Vì sao Ấn Độ coi xá lợi Đức Phật là quốc bảo?
Ấn Độ coi xá lợi Đức Phật là quốc bảo vì đó là di vật thiêng liêng gắn liền với Đức Phật, mang giá trị tâm linh, văn hóa và lịch sử sâu sắc đối với dân tộc.
Xá lợi là gì?
Xá-lợi (舍利), Phạn śarīra, nguyên nghĩa là tử thi, di cốt, xương cốt còn lại sau khi chết, còn gọi là thật-lợi (實利), thiết-lợi-la (設利羅), thất-lợi-la (室利羅), tất cả đều chỉ cho xương cốt còn lại sau khi thiêu. Thông thường, khi chỉ cho di cốt của Phật, gọi là Phật cốt (佛骨), Phật xá-lợi (佛舍利). Sau này, tất cả chư vị cao tăng viên tịch, sau khi thiêu, tro cốt còn lại đều được gọi là xá-lợi.
Xá lợi Đức Phật là những phần di cốt còn lại sau khi hỏa táng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo kinh điển Phật giáo, sau khi Đức Phật nhập Niết bàn tại Kushinagar (Ấn Độ), thi thể Ngài được hỏa táng và để lại xá lợi dưới dạng những viên nhỏ.
Sau khi hỏa táng, xá lợi Đức Phật được chia thành tám phần cho 8 vương quốc lớn ở Ấn Độ lúc bấy giờ. Vua A Dục (Ashoka, thế kỷ III TCN) sau đó đã thu thập lại xá lợi và phân chia thành 84.000 phần, xây dựng hàng ngàn bảo tháp trên khắp Ấn Độ và nhiều nước khác để tôn thờ xá lợi, giúp lan tỏa Phật pháp.

Kinh Trường A-hàm (kinh Du hành) ghi: “Lúc đó dân Mạt-la nước Ba-bà nghe Phật diệt độ tại Song thọ, tự nghĩ: ‘Ta nên đến đó cầu lấy phần xá-lợi về dựng tháp cúng dường tại trong nước’. Các người Mạt-la nước Ba-bà liền hạ lệnh đem bốn thứ binh là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, đi đến thành Câu-thi và cử sứ giả nói:
‘Chúng tôi nghe Đức Phật đã diệt độ tại đây. Phật cũng là thầy chúng tôi. Vì lòng kính mộ Ngài, chúng tôi đến xin phần xá-lợi về nước dựng tháp cúng dường’.
Vua Câu-thi đáp:
‘Thật vậy, đúng như ngài nói. Nhưng vì Đức Thế Tôn đã giáng lâm và diệt độ tại đây. Nhân dân trong nước tôi tự lo cúng dường. Phiền các ngài từ xa đến cầu xá-lợi. Nhưng điều đó hẳn là không được!’.
Đồng thời dân Bạt-ly nước Giá-la-phả, dân Câu-lị nước La-ma-gia, dân chúng dòng Bà-la-môn nước Tỳ-lưu-đề, dân chúng dòng họ Thích nước Ca-duy-la-vệ, dân chúng dòng Lệ-xa nước Tỳ-xá-ly, và vua A-xà-thế nước Ma-kiệt, nghe Đức Như Lai diệt độ tại rừng Sa-la ở thành Câu-thi, đều tự nghĩ: ‘Ta nay nên đến đó chia phần xá-lợi’.
…
Bấy giờ, Bà-la-môn Hương Tánh đứng ra hiểu dụ mọi người:
‘Chư hiền lãnh thụ giáo huấn của Phật đã lâu, miệng tụng pháp ngôn, tâm khoác nhân hóa, thường mong cho chúng sanh thảy được an lành, nay há lẽ vì giành xá-lợi của Phật mà trở nên tàn hại nhau sao? Di thể Như Lai nếu muốn có lợi ích rộng rãi, thì xá-lợi hiện tại nên chia ra nhiều phần’.
Chúng đều khen phải. Họ lại bàn nghị nên nhờ ai đủ sức chia giúp. Mọi người đều nói Bà-la-môn Hương Tánh là người nhân trí quân bình, có thể chia được. Các quốc vương bèn sai Hương Tánh:
‘Ngươi hãy vì chúng ta mà chia xá-lợi làm 8 phần bằng nhau’.
…
Tiếp đó Hương Tánh lấy một bình dung lượng chừng một thạch, rồi chia đều xá-lợi ra làm 8 phần, xong, ông nói với mọi người:
‘Các ngài bàn bạc cho tôi xin cái bình đó để dựng tháp thờ tại nhà riêng’.
Mọi người đều nói:
‘Trí tuệ thay. Như thế là thích hợp’. Và họ đồng ý cho.
Lúc đó, có người thôn Tất-bát cũng đến xin phần tro còn lại để dựng tháp cúng dường. Mọi người cũng bằng lòng.
Sau khi người nước Câu-thi được xá-lợi liền dựng tháp cúng dường. Các nước Ba-bà, Giá-la, La-ma-già, Tỳ-lưu-đề, Ca-duy-la-vệ, Tỳ-xá-ly, Ma-kiệt sau khi được xá-lợi đều đem về nước dựng tháp cúng dường. Bà-la-môn Hương Tánh đem cái bình dùng chia xá-lợi về nhà dựng tháp cúng dường. Dân chúng thôn Tất-bát đem phần tro còn lại về dựng tháp cúng dường.
Như vậy, xá-lợi Phật được chia thờ ở 8 tháp, tháp thứ 9 là cái bình, tháp thứ 10 là tháp tro và tháp thứ 11 là tháp tóc, thờ tóc Phật khi còn tại thế”.
Ý nghĩa của xá lợi Phật
Trong kinh Kim Quang Minh có ghi rõ: “Xá lợi Phật là vật được huân tu bởi giới, định, tuệ cho nên rất khó mà có được, chúng là phước điền tối thượng”. Ai có nhân duyên và tu hành đạt công đức tốt thì sẽ có cơ hội được gặp xá lợi.
Xá lợi không chỉ là một vật phẩm thiêng liêng mà còn nhắc nhở con người về quy luật vô thường của cuộc đời. Phật tử chiêm bái xá lợi thường quán chiếu về sự ngắn ngủi của kiếp người, từ đó tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Đức Phật.
Xá lợi là minh chứng cho sự tồn tại lịch sử của Đức Phật, gắn liền với các di tích Phật giáo quan trọng. Đây cũng là biểu tượng kết nối các nền văn hóa Phật giáo trên thế giới, từ Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan đến Việt Nam.
Vì sao Ấn Độ coi xá lợi Đức Phật là quốc bảo?

Trước đây người ta không tin là có xá lợi Phật thật. Câu chuyện về phần xá lợi Đức Phật được công nhận là quốc bảo của Ấn Độ khởi đầu từ năm 1898, khi Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, nhà khảo cổ học William Claxton Peppé khi tiến hành khai quật tại vùng Pīprāvā, phía Nam nước Nepal, đã tìm thấy một cái hộp bằng đá khá lớn, trong đó có chứa hai chiếc bình bằng đá và vài dụng cụ bằng đá khác như tách trà…
Hai bình đá một lớn một nhỏ đều có chứa những viên xá lợi. Bình đá nhỏ dạng hình cầu, chia thành hai phần thượng hạ. Nửa phần trên có hình tay cầm, khắc niên đại của vua A-dục bằng văn tự Brahmī, và người ta đã đọc được nội dung của nó như sau: “Đây là xá lợi của Đức Phật. Phần xá lợi này do bộ tộc Śākya, nước Śrāvastī phụng thờ”.
Kết quả của việc khảo cổ này đã chứng minh những gì được ghi chép trong kinh Trường A-hàm và các kinh khác về việc phân chia xá lợi của Đức Phật thành 8 phần cho 8 vương quốc cổ đại Ấn Độ sau khi Ngài nhập Niết-bàn, qua đó khẳng định tính chân thực của lịch sử Phật giáo.
Xá lợi Phật được Ấn Độ đánh giá thuộc loại cổ vật và báu vật nghệ thuật cấp AA (hiếm). Sau khi Viện Bảo tàng quốc gia Ấn Độ ở New Delhi được thành lập vào năm 1972, xá lợi Phật cùng nhiều bảo vật Phật giáo được đưa về trưng bày tại đây. Đến năm 1997, Phật giáo Thái Lan đã tạo tác và cúng dường một bảo tháp mạ vàng với phần đỉnh tháp chứa vàng thật để tôn trí phần xá lợi này.
Đối với cộng đồng thế giới chiêm bái Phật tích, khu vực quan trọng nhất của Viện bảo tàng Quốc gia Ấn Độ chính là phòng trưng bày xá lợi thật của Đức Phật. Do tầm quan trọng và nhu cầu chiêm bái ngày càng tăng của Phật tử khắp thế giới, trong những năm gần đây, viện bảo tàng đã dành một khu vực riêng trong khuôn viên để thờ phụng xá lợi Phật và trưng bày bộ sưu tập phong phú các cổ vật Phật giáo.
Tóm lại, Ấn Độ coi xá lợi Đức Phật là quốc bảo vì đó là những di vật thiêng liêng gắn liền với Đức Phật – bậc Giác ngộ vĩ đại, người sáng lập ra Phật giáo tại chính mảnh đất này. Xá lợi không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc mà còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử và di sản tinh thần của dân tộc Ấn Độ. Việc bảo tồn và tôn kính xá lợi thể hiện sự trân trọng đối với nền minh triết Phật giáo, vốn đã góp phần định hình tư tưởng, đạo đức và lối sống của người Ấn suốt hàng nghìn năm.
Xá lợi Đức Phật Thích Ca, quốc bảo thiêng liêng của Ấn Độ, đã được cung rước long trọng từ Ấn Độ về Việt Nam trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Sau nghi lễ cung rước, Xá lợi được tôn trí tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Buổi lễ chiêm bái Xá lợi dành cho công chúng sẽ chính thức diễn ra từ 6h00 ngày 3/5 đến trưa 8/5.
Tin liên quan
Khai mạc triển lãm văn hoá Phật giáo Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Tin tức 05/05/2025 12:05:26

Khai mạc triển lãm văn hoá Phật giáo Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Tin tức 05-05-2025 12:05:26
Tổng thống Sri Lanka chiêm bái lễ Phật, trồng cây lưu niệm tại chùa Bái Đính
Sự kiện 05/05/2025 11:32:25

Tổng thống Sri Lanka chiêm bái lễ Phật, trồng cây lưu niệm tại chùa Bái Đính
Sự kiện 05-05-2025 11:32:25
Những “bóng dáng lặng thầm” phụng sự trong Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Dòng sự kiện Vesak 2025 04/05/2025 15:07:48

Những “bóng dáng lặng thầm” phụng sự trong Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Dòng sự kiện Vesak 2025 04-05-2025 15:07:48
Hàng nghìn Phật tử xếp hàng dài chờ chiêm bái Xá lợi Phật ngày thứ hai
Dòng sự kiện Vesak 2025 04/05/2025 11:16:08

Hàng nghìn Phật tử xếp hàng dài chờ chiêm bái Xá lợi Phật ngày thứ hai
Dòng sự kiện Vesak 2025 04-05-2025 11:16:08
Đức Tăng thống Bangladesh đến Việt Nam dự Đại lễ Vesak 2025
Tin tức 03/05/2025 19:42:10

Đức Tăng thống Bangladesh đến Việt Nam dự Đại lễ Vesak 2025
Tin tức 03-05-2025 19:42:10