Lễ Vu Lan qua văn liệu Hán Nôm

22/08/2023 15:27:54 1378 lượt xem

Ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 7 Âm lịch, nhiều sự kiện liên quan đến lễ Vu Lan báo hiếu đã được tổ chức. Điều đó cho thấy tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của ngày lễ với không chỉ Phật tử, mà còn với cả dân tộc Việt Nam. Vậy lễ Vu Lan đã có lịch sử hình thành và phát triển ra sao? Và ngày lễ này có sự dung hội ra sao giữa Nho giáo, Đạo giáo và văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt? Kính mời quý vị ngược thời gian, tìm câu trả lời trên các tư liệu Hán Nôm còn lưu trữ đến ngày nay.

Nguồn gốc chữ Hiếu vốn không có tài liệu lịch sử nào ghi lại, chỉ biết rằng khi con người hiện hữu thì chữ Hiếu đã xuất hiện và lớn dần theo năm tháng; hình thành rất lâu đời không những ở Việt Nam mà còn khắp phương Đông và phương Tây. Dù mỗi đất nước đều mang một sắc thái văn hóa, phong tục tập quán riêng biệt, nhưng tất cả mọi người trên thế gian này lại có cùng điểm giống nhau là tinh thần Hiếu đạo.

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, con cái phải hiếu thảo với cha mẹ bằng cách tôn thờ, chăm nom cha mẹ ốm đau sớm tối. Khi cha mẹ mất đi, phải mai táng, thờ phụng. Theo Nho giáo, người con phải thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ bằng cách: Quý trọng, giữ gìn thân thể do cha mẹ sinh ra; Lập thân dương danh ở đời để vinh hiển cha mẹ; Đối với cha mẹ, phải phụng dưỡng khi còn sống và lo hậu sự cho hợp lễ. Còn theo Phật giáo, chữ Hiếu cũng có hàm ý tương tự nhưng nội dung và ý nghĩa rộng lớn hơn. Như trong Kinh Tương Ưng tập I, Đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, cái gì là nhiều hơn sữa mẹ mà các người đã uống, trong khi các người lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài, hay là nước trong bốn biển”.

Với sự tương đồng đó, khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, ngày rằm tháng 7 Vu Lan được hình thành đã cho thấy sự dung hòa giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và Tín ngưỡng bản địa.

Trước khi có sự dung hòa này, lễ Vu Lan chịu ảnh hưởng của đạo giáo khi ngày rằm tháng 7 được nhắc đến trong Công văn tâm nang diệu ngữ, Ứng phó dư biên tổng tập, hay Đại việt sử ký toàn thư với tên gọi tết Trung Nguyên. Bên cạnh đó, những hoạt động như cúng thí thực, đốt vàng mã, thả đăng, phóng sinh cũng ít nhiều mang màu sắc Đạo giáo.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, Vu Lan đã trở thành lễ hội quan trọng, không chỉ nhằm báo ơn bậc sinh thành, mà còn cả ơn thầy tổ, ơn đất nước. Những nghi lễ ấy được ghi sâu, khắc dấu trên nhiều văn bia. Như văn bia chùa Thanh Mai dựng năm 1362 tại Chí Linh, Hải Dương, sau được sao chép vào Đại việt sử ký toàn thư có đề cập đến triều đình tổ chức Vu Lan Pháp Hội. Đối tượng tham dự gồm đầy đủ các giai cấp, trên từ vua quan, dưới đến vạn dân bách tính, chưa kể đến lân quốc, chư hầu. Nội dung của lễ hội làm toát lên giá trị của cả thế pháp, Phật pháp và Tam giáo tịnh hành Phật – Nho – Đạo của đương thời. Thời gian diễn ra lễ kéo dài suốt 3 ngày và thành thông lệ hàng năm.

Trong thế thế kỷ 17,18, khi hoạt động in ấn phát triển, hàng loạt các bộ kinh đã được nhập về, biên soạn và in ấn. Đáng chú ý, Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18) đã cùng các đệ tử xuất bản bộ Thuỷ Lục Chư khoa với 6 khoa cúng cả trên cạn và dưới nước nhằm độ sinh thì nghi lễ Vu Lan cũng được cho là đã hoàn thiện hơn. Cùng thời gian này, Mục liên sám pháp, Vu lan bồn, Giới luật … cũng được thỉnh về Việt Nam.

Xét về phần lễ của Vu Lan, Bách Trượng thanh quy đã đưa ra khoa nghi Lan bồn nghi quỹ trích yếu. Trong đó có các khoa tiết như: Tinh đàn nhiễu kinh – chư tăng đi vòng quanh chính điện hoặc sân chùa để tụng kinh Vu Lan, Báo ân; Thướng Lan bồn cúng – chư tăng thiết bồn và phẩm vật cúng dường; Tán tụng tuyên sớ; Chư tăng thụ trai…

Tại Việt Nam, phần lễ có tiết lược và cũng có tăng bổ. Rõ nhất là ngoài việc chư tăng phải dâng sớ để “cung tiến tôn sư” (hiến cúng cho thầy tổ đã viên tịch) thì tại gia có thể tham gia để “tiến vong phụ” (hiến cúng cho cha mẹ đã mất). Hay như với nghi lễ Chẩn tế cô hồn phóng diệm khẩu thì sự điều chỉnh lại mang đậm yếu tố văn hoá dân gian.

Còn đối với phần Hội Vu Lan, số lượng văn liệu Hán Nôm đề cập đến rất nhiều nhưng lại ít về dung lượng. Có thể nhắc đến: Thanh Mai Viên Thông tháp bi, Đại Việt sử ký toàn thư, Tam tổ thực lục, Đại nam thư lục tiên biên, Sùng Thiện Diên Linh tháp bi, Đại Nam thực lục…

Như vậy có thể thấy, Lễ Hội Vu Lan với ảnh hưởng Phật giáo Bắc truyền du nhập vào Việt Nam từ rất lâu nhưng chưa xác định được thời gian chính xác. Và do ngày rằm tháng 7 đã trở thành hoạt động mang tính dân gian nên nhiều nghi lễ Phật giáo đã có sự điều chỉnh cho phù hợp. Với sự biến thiên của lịch sử, Lễ Vu Lan cũng đã có sự phát triển và điều chỉnh, phù hợp với thời thế và đời sống hiện đại.

Vu Lan – Mùa báo hiếu không chỉ là cánh cửa yên bình, xoa dịu nỗi đau mất mát, chia lìa với người ở lại, mà còn là bài thực hành giáo lý ứng dụng vào cuộc sống. Người đang làm ác được nhắc nhở mà biết hồi đầu hướng thiện, người chưa làm các điều ác thì phát sinh thiện tâm, giữ “thân, khẩu, ý” trong sạch – gieo nhân ngọt, gặt quả lành. Con cái yêu thương, hiếu kính cha mẹ, người dân biết ơn, báo ơn tổ quốc. Đó là cách Phật giáo đi sâu vào đời sống, góp phần xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước.

 Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

33 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Lễ tưởng niệm tuần lâm Đại tường Đức Đệ Tam Pháp chủ

Tin Phật sự 18/10/2024 12:30:53

Đoàn Đại biểu GHPGVN thăm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tin Phật sự 17/10/2024 12:14:07

Đoàn Đại biểu GHPGVN thăm Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc

Tin Phật sự 17-10-2024 12:14:07

Nhân dịp tham dự Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ 6 tại TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, chiều 16/10, đoàn Đại biểu GHPGVN do Thượng Tọa Thích Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Kinh tế Tài chính TƯGH làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.
576 lượt xem 0 Bình luận

Đoàn đại biểu GHPGVN gửi thông điệp tại Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ 6

Tin Phật sự 16/10/2024 15:57:16

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ gặp lãnh đạo TP.HCM

Tin Phật sự 28/09/2024 08:51:53

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ gặp lãnh đạo TP.HCM

Tin Phật sự 28-09-2024 08:51:53

Chiều tối 27/9, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi tiếp Hòa thượng, GS.TS Phra Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) cùng phái đoàn ICDV, nhằm trao đổi và thống nhất các công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ Vesak LHQ vào năm 2025.
522 lượt xem 0 Bình luận

Họp báo công bố Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam

Tin Phật sự 27/09/2024 21:39:02