Sức sống các lễ hội mùa thu

30/10/2023 15:10:49 312 lượt xem

Nói đến mùa thu là nói đến màu vàng của hoa và lá. Dù rằng, những chiếc lá ngả màu vàng rực rỡ, rồi sau đó bước sang thời tàn tạ nhưng không vì thế mà sức sống của mùa thu trở nên yếu ớt. Ngược lại, mùa thu ngập tràn sinh khí của trời, của đất của âm thanh lễ hội.

Vào những ngày tháng 10 này, từ những nẻo non cao của núi rừng Tây Bắc cho đến những vùng sông nước nơi đồng bằng châu thổ. Đâu đâu cũng ngập tràn không khí lễ hội. Như tại Mù Cang Chải, người ta lưu luyến bởi vẻ đẹp của lễ hội mùa vàng, mê mẩn với sắc màu của cỏ cây, hoa lá.

Rồi đến Cao Bằng, du khách hòa mình trong không gian nhiệm màu của lễ rước nước, lễ cầu quốc thái dân an tại khu danh thắng Thác Bản Giốc. Tất cả làm nên không khí lễ hội thật đặc sắc nơi vùng cao Tây Bắc.

Là một trong số những lễ hội mùa thu lớn của tỉnh Nam Định, lễ hội Chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16-9 âm lịch hàng năm với rất nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống như: lễ rước Phật, Đức Thánh Tổ và các tiết mục diễn xướng tâm linh, trò chơi dân gian. Qua đó phản ánh chân thực đời sống văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đặc biệt hơn, lễ hội gắn liền với ngày sinh của thiền sư Nguyễn Minh Không và đây cũng nét văn hóa được gìn giữ rộng khắp ở các tự viện 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình.

Với ý nghĩa như vậy nên những ngôi chùa gắn liền với thiền sư Nguyễn Minh Không trong thời điểm này đều tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ Ngài. Đâu đâu cũng cờ hoa cùng hương thơm ngào ngạt. Và cứ đến mùa lễ hội, những người con xa quê dù bận rộn nhưng vẫn gắng thu xếp để trở về với gia đình, bản làng, thôn xóm. Họ đắm mình trong không gian lễ hội và nét truyền thống ấy được gìn giữ từ đời này sang đời khác. Cũng chính vì lẽ đó mà năm nay, lễ hội chùa Cổ Lễ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bầu không khí ấy không chỉ có ở riêng chùa Cổ Lễ, bởi chỉ cách đó khoảng 10 km về phía Đông, ngày hội chùa Keo Hành Thiện cũng rộn ràng với những màn bơi trải hấp dẫn. Hình ảnh các chàng trai khỏe mạnh, đầu chít khăn đồng màu, trên hàng chục chiếc trải lao vun vút giữa dòng sông trong tiếng dồn dập, tiếng reo hò cổ vũ của hàng vạn người, đã ghi dấu trong tâm hồn những người dự hội Keo.

15 xóm đại diện cho 15 đội đua tất nhiên là phải có thua, có thắng. Xóm này thắng thì tự hào mà buông vài lời trêu đùa, châm chọc. Xóm thua có bực nhưng cũng chẳng lấy đó làm buồn. Họ cười xuề xòa và hẹn năm sau, anh em lại tay bắt mặt mừng. Đấy là nét văn hóa của làng quê, được phản ánh rõ ràng thông qua mùa lễ hội.

Đến chùa Keo Hành Thiện dịp này, người ta càng cảm nhận được thế nào là nét truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ với văn hóa tâm linh kết hợp cùng tín ngưỡng bản địa. Người dân cầu trời, khấn Phật… rồi nhẹ vãn cảnh. Sự thư thái ấy không phải lúc nào cũng được tận hưởng, mà nó đến từ sự riêng có của mùa thu, mùa nông nhàn không phải lo nghĩ việc đồng áng.

Cũng là chùa Keo nhưng ở tỉnh Thái Bình, mỗi ngày, lễ hội nơi đây đều thu hút hàng vạn du khách, Phật tử thập phương tham dự. Đây là điểm du lịch tâm linh, phong phú hấp dẫn của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, biểu tượng văn hóa đặc trưng của tỉnh Thái Bình.

Chùa Keo có nhiều mùa lễ hội nhưng lễ hội mùa thu mới là lễ hội chính trong năm bởi có quy mô tổ chức lớn hơn, kéo dài nhiều ngày. Ở đó hội tụ đầy đủ, đặc sắc nhất những lễ tục cổ truyền được gìn giữ qua nhiều thế hệ, qua cả những biến thiên của thời gian. Bởi vậy nên đây cũng là thời điểm mà những người con Thái Bình xa quê trở về với nguồn cội.

Ở lễ hội chùa Keo, bên cạnh những nghi lễ tâm linh truyền thống như lễ tế Phật, Thánh, rước kiệu Thánh còn có những hoạt động văn hóa như du thuyền hát giao duyên, liên hoan các câu lạc bộ chèo và đặc biệt là múa rối nước. Thông qua lễ hội, người tham dự hiểu hơn về văn hóa cha ông để lại, tạo nên cảm giác tự hào của quê hương, xứ sở.

Nói đến mùa thu là nói đến màu vàng của hoa và lá. Dù rằng, những chiếc lá ngả màu vàng rực rỡ, rồi sau đó bước sang thời tàn tạ nhưng không vì thế mà sức sống của mùa thu trở nên yếu ớt. Ngược lại, mùa thu ngập tràn sinh khí của trời, của đất của âm thanh lễ hội.

Và dù, thu không phải là thời điểm mà các lễ hội náo nhiệt nhất, nhưng mùa thu lại sở hữu nét độc đáo riêng có bởi sắc màu của tự nhiên và cả sự thư thái trong lòng người.

19 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49

Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản

Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57