Nghi thức tụng kinh Kim Cang
Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật (Vajrachedikā Prajñāpāramitā) là một bài kinh ngắn khoảng 6.000 từ, tiêu biểu cho Phật giáo Đại thừa và phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng Đông Nam Á.
Nghi Thức tụng kinh Kim Cang tại nhà
KỆ DÂNG HOA
Tâm địa mở ra hoa nở rộ,
Trời có mưa hoa vẫn kém thơm,
Cành cành đóa đóa dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi.
KỆ DÂNG HƯƠNG
Trầm thủy rừng thiền hương sực nức
Chiên đàn vườn tuệ đã vun trồng
Đao giới vót thành hình non thẳm
Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ-tát Ma-ha-tát (3 lần)
THỈNH TAM BẢO CHỨNG MINH
Nam mô Mười phương Vô thượng Tam Bảo
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Nam mô chư Phật, chư Đại Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng ở khắp mười phương ba đời
Nam mô chư Phật, chư Đại Bồ-tát trên Hội Kim Cang Bát Nhã
Nam mô Tôn giả Tu-bồ-đề
Nam mô chư Thiên Long Bát bộ Hộ giáo Già lam Chư Tôn Bồ-tát
Xin thùy từ lân mẫn cảm ứng chứng minh cho đệ tử chúng con, chư Ni cùng Phật tử, và chư Thiên, Long, Quỷ, Thần, phi nhơn, tất cả chúng sanh có sắc không sắc, có hình không hình, có tưởng không tưởng, hiện vân tập tại đạo tràng.
Chúng con xin kính trì tụng Kinh Đại Thừa Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nguyện đem công đức này hồi hướng cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ ông bà cha mẹ nội ngoại hai bên của chúng con, và những hương linh vong linh hữu tình, chiến sĩ trận vong, oan hồn uổng tử, thập loại cô hồn, đồng bào tử nạn, thai nhi sản nạn, oan gia trái chủ, và những chúng sanh hiện đang đọa lạc nơi ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
Cầu nguyện chư vị nương nhờ công đức này mà nghiệp chướng từ vô thủy được tận trừ, từ nay phước đức trí huệ ngày càng tăng trưởng, biết quy hướng Tam Bảo, hướng thiện tu hành, đời đời kiếp kiếp đầy đủ trí huệ sáng suốt, tin sâu nhân quả, biết làm lành lánh dữ, vĩnh viễn chẳng rơi ác đạo, thường sanh vào cõi lành, hưởng phước báo trời người thù thắng, gặp Phật pháp, được Tam Bảo gia hộ, theo chư Phật, chư Đại Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng, chư Tôn Hộ Pháp, như pháp tu hành cho đến ngày viên mãn Phật quả.
Ngưỡng nguyện Mười phương Vô thượng Tam Bảo, xin thùy từ lân mẫn cảm ứng chứng minh, gia hộ cho lòng thành của chúng con.
Ngưỡng nguyện Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, xin thùy từ lân mẫn cảm ứng chứng minh, gia hộ cho lòng thành của chúng con.
Ngưỡng nguyện chư Phật, chư Đại Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng ở khắp mười phương ba đời, xin thùy từ lân mẫn cảm ứng chứng minh, gia hộ cho lòng thành của chúng con.
Ngưỡng nguyện chư Phật, chư Đại Bồ-tát trên Hội Kim Cang Bát Nhã xin thùy từ lân mẫn cảm ứng chứng minh, gia hộ cho lòng thành của chúng con.
Ngưỡng nguyện Tôn giả Tu-bồ-đề, xin thùy từ lân mẫn cảm ứng chứng minh, gia hộ cho lòng thành của chúng con.
Ngưỡng nguyện chư Thiên Long Bát Bộ Hộ Giáo Già Lam Chư Tôn Bồ-tát, xin thùy từ lân mẫn cảm ứng chứng minh, gia hộ cho lòng thành của chúng con.
TÁN PHẬT
Đại từ, đại bi thương chúng sanh,
Đại hỷ, đại xả cứu hàm thức,
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm,
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ.
LỄ TAM BẢO
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Mười phương Vô thượng Tam Bảo (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Bụt Cổ Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Xá Lợi Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô chư Phật, chư Đại Bồ-tát trên Hội Kim Cang Bát Nhã (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tôn giả Tu-bồ-đề (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tôn giả Sivali (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô chư Thiên Long Bát bộ Hộ giáo Già Lam chư Tôn Bồ-tát (3 lễ)
VĂN PHÁT NGUYỆN
Lạy đấng Tam giới Tôn,
Quy mạng mười phương Phật
Con nay phát nguyện rộng
Thọ trì kinh Kim Cang
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có kẻ thấy nghe
Đều phát lòng Bồ-đề
Hết một báo thân này
Sanh qua cõi Cực Lạc.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (3 lần)
KỆ KHAI KINH
Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp,
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ,
Nguyện hiểu nghĩa chơn Đức Thế Tôn.
Quy kính Phật Bồ-tát trên Hội Kim Cang Bát Nhã (3 lần)
KINH KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
1/ NGUYÊN DO CỦA PHÁP HỘI
Tôi nghe như vầy: Một hôm đức Phật ở nước Xá-vệ, tại rừng Kỳ-đà, trong vườn Cấp Cô Độc, cùng với chúng đại Tỳ-kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Khi ấy gần đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y, mang bát, vào đại thành Xá-vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về nơi chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi.
2/ THIỆN HIỆN THƯA HỎI
Khi ấy trưởng lão Tu-bồ-đề ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên mặt, gối mặt quì xuống đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: Thế Tôn! Rất ít có, đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm kia?
Đức Phật bảo: Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề, như lời ông nói, Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát, nay ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói. Người thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên như thế mà trụ, như thế mà hàng phục tâm kia.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn! Con nguyện thích được nghe.
3/ CHÁNH TÔNG CỦA ĐẠI THỪA
Phật bảo Tu-bồ-đề: Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh, hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát.
4/ DIỆU HẠNH KHÔNG CHỖ TRỤ
Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp để bố thí. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.
Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể nghĩ lường được chăng?
– Bạch Thế Tôn, không vậy.
– Này Tu-bồ-đề, hư không ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía, trên, dưới có thể nghĩ lường được chăng?
– Bạch Thế Tôn, không vậy.
– Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí, phước đức cũng lại như thế, không thể nghĩ lường. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát chỉ nên như lời dạy mà trụ.
5/ THẤY LẼ THẬT ĐÚNG LÝ
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng?
– Bạch Thế Tôn, không phải vậy. Không thể do thân tướng thấy được Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai đã nói thân tướng tức không phải thân tướng.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai.
6/ CHÁNH TÍN ÍT CÓ
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, vả lại có chúng sanh được nghe những lời nói và chương cú như thế, sanh lòng tin chân thật chăng?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Chớ nói như thế. Sau khi Như Lai diệt độ, sau khoảng năm trăm năm, có người giữ giới, tu phước, đối với những chương cú này hay sanh lòng tin cho đây là thật, nên biết người ấy không phải ở nơi một đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn, năm đức Phật gieo trồng căn lành, mà đã ở chỗ vô lượng ngàn muôn đức Phật gieo trồng căn lành. Người nghe chương cú này cho đến một niệm sanh lòng tin thanh tịnh, này Tu-bồ-đề, Như Lai ắt biết, ắt thấy các chúng sanh ấy được vô lượng phước đức như thế. Vì cớ sao? Vì các chúng sanh ấy không còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, không có tướng pháp cũng không tướng phi pháp. Vì cớ sao? Vì nếu các chúng sanh ấy, tâm còn chấp tướng là còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu còn chấp tướng pháp tức còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Vì cớ sao? Nếu còn chấp tướng phi pháp tức còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Thế nên không nên chấp pháp, không nên chấp phi pháp. Bởi do nghĩa ấy, Như Lai thường nói: Tỳ-kheo các ông nên biết, Ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp.
7/ KHÔNG ĐƯỢC, KHÔNG NÓI
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng? Như Lai có nói pháp chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Như con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có pháp nhất định tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói. Vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Vì tất cả bậc Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt.
8/ Y NƠI CHÁNH PHÁP MÀ SANH RA TẤT CẢ QUẢ VỊ
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có người dùng bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, người ấy được phước đức thật nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Vì cớ sao? Vì phước đức ấy tức chẳng phải là tánh phước đức, thế nên Như Lai nói phước đức nhiều.
– Nếu lại có người ở trong kinh này, thọ trì cho đến bốn câu kệ v.v…, vì người khác giảng nói thì phước đức này còn hơn phước đức của người kia. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ nơi kinh này ra. Này Tu-bồ-đề, nói là Phật pháp đó tức chẳng phải Phật pháp.
9/ MỘT TƯỚNG KHÔNG TƯỚNG
– Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tu-đà-hoàn hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả Tu-đà-hoàn chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Tu-đà-hoàn gọi là Nhập lưu mà không có chỗ nhập, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu-đà-hoàn.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tư-đà-hàm hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả Tư-đà-hàm chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Vì Tư-đà-hàm tên là Nhất vãng lai mà thật không có vãng lai, ấy gọi là Tư-đà-hàm.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-na-hàm hay khởi nghĩ thế này: Ta được quả A-na-hàm chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? A-na-hàm tên là Bất lai mà thật không có bất lai, thế nên tên A-na-hàm.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-la-hán hay khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Thật không có pháp tên là A-la-hán. Bạch Thế Tôn, nếu A-la-hán khởi nghĩ thế này: Ta được đạo A-la-hán, tức là còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
Bạch Thế Tôn! Phật nói con được Vô tránh tam-muội, là bậc đệ nhất trong số người đó, là A-la-hán ly dục đệ nhất. Bạch Thế Tôn! Con không khởi nghĩ con là ly dục A-la-hán. Bạch Thế Tôn! Nếu con khởi nghĩ: Con được đạo A-la-hán, Thế Tôn ắt chẳng nói Tu-bồ-đề là người ưa hạnh A-lan-na. Do Tu-bồ-đề thật không có sở hành nên gọi là Tu-bồ-đề ưa hạnh A-lan-na.
10/ TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ
Phật hỏi Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Như Lai thuở xưa ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp, có sở đắc chăng?
– Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai ở nơi đức Phật Nhiên Đăng, đối với pháp, thật không có sở đắc.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật chăng?
– Bạch Thế Tôn, không vậy! Vì cớ sao? Trang nghiêm cõi Phật tức không phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm.
– Thế nên Tu-bồ-đề, các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia. Tu-bồ-đề, ví như có người thân to như núi Chúa Tu-di, ý ông nghĩ sao? Thân ấy là lớn chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Rất lớn, bạch Thế Tôn! Vì cớ sao? Phật nói chẳng phải thân, ấy gọi là thân lớn.
11/ PHƯỚC VÔ VI LÀ HƠN HẾT
– Này Tu-bồ-đề, như trong sông Hằng có bao nhiêu số cát, số sông Hằng bằng số cát như thế, ý ông nghĩ sao? Số cát của các sông Hằng ấy thật là nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Chỉ các sông Hằng còn nhiều vô số, huống là số cát kia.
– Này Tu-bồ-đề, nay ta bảo thật với ông, nếu có người thiện nam, thiện nữ đem bảy báu đầy dẫy tam thiên đại thiên thế giới bằng số cát những sông Hằng kia ra bố thí thì được phước nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!
Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu người thiện nam thiện nữ, đối trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.v…, vì người khác giảng nói, phước đức này nhiều hơn phước đức trước.
12/ TÔN TRỌNG KINH ĐIỂN CHÂN CHÁNH
Lại nữa này Tu-bồ-đề, tùy nơi nói kinh này cho đến bốn câu kệ v.v…, nên biết chỗ này, tất cả thế gian trời, người, A-tu-la đều nên cúng dường như tháp miếu của Phật, huống nữa có người trọn hay thọ trì đọc tụng. Này Tu-bồ-đề, nên biết người ấy thành tựu pháp tối thượng đệ nhất hy hữu. Nếu kinh này ở chỗ nào ắt là có Phật hoặc là những đệ tử lớn của Phật.
13/ ĐÚNG PHÁP THỌ TRÌ
Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thế nào là tên của kinh này, chúng con làm sao phụng trì?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Kinh này tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, do danh tự ấy ông nên phụng trì. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, Phật nói Bát-nhã ba-la-mật tức không phải Bát-nhã ba-la-mật, ấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật.
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nói pháp chăng?
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Như Lai không có nói pháp.
– Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Tam thiên đại thiên thếgiới có bao nhiêu vi trần, ấy là nhiều chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!
– Này Tu-bồ-đề, các vi trần Như Lai nói không phải vi trần, ấy gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới không phải thế giới, ấy gọi là thế giới. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng?
– Bạch Thế Tôn không vậy! Không thể do ba mươi hai tướng được thấy Như Lai. Vì cớ sao? Như Lai nói ba mươi hai tướng tức không phải ba mươi hai tướng ấy gọi là ba mươi hai tướng.
– Này Tu-bồ-đề, nếu có người thiện nam, người thiện nữ đem thân mạng nhiều như cát sông Hằng để bố thí, hoặc lại có người ở trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.v…, vì người khác nói thì phước này rất là nhiều.
14/ LÌA TƯỚNG TỊCH DIỆT
Khi ấy ngài Tu-bồ-đề nghe Phật nói kinh này, hiểu sâu được nghĩa thú, rơi lệ dầm dề, bạch Phật rằng: Đức Thế Tôn! Rất ít có. Phật nói kinh điển sâu xa như thế, con từ trước đến giờ đã được tuệ nhãn mà chưa từng được nghe kinh như thế.
Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người được nghe kinh này, lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật tướng, nên biết người ấy thành tựu được công đức ít có bậc nhất. Bạch Thế Tôn! Thật tướng ấy tức không phải tướng, thế nên Như Lai nói tên là thật tướng.
Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe kinh điển như thế, tin hiểu thọ trì không đủ làm khó. Nếu đời sau, khoảng năm trăm năm về sau, lúc đó có những chúng sanh được nghe kinh này, tin hiểu thọ trì, người ấy ắt là ít có bậc nhất. Vì cớ sao? Vì người này không tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì cớ sao? Vì tướng ngã tức không phải tướng, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức không phải tướng. Vì sao? Vì lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Đúng thế, đúng thế! Nếu lại có người được nghe kinh này, không kinh, không hãi, không sợ, nên biết người ấy rất là ít có. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói đệ nhất ba-la-mật tức không phải đệ nhất ba-la-mật ấy gọi là đệ nhất ba-la-mật.
Tu-bồ-đề! Nhẫn nhục ba-la-mật, Như Lai nói không phải nhẫn nhục ba-la-mật ấy gọi là nhẫn nhục ba-la-mật. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề như thuở xưa Ta bị vua Ca-lợi cắt đứt thân thể, Ta khi ấy không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Vì cớ sao? Ta thuở xưa khi thân thể bị cắt ra từng phần, nếu còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, lẽ nên sanh sân hận. Tu-bồ-đề! Lại nhớ thuở quá khứ năm trăm đời, Ta làm tiên nhân nhẫn nhục, vào thuở ấy không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.
Thế nên, Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên lìa tất cả tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên sanh tâm không chỗ trụ. Nếu tâm có trụ ắt là không phải trụ. Thế nên Phật nói tâm Bồ-tát không nên trụ sắc mà bố thí.
Tu-bồ-đề! Bồ-tát vì lợi ích tất cả chúng sanh nên như thế mà bố thí. Như Lai nói tất cả các tướng tức là không phải tướng, lại nói tất cả chúng sanh tức không phải chúng sanh.
Này Tu-bồ-đề! Như Lai nói lời chân, lời thật, lời như, lời không dối, lời chẳng khác.
Này Tu-bồ-đề! Như Lai được pháp, pháp này không thật, không hư.
Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát tâm trụ nơi pháp mà làm việc bố thí thì như người vào trong tối ắt không thể thấy. Nếu Bồ-tát tâm không trụ pháp mà hành bố thí thì như người có mắt lại thêm ánh sáng mặt trời chiếu soi, thấy các thứ hình sắc.
Này Tu-bồ-đề! Ở đời sau nếu có người thiện nam, thiện nữ hay ở trong kinh này thọ trì, đọc tụng, ắt là Như Lai dùng trí tuệ Phật ắt biết người ấy, ắt thấy người ấy đều được thành tựu vô lượng vô biên công đức.
15/ CÔNG ĐỨC TRÌ KINH
Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam, thiện nữ, buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, như thế vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp đem thân mạng bố thí. Nếu lại có người nghe kinh điển này, lòng tin không nghịch, phước của người này hơn phước của người kia, huống là chép viết, thọ trì, đọc tụng, vì người giải nói.
Này Tu-bồ-đề! Tóm tắt mà nói, kinh này có công đức vô biên không thể nghĩ, không thể lường. Như Lai vì những người phát tâm Đại thừa mà nói, vì những người phát tâm Tối thượng thừa mà nói. Nếu có người hay thọ trì, đọc tụng, rộng vì người nói, Như Lai ắt biết người ấy, ắt thấy người ấy đều được thành tựu công đức không thể lường, không thể tính, không có bờ mé, không thể nghĩ bàn. Những người như thế tức là gánh vác pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Phật. Vì cớ sao?
Này Tu-bồ-đề! Nếu người thích pháp nhỏ tức chấp ngã, chấp nhân, chấp chúng sanh, chấp thọ giả, tức là đối với kinh này không thể lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, vì người giải nói.
Này Tu-bồ-đề! Ở nơi nào nếu có kinh này thì tất cả thế gian trời, người, a-tu-la đều nên cúng dường, nên biết chỗ này tức là tháp, đều nên cung kính làm lễ vây quanh, dùng các thứ hương hoa mà rải cúng nơi ấy.
16/ HAY LÀM SẠCH CÁC NGHIỆP CHƯỚNG
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nếu có người thiện nam, thiện nữ thọ trì, đọc tụng kinh này, nếu bị người khinh chê, người này do tội nghiệp đời trước lẽ ra phải đọa trong đường ác, do đời này bị người khinh chê nên tội nghiệp đời trước ắt là tiêu diệt, sẽ được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu-bồ-đề, Ta nhớ thuở quá khứ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, ở trước đức Phật Nhiên Đăng, Ta được gặp tám trăm bốn ngàn muôn ức na-do-tha các đức Phật, Ta đều cúng dường thờ phụng không sót một vị nào. Nếu lại có người ở đời mạt pháp sau này hay thọ trì, đọc tụng kinh này, được công đức, đối với công đức cúng dường chư Phật của Ta, trăm phần chẳng bằng một, ngàn muôn ức phần, cho đến toán số thí dụ đều không thể bằng.
Này Tu-bồ-đề! Nếu người thiện nam, thiện nữ ở đời mạt pháp sau này, có người thọ trì, đọc tụng kinh này, được công đức, nếu Ta nói cho đủ, hoặc có người nghe tâm tất cuồng loạn, hồ nghi, không tin.
Này Tu-bồ-đề, nên biết kinh nghĩa này không thể nghĩ bàn, nên quả báo cũng không thể nghĩ bàn.
17/ TỘT CÙNG KHÔNG CÓ NGÃ
Khi ấy ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao an trụ, làm sao hàng phục tâm kia?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên sanh tâm như thế này: Ta nên diệt độ tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà không có một chúng sanh thật diệt độ. Vì cớ sao? Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả ắt không phải là Bồ-tát. Vì cớ sao?
Tu-bồ-đề, thật không có pháp phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Như Lai ở nơi Phật Nhiên Đăng có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng?
– Bạch Thế Tôn, không vậy! Như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, Phật ở nơi Phật Nhiên Đăng không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phật bảo: Như thế, như thế! Tu-bồ-đề, thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu-bồ-đề! Nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho Ta: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Do thật không có pháp được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thế nên đức Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta, nói thế này: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Vì cớ sao?
Như Lai tức là nghĩa Như của các pháp. Nếu có người nói Như Lai được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, này Tu-bồ-đề, thật không có pháp Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu-bồ-đề! Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở trong ấy không thật, không hư. Thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp. Này Tu-bồ-đề! Nói tất cả pháp đó tức không phải tất cả pháp, nên gọi là tất cả pháp.
Này Tu-bồ-đề thí như có người thân cao lớn.
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Như Lai nói thân người cao lớn ắt không phải thân lớn, ấy gọi là thân lớn.
– Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như thế, nếu nói lời thế này: Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sanh, ắt không gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao?
Này Tu-bồ-đề! Thật không có pháp tên là Bồ-tát. Thế nên Phật nói: Tất cả pháp không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.
Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát nói lời thế này: Ta sẽ trang nghiêm cõi Phật, ấy chẳng gọi là Bồ-tát. Vì cớ sao? Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, ấy gọi là trang nghiêm. Này Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thông đạt pháp vô ngã, Như Lai gọi đó là chân thật Bồ-tát.
18/ ĐỒNG QUÁN CÓ MỘT THỂ
– Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có nhục nhãn chăng?
– Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có nhục nhãn.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có thiên nhãn chăng?
– Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có thiên nhãn.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có tuệ nhãn chăng?
– Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có tuệ nhãn.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có pháp nhãn chăng?
– Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có pháp nhãn.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có Phật nhãn chăng?
– Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai có Phật nhãn.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong sông Hằng có bao nhiêu cát, Phật nói là cát chăng?
– Bạch Thế Tôn, như thế! Như Lai nói là cát.
– Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như trong một sông Hằng có bao nhiêu cát, có những sông Hằng bằng số cát như thế, có các thế giới của Phật bằng số cát của những sông Hằng ấy, như thế thật là nhiều chăng?
– Bạch Thế Tôn, rất là nhiều!
Phật bảo Tu-bồ-đề: Trong các cõi nước đầy dẫy như thế, có tất cả chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết. Vì cớ sao? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.
19/ PHÁP GIỚI THÔNG SUỐT KHÔNG BỊ NGĂN TRỞ
– Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có người đem bảy báu đầy dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới dùng bố thí, người ấy do nhân duyên này được phước đức nhiều chăng?
– Bạch Thế Tôn! Như thế! Người này do nhân duyên đó được phước đức rất nhiều.
– Này Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật, Như Lai chẳng nói được phước đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai nói được phước đức nhiều.
20/ LÌA SẮC LÌA TƯỚNG
– Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Phật có thể do đầy đủ sắc thân mà thấy chăng?
– Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai không nên do đầy đủ sắc thân mà thấy. Vì cớ sao? Như Lai nói đầy đủ sắc thân tức chẳng phải đầy đủ sắc thân ấy gọi là đầy đủ sắc thân.
– Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có thể do đầy đủ các tướng mà thấy chăng?
– Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai không nên do đầy đủ các tướng mà thấy. Vì cớ sao? Như Lai nói các tướng đầy đủ tức chẳng phải đầy đủ, ấy gọi là các tướng đầy đủ.
21/ KHÔNG NĂNG THUYẾT VÀ SỞ THUYẾT
– Này Tu-bồ-đề, ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ thế này, Ta sẽ có nói pháp, chớ khởi cái nghĩ ấy. Vì cớ sao? Nếu người nói Như Lai có nói pháp tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu nghĩa ta đã nói. Này Tu-bồ-đề, nói pháp đó không có pháp có thể nói ấy gọi là nói pháp.
Khi ấy ngài Huệ Mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, vả lại có chúng sanh ở đời vị lai nghe nói pháp này sanh lòng tin chăng?
Phật bảo: Tu-bồ-đề, kia chẳng phải chúng sanh, chẳng phải chẳng chúng sanh. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, chúng sanh, chúng sanh ấy Như Lai nói chẳng phải chúng sanh, ấy gọi là chúng sanh.
22/ KHÔNG PHÁP CÓ THỂ ĐƯỢC
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay là không được ư?
Phật bảo: Đúng như thế, như thế! Này Tu-bồ-đề, ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nhẫn đến không có một chút pháp có thể được, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
23/ TÂM TRONG SẠCH LÀM VIỆC THIỆN
Lại nữa Tu-bồ-đề, pháp này bình đẳng không có cao thấp, ấy gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả, tu tất cả pháp lành tức được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề, nói rằng pháp lành đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp lành, ấy gọi là pháp lành.
24/ PHƯỚC TRÍ KHÔNG GÌ SÁNH BẰNG
Này Tu-bồ-đề, nếu trong tam thiên đại thiên thế giới có các ngọn núi chúa Tu-di, như thế dùng bảy báu nhóm họp bằng những ngọn núi Tu-di ấy có người mang ra bố thí. Hoặc có người đem kinh Bát-nhã ba-la-mật này cho đến bốn câu kệ v.v… thọ trì, đọc tụng, vì người khác nói thì phước đức của người này đối với người trước, người này trăm phần, người kia không bằng một, trăm ngàn muôn ức phần, cho đến toán số thí dụ cũng không thể bằng.
25/ GIÁO HÓA KHÔNG CÓ CHỖ GIÁO HÓA
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Các ông chớ bảo Như Lai khởi nghĩ thế này: Ta sẽ độ chúng sanh. Này Tu-bồ-đề, chớ khởi nghĩ thế ấy. Vì cớ sao? Thật không có chúng sanh Như Lai độ đó. Nếu có chúng sanh Như Lai độ đó thì Như Lai ắt có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Này Tu-bồ-đề, Như Lai nói có ngã ắt không phải có ngã mà người phàm phu cho là có ngã. Này Tu-bồ-đề, người phàm phu đó Như Lai nói tức không phải phàm phu, ấy gọi là phàm phu.
26/ PHÁP THÂN CHẲNG PHẢI TƯỚNG
Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Có thể do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai chăng?
Tu-bồ-đề thưa rằng: Như thế, như thế, do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai.
Phật bảo: Tu-bồ-đề, nếu do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai, thì Chuyển Luân Thánh Vương tức là Như Lai.
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn, như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, không nên do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai.
Khi ấy Thế Tôn nói bài kệ:
Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành đạo tà,
Không thể thấy Như Lai.
27/ KHÔNG ĐOẠN, KHÔNG DIỆT
Này Tu-bồ-đề, nếu ông khởi nghĩ thế này, Như Lai chẳng do các tướng cụ túc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề, chớ khởi nghĩ thế ấy, Như Lai không do tướng cụ túc mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Tu-bồ-đề, nếu ông khởi nghĩ thế này: Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nói các pháp đoạn diệt, chớ khởi cái nghĩ này. Vì cớ sao? Vì người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với pháp không có nói tướng đoạn diệt.
28/ KHÔNG THỌ, KHÔNG THAM TRƯỚC
Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát dùng thất bảo đầy cả thế giới bằng số cát sông Hằng để đem bố thí, nếu lại có người biết tất cả pháp là vô ngã được thành đức nhẫn nhục, thì Bồ-tát này được công đức hơn vị Bồ-tát trước. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, do các vị Bồ-tát không thọ phước đức.
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thế nào là Bồ-tát không thọ phước đức?
– Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát làm phước đức mà chẳng nên tham trước, thế nên nói chẳng thọ phước đức.
29/ BỐN OAI NGHI ĐỀU TỊCH TĨNH
Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của Ta nói. Vì cớ sao? Như Lai đó không từ đâu đến cũng không đi đâu, nên gọi là Như Lai.
30/ LÝ MỘT HỢP TƯỚNG
– Này Tu-bồ-đề, nếu người thiện nam, thiện nữ đem thế giới tam thiên đại thiên này nghiền nát thành bụi, ý ông nghĩ sao? Số bụi này thật là nhiều chăng?
Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Vì cớ sao? Nếu là bụi thật có đó thì Phật ắt không nói là bụi nhiều. Vì cớ sao? Phật nói các bụi đó tức không phải là bụi, ấy gọi là bụi. Bạch Thế Tôn, Như Lai nói thế giới tam thiên đại thiên tức không phải thế giới, ấy gọi là thế giới. Vì cớ sao? Nếu thế giới thật có thì ắt là một hợp tướng. Như Lai nói một hợp tướng tức không phải một hợp tướng ấy gọi là một hợp tướng.
– Này Tu-bồ-đề, một hợp tướng đó ắt không thể nói, chỉ người phàm phu tham trước việc ấy.
31/ TRI KIẾN CHẲNG SANH
– Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy hiểu nghĩa của Ta nói chăng?
– Bạch Thế Tôn, không hiểu vậy. Người ấy không hiểu nghĩa của Như Lai nói. Vì cớ sao? Thế Tôn nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức chẳng phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, ấy gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến.
– Này Tu-bồ-đề, người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với tất cả pháp nên như thế mà biết, như thế mà thấy, như thế mà tin hiểu, không sanh pháp tướng. Này Tu-bồ-đề, nói là pháp tướng đó, Như Lai nói tức chẳng phải pháp tướng, ấy gọi là pháp tướng.
32/ ỨNG HÓA KHÔNG PHẢI THẬT
Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem bảy báu bằng thế giới trải qua số kiếp vô lượng a-tăng-kỳ để bố thí. Nếu có người thiện nam, người thiện nữ phát tâm bồ-đề đem kinh này cho đến bốn câu kệ v.v… thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói thì phước của người này còn hơn phước của người kia. Thế nào là vì người diễn nói? Chẳng thủ nơi tướng, như như bất động. Vì cớ sao?
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương cũng như điện,
Nên khởi quán như thế.
Phật nói kinh này rồi, trưởng lão Tu-bồ-đề và chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả thế gian trời, người, a-tu-la nghe Phật nói đều rất vui mừng, tin thọ và vâng làm.
Nam mô Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa (3 lần)
HỒI HƯỚNG
Công đức tụng Kinh Đại Thừa khôn tính kể
Thắng phước vô biên đồng hướng về,
Nguyện khắp pháp giới các chúng sanh,
Thảy đều thể nhập vô sanh nhẫn.
Nguyện tiêu ba chướng, sạch phiền não,
Nguyện được trí huệ thật sáng ngời,
Nguyện cả tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành Bồ-tát đạo.
Nguyện đem công đức tu hành này,
Chan rải mười phương khắp tất cả,
Hết thảy chúng con cùng các loài,
Đồng được lên ngôi Vô thượng giác.
PHỤC NGUYỆN
Cửa thiền thường nghiêm tịnh,
Toàn chúng mãi thuận hòa,
Phật huệ chiếu sáng ngời,
Mưa pháp hằng nhuần gội.
Phật tử lòng tin sâu,
Ruộng phước càng tăng trưởng.
Chúng sanh sống an lạc,
Vui hưởng cảnh thái bình.
Nơi nơi dứt đao binh,
Mỗi mỗi đều thành Phật.
Nam mô Mười phương Vô thượng Tam Bảo
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Nam mô chư Phật, chư Đại Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng ở khắp mười phương ba đời
Nam mô chư Phật, chư Đại Bồ-tát trên Hội Kim Cang Bát Nhã
Nam mô Tôn giả Tu-bồ-đề
Nam mô chư Thiên Long Bát bộ Hộ giáo Già lam Chư Tôn Bồ-tát
Xin thùy từ lân mẫn cảm ứng chứng minh cho đệ tử chúng con, chư Ni cùng Phật tử, và chư Thiên, Long, Quỷ, Thần, phi nhơn, tất cả chúng sanh có sắc không sắc, có hình không hình, có tưởng không tưởng, hiện vân tập tại đạo tràng.
Chúng con xin kính trì tụng Kinh Đại Thừa Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nguyện đem công đức này hồi hướng cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ ông bà cha mẹ nội ngoại hai bên của chúng con, và những hương linh vong linh hữu tình, chiến sĩ trận vong, oan hồn uổng tử, thập loại cô hồn, đồng bào tử nạn, thai nhi sản nạn, oan gia trái chủ, và những chúng sanh hiện đang đọa lạc nơi ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Và chư vị hương linh Phật tử…….
Cầu nguyện chư vị nương nhờ công đức này mà nghiệp chướng từ vô thủy được tận trừ, từ nay phước đức trí huệ ngày càng tăng trưởng, biết quy hướng Tam Bảo, hướng thiện tu hành, đời đời kiếp kiếp đầy đủ trí huệ sáng suốt, tin sâu nhân quả, biết làm lành lánh dữ, vĩnh viễn chẳng rơi ác đạo, thường sanh vào cõi lành, hưởng phước báo trời người thù thắng, gặp Phật pháp, được Tam Bảo gia hộ, theo chư Phật, chư Đại Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng, chư Tôn Hộ Pháp, như pháp tu hành cho đến ngày viên mãn Phật quả.
Chúng con cũng nguyện đem công đức này hồi hướng cầu nguyện cho chư vị Phật tử…….
Cầu nguyện chư vị nương nhờ công đức này mà nghiệp chướng từ vô thủy được tận trừ, từ nay phước đức trí huệ ngày càng tăng trưởng, tai ách tiêu trừ, oan khiên dứt sạch, bệnh căn thuyên giảm, gia quyến an khang, lòng tin Tam Bảo ngày càng sâu, tình thường đối với chúng sanh ngày càng rộng lớn, đời đời kiếp kiếp đầy đủ trí huệ sáng suốt, tin sâu nhân quả, biết làm lành lánh dữ, vĩnh viễn chẳng rơi ác đạo, thường sanh vào cõi lành, hưởng phước báo trời người thù thắng, gặp Phật pháp, được Tam Bảo gia hộ, theo chư Phật, chư Đại Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng, chư Tôn Hộ Pháp, như pháp tu hành cho đến ngày viên mãn Phật quả.
Khắp nguyện phước ban tất cả, đức độ quần sanh, kẻ mất siêu thăng, người còn phúc lạc, chúng sanh được thấm nhuần mưa pháp, mọi người đều chứng ngộ Phật thừa.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (chúng đồng niệm)
Vãng sanh quyết định chơn ngôn
Nam mô a di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ, đa điệt dạ tha. A di rị đô bà tì, a di rị đa tất đam bà tì. A di rị đa tì ca lan đế. A di rị đa tì ca lan đa, dà di nị, dà dà na. Chỉ đa ca lệ, ta bà ha. (7 lần)
LỄ TAM BẢO
Chí tâm đảnh lễ: Mười phương Vô thượng Tam Bảo (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Bụt Cổ Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Xá Lợi Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô chư Phật, chư Đại Bồ-tát trên Hội Kim Cang Bát Nhã (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tôn giả Tu-bồ-đề (3 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tôn giả Sivali (3 lễ)
THỈNH BỔN SƯ GIA HỘ
Nam mô Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni
Ngưỡng kính bạch Đức Thế Tôn!
Chúng con thành tâm đảnh lễ Ngài.
Ngưỡng kính bạch Ngài!
Tất cả những tội lỗi mà chúng con đã lỡ gây tạo từ thân, miệng, ý, chúng con vô cùng hổ thẹn, thành tâm sám hối. Ngưỡng nguyện Đức Thế Tôn thùy từ lân mẫn tha thứ cho chúng con.
Ngưỡng kính bạch Ngài!
Tất cả những việc phước đức và công đức mà chúng con đã làm, ngưỡng nguyện Ngài chứng minh, gia hộ. Tất cả những việc phước đức và công đức mà Ngài đã làm, xin ban cho chúng con. Lành thay, lành thay! Chúng con vô cùng hoan hỷ thọ lãnh ân đức ấy.
Ngưỡng kính bạch Đức Thế Tôn!
Tất cả những việc phước đức và công đức mà chúng con đã làm hôm nay, chúng con xin thành tâm cúng dường lên Ba mươi ba vị Trời Đế Thích, bốn vị Hộ thế Thiên Vương, chư vị Long Vương, chư vị Diêm Vương, chư vị Thiên thần trong cõi đời này, chư vị Thiên thần trong đạo tràng này.
Ngưỡng nguyện quý Ngài phước lực ngày càng tăng trưởng, tín lực ngày càng kiên cố, thần lực ngày càng dõng mãnh. Quý Ngài mãi mãi hộ trì Tam Bảo, hộ trì Chánh pháp, hộ trì chúng con, hộ trì tất cả chúng sanh trong cõi đời này đều được an vui, hạnh phúc.
Ngưỡng nguyện quý Ngài từ bi lân mẫn tiếp thọ cho chúng con được ân triêm công đức.
Nam mô Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni
TÁN HỘ PHÁP
Trời, A-tu-la, Dạ-xoa thảy
Đến nghe pháp đó nên chí tâm
Ủng hộ Phật pháp mãi thường còn
Mỗi vị siêng tu lời Phật dạy.
Bao nhiêu người nghe đến chốn này,
Hoặc trên đất liền, hoặc hư không,
Thường đối người đời sanh từ tâm,
Ngày đêm tự mình nương pháp ở.
Nguyện các thế giới thường an ổn,
Phước trí vô biên lợi quần sanh.
Bao nhiêu tội nghiệp thảy đều trừ,
Xa lìa các khổ về viên tịch.
Hằng dùng giới hương thoa vóc sáng,
Thường dùng định lực để giúp thân,
Hoa mầu Bồ-đề khắp trang nghiêm,
Tùy theo chỗ ở thường an lạc.
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Chư Thiên Long Bát bộ Hộ giáo Già lam Chư Tôn Bồ-tát (3 lễ)
NGUYỆN KIẾT TƯỜNG
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời đều an lành,
Tất cả thời gian an lành cả,
Nguyện chư Thượng Sư thường nhiếp thọ.
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời đều an lành,
Tất cả thời gian an lành cả,
Nguyện trên Tam Bảo thường nhiếp thọ.
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời đều an lành,
Tất cả thời gian an lành cả,
Nguyện chư Hộ pháp thường ủng hộ.
Nam mô Tiêu Tai Giáng Kiết Tường Bồ-tát Ma-ha-tát (3 lần)
———–(Hoàn Mãn)———-
Quy trình tụng kinh Kim Cang tại nhà
Tụng kinh Kim Cang là một trong những nghi thức Phật giáo phổ biến nhất tại Việt Nam. Kinh Kim Cang là một bộ kinh ngắn nhưng chứa đựng nhiều lời dạy sâu sắc về trí tuệ Bát-nhã Ba-la-mật. Tụng kinh Kim Cang giúp chúng ta thanh tịnh tâm hồn, giải thoát khỏi phiền não và đạt được giác ngộ.
Dưới đây là quy trình tụng kinh Kim Cang tại nhà:
Chuẩn bị
- Tượng Phật: Nên đặt tượng Phật trên bàn thờ hoặc nơi trang nghiêm.
- Bát hương: Dâng hương để thể hiện lòng thành kính đối với Phật.
- Nước: Dâng nước để thể hiện lòng thanh tịnh.
- Kinh Kim Cang: Có thể sử dụng bản kinh in hoặc bản kinh điện tử.
- Chuông hoặc mõ: Sử dụng chuông hoặc mõ để đánh trước khi tụng kinh và sau khi kết thúc.
Quy trình tụng kinh
- Chú Tịnh Pháp Giới: Nên đọc chú Tịnh Pháp Giới trước khi tụng kinh để thanh tịnh tâm hồn và môi trường xung quanh.
- Cúng Hương: Dâng hương và đọc lời cúng hương để thể hiện lòng thành kính đối với Phật.
- Phát nguyện: Phát nguyện tụng kinh Kim Cang để cầu nguyện cho bản thân và chúng sinh được giải thoát khỏi phiền não.
- Tụng kinh Kim Cang: Tụng kinh Kim Cang theo bản kinh đã chuẩn bị. Nên tụng kinh với tâm thanh tịnh, tập trung vào từng câu chữ.
- Chú Tịnh Tam Nghiệp: Nên đọc chú Tịnh Tam Nghiệp sau khi tụng kinh để thanh tịnh thân, khẩu, ý.
- Cầu nguyện: Cầu nguyện cho bản thân và chúng sinh được giải thoát khỏi phiền não.
- Kết thúc: Đánh chuông hoặc mõ để kết thúc buổi tụng kinh.
Lưu ý
Nên tụng kinh Kim Cang vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối sau khi ăn tối.
- Nên tụng kinh với tâm thanh tịnh, tập trung vào từng câu chữ.
- Nên tụng kinh thường xuyên để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Lợi ích tụng kinh Kim Cang tại nhà
Công đức tụng Kinh Kim Cang vô cùng to lớn. Kinh này là kim chỉ nam giúp phát khởi Bồ Đề tâm, hành Bồ Tát đạo, và hoàn thiện Lục Độ. Từ xưa đến nay, nhiều người tụng kinh này đã đạt được những thành tựu cao quý: từ đốn ngộ tự tánh, chứng ngộ duy tâm, sống đời thánh hiền, cho đến việc tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng thiện căn, chuyển họa thành phước, và phát triển trí tuệ.
Ngũ Tổ từng giảng Kinh Kim Cang cho Lục Tổ Huệ Năng, và khi đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Lục Tổ đã đại ngộ, nhận ra tự tánh vốn thanh tịnh, không sinh diệt, trọn đủ, và có khả năng sinh ra muôn pháp. Điều này cho thấy sức mạnh của Kinh Kim Cang là vô cùng kỳ diệu và không thể nghĩ bàn.
Tuệ Tâm đã trích dẫn những câu chuyện có thật từ “Kinh Kim Cang công đức tụng – Quán Thế Âm Bổn Tích” với hy vọng rằng những ai đọc được sẽ củng cố tín tâm, phát nguyện trì tụng Kinh Kim Cang, hoặc niệm Phật, để cùng thoát khổ và đạt được an lạc, cùng hướng về Tây Phương Cực Lạc Quốc.
Tổ Ấn Quang bảo: “Niệm kinh Kim Cang nếu có thể chí thành khẩn thiết sẽ tự tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ. Lại còn niệm Phật hồi hướng, quyết định vãng sanh Tây Phương. Hễ được vãng sanh sẽ siêu phàm nhập thánh, lên địa vị Bất Thoái. Lại còn thân cận Di Đà, theo gót hải chúng. Tự nhiên viên thành tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, hết thảy công đức”
Ý nghĩa tụng kinh Kim Cang tại nhà
Tựa đề của kinh “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật” gồm bốn phần chính: Kim Cang (Vajra), Bát Nhã (Prajna), Ba La Mật (Paramita), và Kinh (Sutra).
Kim Cang (Kim Cương): Kim cương, một khoáng chất cực kỳ bền vững và quý giá, hình thành qua hàng triệu năm từ chất lỏng núi lửa gặp khí lạnh, tạo thành đá cứng và trong suốt. Với độ cứng đạt 10 trên thang Mohs, kim cương không chỉ đẹp mà còn bền chắc, biểu trưng cho trí tuệ và bản chất thanh tịnh không bị hủy hoại. Trong Phật giáo, kim cương tượng trưng cho trí tuệ Bát Nhã, có khả năng phá vỡ mọi vô minh và phiền não, như kim cương chiếu sáng qua những lớp bụi mờ của sự mê muội. Bản chất kim cương quý giá còn nhấn mạnh rằng trí tuệ và giác ngộ là vô giá hơn bất kỳ tài sản vật chất nào.
Bát Nhã (Prajna): Bát Nhã là trí tuệ siêu việt, giúp chúng ta nhận thức và hiểu biết sâu sắc về bản chất thực của sự vật và cuộc sống.
Ba La Mật (Paramita): Đây là từ phiên âm từ tiếng Phạn, có nghĩa là “đến bờ bên kia” hoặc “vượt qua bờ”, chỉ việc đạt được giải thoát khỏi biển khổ và phiền não.
Kinh “Kim Cang” giúp chúng ta vượt qua mọi khổ đau và đạt đến trạng thái an lạc và giải thoát.
Kinh (Sutra): Kinh là lời dạy của Phật, phù hợp với chân lý và phù hợp với căn cơ của người nghe, có giá trị trong mọi không gian và thời gian.
Kinh “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật” được xem là vô cùng công đức vì nó giảng dạy về trí tuệ vô biên và bản chất tuyệt đối của vũ trụ. Kinh này trình bày một chân lý không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, thể hiện sự vĩnh cửu và toàn diện của trí tuệ Bát Nhã. Những ai thực hành theo kinh này sẽ nhận được công đức vô cùng lớn, vượt ra ngoài mọi giới hạn và đạt được sự giải thoát tối thượng. Kinh này khuyến khích mọi người phát tâm lớn và tu tập theo con đường Đại thừa, để có được công đức vô biên và sự giác ngộ trọn vẹn.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Kinh Kim Cang cũng như cách trì tụng mỗi ngày. Hãy tiếp tục theo dõi để khám phá thêm nhiều kiến thức bổ ích khác tại Bchannel.vn!
Tin liên quan
Tứ nhiếp pháp là gì? Lợi ích khi thực hành trong đời sống
Kiến thức 17/09/2024 09:10:19
Tứ nhiếp pháp là gì? Lợi ích khi thực hành trong đời sống
Kiến thức 17-09-2024 09:10:19
Cách tụng kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kiến thức 27/08/2024 15:47:19
Cách tụng kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kiến thức 27-08-2024 15:47:19
Tại sao trước ngực của tượng Phật có hình chữ Vạn?
Kiến thức 26/08/2024 17:35:00
Tại sao trước ngực của tượng Phật có hình chữ Vạn?
Kiến thức 26-08-2024 17:35:00
Tại sao lễ Phật phải cúi đầu?
Kiến thức 26/08/2024 15:36:44
Tại sao lễ Phật phải cúi đầu?
Kiến thức 26-08-2024 15:36:44
Hướng dẫn chép kinh Pháp Cú
Kiến thức 24/08/2024 10:51:00
Hướng dẫn chép kinh Pháp Cú
Kiến thức 24-08-2024 10:51:00
9 lượt thích 0 bình luận