PV: Như thầy đã chia sẻ, niềm tin trong Phật giáo chủ yếu đề cập đến “niềm tin bên trong”, tức là ta có tin rằng bên trong mình luôn có bản thiện, có chất liệu thánh hiền, có Phật tính không. Đó là khái niệm. Để áp dụng niềm tin trong đạo Phật vào đời sống thường ngày một cách tốt nhất, ta cần phải làm thế nào?

Khi đặt niềm tin vào đối tượng nào hay điều gì, ta cần nắm chắc thông tin, và cần có sự điềm tĩnh để không ngừng nhìn lại và phản biện, đồng thời nương nhờ những người thân tín bên cạnh soi sáng thẳng thắn. Khi ta quá tin vào một điều gì hay ai đó thì phải cần xem lại ngay tâm mình. Quá tin nghĩa là ta đã bỏ qua bước dò xét cẩn thận ban đầu, quên kiểm tra hay quan sát phẩm chất của đối tượng ấy có còn nguyên vẹn không, đã lao theo đối tượng ấy và hy vọng quá nhiều mà bỏ rơi chính mình.

Đạo Phật chủ trương đặt niềm tin ở bên trong mới là cốt lõi, nên dù có đặt niềm tin vào các đối tượng bên ngoài thì cũng chỉ là sự nương tựa tạm thời để đánh thức giá trị bên trong. Niềm tin trong đạo Phật phải đi liền với sự thực hành nên ta phải quan sát và kiểm tra đối tượng thường xuyên, nhưng quan trọng nhất vẫn là quan sát và kiểm tra thái độ của mình, xem mình có đến với đối tượng là vì cảm tính không, có dựa dẫm không, bị phụ thuộc vào không, có hy vọng chờ đợi đối tượng gánh chịu trách nhiệm chính cho cuộc đời mình không, có mải mê tin tưởng đối tượng mà bỏ bê bản thân không.

Khi đặt niềm tin vào đối tượng nào không có nghĩa là ta phó thác đời mình cho đối tượng ấy, mà chỉ là vì ta thấy được giá trị của họ nên quyết tâm học hỏi, đồng hành và sẻ chia.

Hơn thế nữa, niềm tin cần phải gắn liền với trách nhiệm. Trách nhiệm giữ gìn sự tỉnh thức nơi chính mình, phải luôn nuôi dưỡng năng lượng an lành cho nhau, phải không ngừng khám phá giá trị tiềm ẩn trong nhau, phải vững vàng trước mọi sóng gió thị phi… Cho nên khi ta muốn đặt niềm tin vào ai thì hãy xem đó là một sự kết nối và hợp tác, kiểu như một sự đầu tư nghiêm túc, chứ không nên xem đó là một sự trông chờ hay phó thác.

Niềm tin trong đạo Phật còn có những bước sâu hơn, đó là tin vào bản chất. Ngay cả khi nhìn thấy hiện tượng xảy ra sờ sờ trước mắt nhưng bản chất có thể khác xa. Cũng như người cha dù thấy con mình đang hư hỏng nhưng thấy rõ bản thiện của nó. Ông ta sẽ cố gắng tìm cách giúp con quay về, khác với bạn bè hay những người xung quanh, họ chỉ căn cứ vào những hành vi nhất thời của nó mà sẵn sàng lên án và xa lánh.

PV: Cho dù lỡ đã đọc, học, nghiên cứu rất nhiều về Phật pháp mà vẫn đặt niềm tin sai chỗ thì phải làm sao thưa thầy?

Đặt niềm tin sai chỗ không đáng lo ngại bằng không biết mình sai. Trong nguyên tắc chữa lành cũng như tu tập chuyển hoá, chấp nhận mình sai hay có vấn đề là bước quan trọng khởi hành đầu tiên.

Kinh điển vốn rất cô đọng và sâu kín, phải là những bậc tu tập chuyên sâu được truyền dạy từ những bậc thầy giác ngộ đi trước mới có thể lãnh hội trọn vẹn. Và cho dù ta có hiểu hết ý chỉ kinh điển thì đức Phật vẫn nhắc nhở: “Nhất thiết tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ” (Tất cả kinh điển cũng đều như ngón tay chỉ trăng). Do đó, ta không nên quá chú trọng vào khả năng học hay nghiên cứu kinh điển, thay vào đó hãy chịu khó thọ giáo trực tiếp bởi một vị thầy đã dành cả đời trải nghiệm thành công con đường luyện tập này.

Một trong những lợi thế được học trực tiếp với thầy và đoàn thể, đó là được chỉ ra những “thái độ thực hành sai”. Nhiều người tuy có được “bản chỉ dẫn đúng” nhưng lại có “thái độ thực hành sai”. Thí dụ, họ nỗ lực quá mức để có năng lực gì đó hay ra sức loại trừ những cơn vọng tưởng, tức là họ chỉ đang tô bồi cho tâm tham và tâm sân, cũng tức là họ đang nuôi dưỡng cả tâm si mà họ không nhận ra.

Trong trường hợp không có đủ cơ duyên tìm được thầy giỏi bạn lành, thì ta đành căn cứ vào các tiêu chuẩn chính yếu sau đây để biết mình có đặt đúng niềm tin và đang đi đúng hướng tu tập chuyển hoá hay không: có bớt phiền não không? có bớt phê bình, phán xét không? có ít phản ứng không? có dễ chấp nhận và hoan hỉ không? có bao dung không? có thong dong không? có điềm tĩnh và sâu sắc không? có bình đẳng không? có tùy thuận không? có chấp ngã không?

Tự tin thái quá, ảo tưởng công phu, thổi phồng bản ngã… là những triệu chứng khá phổ biến của cái tôi đang mắc bệnh vì đã đặt niềm tin và thực hành sai lệch. Do đó, phải rất cẩn thận nếu muốn khám phá thế giới đầy bí ẩn bên trong.

PV: Thầy sẽ nói gì với một người đã mất hết hy vọng vào cuộc sống, không còn tin tưởng bất kỳ điều gì nữa?­­­­­­­­

Để giúp một người trong cơn tuyệt vọng, tôi thường hành động hơn là đưa ra lời khuyên. Bởi lúc ấy họ cũng không còn đủ sức để lắng nghe thêm bất cứ điều gì nữa. Dù họ có nghe thì cũng không đủ sức để thực hành. Vậy nên tôi thường giúp họ thực hành. Ít nhất là tôi mang đến cho họ năng lượng bình an, tích cực. Tôi giúp họ ngồi yên, thở, kết nối với thiên nhiên, đặt xuống những bước chân tỉnh thức, nói cười thoải mái trở lại.

Bằng đủ cách, tôi sẽ giúp họ hồi phục năng lượng, thư giãn và bình an, khiến họ không còn chỉ nhìn vào vết thương nữa. Nhờ vậy, họ không còn đồng nhất với nỗi khổ niềm đau. Dù rằng những mất mát hay tổn thương vẫn còn đó, nhưng nó không khiến họ khổ sở nữa, vì họ đã không còn cung cấp thức ăn cảm xúc cho nó, không chìm sâu và trở thành một với nó. Ngồi chơi với nỗi đau là điều có thể xảy ra. Ta không tránh được sự tổn thương, nhưng ta có thể nhảy múa cùng với chúng một cách không sợ hãi, có thể biến chúng thành rác để cho ra những đóa hoa thơm ngát yêu đời.

Người dân sống ở Melbourne nước Úc hay nói câu: “Nếu bạn không thích thời tiết tại thời điểm này thì hãy chờ một chút nữa”. Vì thời tiết ở thành phố đó thay đổi liên tục, mới mát đó lại lạnh đó, mới nóng đó là mưa đó, rất khó đỡ. Nhưng cũng nhờ vậy mà bạn không phải mắc kẹt quá lâu trong cái thời tiết đáng ghét nào. Chỉ cần kiên nhẫn chờ một chút. Một chút thôi rồi hoàn cảnh sẽ đổi thay và tâm thức bạn cũng sẽ đổi thay.

“Hãy tin vào vô thường

Rồi ngày mai sẽ khác

Lòng sẽ bình yên hơn

Hoa mọc lên từ rác”

PV: Kết quả của quá trình hình thành niềm tin trong hành trình tu tập nói riêng và trong cuộc sống nói chung là gì, thưa thầy?

Đó là niềm tin không tự nhiên có được một cách trọn vẹn. Có khi ta phải trả giá bằng cả nước mắt mới có thể thấu hiểu và gắn kết được với đối tượng mà ta muốn đặt niềm tin. Nên khi không thể tin, chưa tin, ta cũng đừng vội kết luận đối tượng ấy có vấn đề. Thay vào đó, bằng một thái độ khôn ngoan hơn, là hãy đi tìm cách thay đổi chính mình để mở rộng khả năng thấu cảm và tin tưởng.

Quả thật như vậy, những thứ quý giá trong đời sẽ luôn luôn kén đối tượng tiếp cận, kết nối và tin tưởng vững chắc. Cho nên có thể nói, niềm tin khi được đặt xuống một cách có hiểu biết, cẩn trọng và đầy tha thiết thì phải được gọi là đức tin, vì đối tượng kia khi nhận được đức tin ấy thì bản thân họ chẳng hưởng thụ thêm gì mà trái lại còn phải có trách nhiệm chắp cánh cho ta được bay xa, bay cao trong vòm trời khát vọng.

Nên nhớ, đằng sau niềm tin đúng đắn phải là những nỗ lực tinh tấn, là hành trình đi tới không ngừng nghỉ để chuyển hoá tâm thức, chứ không chỉ có cái đức tin suông. “Mười phần ta đã tin nhau cả mười” (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du), vừa tin phải vừa kiểm chứng, càng kiểm chứng lại càng tin, đó mới là thái độ đúng đắn nhất trong quá trình xây dựng niềm tin với nhau.

Hết kỳ 2 (Còn nữa…)

Xem kỳ trước: Thiền sư Thích Minh Niệm chia sẻ những bí mật và sức mạnh của niềm tin

PV: Như thầy đã chia sẻ, niềm tin trong Phật giáo chủ yếu đề cập đến “niềm tin bên trong”, tức là ta có tin rằng bên trong mình luôn có bản thiện, có chất liệu thánh hiền, có Phật tính không. Đó là khái niệm. Để áp dụng niềm tin trong đạo Phật vào đời sống thường ngày một cách tốt nhất, ta cần phải làm thế nào?

Khi đặt niềm tin vào đối tượng nào hay điều gì, ta cần nắm chắc thông tin, và cần có sự điềm tĩnh để không ngừng nhìn lại và phản biện, đồng thời nương nhờ những người thân tín bên cạnh soi sáng thẳng thắn. Khi ta quá tin vào một điều gì hay ai đó thì phải cần xem lại ngay tâm mình. Quá tin nghĩa là ta đã bỏ qua bước dò xét cẩn thận ban đầu, quên kiểm tra hay quan sát phẩm chất của đối tượng ấy có còn nguyên vẹn không, đã lao theo đối tượng ấy và hy vọng quá nhiều mà bỏ rơi chính mình.

Đạo Phật chủ trương đặt niềm tin ở bên trong mới là cốt lõi, nên dù có đặt niềm tin vào các đối tượng bên ngoài thì cũng chỉ là sự nương tựa tạm thời để đánh thức giá trị bên trong. Niềm tin trong đạo Phật phải đi liền với sự thực hành nên ta phải quan sát và kiểm tra đối tượng thường xuyên, nhưng quan trọng nhất vẫn là quan sát và kiểm tra thái độ của mình, xem mình có đến với đối tượng là vì cảm tính không, có dựa dẫm không, bị phụ thuộc vào không, có hy vọng chờ đợi đối tượng gánh chịu trách nhiệm chính cho cuộc đời mình không, có mải mê tin tưởng đối tượng mà bỏ bê bản thân không.

Khi đặt niềm tin vào đối tượng nào không có nghĩa là ta phó thác đời mình cho đối tượng ấy, mà chỉ là vì ta thấy được giá trị của họ nên quyết tâm học hỏi, đồng hành và sẻ chia.

Hơn thế nữa, niềm tin cần phải gắn liền với trách nhiệm. Trách nhiệm giữ gìn sự tỉnh thức nơi chính mình, phải luôn nuôi dưỡng năng lượng an lành cho nhau, phải không ngừng khám phá giá trị tiềm ẩn trong nhau, phải vững vàng trước mọi sóng gió thị phi… Cho nên khi ta muốn đặt niềm tin vào ai thì hãy xem đó là một sự kết nối và hợp tác, kiểu như một sự đầu tư nghiêm túc, chứ không nên xem đó là một sự trông chờ hay phó thác.

Niềm tin trong đạo Phật còn có những bước sâu hơn, đó là tin vào bản chất. Ngay cả khi nhìn thấy hiện tượng xảy ra sờ sờ trước mắt nhưng bản chất có thể khác xa. Cũng như người cha dù thấy con mình đang hư hỏng nhưng thấy rõ bản thiện của nó. Ông ta sẽ cố gắng tìm cách giúp con quay về, khác với bạn bè hay những người xung quanh, họ chỉ căn cứ vào những hành vi nhất thời của nó mà sẵn sàng lên án và xa lánh.

PV: Cho dù lỡ đã đọc, học, nghiên cứu rất nhiều về Phật pháp mà vẫn đặt niềm tin sai chỗ thì phải làm sao thưa thầy?

Đặt niềm tin sai chỗ không đáng lo ngại bằng không biết mình sai. Trong nguyên tắc chữa lành cũng như tu tập chuyển hoá, chấp nhận mình sai hay có vấn đề là bước quan trọng khởi hành đầu tiên.

Kinh điển vốn rất cô đọng và sâu kín, phải là những bậc tu tập chuyên sâu được truyền dạy từ những bậc thầy giác ngộ đi trước mới có thể lãnh hội trọn vẹn. Và cho dù ta có hiểu hết ý chỉ kinh điển thì đức Phật vẫn nhắc nhở: “Nhất thiết tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ” (Tất cả kinh điển cũng đều như ngón tay chỉ trăng). Do đó, ta không nên quá chú trọng vào khả năng học hay nghiên cứu kinh điển, thay vào đó hãy chịu khó thọ giáo trực tiếp bởi một vị thầy đã dành cả đời trải nghiệm thành công con đường luyện tập này.

Một trong những lợi thế được học trực tiếp với thầy và đoàn thể, đó là được chỉ ra những “thái độ thực hành sai”. Nhiều người tuy có được “bản chỉ dẫn đúng” nhưng lại có “thái độ thực hành sai”. Thí dụ, họ nỗ lực quá mức để có năng lực gì đó hay ra sức loại trừ những cơn vọng tưởng, tức là họ chỉ đang tô bồi cho tâm tham và tâm sân, cũng tức là họ đang nuôi dưỡng cả tâm si mà họ không nhận ra.

Trong trường hợp không có đủ cơ duyên tìm được thầy giỏi bạn lành, thì ta đành căn cứ vào các tiêu chuẩn chính yếu sau đây để biết mình có đặt đúng niềm tin và đang đi đúng hướng tu tập chuyển hoá hay không: có bớt phiền não không? có bớt phê bình, phán xét không? có ít phản ứng không? có dễ chấp nhận và hoan hỉ không? có bao dung không? có thong dong không? có điềm tĩnh và sâu sắc không? có bình đẳng không? có tùy thuận không? có chấp ngã không?

Tự tin thái quá, ảo tưởng công phu, thổi phồng bản ngã… là những triệu chứng khá phổ biến của cái tôi đang mắc bệnh vì đã đặt niềm tin và thực hành sai lệch. Do đó, phải rất cẩn thận nếu muốn khám phá thế giới đầy bí ẩn bên trong.

PV: Thầy sẽ nói gì với một người đã mất hết hy vọng vào cuộc sống, không còn tin tưởng bất kỳ điều gì nữa?­­­­­­­­

Để giúp một người trong cơn tuyệt vọng, tôi thường hành động hơn là đưa ra lời khuyên. Bởi lúc ấy họ cũng không còn đủ sức để lắng nghe thêm bất cứ điều gì nữa. Dù họ có nghe thì cũng không đủ sức để thực hành. Vậy nên tôi thường giúp họ thực hành. Ít nhất là tôi mang đến cho họ năng lượng bình an, tích cực. Tôi giúp họ ngồi yên, thở, kết nối với thiên nhiên, đặt xuống những bước chân tỉnh thức, nói cười thoải mái trở lại.

Bằng đủ cách, tôi sẽ giúp họ hồi phục năng lượng, thư giãn và bình an, khiến họ không còn chỉ nhìn vào vết thương nữa. Nhờ vậy, họ không còn đồng nhất với nỗi khổ niềm đau. Dù rằng những mất mát hay tổn thương vẫn còn đó, nhưng nó không khiến họ khổ sở nữa, vì họ đã không còn cung cấp thức ăn cảm xúc cho nó, không chìm sâu và trở thành một với nó. Ngồi chơi với nỗi đau là điều có thể xảy ra. Ta không tránh được sự tổn thương, nhưng ta có thể nhảy múa cùng với chúng một cách không sợ hãi, có thể biến chúng thành rác để cho ra những đóa hoa thơm ngát yêu đời.

Người dân sống ở Melbourne nước Úc hay nói câu: “Nếu bạn không thích thời tiết tại thời điểm này thì hãy chờ một chút nữa”. Vì thời tiết ở thành phố đó thay đổi liên tục, mới mát đó lại lạnh đó, mới nóng đó là mưa đó, rất khó đỡ. Nhưng cũng nhờ vậy mà bạn không phải mắc kẹt quá lâu trong cái thời tiết đáng ghét nào. Chỉ cần kiên nhẫn chờ một chút. Một chút thôi rồi hoàn cảnh sẽ đổi thay và tâm thức bạn cũng sẽ đổi thay.

“Hãy tin vào vô thường

Rồi ngày mai sẽ khác

Lòng sẽ bình yên hơn

Hoa mọc lên từ rác”

PV: Kết quả của quá trình hình thành niềm tin trong hành trình tu tập nói riêng và trong cuộc sống nói chung là gì, thưa thầy?

Đó là niềm tin không tự nhiên có được một cách trọn vẹn. Có khi ta phải trả giá bằng cả nước mắt mới có thể thấu hiểu và gắn kết được với đối tượng mà ta muốn đặt niềm tin. Nên khi không thể tin, chưa tin, ta cũng đừng vội kết luận đối tượng ấy có vấn đề. Thay vào đó, bằng một thái độ khôn ngoan hơn, là hãy đi tìm cách thay đổi chính mình để mở rộng khả năng thấu cảm và tin tưởng.

Quả thật như vậy, những thứ quý giá trong đời sẽ luôn luôn kén đối tượng tiếp cận, kết nối và tin tưởng vững chắc. Cho nên có thể nói, niềm tin khi được đặt xuống một cách có hiểu biết, cẩn trọng và đầy tha thiết thì phải được gọi là đức tin, vì đối tượng kia khi nhận được đức tin ấy thì bản thân họ chẳng hưởng thụ thêm gì mà trái lại còn phải có trách nhiệm chắp cánh cho ta được bay xa, bay cao trong vòm trời khát vọng.

Nên nhớ, đằng sau niềm tin đúng đắn phải là những nỗ lực tinh tấn, là hành trình đi tới không ngừng nghỉ để chuyển hoá tâm thức, chứ không chỉ có cái đức tin suông. “Mười phần ta đã tin nhau cả mười” (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du), vừa tin phải vừa kiểm chứng, càng kiểm chứng lại càng tin, đó mới là thái độ đúng đắn nhất trong quá trình xây dựng niềm tin với nhau.

Hết kỳ 2 (Còn nữa…)

Xem kỳ trước: Thiền sư Thích Minh Niệm chia sẻ những bí mật và sức mạnh của niềm tin