Tinh hoa bảo vật Phật giáo Việt Nam

29/02/2024 14:27:51 540 lượt xem

Việc các di sản Phật giáo được công nhận là bảo vật quốc gia trong tổng số 29 hiện vật có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm khẳng định giá trị xuyên suốt của di sản văn hóa Phật giáo nói riêng và Phật giáo nói chung trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 73, công nhận 29 bảo vật quốc gia đợt 12. Trong số đó, Phật giáo Việt Nam vinh dự đóng góp 5 hiện vật bao gồm: Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn, Mộc bản của chùa Trăm Gian, Mộc bản chùa Dâu, Bộ sưu tập cột kinh Phật thời nhà Đinh và Bia Đại Bi Diên Minh tự bi. Từ đó, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Chư Tôn đức Tăng ni với cơ quan các địa phương trong việc tăng cường bảo tồn giá trị di sản, góp sức xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bộ sưu tập cột kinh Phật thời Đinh được chế tác từ đá xanh, nặng gần 120kg, được lắp gá với nhau bằng hệ thống mộng ngõng, không chất kết dính, không sử dụng chằng buộc hay vật liệu chống đỡ khác. Qua hơn 1.000 năm, các cột kinh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” dù minh văn đã mòn đi ít nhiều. Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, đến nay, đây vẫn là nguồn sử liệu thành văn duy nhất được lập dưới triều Đinh còn hiện diện. Các mặt cột kinh khắc “Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà-la-ni”, là bộ chú rất phổ biến của Phật giáo Mật tông, chứng minh rõ sự hiện diện của Phật giáo Mật tông ở kinh đô Đại Cồ Việt thời bấy giờ.

Bộ sưu tập cột kinh Phật thời Đinh tại Bảo tàng Ninh Bình là các hiện vật gốc, độc bản, không trùng lặp và có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa. Các cột kinh gồm 6 bộ phận: Chân tảng, chân đế, thân cột, thớt đệm, đài sen và búp sen. Dù đơn giản và mộc mạc, thế nhưng hình ảnh hoa sen đã sớm xuất hiện và trở thành hình tượng đặc biệt quan trọng trong mỹ thuật cung đình. Từ đó, phần nào khẳng định vai trò, vị thế của Phật giáo Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ thứ X.

Cũng là hiện vật lan toả lời dạy của đức Thế Tôn, bộ Mộc bản chùa Trăm Gian tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương là một trong số những bảo vật quốc gia được công nhận dịp này. Chùa Trăm Gian còn có tên gọi là Yên Ninh, được xây dựng cách đây khoảng 1.000 năm, từng là một ngôi chùa lớn, trung tâm Phật giáo của cả nước, trường dạy Phật pháp cho hàng nghìn Phật tử. Mộc bản chùa Trăm Gian được được Thiền sư Viên Giác cho khắc từ thời vua Minh Mạng (1791-1841) đến thời vua Tự Đức (1829-1883).

Tính đến nay, bộ mộc bản chùa Trăm Gian hơn 170 năm tuổi, tương đương độ tuổi của các mộc bản triều Nguyễn. Trải qua phong hoá của thời gian và biến thiên của lịch sử, hiện nay, chùa còn lưu giữ lại hơn 700 mộc bản kinh Phật thuộc 7 đầu sách kinh, được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm. Việc các bậc tiền nhân khắc in mộc bản tại chùa Trăm Gian cũng là cách để thể hiện giai đoạn Phật giáo vàng son của xứ Đông.

Nếu như hệ thống mộc bản chùa Trăm Gian là tiêu biểu cho thế gian trụ trì pháp bảo thì bộ tượng Tam Thế chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương được coi là thế gian trụ trì Phật bảo cũng được công nhận là bảo vật quốc gia đợt này. Bộ tượng được tạo bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, trong tư thế ngồi thiền định trên tòa sen theo kiểu kiết già hàng ma. Bảo vật bao gồm 3 pho tượng: Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai, tên gọi đầy đủ là “Tam thế thường trụ diệu pháp thân”. Đáng chú ý, khác với các pho tượng Tam thế được công nhận trước đây, các pho tượng tại chùa Côn Sơn có hình dáng và tướng mạo đặc biệt: phong cách tượng hở vai hiếm gặp.

Theo văn bia và tư liệu lưu truyền tại Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn là bộ tượng cổ nhất tại chùa, gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa và được thờ phụng từ thế kỷ XVII. Những pho tượng này đều là các hiện vật gốc, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn từ thời Lê Trung Hưng đến nay.

Việc các di sản Phật giáo được công nhận là bảo vật quốc gia trong tổng số 29 hiện vật có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm khẳng định giá trị xuyên suốt của di sản văn hóa Phật giáo nói riêng và Phật giáo nói chung trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, cũng như thể hiện vai trò trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

18 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49

Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản

Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57