Thông báo livestream sự kiện 765 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh

19/12/2023 15:13:57 789 lượt xem

Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) ngày 22/12 long trọng tổ chức sự kiện đặc biệt: Đại lễ kỷ niệm 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh.

Ngày 11 tháng 11 năm Quý Mão là một ngày rất đặc biệt đối với Tăng Ni phật tử Việt Nam bởi ngày này kỷ niệm lần thứ 765 năm Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông đản sinh. Ngài là một vị minh quân, một anh hùng, một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ngài không những là vua, mà còn là một Phật tử, một Thiền Sư lỗi lạc đã sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái mang đậm chất của người Việt Nam.

Nhằm mục đích tri ân Phật hoàng Trần Nhân Tông, ôn lại và học theo những lời dạy của Ngài, đem thực hành và phát huy trong đời sống tu tập của mỗi chúng ta, để thiết thực xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp, đúng với tinh thần “hòa quang đồng trần, lợi đạo ích đời” mà Ngài đã để lại, chùa Ba Vàng (phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) long trọng tổ chức Sự kiện đặc biệt: Đại lễ Kỷ niệm 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh.

Đại lễ diễn ra trong hai ngày 22 và 23/12/2023 (nhằm ngày 10- 11/11 năm Quý Mão). Đặc biệt, Lễ khai mạc kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh diễn ra vào 19h30 ngày 22/12. Tham dự sự kiện có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chư tôn đức Tăng quốc tế cùng các Tăng Ni chùa Ba Vàng và đông đảo Phật tử, nhân dân. Buổi lễ khai mạc sẽ được phát sóng trực tiếp trên fanpage Truyền hình An Viên.

Chi tiết thông tin về sự kiện Đại lễ kỷ niệm 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/12 xem tại đây.

Trần Nhân Tông – vị tu sĩ được người đời kính trọng

Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1 (tức ngày 7 tháng 12 năm 1258). Ngài là đích trưởng tử của Trần Thánh Tông Trần Hoảng (vua thứ 2 triều Trần) và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu Trần Thị Thiều, cũng là đích trưởng tôn của Trần Thái Tông Trần Cảnh (vua đầu tiên triều Trần).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (bộ quốc sử Đại Việt biên soạn năm 1479 thời Lê Thánh Tông), Trần Khâm ngay từ khi sinh ra đã được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, nên vua cha và ông nội – Thái thượng hoàng Trần Thái Tông đã gọi Ngài là Kim Tiên đồng tử. Các sách Tam Tổ thực lục và Thánh đăng ngữ lục (đều ra đời vào khoảng thế kỷ XIV) chép biệt hiệu này là Kim Phật. Cả hai sách này và Đại Việt Sử ký Toàn thư đều kể rằng bên vai trái Trần Khâm có nốt ruồi đen lớn như hạt đậu; người xem tướng đoán rằng hoàng tử về sau sẽ làm được việc lớn.

Năm 1274, khi tròn 16 tuổi, Ngài được phong làm Hoàng Thái tử. Từng 2 lần từ chối ngôi vị nhưng vua cha không đồng ý. Sau đó, vua cha cưới Trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc Mẫu cho Ngài tức là Khâm Từ Hoàng hậu sau này. Hai vợ chồng sống hạnh phúc, vui hòa nhưng tâm Ngài vẫn luôn hướng đến việc tu hành.

Khi giặc Nguyên sang xâm chiếm Đại Việt, Ngài đã gác việc tu học Phật pháp để lo giữ gìn xã tắc, lo cho muôn dân. Với tài mưu lược sáng suốt và khả năng đoàn kết toàn dân, Ngài đã 2 lần cùng vua cha và các tướng lĩnh lãnh đạo quân dân đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông (1285, 1287 – 1288) bảo vệ hòa bình, vững chắc nền độc lập, tự chủ cho dân tộc.

Sau khi nhường ngôi cho con và dẹp loạn quân Nguyên – Mông đem lại bình an cho đất nước, Ngài đã quyết định rời bỏ ngôi báu, cung điện vàng ngọc, xuất gia tu hành trên núi Yên Tử lấy danh hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà sau là Trúc Lâm Đại sĩ. Sau này, Ngài đã thống nhất được Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm – được xem là đặc trưng của truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị Hoàng đế, một vị tu sĩ được người đời kính trọng. Ngài đích thân đi khắp nơi, trừ bỏ các miếu thờ dâm từ (miếu thờ Thần không chính đáng); tích cực truyền bá giáo lý nhà Phật, dạy dân chúng tu ngũ giới (tức là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa, nghiện ngập), hành thập thiện (tức là về thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; về khẩu: không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói hai lời, không nói lời ác độc; về ý: không tham lam, không sân hận, không si mê, tà kiến), biết sống nhân nghĩa… từ đó mà xã hội dần tốt đẹp hơn.

Ngài là người rất đề cao tấm gương anh hùng, những người có công với đất nước nhằm giáo dục con cháu phải biết ơn và đền ơn, sống xứng đáng với những gì cha ông đã hy sinh. Ngay khi còn trị vì, Ngài cho nhân dân quy y Tam Bảo, giữ gìn năm giới, thực hành lục hòa, sống yêu thương, đoàn kết, đời sống nhân dân thái bình, đất nước thịnh trị, nhờ thế mà thời Trần đã làm nên những chiến công hiển hách.

Qua những việc làm của Ngài đối với mọi người, có thể khẳng định rằng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khéo áp dụng giáo lý đạo Phật nhằm hình thành những mối quan hệ tốt đẹp trong dân chúng, để người đời sau tiếp tục giữ gìn và phát huy.

21 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568

Sự kiện 22/05/2024 15:27:51

Hướng dẫn Phật tử sinh hoạt và lan tỏa giá trị nhân mùa Phật đản

Sự kiện 15/05/2024 09:00:34

Đại lễ Phật đản 2024: Tham gia minigame “Giải mã thông điệp Phật đản” – Nhận quà bình an

Sự kiện 13/05/2024 10:27:26

Dấu ấn của BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên xuyên suốt một thập kỷ

Đặc biệt 25/04/2024 08:58:03

Ước mơ giản đơn của cậu bé vùng cao vượt khó đến trường

Sự kiện 10/04/2024 11:32:49

Ước mơ giản đơn của cậu bé vùng cao vượt khó đến trường

Sự kiện 10-04-2024 11:32:49

"Con ước sau này sẽ trở thành thầy giáo để dạy các bạn học sinh. Được dạy các bạn hát, múa, kể chuyện, đọc cái chữ và cả đóng kịch nữa" là ước mơ của cậu học trò Sùng A Trừ tại điểm trường Huổi Ban (Điện Biên) nơi còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
2591 lượt xem 0 Bình luận