Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.04.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TP.HCM: Đoàn Công tác Thành ủy khảo sát địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak 2025; Đà Nẵng: Tọa đàm dạy, học và thi cử hệ Trung cấp Phật học cùng nhiều tin tức Phật sự quan trọng khác.
Thủ tướng gặp mặt “Những ngọn lửa giữ hồn văn hóa dân tộc”
Nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chiều qua ngày 19/4, tại Trụ sở Chính phủ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt Đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu.
Đại diện Phật giáo tham dự có Hòa thượng Chau Sơn Hy – Trưởng BTS GHPGVN huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, là vị giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer đã dành nhiều tâm huyết xây dựng Bảo tàng văn hóa lúa nước tại vùng đất Bảy núi.
Tại đây, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân đã báo cáo với Thủ tướng về những việc làm thiết thực trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, đóng góp quan trọng mà các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trên cả nước đã đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định văn hóa các dân tộc không chỉ là tài sản riêng của mỗi con người, vùng đất, địa phương mà là tài sản chung của cả quốc gia, dân tộc. Thủ tướng mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiếp tục làm tốt công tác vận động đồng bào các dân tộc nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tô thắm nét đẹp văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TP.HCM: Đoàn Công tác Thành ủy khảo sát địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak 2025
Ngày 20/04, đoàn công tác Thành uỷ TP.HCM và các sở, ban ngành Thành phố có buổi làm việc với TƯGH và Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM khảo sát địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 tại TP.
Tại Học viện PGVN tại TP.HCM, TT.Thích Thanh Phong – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng Học viện gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Thành uỷ và các sở, ban ngành Thành phố đã quan tâm, chỉ đạo các khâu chuẩn bị Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025. Trung ương Giáo hội đã có chủ trương và đang khẩn trương chuẩn bị bước đầu phục vụ Đại lễ. Riêng Học viện đã có phương án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các sự kiện chính trong phiên Khai mạc và các Hội thảo chuyên đề.
Thay mặt đoàn công tác, ông Nguyễn Phước Lộc – Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM đánh giá cao sự chủ động của Giáo hội trong quá trình tiếp nhận, lên kế hoạch tổ chức Đại lễ. Đồng thời mong muốn TƯGH và Học viện thông tin cụ thể các phương án bố trí không gian hội trường chính, hội trường phụ, địa điểm lưu trú, phân luồng đại biểu và các khâu khác trong quá trình sự kiện diễn ra để Thành phố tổng hợp, trình Trung ương xem xét, cho ý kiến.
Dịp này, đoàn công tác cũng khảo sát các địa điểm dự kiến làm hội trường chính, hội trường phụ, khu vực khánh tiết phục vụ đón tiếp hơn 3.500 đại biểu về dự Đại lễ tại Học viện và chùa Thanh Tâm.
TP.HCM: VP2 họp triển khai nhiều Phật sự quan trọng
Sáng 20/04, tại Thiền viện Quảng Đức, TP.HCM, chư tôn đức Văn phòng 2 TƯGH đã họp giao ban triển khai nhiều phật sự quan trọng thời gian tới.
Tại cuộc họp, chư tôn đức lắng nghe báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị sinh hoạt giáo hội phía nam diễn ra ngày 25/04, các văn kiện hội nghị, danh sách các tỉnh, ban viện tham dự…
Dịp này, chư tôn đức cũng thảo luận, thống nhất kế hoạch tổ chức Đại lễ phật đản PL.2568 tại VP2 ngày 8/4ÂL, tổ chức khoá an cư kiết hạ với dự kiến 50 hành giả, thông qua lịch tổ chức sự kiện của ban ngành viện, BTS GHPGVN các tỉnh thành…
Tham dự và chỉ đạo tại cuộc họp, trưởng lão HT Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS đã tán thán công đức của VP2 TƯGH khi thực hiện thành công 6 điểm của phiên họp giao ban kỳ trước, yêu cầu VP2 tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho BTS các tỉnh, thành, hoàn thành tốt các phật sự trọng tâm thời gian tới…
Hội nghị sơ kết hoạt động Ban Văn hóa TƯGH quý I năm 2024
Sáng 20/4, tại chùa Yên Phú (Hà Nội), Ban Văn hóa TƯGH đã sơ kết Phật sự quý I, triển khai hoạt động quý II năm 2024. Khoảng thời gian ngắn đầu năm nhưng Ban đã thành tựu nhiều Phật sự ý nghĩa.
Trong quý I năm 2024, Ban Văn hóa TƯGH phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An tổ chức công diễn ra mắt nhạc phẩm Phật giáo Việt Nam, tổ chức hành hương về miền đất Phật Ấn Độ, Nepal, dự lễ khánh thành ngôi tịnh liêu tri ân và lưu danh Đức đệ nhất Pháp chủ tại An Nam Phật Quốc Tự – Bồ Đề Đạo Tràng; phối hợp Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM tổ chức khóa học Người dẫn chương trình Phật giáo tại Tu Viện Khánh An; và Khảo sát xây dựng điểm trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
Dịp này, Ban ra mắt các tác phẩm văn hóa và âm nhạc Phật giáo Việt Nam, do nhạc sĩ Lê Minh Sơn phổ nhạc từ Kinh Chuyển Pháp Luân; kí kết với Viện Trần Nhân Tông, DHQGHN để phối hợp triển khai các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa Phật giáo Việt Nam…
Đà Nẵng: Tọa đàm dạy, học và thi cử hệ Trung cấp Phật học
Tối 19/4, trong chương trình của Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm cho Giáo thọ, Giảng viên các Trường Phật học trên toàn quốc năm 2024 tại TP.Đà Nẵng, tọa đàm chuyên đề “Dạy, Học và Thi cử” hệ Trung cấp Phật học đã diễn ra với hơn 350 học viên tham dự.
Phát biểu tại tọa đàm, TT. Thích Viên Trí, UV HĐTS, Phó ban – Chánh Thư ký ban GDPG TƯGH cho biết chủ đề chính cần thảo luận bao gồm: bộ Sách Giáo Khoa TCPH; Thi học kỳ và Thi Tốt nghiệp, cấp Văn bằng Tốt nghiệp và các vấn đề khác.
Đại diện các Trường TCPH Khánh Hòa, Long An, Bình Định, Huế, Bạc Liêu, Bến Tre, Khánh Hòa, Đồng Tháp … đã có nhiều kiến nghị quan trọng về giảng dạy và các tồn đọng trong việc đào tạo Phật học tại các địa phương.
Buổi tọa đàm cũng đi đến thống nhất việc đưa vào chương trình giảng dạy một số môn thế học theo quy định, việc tổ chức thi Tốt nghiệp cho hệ Trung cấp, cần có chế độ theo dõi việc áp dụng chương trình đào tạo do Ban GDPG TƯGH biên soạn …
Cụm tin Phật sự
Tại Bình Định, BTS GHPGVN tỉnh đã họp, triển khai Thông bạch của HĐTS về việc tổ chức Đại lễ Phật đản và khóa An cư kiết hạ 2024.
Tại cuộc họp, Chư tôn đức đã thảo luận kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật đản, thời gian từ ngày 08/5 đến 22/5 (nhằm mùng 1/4 đến 15/4 ÂL), lễ chính thức diễn ra lúc 7h00 ngày 15/4ÂL. Về khóa ACKH, BTS GHPGVN tỉnh thực hiện theo thông tư của HĐTS, đảm bảo các thời khóa truyền thống, trau dồi cả nội điển và ngoại điển cho chư hành giả.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, BTS GHPGVN tỉnh, Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban với đại diện chư Tăng, các vị Achar, Phật tử tiêu biểu các tự viện Phật giáo Nam tông Khmer của ba huyện Châu Thành, Gò Quao và Giồng Riềng. Theo đó, các nội dung về cơ sở vật chất dạy chữ Khmer cho chư Tăng, con em đồng bào bị thiếu hoặc xuống cấp, hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập; đưa chữ Khmer vào chương trình học phổ thông; bổ nhiệm trụ trì các chùa chưa có trụ trì; cấp mới – cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây mới – tu sửa các lò hỏa táng…được đề cập. Ngay sau đó, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành lần lượt trả lời và đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới.
Cụm tin từ thiện
Sáng 20/4 tại Đồng Nai, Ban Trị sự GHPGVN huyện Long Thành phối hợp cùng ban An Toàn Giao Thông huyện trang nghiêm tưởng niệm và cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024 tại Chùa Bửu Hưng.
Đồng Nai: Cầu siêu nạn nhân tử vong do TNGT năm 2024
Buổi lễ diễn ra với các nghi thức truyền thống: Đại trai đàn Chẩn tế, cầu nguyện các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông quá vãng được siêu thoát, nhắc nhở người tham dự có trách nhiệm với xã hội, nghiêm túc chấp hành luật giao thông. Dịp này, Ban Trị sự GHPGVN huyện Long Thành tặng 30 phần quà, tổng trị giá gần 40 triệu đồng, hỗ trợ gia đình có người thân tử vong do tai nạn giao thông.
Phân ban Ni giới TƯGH tặng thư viện và sách cho học sinh
Hôm 19/4, đoàn PBNG T.Ư cùng Sở giáo dục tỉnh Bến Tre khánh thành “Thư viện xanh” đầu tiên và tặng 48 đầu sách cho các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trí Việt, H. Bình Đại với kinh phí là 70 triệu đồng. Sắp tới, phân ban tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục xây dựng thêm nhiều công trình đọc tại các trường công lập.
Vĩnh Long: Khánh thành cầu và trao quà đến người dân khó khăn
Trong khi đó, Sư cô Thích nữ Đức Quang, Trụ trì chùa Thiên Phước, tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng các đơn vị khánh thành cầu giao thông nông thôn dài 27m, rộng 3m, tải 1 tấn tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn sau hơn 2 tháng thi công. Qua đó tạo thuận lợi cho việc đi, nhất là trẻ em được đến trường an toàn. Dịp này, chùa tặng 50 phần quà đến cho người dân địa phương khó khăn.
Kết nối phát triển du lịch từ các di tích gắn với Thiền sư Từ Đạo Hạnh
Thiền sư Từ Đạo Hạnh là nhân vật có nhiều công trạng về tín ngưỡng và chính trị, được cộng đồng cư dân các nơi thờ phụng bày tỏ lòng tín ngưỡng. Tiêu biểu trong đó có chùa Láng, chùa Thầy và chùa Đồng Bụt. Từ những giá trị hiện diện ở các ngôi chùa này và sự phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch văn hoá, tâm linh, thì việc thiết lập tuyến tham quan kết nối 3 ngôi chùa sẽ góp phần quảng bá lịch sử, văn hoá và công trạng thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Trong chuyên mục Tiêu điểm ngày hôm nay, kính mời quý vị cùng tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh năm 1116, tên húy là Từ Lộ. Thân phụ là Từ Vinh, thân mẫu là Tăng Thị Loan. Theo Thiền Uyển tập anh, Từ Đạo Hạnh dư thị khoa Bạch liên đỗ Tăng quan, ẩn tu ở núi Từ Sơn, sau về trụ trì chùa Thiên Phúc ở Sài Sơn, (hay còn gọi là chùa Thầy, nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội). Ngài là Thiền sư nổi tiếng thời Lý, được tôn là Nam Việt Tam thánh. Trên phương diện Sử học tôn giáo, Thiền sư Từ Đạo Hạnh thuộc phổ hệ 12 Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi – một Thiền phái mang yếu tố Mật tông; vì vậy, hành trạng và đạo nghiệp cũng mang đậm yếu tố này.
Sau khi viên tịch, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã được cộng đồng cư dân các nơi phụng thờ để tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn. Nhiều nhà nghiên cứu đã dành thời gian, tâm huyết để tìm hiểu về các nơi thờ tự Ngài, có thể kể đến Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình,…
Tiêu biểu trong các nơi phụng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh có 3 ngôi chùa tại Hà Nội: Chùa Láng (quận Đống Đa), chùa Thầy và chùa Đồng Bụt (huyện Quốc Oai). Từ đó đã hình thành nên hệ thống chùa “tiền Phật hậu Thánh” và lễ hội Phật giáo ở khu vực phía Tây Hà Nội. Trên thực tế, 3 ngôi chùa này đều gắn bó mật thiết với Thiền sư Từ Đạo Hạnh khi Ngài hành đạo và gắn với các địa điểm này là những câu chuyện được lưu truyền đến ngày nay.
Trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn cho biết di tích lịch sử lâu đời Chiêu Thiền tự ở Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội do Lý Thần Tông dựng lên để thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Hội chùa Láng cử hành vào ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch (ngày sinh của Thiền sư). Chư tăng và Phật tử tụng kinh cúng Phật; cử hành lễ mộc dục, giải phục tu hành (cởi bỏ áo cà sa của tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh) và mặc áo triều phục hoàng đế cho ngài. Hấp dẫn nhất là nghi thức rước kiệu Đức Thành Từ lên chùa Hoa Lăng thăm Thánh phụ, Thánh Mẫu và diễn thuật lại tích Đức Thánh diệt ác, trừ gian trên sông Tô Lịch tại khu vực Quan Hoa.
Còn tại chùa Thầy, đây là nơi chứng kiến Thiền sư Từ Đạo Hạnh tu hành và đắc đạo và cũng là nơi lưu giữ Ngọc Phật của Ngài. Chùa Thầy có tên chữ là Thiên Phúc tự, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Hội chùa Thầy diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 5 – mùng 7 tháng 3 âm lịch hằng năm. Lễ hội gồm nhiều nghi lễ như lễ tắm tượng, lễ cúng Phật và chạy đàn. Đặc biệt, dân gian coi Ngài vừa là Tăng, vừa là Phật, là Vua và là Tổ sư nghề múa rối cổ truyền. Năm nào, cứ đến lễ hội, các cao niên trong làng Đồng Bụt cũng sắm sửa lễ vật thành kính, tổ chức đoàn rước ra chùa Thầy dâng lên Thiền sư. Và đến ngày lễ hội chùa Đồng Bụt, dân làng Sài Sơn mang lễ vật vào dâng lên Thiền sư như một nghi thức đáp lễ.
Cách chùa Thầy hơn 8km, Chùa Đồng Bụt thuộc làng Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. Ngôi làng cổ này từ lâu nhân dân địa phương và quanh vùng vẫn tự hào đây là đất Phật, là quê hương, nơi sinh ra của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa có tên chữ là “Thiền Sư tự”, Thượng điện chùa là nơi thờ thân Phụ, thân Mẫu và Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ở đây người xưa tạc tượng Thiền sư khi còn trẻ, ngồi thiền định, nét mặt tươi sáng, thanh tú. Hội làng Đồng Bụt diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch, trong đó việc rước kiệu Thiền sư Từ Đạo Hạnh từ chùa ra Quán Thánh là nghi lễ trang nghiêm, thành kính nhưng cũng rộn rã, tưng bừng. Tương truyền, Quán Thánh được xây dựng từ thời Lý, đây là nơi nghỉ chân của Từ Đạo Hạnh khi Ngài từ Đồng Bụt ra chùa Thầy.
Sự gắn bó của Thiền sư Từ Đạo Hạnh với 3 ngôi chùa này phần nào cho thấy vai trò to lớn của Ngài với vùng đất Hà Nội. Với sự kết nối đó, có một câu hỏi được đặt ra rằng: Làm thế nào để phát triển tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng kết nối các di tích gắn với thiền sư Từ Đạo Hạnh?
Mang tính chất đặc thù của việc phát triển du lịch văn hoá tâm linh, lịch sử, nên nếu hành trình kết nối 3 điểm du lịch được hình thành thì không chỉ giúp địa phương phát triển kinh tế, người dân – du khách hiểu hơn về lịch sử, hình thành niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ văn hoá quê hương, mà còn lan tỏa tinh thần từ bi, giá trị cao đẹp của đạo Phật.
Từ nghiên cứu mối quan hệ giữa chùa Đồng Bụt, chùa Láng và chùa Thầy cho thấy vấn đề thiết lập tuyến du lịch văn hóa tâm linh về cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh gắn liền với 3 ngôi cổ tự này là rất cần thiết trong bối cảnh phát triển du lịch – một hướng phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội hiện nay. Đây là việc làm cần có thời gian cùng với sự thay đổi tư duy trong phát triển văn hóa truyền thống gắn với căn cốt: di sản văn hóa thành tài sản văn hóa, sản phẩm độc đáo cho ngành du lịch ở Hà Nội thời gian tới.
Tin liên quan
Chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) chuyển yêu thương tới đồng bào vùng bão lũ miền Bắc
Tin Phật sự 13/09/2024 11:25:32
Chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) chuyển yêu thương tới đồng bào vùng bão lũ miền Bắc
Tin Phật sự 13-09-2024 11:25:32
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra thông bạch vận động cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Tin Phật sự 11/09/2024 11:42:08
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra thông bạch vận động cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Tin Phật sự 11-09-2024 11:42:08
Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ
Tin Phật sự 05/09/2024 10:49:19
Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ
Tin Phật sự 05-09-2024 10:49:19
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
11 lượt thích 0 bình luận