Tu học nơi đảo xa
Từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến hải đảo, Phật pháp vẫn đang ngày ngày được lan tỏa, trở thành điểm tựa tinh thần của nhiều bà con Phật tử. Dù còn nhiều khó khăn, cách trở về phương tiện di chuyển; nhưng hoạt động tu học nơi biển đảo Cô Tô nói riêng và các vùng đảo nói chung vẫn được duy trì. Đặc biệt, vừa qua, gần 1 nghìn Phật tử từ đất liền tình nguyện ra đảo Cô Tô làm sạch bãi biển, tu học với chủ đề “lắng nghe pháp âm từ biển cả”.
Thời tiết Cô Tô những ngày tháng 8
Có lúc gió to, biển động,…
Thế nhưng gần 1.000 Phật tử không ngại khó ngại khổ, cũng chẳng sợ những cơn say sóng; vượt qua hành trình đi ô tô rồi ngồi tàu biển để đến với huyện đảo Đông Bắc Tổ quốc. Đa dạng các lứa tuổi, từ 5 – 75, cả nam cả nữ, điểm chung của họ là tinh thần ham học Phật, mong muốn lắng nghe pháp âm từ biển cả.
Là vùng biển đảo được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cảnh quan đẹp, thời gian qua, huyện Cô Tô đã triển khai nhiều biện pháp phát triển du lịch xanh như không sử dụng rác thải nhựa, nilon; phân loại rác thải tại nguồn;… Thế nhưng, sau cơn bão, rác thải cuốn từ đất liền ra khá nhiều. Chiến dịch dọn rác làm sạch bờ biển được chư tôn đức phát động. Tất cả cùng hăng hái nhặt rác thải nhựa, lá cây, cành cây khô ở khu vực ven biển, thu gom, sau đó phân loại đưa về nơi tập kết rác theo đúng quy định.
Vừa được ngắm biển khơi, vừa làm việc có ý nghĩa; dường như mọi mệt mỏi sau hành trình dài đến với Cô Tô như xua tan. Mỗi người một chân một tay, chỉ một lúc là bờ biển Tình Yêu đã được trả lại vẻ đẹp “xanh” vốn có. Cô sinh viên năm 3 Nguyễn Hương Ly đến từ Hà Nội cảm thấy hào hứng khi được cùng các bạn tham gia chiến dịch đặc biệt này.
Không gian mênh mang của biển cả làm lòng người trở nên thật an yên, nhẹ nhàng. Từng bước chân thiền hành buổi sớm mai trong chánh niệm dưới sự hướng dẫn của chư tôn đức giúp mỗi người có cơ hội trở về tiếp xúc với đất Mẹ để cảm thấy khỏe khoắn, tĩnh tại. Tiếng sóng rì rào vỗ bờ, tiếng còi tàu phía xa, tiếng hơi thở nhẹ đều để bắt đầu 1 ngày tu tập thật đặc biệt để ai cũng có thể cảm nhận rằng “Không có con đường dẫn đến an lạc, an lạc chính là con đường.”
Với chủ đề khóa tu “Lắng nghe pháp âm từ biển cả”, đây là khóa tu đầu tiên được tổ chức tại chùa Trúc Lâm Cô Tô. Thời tiết Cô Tô mưa nắng thất thường, thế nhưng mỗi thời pháp thoại đều chật kín người dự, bao gồm hàng nghìn Phật tử thập phương và cả địa phương. Đưa Phật pháp đến nơi đảo xa đã là điều gian truân, nhưng lan tỏa Phật pháp rộng khắp nơi đây còn khó khăn hơn gấp bội. Thấm thía lời giảng của chư tôn đức, có những giọt nước mắt đã rơi, và có cả những nụ cười khẽ hạnh phúc.
Giữa muôn trùng sóng nước, để có được ngôi chùa Trúc Lâm Cô Tô cho bà con tu học như ngày hôm nay cũng là sự nỗ lực rất lớn của chư tôn đức, đặc biệt Đại đức Thích Khai Từ – trụ trì chùa. Từng viên gạch, từng mái ngói đều là sự nâng niu, chắt chiu mang từ đất liền ra; và sự hỗ trợ chung tay của Phật tử bà con thập phương, địa phương. Chùa bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 2016, đến nay đã gần hoàn thiện. Đây chính là ngôi nhà tâm linh, cột mốc văn hóa, khẳng định chủ quyền góp phần củng cố an ninh, ổn định sinh hoạt tôn giáo vùng biên giới, hải đảo.
Đến và tu học tại đảo Cô Tô, đó không đơn thuần là sự tiếp nhận những giáo lý Phật pháp mà còn là dịp để giáo dục về lịch sử, về tình yêu quê hương đất nước. Bên cạnh hoạt động dâng hương tưởng niệm tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; các Phật tử còn nghe tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về nơi tiền tiêu Tổ quốc. Ở vùng phên dậu đầu sóng ngọn gió, còn biết bao khó khăn thiếu thốn, nhưng từng tấc đất của dân tộc vẫn luôn được bảo vệ, gìn giữ và trân trọng.
Ngoài ra, chư tôn đức còn mong muốn tạo nét văn hóa Phật giáo đặc trưng của Cô Tô khi tổ chức Lễ rước đăng hay còn gọi Lễ hội đèn lồng/ Lễ hội ánh sáng truyền thống vào ngày vía Quán Thế Âm 19/6 AL hằng năm. Với gần 1.000 Phật tử tham gia năm nay, lễ rước mang đến không khí rộn ràng cho bà con trên đảo. Cờ Tổ quốc, cờ ngũ sắc bay phấp phới, trang phục đa dạng; đoàn rước đi qua các tuyến phố chính của thị trấn Cô Tô, gây ấn tượng mạnh với khách du lịch. Đó cũng chính là cách để đưa Phật giáo đến gần hơn với người dân.
Tiếng chuông u minh mãi ngân vang giữa trùng khơi, như một minh chứng rõ nét Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Xây dựng tự viện tại các đảo, quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc cũng chính là chủ trương của GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nói riêng và TƯGH nói chung; để trở thành cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền dân tộc, cũng như đáp ứng nhu cầu tu học của bà con ở đảo xa. Và những lời pháp âm từ biển cả giống như ngọn đèn chỉ lối, soi sáng đường đi đến giác ngộ của mỗi người con Phật.
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ
Tin Phật sự 05/09/2024 10:49:19
Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ
Tin Phật sự 05-09-2024 10:49:19
Một mùa Vu Lan đặc biệt
Tin Phật sự 20/08/2024 09:05:04
Một mùa Vu Lan đặc biệt
Tin Phật sự 20-08-2024 09:05:04
Đại sứ Pakistan thăm Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tin Phật sự 19/08/2024 16:05:49
Đại sứ Pakistan thăm Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tin Phật sự 19-08-2024 16:05:49
Lễ tác pháp Tự tứ An cư kết hạ Phật lịch 2568 tại Hạ trường Tùng lâm Quán Sứ
Tin Phật sự 17/08/2024 12:42:21
Lễ tác pháp Tự tứ An cư kết hạ Phật lịch 2568 tại Hạ trường Tùng lâm Quán Sứ
Tin Phật sự 17-08-2024 12:42:21
Tứ trọng ân – Giá trị của lòng biết ơn
Tin Phật sự 16/08/2024 16:26:27
Tứ trọng ân – Giá trị của lòng biết ơn
Tin Phật sự 16-08-2024 16:26:27
16 lượt thích 0 bình luận