Nét độc đáo kiến trúc chùa Tháp Việt Nam

19/07/2023 11:15:07 473 lượt xem

Trải qua hơn hai nghìn năm phát triển, kiến trúc Phật giáo mà đại diện là những ngôi Chùa – Tháp chứng tích lịch sử chứng minh sự tài hoa trong nghệ thuật của cha ông. Theo dòng thời gian, từ những am thờ phật nhỏ đến những Chùa Tháp quy mô, bề thế, kiến trúc ngôi Chùa Tháp trở thành 1 trong những loại hình kiến trúc truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, loại hình kiến trúc này đã mai một đi rất nhiều. Ở phần tiêu điểm của bản tin ngày hôm nay, kính mời quý vị cùng tìm hiểu về kiến trúc chùa tháp cũng như công tác nghiên cứu, tôn tạo và phục dựng loại hình kiến trúc này.

Tháp Phật là loại công trình tưởng niệm, được xây dựng để thờ Xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các vị Đại Đệ Tử, những đạo sư và bậc thánh nhân.

Căn cứ vào hình dạng kiến trúc, ta có thể chia làm 2 loại: tháp Stupa và tháp Pagoda. Trong đó, Tháp Stupa và những biến thể của nó ở các nước như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan phát triển theo chiều cao, có dạng hình vòm bán cầu hay bát úp thì Tháp Pagoda thường xuất hiện ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản có dạng chủ yếu là tháp cao lớn, mái phân nhiều tầng, có dạng chóp nón thu nhỏ dần theo chiều cao, mặt bằng đa giác đều, có không gian rỗng bên trong chứ không phải là cấu trúc đặc.

Ở Việt Nam, mặc dù không còn nhiều tài liệu hoặc công trình, nhưng căn cứ theo những di tích, có thể thấy trong khoảng 10 thế kỷ đầu, kiến trúc tháp đã xuất hiện ở Việt Nam. Và bảo tháp, với vai trò linh thiêng được coi là trung tâm của bố cục ngôi chùa, từ đó các công trình khác liên kết với nhau tạo nên 1 hình thái bao quanh ngôi chùa. Tính tập trung trung tâm hình học được thể hiện rất rõ.

Tháp xưa mang ý nghĩa tương đương một ngôi chùa khi bài trí tượng Phật bên trong để hành lễ, tu tập. Có thể kể ra các ngọn tháp nổi tiếng thời Lý như tháp chùa Phật tích, tỉnh Bắc Ninh, hay như Tháp Tường Long, Đồ sơn, Hải Phòng cao khoảng 45m, có 9 tầng. Tại chùa tháp Tường Long, nhiều di vật cũng được phát hiện, khẳng định đây là tòa tháp thờ Phật.

Theo những tài liệu được lưu chép lại, tháp Tường Long xuất hiện cùng thời với tháp Bảo Thiên, cố đô Thăng Long. Khi đó nơi đây được miêu tả là tọa độ Phật giáo cao nhất Đại Nam, tổng diện tích của toàn bộ công trình lên đến khoảng 2.000 m2. Ngày nay, tòa tháp đã được phục dựng với bốn góc của chân tháp có độ nghiêng khoảng 190 độ. Từ xa, tháp giống như một cây sáo, bên lòng trong rỗng và nhiều cửa sổ theo tầng, đây là nơi đặt tượng A di đà. Bên ngoài tháp được lát bằng gạch và đá hoa cương đỏ đặc trưng. Trên tháp trang trí hoa văn chạm khắc chi tiết như những rồng, đóa sen, đóa cúc, lá đề. Đây đều là những hình tượng đặc biệt rất phổ biến vào thời nhà Lý và xuất hiện ở tất cả các công trình kiến trúc bấy giờ.

Càng ở những giai đoạn sau khi Phật giáo đại thừa có sự phát triển mạnh mẽ, hệ thống thờ tự được mở rộng, do vậy, nếu chỉ có một ngôi tháp chiếm ở vị trí trung tâm sẽ không đủ để đáp ứng được các giá trị của Phật giáo. Vì thế mà đến thời Trần, cùng với tháp còn có ngôi chùa xây dựng phía sau. Ví dụ như ở chùa Phổ Minh, ngôi Tháp đã không còn mặt bằng diện tích lớn như những ngôi tháp thời Lý mà đã thu hẹp lại diện tích và đẩy lên phía trước. Cụ thể, chùa được xây dựng theo kiến trúc quy xà chầu bái với 4 hồ nước tượng trưng cho 4 chân rùa, còn ngôi tháp là đầu rùa.

Tháp Phổ Minh có độ cao gần 20m; gồm 14 tầng nằm ngay phía trước, chính giữa khu nhà bái đường. Tháp là công trình tổng hòa giữa gạch và đá. Nếu như 13 tầng trên được xây bằng gạch nung đỏ thì bệ và tầng dưới xây hoàn toàn bằng đá xanh với rất nhiều hoa văn mềm mại, uyển chuyển như sóng nước thủy ba, cỏ sương bồ, cánh sen kép.

Khi triều Tây sơn được thành lập, Phật giáo tiếp tục phát triển, một số chùa lớn được xây dựng như chùa Kim Liên, chùa Tây Phương nhưng kiến trúc Tháp thì không còn được xây dựng, nếu có thì chủ yếu là các tháp mộ. Đến triều Nguyễn, mỗi vị vua lại có thái độ khác nhau với Phật giáo, tuy nhiên các ngôi chùa vẫn được xây dựng mới hoặc trùng tu, mở rộng.

Tại Thăng long, tháp cao mười tầng được xây dựng trước chùa Liên phái năm 1890. Vì Thượng điện thờ Phật lúc này phát triển lớn, quy mô, Tháp chỉ còn chức năng chứa xá lợi, mà xá lợi thì chỉ có 1 số chùa mới có nên Tháp lúc này là phụ, nơi kỷ niệm, hay để kinh Phật nên trong cấu trúc Chùa Tháp, càng về sau chủ yếu thấy hình thức tháp mộ.

Điều đặc biệt, nếu các ngôi tháp thông thường trong lịch sử thì các tầng sẽ theo số lẻ như 5,7,9 hay 13 tầng. Nhưng ngôi tháp Diệu Quang lại có sự khác biệt khi cao 10 tầng có hình lục lǎng, có lai lịch rõ nhất trong nội đô Hà Nội.

Hiện nay, việc xây dựng mới hay trùng tu tôn tạo các Tháp Chùa được phát triển mạnh mẽ ở Việt nam. Và để làm rõ sự khác biệt giữa kiến trúc chùa Tháp Việt Nam với các nước xung quanh, nhóm nghiên cứu cùa KTS Đinh Việt Phương đã cố gắng phỏng dựng các hệ thống tháp trong chiều dài lịch sử Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm KTS nhận ra rằng hệ thống hoa văn của chùa tháp Việt Nam cũng như tỷ lệ giữa các tầng, chất liệu xây dựng và không gian gắn với ngôi tháp có sự độc đáo riêng.

Dựa vào các tài liệu sử học cũng như các kết quả khảo cổ từ di chỉ liên quan đến Tháp, KTS Đinh Việt Phương đã phỏng dựng lại tháp Lưu ly, chùa Diên Hựu thời Lý. Điểm đặc biệt tòa tháp được thể hiện đầy đủ các nét đẹp, đặc trưng như sử dụng chất liệu bằng sứ trắng thời Lý.

Từ đó có thể thấy, Tháp là loại hình kiến trúc độc đáo về mặt tạo hình, nó có ý nghĩa, vị trí quan trọng, là yếu tố khởi nguồn trong kiến trúc Chùa Tháp. Tuy nhiên hình thức kiến trúc của các loại Tháp này rất khác nhau, thậm chí là trái ngược về chiều cao, số tầng, hình dạng mặt bằng, vị trí trong tổng thể chùa… Do đó, một nghiên cứu về loại hình kiến trúc Tháp rất cần thiết trong công tác bảo tồn, trùng tu, phục dựng hay xây mới là cần thiết, đặc biệt là với dạng công trình mang đậm yếu tố tôn giáo văn hóa.

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube anvientvbchannel.

34 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật khu vực phía Bắc

Tin Phật sự 17/11/2024 18:18:23

Thông bạch của Giáo hội về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tin Phật sự 12/11/2024 14:14:49

Trung ương Giáo hội viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh

Tin Phật sự 07/11/2024 11:48:06

Cháy chùa Phổ Quang 800 tuổi ở Phú Thọ

Tin Phật sự 23/10/2024 15:22:49

Kỷ niệm 35 năm Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Tầm nhìn, Sứ mệnh và Di sản

Tin Phật sự 19/10/2024 21:05:57