Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.04.2024

04/04/2024 09:12:09 2046 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ban TT-TT TƯGH sẽ tập huấn truyền thông Phật giáo năm 2024; Gìn giữ các sản phẩm khảo cổ; Phóng sinh sao cho đúng cách.

TP.HCM: Hội nghị giao ban đề cập đến vấn đề thuyết giảng trên mạng

Ngày 03/04, tại Thiền viện Quảng Đức, TP.HCM, Văn phòng 2 TƯGH tiếp tục giao ban với BTS GHPGVN các tỉnh thành phía nam gồm: Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Hậu Giang và Tiền Giang để lắng nghe ý kiến, giải quyết một số vướng mắc tại các địa phương, trình HĐTS.

Cũng giống như Hội nghị giao ban 2 ngày trước, đại diện các tỉnh thành Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Hậu Giang và Tiền Giang lần lượt báo cáo các kết quả Phật sự thời gian vừa qua; đồng thời đề cập tồn đọng, khó khăn gặp phải như: vấn đề quản lý Tăng Ni, tự viện tại phương; chư Tăng Ni thuyết giảng trên mạng xã hội chưa đúng quy định của Giáo hội và xây am cốc mà không đăng ký chuyển vùng hoạt động tôn giáo, … Ngoài ra, các địa phương cũng đề xuất Trung ương Giáo hội cùng các cấp chính quyền hỗ trợ và có giải pháp để các Phật sự thuận lợi và nhanh chóng.

Đúc kết phiên họp, chư Tôn đức Chủ tọa đoàn đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của BTS GHPGVN các tỉnh, thành cũng như những thành tựu đã đạt được. Về một số Phật sự khó khăn như báo cáo, Thường trực HĐTS cũng như Văn phòng 2 TƯGH ghi nhận và báo cáo lên chư tôn giáo phẩm lãnh đạo để đưa ra phương án tháo gỡ.

Ban TT-TT TƯGH sẽ tập huấn truyền thông Phật giáo năm 2024

Chiều 3/4, tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, Ban TT-TT TƯGH đã họp, triển khai những Phật sự trọng tâm sắp tới. Phiên họp dưới sự chủ trì của HT Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HDTS, Trưởng Ban TT-TT TƯGH.

Tại phiên họp, chư tôn đức đã thảo luận, đóng góp ý kiến về kế hoạch chương trình Vu lan đạo hiếu và dân tộc năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 07/7AL. Đây là chương trình thường niên của Ban năm 2014, nhằm quảng bá văn hóa Phật giáo Việt Nam nhân lễ báo hiếu. Cùng với đó là khóa tập huấn thông tin truyền thông Phật giáo toàn quốc năm 2024 vào khoảng tháng 10/2024 tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với chủ đề dự kiến “Tăng Ni, Phật tử với công tác truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội”.

Ngoài ra, chư tôn đức cũng thảo luận về giải Báo chí toàn quốc về Phật giáo “Phật giáo Việt Nam với truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc” lần thứ nhất, năm 2024. Thể loại tham gia gồm cả báo in, báo điện tử, báo phát thanh, truyền hình – dự kiến họp báo công báo giải trước ngày 21/6/2024 và trao giải vào tháng 1/2025.

TT-Huế: Thảo luận về công tác tổ chức Đại lễ phật đản Phật lịch 2568

Tại phiên họp, chư tôn đức Trưởng tiểu ban – Ban Tổ chức Đại lễ đã báo cáo chi tiết các công tác Phật sự đã triển khai theo đúng thông bạch của TƯGH về Đại lễ Phật đản 2024. Các tiểu ban thiết trí, trang hoàng đường phố, xe hoa, thắp sáng 7 hoa sen trên sông Hương cơ bản đã ổn định và sẽ xong đúng tiến độ được đề ra. Bên cạnh đó, hội nghị còn thảo luận về việc tham dự Hội nghị giao ban năm 2024 khu vực phía Nam và Hội nghị sinh hoạt giáo hội năm 2024, tổ chức khóa tu mùa hè, phối hợp với hội liên hiệp thanh niên tỉnh và tổ chức tọa đàm về “Bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã dưới góc nhìn Phật giáo”.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sáng 3/4 lên kế hoạch tổ chức tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XV (2024 – 2028).Tại phiên họp, chư tôn đức đã bàn về kế hoạch tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XV (2024 – 2028). Đối tượng tuyển sinh gồm Tăng Ni là công dân Việt Nam dưới 35 tuổi, tốt nghiệp Trung học phổ thông, tốt nghiệp Trung cấp Phật học (hoặc tốt nghiệp Đại học), giới phẩm từ Sa-di, Sa-di-ni trở lên. Thí sinh thi 3 môn bắt buộc (thi viết) gồm Giáo lý Phật học căn bản; Văn học Việt Nam và ngoại ngữ gồm Hán văn, Anh văn hoặc Trung văn (tự chọn). Dịp này, chư tôn đức cũng bàn về công tác tổ chức Phật đản, chương trình Học bổng du học Ấn Độ năm 2024 cho Tăng ni sinh học viện

TP.HCM: Chung tay hỗ trợ nạn nhân vụ cháy ven kênh Tàu Hũ

Ngày 01/04,  người dân sống gần kênh Tàu Hũ (Quận 8, TP.HCM) phát hiện đám cháy bùng phát tại một dãy nhà dân trên đường Phạm Thế Hiển. Rất may mắn là không có thiệt hại về người, nhưng rất thiều nhà cửa và tài sản bị thiêu rụi. Hôm qua ngày 02/04, BTS GHPGVN quận phối hợp với MTTQVN TP, Hội Chữ thập đỏ TP cùng các ban ngành đoàn thể đến hiện trường vụ cháy, thăm hỏi động viên các gia đình bị hỏa hoạn.

Theo UBND quận 8, vụ hỏa hoạn đã khiến 1 xưởng gỗ và 3 nhà dân bị cháy hoàn toàn, 6 hộ bị ảnh hưởng với 26 nhân khẩu, tổng diện tích cháy là 470m2. Với tinh thần cứu khổ ban vui Ban Trị sự GHPGVN Quận 8 đã cùng các Tự viện, mạnh thường quân phối hợp với chính quyền các cấp, kịp thời hỗ trợ 9 hộ dân bị cháy, nhằm định cuộc sống trước mắt. Tổng trị giá trao tặng là 124 Triệu đồng tiền mặt.

Đại diện Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã thăm hỏi, động viên các hộ bị ảnh hưởng trong vụ cháy; đồng thời, trao tặng kinh phí 55.000.000 đồng. Chính quyền địa phương cũng bố trí chỗ nghỉ tạm thời, cung cấp vật dụng sinh hoạt cá nhân, thực phẩm… trong thời gian xây sửa lại căn nhà.

UBND quận 8 cho biết, qua điều tra ban đầu, lực lượng chức năng xác định ngọn lửa xuất phát từ xưởng gỗ cũ rồi lan sang các nhà dân. Dù khu vực cháy nằm sâu bên trong nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC với các phương án chữa cháy đường bộ, đường thủy cũng đã giúp dập tắt, ngăn cháy lan, bảo vệ dãy nhà khoảng 1.120m2 liền kề, không có thương vong về người.

Gìn giữ các sản phẩm khảo cổ

Chùa Nhẫm Dương thuộc quần thể di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương, TX.Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Nét độc đáo là bao quanh ngôi chùa này có hệ thống hang động, một số hang động còn lưu giữ dấu vết của người tiền sử. Không những vậy, đây còn là nơi phát tích thiền phái Tào Động Việt Nam. Chùa Nhẫm Dương còn là cơ sở cách mạng trong những năm kháng chiến. Vì thế, nơi đây được xem là bảo tàng khảo cổ học mang nhiều giá trị lịch sử.

Nét độc đáo nhất của Chùa Nhẫm Dương là được xây dựng dưới chân núi đá xanh, trong dãy núi này có hơn 20 hang, động. Trong đó có động Thánh Hóa và động Tĩnh Niệm phía sau lưng chùa. Động Thánh Hóa là nơi Đệ nhất Tổ Thủy Nguyệt viên tịch. Nơi đây các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xương răng của nhiều giống loài động vật cổ và đười ươi có niên đại 3 đến 5 vạn năm và nhiều di vật khảo cổ ở các thời kỳ từ Đông Sơn, Đông Hán đến Đinh – Tiền Lê, Lý – Trần. Hiện tại chùa còn lưu giữ và trưng bày nhiều di vật khảo cổ học.

Những năm kháng chiến chống Pháp, chùa Nhẫm Dương là cơ sở hoạt động của các chiến sĩ như: Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Công Hòa. Thời kỳ chống Mỹ chùa là nơi đóng quân của một tiểu đội pháo và Bệnh viện Quân y Viện 7, quân khu 3. Với những giá trị đặc biệt về khảo cổ học, lịch sử và văn hóa, chùa Nhẫm Dương được bổ sung hồ sơ đề cử là di sản văn hóa thế giới.

Việc duy trì và phát huy giá trị của di tích Nhẫm Dương có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi di tích này cùng với động Kính Chủ trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt được bổ sung vào hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc, trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Phóng sinh sao cho đúng cách

Theo quan điểm Phật Giáo, phóng sinh là một nét đẹp, thể hiện lòng từ bi, mong muốn đem lại sự bình an cho tất cả mọi loài. Lễ phóng sinh thường được tổ chức nhằm hướng con người đến những điều thiện. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của việc phóng sinh và nếu phóng sinh không đúng cách sẽ làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có của nghi thức này. Đó cũng là chủ đề trong chuyên mục tiêu điểm của bản tin ngày hôm nay.

Ban trải lòng từ, đem tình thương đến với mọi người, mọi loài và nỗ lực bảo vệ sự sống là sứ mạng của những người con Phật. Từ con sâu, cái kiến cho đến những loài vật khác, hễ có mạng sống thì đều mong muốn hạnh phúc, an vui. Và từ đó, Phật giáo càng khuyến khích người dân phóng sinh và việc làm này mang đến nhiều lợi lạc. Như trong kinh Dược sư có câu “Nhiên đăng, tạo phan, phóng sinh, tu phúc… thì sẽ đạt được Giải kết, tiêu tai, tăng diên thọ”.

Người học Phật tăng trưởng lòng từ bi là điều rất cần thiết nhưng từ bi phải có trí tuệ. Và ở đâu đó, vẫn có những người phóng sinh theo cách này. Họ thả cá từ trên cầu.

Điều này cho thấy một thực trạng đáng buồn là nhiều người có tâm phóng sinh nhưng lại không biết phóng sinh thế nào cho đúng. Thậm chí, từ một nghi thức đậm chất nhân văn, từ bi của đạo Phật, chuyện phóng sinh hiện đã và đang ngày càng biến tướng ở nhiều nơi khi quá nặng tính hình thức.

Vậy nên, phóng sinh chính là giúp loài mình cứu được sống tiếp và không bị bắt lại. Quan trọng hơn là không tạo ra tiền lệ cũng như hệ lụy, khiến cho đồng loại của chúng phải chịu chung số phận bị bắt nhốt. Nếu không, đồng tiền chúng ta bỏ ra để phóng sinh là vô giá trị.

Cho đến nay, các quy chuẩn về việc phóng sinh đúng đắn chưa được phổ cập. Nên một số tự viện, đạo tràng chỉ biết gắng sức sao cho các loài mình phóng sinh sẽ được đảm bảo tối đa về sự sống.

Như tại Nam Định, nhân ngày lễ vía quán thế âm bồ tát, chị Quỳnh cùng các Phật tử Bảo tháp đại bi, chùa Phúc Lộc, huyện Nghĩa Hưng đã cùng hùn phước ra các chợ dân sinh chuộc mạng cho các loài. Đầu tiên là chim chóc, ngay sau khi mua, họ lập tức mang sang bên đường, tụng bài kinh ngắn rồi thả. Quá trình diễn ra nhanh gọn, đảm bảo sức khỏe cho loài chim.

Theo hướng dẫn của chư Ni, các Phật tử chùa Phúc Lộc không được đặt trước đồ phóng sinh mà phải ra chợ mua. Bởi nếu đặt trước, rất nhiều loài có thể sẽ mất đi sự sống trong quá trình vận chuyển, cũng như dẫn đến tình trạng thương mại hóa nghi thức cao đẹp này. Và đặc biệt là không được mua các loài động vật nơi cửa chùa.

Cũng giống như lúc thả chim, số cá, ba ba hay lươn trạch vừa chuộc mạng sẽ được chuyển ngay đến bến phà gần nhất. Với ốc thì được thả ngay bên ven sông còn các loài khác thì sẽ được thả ở giữa sông để tránh bị bắt lại. Môi trường nước cũng phải phù hợp với tập tính sinh sống của các loài. Đảm bảo không có loài ngoại lai, xâm lấn ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Trong quá trình phà di chuyển, chư ni và Phật tử tranh thủ tụng niệm. Toàn bộ quá trình thả cá phóng sinh chỉ khoảng 10 phút. Theo ghi nhận của phóng viên, các loài khi xuống nước đều vùng vẫy khỏe mạnh.

Sau khi phóng sinh, các Phật tử mới về chùa tụng kinh niệm Phật thay vì mang các con vật lên chùa làm lễ quy y, thuyết pháp. Lúc này, nhiều người chưa có duyên tham dự lễ phóng sinh cũng có thể phát nguyện sẽ chuộc mạng muôn loài vào lúc khác. Bởi đó cũng là phóng sinh. Trình tự có thể hơi ngược theo quan điểm của một số người, nhưng lợi ích thì lại rất nhiều.

Từ đó có thể thấy, phóng sinh sao cho đúng thì rất dễ, chỉ là con người tự làm cho nó phức tạp lên dẫn tới sự sai lệch. Đó là chưa kể, việc phóng sinh không đúng cách như thế đã khiến cho hạnh phóng sinh của đạo Phật bị hiểu lầm đáng tiếc trong cộng động xã hội. Vậy nên, Phóng sinh đúng cách là điều cần quan tâm để thực hiện trọn vẹn lòng từ bi, nhận được công đức, giúp chúng sinh có cuộc sống bình an.

Cụm tin văn hóa

Một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch, trong 3 tháng đầu năm 2024, du lịch Ninh Bình đón 3,9 triệu lượt khách, trong đó có gần 340.000 lượt khách quốc tế.

Lượng du khách đến Ninh Bình tăng ấn tượng nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 52% chỉ tiêu đề ra đón 7,5 triệu lượt du khách trong năm 2024. Doanh thu du lịch 3 tháng đầu năm 2024 đạt 3.660 tỷ đồng, tăng gần 46% so với cùng kỳ 2023. Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, theo hướng gắn với công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số…

Tháng 9 tới, tỉnh Cao Bằng sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là sự kiện khu vực, góp phần quảng bá du lịch Cao Bằng với thế giới. Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là một vùng đất hiếm có, với các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, cảnh quan đá vôi. Tại đây cũng  có nhiều danh lam thắng cảnh như khu Du lịch Sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… và đặc biệt là Thác Bản Giốc.

Khôi phục kiến trúc ngôi chùa cổ từng bị lãng quên

Cách chùa Tây Phương khoảng 500m về phía Tây Bắc, có 1 ngôi chùa cổ mà rất ít người biết đến, đó là chùa Cực Lạc (hay còn gọi là chùa Lôi Âm), xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc thành phố Hà Nội. Ngôi chùa Cực Lạc đã bị sập đổ và những vật liệu kiến trúc bị vùi sâu dưới lòng đất khiến chùa bị lãng quên. Gần đây việc phát hiện ra những vật liệu kiến trúc cổ dần dần trả lại vị trí vốn có của ngôi chùa.

“Thạch là đá

Đá là tinh của trời đất

Chùa đá – Tượng đá

Có sự uy nghi muôn thuở”.

Nét độc đáo của chùa Cực Lạc là tất cả các công trình đều được tạo dựng hoàn toàn bằng đá, sỏi. Việc bố trí thờ cúng ở chùa Cực Lạc theo tín ngưỡng của người Việt “Tiền thần hậu Phật”, nên ngay trước cổng chùa là tượng của 8 vị thần bằng đá xanh rất đồ sộ, cao trên 2m, cầm binh khí, lệnh bài. Điều đặc biệt là hoa văn cách điệu trên tượng thần đều được trang trí bằng đá dăm và sỏi đa sắc, trông rất lạ mắt.

Chùa Cực Lạc được xây dựng trên đỉnh núi đất cao, nằm ở vị trí tiếp giáp với ba thôn nên có tên gọi là Tam Thôn. Nơi đây trước kia vốn có một ngôi chùa cổ nhưng hiện tại đã bị san phá để xây một ngôi chùa mới. Ngôi chùa mới được làm trên nền ngôi chùa cổ. Theo nhân dân địa phương, ngôi chùa vốn có từ lâu đời, đã nhiều lần được tu sửa. Trước khi bị sập đổ hoàn toàn, chùa được xây gạch, lợp mái ngói, cột và bộ mái được làm bằng gỗ bạch đàn, lâu dần chùa bị xuống cấp, từ năm 2004 chùa được làm mới lại hoàn toàn.

Vãn cảnh chùa, nhân dân Phật tử còn ấn tượng bởi vườn đá cảnh với hình ảnh cây cối, con vật, cột trụ đều được làm từ chất liệu đá. Cây đa và cây đại trong khuôn viên chùa còn được công nhận là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử gì hóa”. Ngôi chùa với kiến trúc đặc biệt đã níu chân bao vị khách tha phương, tìm về xứ Đoài để cảm nhận sự an yên, thư thái.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 03.04.2024:

14 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ

Tin Phật sự 05/09/2024 10:49:19

Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ

Tin Phật sự 05-09-2024 10:49:19

Giới luật giữ vai trò then chốt trong tu học của tu sĩ Phật giáo. Tăng, ni trẻ là những hành giả dễ bị nhiễm ô theo sự cám dỗ của dục lạc. Chính vì vậy, Giới luật giữ vai trò như sợi dây neo giúp con thuyền tâm thức có nơi bám trụ, giúp mang lại sự bình ổn và bền vững, không bị dao động trước thay đổi, biến cố trong cuộc sống.
1585 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2538 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1479 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3671 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2606 lượt xem 0 Bình luận