫn có điều kiện gì đó kế bên, nhưng chỉ chiếm 1 phần, hoặc 0,5 thôi, hay thậm chí tan vỡ luôn. Thầy coi đó là thước đo của người tu hành.
PV: Kênh TikTok hiện tại của thầy có 2,6 triệu lượt theo dõi, đây là con số khá ấn tượng. Vậy thầy có kế hoạch hay định hướng gì để phát triển kênh “Ẩm thực Phật giáo” không?
Thường là “nói trước bước không qua” nên thầy không hay nói về kỳ vọng và tương lai. Những gì các bạn thấy hôm nay là những gì thầy đã làm được, và tất cả đều xoay quanh giá trị nhân bản. Còn nếu nói về định hướng trước mắt, chắc chắn thầy sẽ không biến mình thành một hiện tượng mạng (cười lớn). Thầy không muốn mình trở nên “viral” đâu. Phong cách dùng mạng xã hội của thầy là khi nhiều người biết về mình quá rồi thì phải dừng lại, đợi một thời gian mình không nổi tiếng nhiều nữa mới quay trở lại. 4 năm nay thầy dùng mạng xã hội cứ âm thầm như vậy, không quá cao trào cũng không đi xuống đáy. Khi mà nhiều người biết đến mình quá, mỗi ngày có hàng trăm tin nhắn và rất nhiều người gọi điện thoại, là mình biết mình gây được ảnh hưởng rồi, lúc đó thầy sẽ tạm dừng một thời gian dài rồi mới lại tiếp tục.
Nhân đây thầy chia sẻ thêm một “bí mật”, đó là thầy không dùng TikTok. Cứ mỗi khi cần đăng tải clip, thầy mới tải app TikTok về điện thoại. Tuy nhiên các bạn nhắn tin hay comment dưới bài đăng thầy đều rất trân trọng và đều đọc hết, dù có cả nghìn comment thầy đều cố gắng thả tim đầy đủ. Xong hết rồi thầy sẽ xóa app. Vì thầy biết TikTok rất cuốn, nên nếu lướt TikTok thì sẽ bị thu hút vào đó và làm mất thời gian của mình. Còn thầy chỉ muốn dùng TikTok để đưa Phật Pháp đến gần hơn với mọi người thôi.