Câu chuyện về nghi thức “Bông hồng cài áo” mỗi mùa Vu Lan
Nghi thức “Bông hồng cài áo” khởi nguồn từ một đoản văn đầy xúc động về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ hơn 60 năm trước.
Nguồn gốc nghi thức “Bông hồng cài áo”
Vào những năm 1960, nghi thức bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan được thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi nguồn. Ngày đó, sư ông đã kể rất chi tiết nghi thức này trong đoản văn “Bông hồng cài áo” như sau: “Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân.
Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”.
Do đó, vào ngày rằm tháng 7 năm 1962, lần đầu tiên nghi lễ Bông hồng cài áo được diễn ra. Sư ông Làng Mai từng chia sẻ thêm: “Rằm tháng Bảy năm ấy, họ họp nhau lại tại chùa Xá Lợi, làm lễ Bông hồng cài áo lần đầu tiên. Anh Tôn Thất Chiểu, một thành viên của Đoàn Sinh viên Phật tử, đã gửi bài viết cho Hòa thượng Thích Đức Tâm, hồi đó đang làm chủ bút nguyệt san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Phần. Tập san Liên Hoa đã đăng nguyên bài dưới tựa đề Nhìn kỹ Mẹ. Hòa thượng Trí Thủ, bổn sư của Hòa thượng Đức Tâm, đọc được đoản văn trên nguyệt san Liên Hoa đã khóc vì cảm động. Sau đó Bông hồng cài áo được in ra nhiều lần, một số chùa bắt đầu tổ chức lễ Bông hồng cài áo. Từ đó, lễ Bông hồng cài áo đã trở thành một truyền thống”.
Trải qua hơn 60 năm, cứ đến mùa Vu Lan báo hiếu hầu hết chùa tại Việt Nam, các chùa Việt Nam trên khắp thế giới và các chùa trên thế giới đã tổ chức nghi thức này. Đến nay, nghi thức bông hồng cài áo đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Phật tử Việt Nam. Để rồi, trong tiết khí lập thu của những ngày tháng bảy âm lịch, người người bồi hồi khi nhớ đến những câu thơ: “Vu Lan về con cài lên ngực/ Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha/ Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhoà/ Của những đứa con nhớ về cha mẹ” và tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng với công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành.
Ý nghĩa màu hoa hồng trong nghi thức “Bông hồng cài áo”
Trong buổi lễ Vu Lan thiêng liêng, bông hoa hồng với các sắc màu đỏ, hồng, trắng, vàng sẽ được cài lên ngực áo của mỗi người con. Mỗi sắc hoa sẽ là một nỗi niềm riêng.
Bông hồng màu đỏ thắm được cài lên ngực áo của những người con cha mẹ. Màu đỏ của tình yêu thương của con cái đối với bậc sinh thành, cũng như là lời nhắc nhở: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”.
Bông hồng nhạt hơn cài lên ngực áo của người đã mất cha hoặc mẹ. Người không còn cả hai đấng sinh thành thì nhẹ nhàng cài lên ngực mình bông hoa trắng tiếc thương. Bông hoa hồng trắng nhắc nhở người con ở lại trần thế phải sống thật tốt để cha mẹ ra đi được an nhiên, thanh thản, không còn vướng bận chuyện trần gian như câu thơ của Hoàng Minh Tuấn: “Lễ Vu Lan trong hương khói tỏ, mờ/ Con kính cẩn cầu mong cho cha, mẹ/ Chốn bồng lai hãy nhẹ lòng yên nghỉ/ Chúng con giờ đã đủ lớn đủ khôn/ Đã tự mình đi tiếp những chặng đường”.
Bông hồng màu vàng được các Phật tử cài lên ngực áo cho chư tăng khi tham dự đại lễ Vu Lan. Theo đạo Phật, vàng là màu của đất, đất có sức sống mãnh liệt, cưu mang tất cả, chấp nhận tất cả. Bông hồng vàng của người tu sĩ để hướng tới cha mẹ, hướng tới cội nguồn, dù con có theo đuổi lý tưởng của riêng mình nhưng con vẫn mãi yêu và thương mẹ cha đã cho con một cuộc đời, nuôi dưỡng con nên người. Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự giải thoát, buông bỏ. Vì vậy, trong ngày Vu Lan người tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần của mùa Vu Lan là sự giải thoát.
Mùa Vu Lan, những ai còn cha mẹ xin hãy trân trọng từng phút giây được bên nhau, những ai không may mắn đã mất đi đấng sinh thành hãy luôn tưởng nhớ và sống một cuộc đời ý nghĩa, hướng thiện.
Tin liên quan
Nghi lễ Vu Lan Báo Hiếu trong Phật giáo
Vu Lan 18/08/2024 15:04:57
Nghi lễ Vu Lan Báo Hiếu trong Phật giáo
Vu Lan 18-08-2024 15:04:57
Văn khấn lễ Vu Lan – rằm tháng 7 âm lịch
Vu Lan 15/08/2024 14:10:21
Văn khấn lễ Vu Lan – rằm tháng 7 âm lịch
Vu Lan 15-08-2024 14:10:21
Vu Lan 2024 là ngày nào?
Vu Lan 12/08/2024 09:16:12
Vu Lan 2024 là ngày nào?
Vu Lan 12-08-2024 09:16:12
Kính mừng Pháp hội Vu Lan Báo hiếu chùa Tam Chúc
Sự kiện 10/08/2024 13:22:12
Kính mừng Pháp hội Vu Lan Báo hiếu chùa Tam Chúc
Sự kiện 10-08-2024 13:22:12
Sự tích và ý nghĩa về Tôn giả Mục Kiền Liên
Vu Lan 08/08/2024 14:26:12
Sự tích và ý nghĩa về Tôn giả Mục Kiền Liên
Vu Lan 08-08-2024 14:26:12
8 lượt thích 0 bình luận