Viết tiếp hoài bão của Đại lão HT.Thích Trí Tịnh
Cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh không chỉ thành công trong việc xây dựng nền móng cho công tác biên phiên dịch Tam Tạng, mà việc làm và hoài bão của ngài còn truyền động lực mạnh mẽ đến các thế hệ sau.
Ngày 28/2 âm lịch, đúng tròn 10 năm ngày cố đại lão HT.Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch HĐTS GHPGVN viên tịch. Bản tin An Viên 24h xin thành kính tưởng niệm, cũng như tri ân công đức cao dày của Ngài vì những đóng góp to lớn cho công cuộc chấn hưng, thống nhất, hòa hợp Phật giáo, và đặt nền móng cho việc biên phiên dịch đại tạng Bắc truyền. Hoài bão của ngài không chỉ là truyền cảm hứng đến thế hệ hậu học, mà còn là ngọn đèn dẫn lối để Chư tôn đức tăng ni quyết tâm hoàn thành bộ Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ 2000 năm trước. Và trong thời kỳ Lý Trần, khi Phật giáo phát triển rực rỡ, Tôn giả Pháp Loa và Thiền sư Bảo Sái đã phụng chiếu Vua Trần Anh Tông đảm trách công trình cấp quốc gia là tiếp nhận và khắc gỗ Đại tạng kinh. Nhưng việc biên phiên dịch Đại tạng kinh sang tiếng Việt chỉ thực sự khởi sắc trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo giữa thế kỷ thứ XX. Tiêu biểu là cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh với việc phiên dịch Đại tạng Bắc truyền.
Ngài bắt đầu dịch kinh năm 30 tuổi, với bộ Kinh Pháp Hoa tại chùa Kim Huế. Sau đó ngài dịch tiếp các bộ Kinh Tam Bảo, Địa Tạng, phẩm Phổ Hiền, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Đại Bát Nhã, Phạm Võng và Đại Bửu Tích.
Dù Cố Đại lão hoà thượng Thích Trí Tịnh viên tịch khi việc biên phiên dịch Tam Tạng Thánh Điển còn chưa hoàn thành nhưng với giá trị đã tạo dựng, cũng như sự nhiệt huyết, trách nhiệm với Phật giáo nước nhà mà đã Ngài truyền trao thì ngày 28/5/2020, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam đã ấn ký, thành lập Trung tâm Dịch Thuật Trí Tịnh. Đây là bước khởi đầu nhưng thể hiện quyết tâm vô cùng mạnh mẽ của chư tôn đức trong việc tiếp nối, phát huy và hoàn thành hoài bão của bậc tôn túc đi trước.
Nếu như trước năm 1975, chư tôn đức tiền bối có học vị tiến sĩ đi tu học ở nước ngoài về chỉ vỏn vẹn chưa đến 20 vị, thì ngày nay, với sự phát triển của giáo hội, sự đầu tư cho đào tạo mà con số này đã tăng gấp nhiều lần. Đây cũng là nguồn nhân lực trọng yếu, góp phần thúc đẩy việc biên dịch Tam Tạng Thánh Điển Việt vừa nhanh, sát nghĩa, vừa thấm nhuần phương pháp, tư tưởng của Cố Đại lão Hòa thượng để mỗi bản kinh không chỉ truyền tải đúng lời Phật dạy, mà còn thuần Việt, dễ đọc, dễ nhớ.
Tính đến nay, Trung tâm phiên dịch Trí Tịnh đã dịch hoàn thiện nhiều bộ kinh như: Kinh A Hàm, Kinh Đại Bát Niết Bàn…. Đây đều là những bộ kinh đã được cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh dịch một số phần. Như với Kinh Đại Bát Niết Bàn, nếu trước kia Ngài mới chỉ hoàn thành Bắc bản số 0374 thì nay, sau 2 năm, theo chỉ đạo của Viện Nghiên cứu Phật học, kinh đã hoàn thiện đầy đủ từ số 0375 đến 0396.
Việc dịch kinh tạng xưa nay vốn là việc vô cùng khó, không chỉ bởi môi trường làm việc đơn lẻ mà còn bởi có nhiều bản dịch mang đặc thù và văn phong khác nhau. Đặc biệt với những bản biệt dịch, thì việc tra từ, so sánh trên các bản kinh tiếng Pali, tiếng Hán để tìm ngữ nghĩa phù hợp, chính xác đòi hỏi dịch giả mất nhiều công sức và phải có nền tảng về học thuật, lịch sử, văn hoá, văn học và kỹ năng nhuần nhuyễn.
Dù phải 10-15 năm nữa, Phật giáo Việt Nam mới có bộ Đại tạng kinh Phật giáo hoàn chỉnh bằng tiếng Việt. Tuy nhiên đến nay, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã cho ra mắt nhiều tác phẩm gồm kinh tạng Thượng tọa bộ, luật tạng Theravada và kinh A Hàm. Đây là một nỗ lực lớn của chư tôn đức, quý học giả cộng tác để kiến tạo công trình đầy ý nghĩa của Phật giáo VN.
Tam Tạng là ba phần cốt tủy của kinh sách đạo Phật, truyền lại trọn lời dạy của đức Thế Tôn trong 45 năm truyền đạo, thuyết pháp độ sinh. Vì vậy khi được hoàn thành, công trình giúp mỗi người có thể tự tiếp cận dễ dàng với kinh, luật, luận, hiểu đúng lời Phật dạy. Do đó, đây là việc tối quan trọng, góp phần thiết thực vào sự phát triển Phật giáo Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, Cố Đại lão HT.Thích Trí Tịnh không chỉ thành công trong việc xây dựng nền móng cho công tác biên phiên dịch Tam Tạng, mà việc làm và hoài bão của ngài còn truyền động lực mạnh mẽ đến các thế hệ sau. Với sự quyết tâm, lòng đoàn kết và sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hậu thế hoàn toàn có thể tin tưởng Bộ Tam Tạng Thánh Điển Việt Nam sẽ sớm hoàn thành, tạo nên dấu ấn quan trọng trong lịch sự phát triển của Phật giáo Việt.
Tin liên quan
GHPGVN triển khai dự án lắp đặt tivi tại các chùa, cơ sở Tự viện
Tin tức 19/11/2024 10:58:02
GHPGVN triển khai dự án lắp đặt tivi tại các chùa, cơ sở Tự viện
Tin tức 19-11-2024 10:58:02
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23
Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc
Tin Phật sự 17-11-2024 18:18:23
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49
Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tin Phật sự 12-11-2024 14:14:49
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06
Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh
Tin Phật sự 07-11-2024 11:48:06
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49
Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ
Tin Phật sự 23-10-2024 15:22:49
21 lượt thích 0 bình luận