Kinh Dược Sư có chữ trọn bộ giải trừ bệnh tật (Có PDF)

09/01/2024 10:05:00 1070 lượt xem

Thế giới của đức Phật Dược Sư cũng được gọi là “thế giới Cực Lạc” vì các cá nhân và đoàn thể tại đây luôn sống trong sự an lành và siêng làm việc thiện ích, dưới sự hướng dẫn của Phật và Bồ-tát. Cõi Phật Dược Sư còn gọi là “Tịnh Độ” ở phương Đông về địa lý, và thanh tịnh như lưu ly, về đặc điểm. Hình ảnh của “ngọc lưu ly” gợi cho chúng ta về một “cái gương” phản chiếu, theo tinh thần “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh.”

Kinh Dược Sư bản PDF đầy đủ

Xem chi tiết bản PDF tại: đây

MỤC LỤC

Lời nói đầu

PHẦN NGHI THỨC DẪN NHẬP

  1. Nguyện hương
  2. Đảnh lễ Tam bảo
  3. Tán hương
  4. Phát nguyện trì kinh
  5. Tán dương giáo pháp
  6. Tán Phật Dược Sư

PHẦN CHÁNH KINH

  1. Kinh bổn nguyện công đức của Phật Dược Sư

PHẦN SÁM NGUYỆN VÀ HỒI HƯỚNG

  1. Kinh tinh hoa trí tuệ
  2. Niệm danh hiệu bảy Phật Dược Sư
  3. Nguyện cầu an lành

11 A) Mấy điều quán tưởng

11 B) Sám mười nguyện

  1. Hồi hướng công đức
  2. Lời nguyện cuối
  3. Đảnh lễ Ba ngôi báu

LỜI NÓI ĐẦU

VÀI NÉT VỀ BẢN DỊCH

Kinh Dược Sư gọi đủ là Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh, được dịch từ bản chữ Hán của ngài Huyền Trang. Tại Trung Quốc còn có thêm bốn bản dịch khác là:

1) Bản dịch đời Đông Tấn (năm 317-322) của ngài Miên- thi-lợi Mật-đa-la.

2) Bản dịch đời Lưu Tấn (năm 457) của ngài Huệ Giản.

3) Bản dịch đời Tùy (năm 615) của ngài Đạt-ma-cấp-đa, và 4) Bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh (năm 707). Nhờ tính chất văn chương và dễ đọc tụng, bản của ngài Huyền Tráng được sử dụng phổ biến nhất trong các chùa Bắc tông tại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng nền văn hoá và văn tự của nước này.

Trong bản dịch tiếng Việt, chúng tôi cố gắng giữ nguyên cấu trúc “tứ tự” của bản dịch chữ Hán, nhằm tạo vần điệu cho từng lời kinh, giúp cho người đọc tụng dễ nhớ và thọ trì.

Để nội dung của Kinh được liền lạc, chúng tôi đã hoán đổi vị trí của một số cụm từ, câu và đoạn. Những câu văn và ý tưởng trùng lập trong bản chữ Hán đã được tỉnh lược trong bản tiếng Việt.

Căn cứ theo nội dung, chúng tôi đã chia kinh này làm 17 phần, mỗi phần mang một tiêu đề liên hệ đến các phương diện khác nhau của pháp trị liệu khổ đau vật lý và khổ đau tinh thần. Trường hợp, phần nào mà nội dung của nó đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, thì tiêu đề của nó mang tính cách bao quát. Cách phân chia như vậy, một mặt, giúp cho bố cục của bài Kinh được phân định rõ ràng, mặt khác, tạo sự chú tâm của hành giả vào pháp môn mà họ đang thọ trì, với những ý tưởng gợi ý cụ thể và bao quát.

TỊNH ĐỘ DƯỢC SƯ LƯU LY

Thế giới của đức Phật Dược Sư cũng được gọi là “thế giới Cực Lạc” vì các cá nhân và đoàn thể tại đây luôn sống trong sự an lành và siêng làm việc thiện ích, dưới sự hướng dẫn của Phật và Bồ-tát. Cõi Phật Dược Sư còn gọi là “Tịnh Độ” ở phương Đông về địa lý, và thanh tịnh như lưu ly, về đặc điểm. Hình ảnh của “ngọc lưu ly” gợi cho chúng ta về một “cái gương” phản chiếu, theo tinh thần “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh.”

Nói cách khác, khi tâm vắng mặt hoàn toàn dòng chảy của các tâm lý phiền não thì cõi tâm đó là một tịnh độ; tất cả hành vi thanh tịnh đều được gọi là “trang nghiêm Phật độ. Người với tâm thanh tịnh như lưu ly như vậy cư trú ở đâu thì tịnh độ có mặt ở đó. Mô thức “tâm tịnh <=> cõi tịnh” là con đường hai chiều của một quá trình tu tập nhằm thiết lập an vui và hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây.

CHẤT LIỆU DƯỢC SƯ TRONG MỖI NGƯỜI

Mười hai đại nguyện của Phật Dược Sư không chỉ trình bày về bản nguyện cứu đời của đức Phật Thầy Thuốc khi ngài còn là vị Bồ-tát, mà còn giới thiệu phương pháp hành đạo và hoằng pháp có hiệu quả cho tất cả những ai đang hướng về đạo quả giác ngộ vô thượng.

Trong Kinh Dược Sư, mô-típ “cầu chi được nấy” phản ánh tha lực độ sinh của chư Phật và Bồ-tát đối với chúng sinh chỉ mang ý nghĩa biểu trưng và thứ yếu. Trong khi đó, các ý tưởng sâu xa nằm trong từng lời Kinh mới chính là tư tưởng chủ đạo của Kinh Dược Sư, phản ánh tinh thần “tự trị liệu” cho các chúng sinh đang khổ đau, do nhân quả của hành vi bản thân gây ra trong chuỗi kiếp sống.

Nói cách khác, giới thiệu nguyện lực độ sinh của Phật Dược Sư là để làm trỗi dậy chất liệu giác ngộ (Phật) tiềm ẩn trong từng con người, theo đó, mỗi đức tính cao cả, mỗi sự chuyển hoá tâm là một “dược chất” (Dược) cho sự sống của bản thân, và nhờ tinh thần tự cứu độ này, mỗi người là một “vị thầy” (Sư) cho chính mình!

Đọc tụng và hành trì Kinh Dược Sư là nhằm phát triển các đức tính cao đẹp trong mỗi người để trị liệu tâm bệnh của bản thân và tha nhân. Các dược chất trị liệu và tiềm năng thầy thuốc đó có sẵn trong mỗi con người. Tu hạnh Dược Sư để được đức Phật Lưu Ly Quang Vương ban cho chúng ta “thuốc” phước-lộc-thọ, và để chúng ta “sống với dược chất tâm linh,” nhằm chữa lành các chứng bệnh vô minh, phiền não, nghiệp chướng cá nhân từ nhiều đời.

PHÁP TU DƯỢC SƯ

Pháp tu dược sư gồm hai phương diện. Về sự, hành giả phải tôn thờ hình tượng bảy đức Phật Dược Sư, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc trang nghiêm, cung kính đảnh lễ, cúng dường hương nhạc, hoa quả, đốt đèn và treo phan tục mạng, thọ trì đọc tụng Kinh Dược Sư bằng thái độ suy nghiệm và ứng dụng, từ bảy ngày cho đến bảy tuần, với lòng chí thành thì các nguyện ước chân chánh sẽ được thành tựu.

Về lý, quay lưng với những kinh nghiệm và hành vi bất thiện trong quá khứ và canh tân đời sống đạo đức ở hiện tại là tiêu chí đầu tiên của người tu hạnh dược sư.

Kế đến, hành giả phải sống đời đạo đức, giữ gìn giới hạnh, phát triển chính kiến, trao dồi đa văn, tự trọng, khiêm tốn, kết giao bạn lành, tán dương người thiện, tuỳ hỷ bao dung, không khen mình chê người, từ bỏ tham lam, keo kiệt, siêng năng bố thí, cúng dường, giúp người cần giúp.

Tâm hành giả phải thư thản, không để sân hận, buồn lo chi phối, đem lòng thương xót mọi loài, phóng sanh giúp vật, phát triển từ bi, giữ lòng hoan hỷ, buông xả, rộng lượng, thứ tha. Hiểu biết, cảm thông, hòa hợp với mọi người. Làm chủ các giác quan, biết đủ trong tiêu thụ và chi dùng, không xa hoa, lãng phí. Xây dựng niềm tin chân chánh, tỉnh thức ngày đêm trong mọi tư thế và hành vi.

Nếu những nỗi đau về thân xác phải được trị liệu bằng dược phẩm vật lý, thì những nỗi khổ về tinh thần cần được trị bằng dược phẩm tâm linh. Mỗi một đức tính tốt của con người là một chất liệu chuyển hoá tâm thức, mang lại an lạc và thảnh thơi, một cách vững chải và lâu dài, ở hiện tại và tương lai. Nói cách khác, để sở nguyện tuỳ tâm, cát tường như ý, chúng ta phải làm khơi dậy các dược chất tinh thần và tâm linh như vừa nêu.

Như vậy, hành pháp dược sư là sống các hạnh lành, phát triển tâm tỉnh thức. Đây là phương pháp trị liệu tâm bệnh rất thiết thực và hữu hiệu.

***

Khi dịch và phổ biến bản kinh này, soạn giả chỉ mong sao mọi người hiểu rõ được lời Phật dạy về các giá trị của sức khỏe, hạnh phúc và sự chuyển hóa, để sống thật khỏe mạnh và an lành ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.

Xin hồi hướng công đức của ấn bản này đến với mọi người và mọi loài.

Rằm tháng giêng, Giáp Thân 2004

THÍCH NHẬT TỪ

cẩn chí

NGUYỆN HƯƠNG

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. O

Nhang trầm thơm ngát cả rừng thiền,

Vườn tuệ chiên-đàn nguyện kết nên,

Giới đức vót thành hình núi thẳm, 

Hương lòng thắp sáng nguyện dâng lên. O

Đệ tử chúng con, một dạ chí thành, quỳ trước điện Phật, thiết lễ cầu an, trì kinh Dược Sư, nguyện tiêu tai chướng, nguyện giáng kiết tường. Ngưỡng nguyện đức Phật Dược Sư Lưu Ly, Thất Bảo Như Lai, cùng mười hai vị đại tướng Dược Xoa, gia hộ chúng con: O

Oan trái nhiều đời đều được tháo mở, Oán thù bao kiếp thảy đều tiêu tan.

Não phiền dứt sạch, xa lìa khổ ách, nghiệp chướng tiêu trừ, bốn mùa khoẻ mạnh, thân tâm an lạc, niềm tin vững chắc, phước thọ tăng long, mọi việc hanh thông, gia đình hưng thịnh, quyến thuộc khương ninh, pháp giới chúng sinh, cùng lên bờ giác. O

Nam-mô Hương Cúng Dường Bồ-tát (3 lần) O

ĐẢNH LỄ TAM BẢO

Phật là đấng giác ngộ mình,

Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời, Từ bi, trí tuệ rạng ngời,

Là thầy ba cõi trời người xưa nay. O

Chí tâm đảnh lễ tất cả Đức Phật ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O

Pháp là phương thuốc diệu thay,

Chữa lành bệnh khổ bao loài chúng sinh, Như vầng trăng sáng lung linh,

Soi đường ra khỏi u minh mê mờ.

Chí tâm đảnh lễ tất cả Tôn Pháp ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) O

Tăng là những bậc chân tu,

Biết đời huyễn mộng, giã từ ra đi, Thấm nhuần trí tuệ, từ bi,

Độ đời thoát khỏi tham . . . si khổ sầu.

Chí tâm đảnh lễ tất cả Hiền Thánh Tăng ba đời thường trú trong mười phương. (1 lạy) OOO

TÁN HƯƠNG

Lò hương vừa bén chiên đàn

Tỏa xông pháp giới đạo tràng mười phương Hiện thành mây báu cát tường

Xin Phật chứng giám tâm hương chí thành Pháp thân các Phật tịnh thanh

Chứng minh hương nguyện, phước lành rưới ban.

Nam mô Hương Vân Cái Bồ-tát. (3 lần) OOO

PHÁT NGUYỆN TRÌ KINH

Lạy đấng Thầy ba cõi,

Quy mạng Phật mười phương.

Nay con phát nguyện lớn,

Thọ trì Kinh Dược Sư,

Trên đền bốn ơn nặng,

Dưới cứu khổ ba đường.

Nguyện cho người thấy nghe

Đều phát tâm bồ-đề,

Sống an vui giải thoát. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần) OOO

TÁN DƯƠNG GIÁO PHÁP

Pháp Phật cao siêu, lý rộng sâu,

Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu,

Nay con gặp được xin trì tụng,

Nguyện hiểu chân kinh nghĩa nhiệm mầu.

Nam-mô Khai Pháp Tạng Bồ-tát. (3 lần) O

TÁN PHẬT DƯỢC SƯ

Đức giáo chủ Đông Phương,

Mười hai nguyện hoằng dương,

Cứu muôn loài thoát khổ,

Khai diễn pháp chân thường.

Bốn chín ngày đèn hương,

Trang nghiêm khắp đạo trường,

Trì danh và đảnh lễ,

Tiêu tai, thọ miên trường. O

Nam-mô Dược Sư Hải Hội Phật Bồ-tát (3 lần) O

Ta-bà cảnh giới thật mong manh,

Vì để giúp đời, nói pháp kinh.

Bảy Phật Dược Sư diệt tội chướng,

Mười hai nguyện lớn cứu quần sanh.

Ba ngàn hóa Phật đồng gia hộ,

Tám vị Bồ-tát chứng lòng thành.

Giải kiết, tiêu tai, tăng tuổi thọ,

Phước duyên lợi lạc, sống an lành.

Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật (3 lần) OOO

KINH BỔN NGUYỆN CÔNG ĐỨC CỦA PHẬT DƯỢC SƯ

CƠ DUYÊN THUYẾT KINH

Tôi nghe như vầy: có một thuở nọ, trên đường du hóa, đức Phật ngồi nghỉ dưới cây Nhạc Âm, thuộc thành Quảng Nghiêm. Trong hội bấy giờ, ba mươi sáu ngàn vị đại Bồ-tát, tám ngàn tỳ-kheo, nhiều vị quốc vương, đại thần cư sĩ, các bà-la-môn, bát bộ thiên long, cung kính chí thành, thỉnh Phật thuyết pháp.    O

Đại diện pháp hội là đức bồ-tát Văn Thù Sư Lợi chắp tay cung kính, bạch đức Phật rằng:

– Bạch đức Thế Tôn, xin ngài nói rõ danh hiệu, hạnh nguyện, công đức rộng lớn của các đức Phật, để cho nhân loại ở đời tượng pháp nương theo tu hành, được nhiều lợi lạc.

Đức Phật khen rằng, lành thay lành thay, Văn Thù Sư Lợi, hãy lắng lòng nghe, ta sẽ tuyên thuyết công đức hạnh nguyện của Phật Dược Sư. O

MƯỜI HAI NGUYỆN LỚN

Văn Thù Sư Lợi, đức Phật Dược Sư, khi còn hành đạo Bồ-tát cứu đời, đã phát mười hai lời nguyện rộng lớn, cứu giúp mọi loài, cầu chi được nấy, thoát khỏi khổ đau.  O

Nguyện thứ nhất là: khi ta chứng được đạo quả bồ-đề, hào quang sáng rực, tỏa từ thân ta, soi các hành tinh, khiến cho chúng sinh, được thân tướng hảo, trang nghiêm như Phật, không thua không kém.    O

Nguyện thứ hai là: khi ta chứng được đạo quả bồ-đề, thân ta đẹp đẽ như ngọc lưu ly, không chút bợn nhơ, tợ vầng nhật nguyệt, chiếu soi muôn vật. Các loài hữu tình ở chốn u minh, nương ánh hào quang, tâm như hoa nở, trí tuệ sáng ra, siêng năng làm việc, thành tựu sự nghiệp, hạnh phúc tràn đầy. O

Nguyện thứ ba là: ta dùng vô số trí tuệ vô sư, giúp cho mọi người được tâm sáng ngời, biết cách tự chủ, nhu cầu đầy đủ, gia quyến sum vầy, an lạc thảnh thơi, không còn lo toan những điều thiếu thốn.   O

Nguyện thứ tư là: nếu có người nào lỡ theo đường tà, thì ta khiến họ trở về đường chánh. Nếu có người nào tâm hành nhỏ hẹp, thiếu lòng vị tha, thì ta giúp họ lập chí nguyện lớn, tu hạnh bồ-tát, lợi lạc nhiều người. O

Nguyện thứ năm là: nếu có người nào, trong giáo pháp Phật, nỗ lực tu tập, giữ gìn đạo hạnh, ta sẽ giúp họ thành tựu trọn vẹn: giới nhiếp luật nghi, giới tăng pháp lành, giới lợi chúng sinh. Nếu ai lỡ phạm, thành tâm trì niệm danh hiệu Dược Sư, lại được thanh tịnh, chẳng sa đường ác.O

Nguyện thứ sáu là: nếu có người nào, không đủ các căn, thân hình khiếm khuyết, mắt mù tai điếc, tay chân tật nguyền, ngọng nghệu cà lăm, kém trí tối tăm, điên cuồng lác hủi, chịu nhiều khổ não, thì hãy gắng công trì pháp Dược Sư, liền được khỏi bệnh, các căn đầy đủ, thân hình đoan chánh, tâm tánh thông minh. O

Nguyện thứ bảy là: nếu có người nào mắc nhiều chứng bệnh, nghèo cùng khốn khổ, không ai giúp đỡ, không nơi nương tựa, không gặp thầy thuốc, khi nghe danh ta, trì pháp Dược Sư, sẽ chóng lành bệnh, khổ não tiêu trừ, thân tâm an lạc, quyến thuộc sum vầy, của cải sung túc, gặp nhiều thuận duyên, tấn tu đạo nghiệp.  O

Nguyện thứ tám là: nếu có người nữ, chịu nhiều khổ sở, muốn thoát khỏi cảnh thân gái đoạn trường, khi nghe danh ta, một lòng trì niệm, hành pháp Dược Sư, được tướng trượng phu, xứng bậc anh thư, gặp nhiều duyên tốt, chứng quả bồ-đề.  O

Nguyện thứ chín là: nếu có hữu tình, sa vào lưới ma, lạc rừng tà kiến, hành theo ngoại đạo, chấp mắc buộc ràng, ta sẽ trợ duyên, khai tâm điểm trí, bằng phương tiện quý, khiến khỏi đường mê, trau giồi chánh kiến, học hạnh Bồ-tát, lần lần chứng được đạo quả bồ-đề. O

Nguyện thứ mười là: nếu có người nào, do tâm phiền não, vi phạm pháp luật, nên bị giam nhốt trong chốn lao linh, hoặc bị hành hình, nhất sinh thập tử, chịu nhiều nhục khổ, sầu đau buồn bã, hễ nghe danh ta, hành pháp Dược Sư, thì các khổ ấy đều được tiêu trừ. O

Nguyện thứ mười một: nếu có những người, vì cơn đói khát, tạo nhiều điều ác, khi nghe danh ta, hành pháp Dược Sư, thì ta khiến họ luôn được no đủ, lánh xa điều dữ; sau đó ta ban thức ăn chánh pháp, cho họ an lạc, vững tin tiến bước trên đạo bồ-đề.  O

Nguyện thứ mười hai: nếu ai lâm cảnh màn trời chiếu đất, không có áo mặc, muỗi mòng cắn đốt, nóng lạnh dãi dầu, ngày đêm khổ bức, khi nghe danh ta, hết lòng thọ trì Dược Sư thắng pháp, thì ta khiến họ cầu gì được nấy, y phục tốt đẹp, của cải đủ đầy, đời sống vui vầy, để làm việc tốt. O

CÕI PHẬT DƯỢC SƯ

Văn Thù Sư Lợi, ở cõi phương Đông, cách mười muôn ức cõi nước chư Phật, có một thế giới, tên là Lưu Ly, trang nghiêm thanh tịnh. Đức Phật giáo chủ cõi ấy hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, đầy đủ mười hiệu của bậc đại giác.

Trong cõi Phật ấy, đất bằng lưu ly, nhiều hàng cây quý, giăng làm ranh giới, thành quách cung điện, cửa sổ mái hiên, nét đẹp trang nghiêm, toàn bằng thất bảo, như cảnh Cực Lạc của Phật Di-đà.

Lại trong cõi ấy, có hai Bồ-tát: Nhật Quang Biến Chiếu, Nguyệt Quang Biến Chiếu là bậc thượng thủ trong các bồ-tát, giúp Phật Dược Sư truyền bá chánh pháp, đem lại lợi lạc cho chúng hữu tình.

Cho nên Văn Thù, người đủ niềm tin nên phát lòng thành, sinh về cõi ấy, đời đời an vui, không còn thối chuyển.   O

QUẢ BÁO BỎN XẺN

Văn Thù Sư Lợi, trong thế giới này, có rất nhiều người không biết lành dữ, ôm lòng ích kỷ, không thích bố thí, ngu si vô trí, bỏn xẻn tham lam, nhân quả không tin, bo bo giữ gìn của cải vật chất; khi ai đến xin, không màng chia sớt. Nếu phải cho người, đem lòng tiếc nuối, dường như lắt thịt trên thân thể mình, đau đớn vô cùng! O

Lại cũng có người tánh tình tham lẫn, cất giấu thật nhiều, không dám ăn tiêu, cho bản thân họ. Ngay cả thân bằng: cha mẹ vợ con, bạn thân tôi tớ, lâm cảnh nghèo cùng, cần sự giúp đỡ, vẫn không phát tâm, giúp người đáng giúp. Những người như vậy, sau khi qua đời, sanh làm quỷ đói, sống trong thiếu thốn. Nhưng nếu nhớ niệm danh hiệu Dược Sư, sẽ sanh làm người, không màng vật chất, nhớ khổ ngạ quỷ, thực hành bố thí, giúp người nghèo cùng, hy sinh bản thân, phát triển thiện căn, hành Bồ-tát đạo.   O

HỒI ĐẦU HƯỚNG THƯỢNG

Lại nữa Văn Thù, trong đời mạt pháp, có người phá giới, đánh mất niềm tin, hủy hoại chánh kiến, lười tu kém học, tự cao chấp mắc, đố kỵ ghét ganh, khen mình chê người, phỉ báng chân lý, kết bạn kẻ ngu, lún sâu tà kiến. Những người như thế sẽ bị đoạ sa, trôi lăn sáu nẻo, chịu nhiều đau khổ, không khi nào cùng. O

Nhưng nếu nghe được, danh hiệu Dược Sư, làm lành lánh dữ, từ bỏ đường mê, nẻo chánh hướng về, điều hòa tâm ý, bỏ tục xuất gia, kính tin Tam Bảo, học rộng nghe nhiều, mở mang trí tuệ, lìa thói kiêu ngạo, tùy hỷ với người, tán dương chánh pháp, thân cận người hiền, xé lưới vô minh, tát sông phiền não, tu hạnh Bồ-tát đến khi thành tựu đạo quả bồ-đề.    O

HÓA GIẢI OAN TRÁI

Lại nữa Văn Thù, ai sống trong cảnh bị người thù hận, tranh chấp kiện tụng, não loạn thân tâm, rước quỷ cầu thần, ếm đối hãm hại, khổ sở kéo dài, năm này tháng nọ, nên trì danh hiệu đức Phật Dược Sư, thì những tà thuật không thể hại được, còn kẻ hung dữ trở nên hiền từ; hai bên hoà hảo như bạn tâm giao, hiềm hận tiêu tan, oan khiên dứt sạch. O

PHƯỚC BÁO TRÌ DANH

Lại nữa Văn Thù, nếu có tỳ-kheo, hoặc tỳ-kheo-ni, thiện nam tín nữ, giữ gìn giới hạnh, làm nhân vãng sanh thế giới an lành A-di-đà Phật, mà chưa nhất tâm, đến lúc mạng chung nên niệm danh hiệu đức Phật Dược Sư, thì tám Bồ-tát: Văn Thù Sư Lợi, đức Quán Thế Âm, đức Đại Thế Chí, đức Vô Tận Ý, đức Bảo Đàn Hoa, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Dược Vương, và đức Dược Thượng, đến bên tiếp dẫn, đưa đường chỉ lối, khiến cho hoá sanh, bằng hoa sen báu, về cảnh an lành, Tây Phương Cực Lạc. O

Nếu sanh cõi trời, hưởng phước đời đời, không còn đọa lạc. Khi bỏ cõi trời sẽ sanh cõi người, làm Chuyển Luân Vương, đức rạng mười phương, uy nhiếp bốn biển, giáo hoá hữu tình theo đường thập thiện, hòa bình hưng thịnh ở khắp mọi nơi, người người tinh tiến hoàn tất hạnh lành.

Hoặc làm vua chúa, tỷ phú đại gia, thân quyến thuận hoà, của tiền dư dã, vật dụng đủ đầy, tướng mạo đoan trang, tư cách vượt phàm, thông minh sáng láng.   O

THẦN CHÚ DIỆT KHỔ

Lại nữa Văn Thù, đức Phật Dược Sư biết loài hữu tình mắc nhiều bịnh khổ, hoặc bị chết ngang, hoặc bị chết yểu, nên ngài phát nguyện, dùng sức đại từ, vào trong đại định “diệt trừ khổ não của các chúng sinh.” Từ đỉnh đầu ngài, hào quang chiếu rọi, nói chú tiêu tai, ba cõi bốn loài, dứt hết bệnh khổ, hưởng được an vui:

Nam-mô Bạc-già-phạt-đế, bệ-sát-xã, lũ-lô-thích-lưu-ly, bác-lặc-bà, hắc-ra- xà-giả. Đát-tha yết-đa-gia, a-ra-hắc-đế. Tam-miệu tam-bột-đà-gia, đát-điệt- tha. Án bệ-sát-thệ, bệ-sát-thệ, bệ-sát- xã, tam-một yết-đế xóa-ha. O

Nếu có người nào mắc bệnh nan y, thì hãy niệm trì Dược Sư thần chú trăm lẻ tám biến, vào trong nước sạch, không có vi trùng, cho bệnh nhân dùng, liền được khỏe mạnh, lại thêm sống lâu, sở nguyện tùy tâm, cát tường như ý. Cõi Phật Lưu Ly, an vui hạnh phúc, đến khi nghiệp hết, liền được sinh về, Bồ-tát đề huề, phóng quang tiếp dẫn, không còn thối chuyển trong cõi luân hồi, dần dần chứng đắc vô thượng chánh giác. O

TRUYỀN BÁ HÀNH TRÌ

Những ai cầu phúc thì phải siêng năng, dâng quả thắp hương, cúng dường Phật tượng. Đối với kinh điển, phát tâm phổ biến, ấn tống thọ trì, suy nghiệm nghĩa lý. Đối với pháp sư, giảng nói kinh pháp thì nên cung kính, thân cận cúng dường, học hỏi tận tường, thực hành áp dụng, đến khi chứng đặng đạo quả Bồ-đề.

Với người tín tâm thì nên khuyến khích, khiến họ tỉnh thức, ngày cũng như đêm, hành trì danh hiệu của Phật Dược Sư. O

HÀNH PHÁP DƯỢC SƯ

Lại nữa Văn Thù, nếu chúng sinh nào muốn khỏi hoạnh tử, giải ách trừ tai, thì phải miệt mài làm lành lánh dữ, thỉnh bảy hình tượng đức Phật Dược Sư, thờ trên tòa cao, trang nghiêm sạch sẽ, rải hoa dâng hương, đốt đèn tục mạng, suốt bảy ngày đêm.

Giữ tâm thanh tịnh, thọ trì giới hạnh, ăn món thanh trai, không giận không buồn, thương xót mọi loài như mình không khác. Phát triển từ bi, ban vui cứu khổ, giữ lòng hoan hỷ, buông xả thứ tha, khen ngợi hạnh lành, tán dương người thiện.

Luôn nhiễu quanh Phật, đảnh lễ cúng dường, khắc ghi bổn nguyện của Phật Dược Sư, đọc tụng suy tư, dạy người làm phước. Mỗi khi thọ trì, suy nghiệm nghĩa lý, diễn nói khai thị cho người khác biết. O

LỢI ÍCH THỌ TRÌ

Làm được như vậy, sở cầu toại ý, giàu sang quan vị, khỏe mạnh sống lâu. Nếu trong giấc ngủ, gặp toàn mộng dữ, hoặc đang lúc thức, thấy điều quái dị, thì nên thọ trì danh hiệu Dược Sư, điềm xấu tiêu trừ, không còn lo sợ.

Bất cứ lúc nào, gặp những nạn tai, lụt trôi lửa cháy, giặc giã xăm lăng, trộm cướp nhiễu nhương, bất công áp bức, tự do mất hết, dân chủ không còn, nạn quan lộng hành; dưới biển cá kình, trên non hổ dữ, cọp sói độc xà, nhất sinh thập tử, thì nên chuyên niệm danh Phật Dược Sư, đọc tụng thần chú, tất cả nạn tai thảy đều tan biến. O

Nếu có người nào quy y Tam Bảo, lỡ phạm giới luật, sợ bị sa đọa vào ba đường ác, thì nên thọ trì danh hiệu Dược Sư; nhờ công đức này, thoát khỏi đường dữ.

Nếu có phụ nữ, đau đớn lúc sanh, sức lực không còn, tưởng chừng như chết. Cũng nhờ phước đức, niệm Phật Dược Sư, đau khổ tạ từ, hạ sinh an ổn, mẹ tròn con vuông. Nhờ phước báu đó, con được đoan trang, thông minh sáng láng, không có bệnh hoạn, ai thấy cũng thương.   O

LỜI PHẬT KHÔNG SAI

Đức Phật liền hỏi tôn giả A-nan có tin được rằng công đức của Phật Dược Sư Lưu Ly sâu xa ngần ấy?

Tôn giả A-nan bạch đức Phật rằng: “Mặt trời mặt trăng còn có thể rơi, núi Tu-di cao có thể lay động, nhưng lời của Phật không thể sai được.” Những việc Phật làm, nhiệm mầu khó hiểu; chỉ Phật với Phật mới hiểu tột cùng. Những kẻ không tin, sinh lòng phỉ báng, sẽ bị đọa lạc trong đường ác thú, lưu chuyển không cùng.

Lại nữa A-nan, thân người khó đặng.

Tin ba Ngôi Báu lại còn khó hơn. Thọ trì danh hiệu, hành pháp Dược Sư còn khó hơn nữa. O

PHƯƠNG PHÁP DIÊN THỌ

Bấy giờ trong hội, Bồ-tát Cứu Thoát chắp tay bạch Phật: “Bạch đức Thế tôn, trong thời tượng pháp, có nhiều chúng sinh, khốn khổ hoạn nạn, bệnh tật triền miên, đi đứng không yên, thân thể yếu ớt, mắt mờ tai điếc, uống ăn không được, môi cổ khô ran, tướng chết hiện ra, thân quyến mẹ cha, buồn thương lệ đổ. Thân tuy nằm liệt, thức thần nhớ hết việc làm thiện ác; những gì đã tạo trong thời gian qua, quyết định tội phước, khổ đau hạnh phúc, thành bại trong đời. Lúc đó thân nhân nên quy y Phật, tụng kinh Dược Sư, đốt đèn bảy từng, treo phan tục mạng, suốt bảy ngày đêm, cho đến bảy tuần. Nhờ công đức này, thần thức người bệnh như tỉnh chiêm bao, hiểu rõ nghiệp báo, nhân quả thiện ác. Từ đó về sau, dẫu cho có được tiền tài danh vọng, cũng không dám tạo những nghiệp ác nữa.” O

Tôn giả A-nan hỏi ngài Cứu Thoát: “Phải làm thế nào để được sống lâu?”  O

Bồ-tát Cứu Thoát liền đáp lời rằng: “Những ai đau bệnh, muốn được bình an thì những người thân giữ gìn tám giới, trong suốt một tuần, sắm sanh vật dụng, cúng dường chư tăng, làm việc từ thiện, ngày đêm sáu thời, đốt bảy ngọn đèn, dâng lên cúng dường bảy đức Dược Sư, lễ bái thọ trì danh hiệu của Phật, phóng sanh thả vật, bảo vệ môi trường, thì những tai ương, thảy đều dứt sạch, những nạn chết ngang không thể nhiễu hại.” O

MƯA HÒA GIÓ THUẬN

Lại nữa A-nan, những bậc vua chúa làm lễ quán đảnh, gặp lúc có nạn, nước khác xâm lăng, hoặc bị nội loạn, nhật thực, nguyệt thực, mưa gió trái mùa, hạn hán không mưa, hoặc lũ ngập tràn, nạn dịch lan truyền, trăm điều khổ sở. Lúc ấy quốc vương phải khởi từ bi, thương xót mọi loài, ân xá người tội, trợ giúp dân lành, thành khẩn ân cần, lập đàn cúng Phật Dược Sư Lưu Ly; nhờ sức gia trì, nước an dân mạnh, mưa hoà gió thuận, nông nghiệp được mùa, tất cả tai ương thảy đều biến mất. Nhờ vậy, quốc vương sống lâu trăm tuổi, tại vị lâu dài, nhân dân vui vẻ trong cảnh thái bình. O

CHÍN THỨ HOẠNH TỬ

Tôn giả A-nan thưa ngài Cứu Thoát: “Tại sao mạng hết mà vẫn không chết, lại được sống thêm?”

Bồ-tát Cứu Thoát ân cần trình bày, đức Phật có dạy chín loại hoạnh tử làm giảm tuổi thọ của các chúng sinh. Nếu biết tu hành, làm phan tục mạng, để khỏi tai nạn, phước thọ gia tăng, sống lâu mạnh khỏe. O

Hoạnh tử thứ nhất: bệnh không đáng chết, nhưng lại chết ngang, do thiếu thuốc thang, không người chăm sóc. Khi gặp được thầy cho uống lầm thuốc. Lại tin hoạ phước của bọn tà ma, giết hại loài vật, hiến tế thần linh, gây thêm nghiệp sát, bệnh không đáng chết mà phải qua đời.

Hoạnh tử thứ hai: do bị họa lây, từ người thân thuộc, phép vua tru lục, nên phải chết oan.

Hoạnh tử thứ ba: do sống đọa sa, buông lung vô độ, đam mê tửu sắc, chơi bời săn bắn, không biết giữ thân, nên phải yểu thọ.

Hoạnh tử thứ tư: gặp phải hỏa hoạn, cháy rụi cả thân.

Hoạnh tử thứ năm: đó là chết chìm ở sông biển hồ, do không biết bơi, hoặc bị kiệt sức.

Hoạnh tử thứ sáu: là bị thú dữ xé xác ăn thịt.

Hoạnh tử thứ bảy: té núi rớt hầm, thân thể nát tan, vô cùng đau đớn.

Hoạnh tử thứ tám: là do thuốc độc, thư yếm trù ẻo, quỷ thần hãm hại.

Hoạnh tử thứ chín: lâm cảnh đói khát, khốn khổ mà chết. O

Lại nữa A-nan, ở trên thế gian, có người bất hiếu, phạm tội tày trời, phỉ báng Tam Bảo, làm điều phạm pháp, thì luật nhân quả không thể dung tha, gieo gì gặt nấy, đừng mong trốn chạy. Tội ác chất đầy, tuổi thọ sẽ giảm. Ta khuyên mọi người phóng sanh tu phước, gieo nhân tích đức, mới lìa khổ ách, hưởng được an vui.  O

MƯỜI HAI THẦN TƯỚNG

Bấy giờ, mười hai thần tướng Dược- xoa: thần Cung-tì-la, thần Phạt-chiếc-la, thần Mê-súy-la, thần An-để-la, thần Át- nể-la, thần San-để-la, thần Nhơn-đạt-la, thần Ba-di-la, thần Ma-hổ-la, thần Chân-đạt-la, thần Chiêu-đổ-la, thần Tỳ-yết-la, cùng với hàng ngàn quyến thuộc Dược- xoa, đều phát tâm lành, quy y Tam Bảo, hết lòng vì đạo, cứu giúp người đời, làm việc nghĩa lợi, mang lại an vui. O

Bạch đức Thế Tôn, chúng con phát nguyện, hết lòng phò hộ người trì kinh này, thoát khỏi ách tai, cát tường như ý. Ai muốn cầu gì, dùng “niệt năm sắc,” gút tên chúng con, trì tụng chú thần, ước nguyện trọn phần, mới mở gút ra. Đức Phật Thích-ca khen các Dược-xoa, tâm nguyện bao la, phò sinh cứu khổ, đáp đền ân Phật. O

TÊN GỌI CỦA KINH

Tôn giả A-nan cung kính bạch Phật: “Kinh này tên gì, làm sao thọ trì, để được phước báo, xin Phật chỉ bảo.”

Thế Tôn dạy rằng đây chính là Kinh Bổn Nguyện Công Đức của Phật Dược Sư, hay còn gọi là Thần Chú Tiêu Tai của Mười Hai vị Thần Tướng Dược Xoa, còn gọi là Kinh Diệt Trừ Nghiệp Chướng. Đọc tụng thọ trì, công đức vô lượng.  O

Nghe Phật nói xong, các bậc Bồ-tát, các hàng Thanh Văn, các vị quốc vương, đại thần cư sĩ, bát bộ long thiên, người và quỷ thần, vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thọ trì, truyền bá kinh này. O

Nam-mô Dược Sư Hải Hội Phật Bồ-tát. (3 lần) OOO

CHÂN NGÔN DƯỢC SƯ

Nam-mô Bạc-già-phạt-đế, bệ-sát-xã, lũ-lô-thích-lưu-ly, bác-lặc-bà, hắc-ra- xà-giả. Đát-tha yết-đa-gia, a-ra-hắc-đế. Tam-miệu tam-bột-đà-gia, đát-điệt-tha. Án bệ-sát-thệ, bệ-sát-thệ, bệ-sát-xã, tam- một yết-đế xóa-ha. (3 lần) O

Tháo mở hận thù, buông oan trái.

Nghiệp chướng bao đời đều rụng hết.

Rửa sạch lòng trần, phát tâm thành kính.

Quỳ trước Phật đài, xin giải oan nghiệt.

Dược Sư Phật, Dược Sư Phật.

Tiêu Tai Tăng Thọ Dược Sư Phật.

Tùy tâm mãn nguyện Dược Sư Phật. O

TÁN DƯƠNG DƯỢC-XOA

Mười hai thần tướng Dược-xoa,

Giúp Phật Dược Sư,

Phù hộ chúng sanh.

Bùa năm sắc kết thần danh,

Nguyện ước đều viên thành,

Oan nghiệp tan nhanh,

Phước thọ mãi an lành. OOO

KINH TINH HOA TRÍ TUỆ

Quán Tự Tại thực hành trí tuệ,

Bát-nhã ba-la-mật sáng ngời,

Bấy giờ Bồ-tát quán soi,

Thấy rằng năm uẩn ba đời đều không. O

Vượt tất cả các vòng khổ ách,

Hãy nghe này, Xá-lợi-phất ông!

Sắc nào có khác gì không,

Không nào khác sắc, sắc không vốn đồng. O

Cả thọ, tưởng, thức, hành cũng thế.

Tánh chân không các pháp viên thành, Thảy đều chẳng diệt, chẳng sanh,

Chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng tăng giảm gì. O

Trong chân không chẳng hề có sắc.

Chẳng thọ, tưởng, hành, thức trong không.

Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân,

Sắc, thanh, vị, xúc, pháp, hương không còn. O

Không nhãn thức đến không ý thức,

Không vô minh hoặc hết-vô-minh,

Không điều già chết chúng sanh,

Hết già, hết chết thực tình cũng không.

Không trí huệ cũng không chứng đắc,

Bởi có gì là chỗ đắc đâu.

Bấy lâu Bồ-tát dựa vào

Trí ba-la-mật thẳm sâu thực hành,

Mọi chướng ngại quanh mình tan biến,

Mọi việc đều chẳng khiến hoảng kinh,

Xa lìa mộng tưởng đảo điên,

Niết-bàn rốt ráo an nhiên thanh nhàn. O

Bát-nhã ấy rõ ràng trí tuệ,

Mà ba đời chư Phật nương vào,

Chứng thành quả giác tối cao,

Nên xem Bát-nhã thâm sâu đó là: O

Lời thần chú sâu xa bậc nhứt,

Lời chú thần rất mực quang minh,

Chú thần cao cả anh linh,

Là lời thần chú thật tình cao siêu.

Trừ dứt được mọi điều đau khổ,

Đúng như vầy muôn thuở không sai.

Ngài liền tuyên nói chú này,

Để người trì niệm sáng bày chơn tâm: O Ga-tê ga-tê pa-ra-ga-tê pa-ra-săn-ga-tê bô-dhi sva-ha. (3 lần) OOO

NIỆM DANH HIỆU BẢY PHẬT DƯỢC SƯ

Dược Sư Quang Phật,

Bậc Đại Y Vương,

Mười hai nguyện lớn,

Cứu khổ trầm luân.

Thành tâm quy ngưỡng,

Trang nghiêm đạo trường.

Niệm trì danh hiệu,

Đèn hoa cúng dường.

Đảnh lễ Phật tượng,

Cung kính tán dương.

Làm phan tục mạng,

Tuổi thọ miên trường.

Diệt trừ tội chướng,

Oan nghiệp không còn.

Phước lộc tăng trưởng,

Quả chứng chân thường. O

Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. (18 lần) O

Nam-mô Thiện Xưng Danh Cát Tường Vương Như Lai. (3 lần) O

Nam-mô Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai. (3 lần) O

Nam-mô Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai. (3 lần) O

Nam-mô Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai. (3 lần) O

Nam-mô Pháp Hải Lôi Âm Như Lai. (3 lần) O

Nam-mô Pháp Hải Thắng Huệ Du Hí Thần Thông Như Lai. (3 lần) OOO

NGUYỆN CẦU AN LÀNH

Nguyện ngày an lành, đêm an lành,

Đêm ngày sáu thời đều an lành,

Tất cả các thời đều an lành,

Xin đấng Từ Bi thường gia hộ.

Nguyện ngày an lành, đêm an lành,

Đêm ngày sáu thời đều an lành,

Tất cả các thời đều an lành,

Xin nguyện Tam Bảo thường gia hộ.

Nguyện ngày an lành, đêm an lành,

Đêm ngày sáu thời đều an lành,

Tất cả các thời đều an lành,

Xin nguyện Hộ Pháp thường ủng hộ.

Nam-mô Tiêu Tai Giáng Cát Tường Bồ-tát. O

MẤY ĐIỀU QUÁN TƯỞNG

Thế Tôn lời dạy tỏ tường

Mấy điều quán tưởng phải thường xét ra:

Chúng sanh rồi phải bị già,

Không ai tránh khỏi lúc qua canh tàn.O

Chúng sanh bệnh tật phải mang,

Không ai sống mãi bình an, mạnh lành. O

Chúng sanh, sự chết sẵn dành,

Không ai tránh khỏi tử sanh đến kỳ. O

Chúng sanh phải chịu chia ly,

Giã từ tất cả, ra đi một mình Mang theo gánh nghiệp ba sinh,

Theo ta như bóng theo hình không buông. O

Nay con nương đấng Pháp Vương

Niết-bàn chứng đắc, cát tường an vui. O

SÁM MƯỜI NGUYỆN

Một nguyền kính lễ Như Lai.

Hai nguyền xưng tán công dày Thế Tôn.

Ba nguyền tu phước cúng dường.

Bốn nguyền sám hối nghiệp vương tội trần.

Năm nguyền tùy hỷ công huân.

Sáu nguyền thỉnh chuyển pháp luân độ người.

Bảy nguyền thỉnh Phật ở đời.

Tám nguyền học Phật cho ngời tâm linh.

Chín nguyền hằng thuận chúng sinh.

Mười nguyền hồi hướng phước lành khắp nơi.

HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

Tụng kinh là hạnh tốt lành,

Vô biên phước đức sẵn dành chúng sanh.

Nguyện cho tất cả hàm linh,

Thảy đều tỏ ngộ phẩm kinh diệu huyền. O

Nguyện tiêu ba chướng não phiền,

Được nguồn trí tuệ, phá xiềng vô minh.

Nguyện trừ tội chướng điêu linh,

Hạnh lành Bồ-tát thường tinh tấn làm. O

Nguyện sanh cõi Tịnh siêu phàm,

Hoa sen chín phẩm là hàng mẹ cha.

Hoa nở thấy Phật hiện ra,

Vô sanh chứng ngộ, bạn ta: Thánh hiền. O

Nguyện đem công đức hiện tiền,

Hướng về khắp cả các miền gần xa.

Con và cha mẹ, ông bà,

Chúng sanh giác ngộ, chan hòa pháp thân.

(3 xá) OOO

LỜI NGUYỆN CUỐI

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật O

Mười hai Dược-xoa thần tướng,

Giúp Phật hộ trì chúng sinh.

Tám vị Bồ-tát anh minh, Mở lòng từ bi tế độ.

Nhật Quang, Nguyệt Quang Bồ-tát,

Soi đường dẫn dắt hàm linh.

Tai ương rời khỏi bệnh nhân,

Phước thọ luôn theo gia quyến.

Chúng con thành tâm đồng nguyện:

Trời giác ngộ luôn sáng tỏ,

Xe chánh pháp chuyển không dừng.

Nhà nhà hạnh phúc, khương ninh,

Đất nước thái hòa, hưng thịnh.

Năm châu an định,

Bốn biển thanh bình,

Tình với vô tình,

Đều thành Phật đạo. O

(Đại chúng cùng niệm)

Nam-mô Thường Trụ Tam Bảo. (3 xá) OOO

ĐẢNH LỄ BA NGÔI BÁU

Con xin nương tựa Phật,

Bậc Phước Trí Viên Thành,

Cầu tất cả chúng sanh

Giác ngộ, phát tâm lành. (1 lạy) O

Con xin nương tựa Pháp,

Nguồn tuệ giác, từ bi,

Cầu tất cả chúng sanh

Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (1 lạy) O

Con xin nương tựa Tăng,

Đoàn thể sống an vui,

Cầu tất cả chúng sanh

Hòa hợp, thương mến nhau. (1 lạy) O

MƯỜI CÔNG ĐỨC ẤN TỐNG KINH

Một là, những tội lỗi đã gây ra từ trước đến nay được tiêu trừ; nếu như đã mang những nghiệp duyên nặng nề thì sẽ được chuyển hoá thành nhẹ nhàng.

Hai là, thường được các thiện Thần ủng hộ, tránh được các tai ương hoạn nạn, ôn dịch, nước, lửa, trộm cướp, đao binh, tù ngục…

Ba là, vĩnh viễn tránh khỏi những quả báo đau khổ, oán cừu oan trái của nhiều đời và hiện tại.

Bốn là, Long Thiên Hộ Pháp thường gia hộ nên những loài Dạ-xoa, ác quỷ, rắn độc, hùm beo đều tránh xa, không dám nhiễu hại.

Năm là, thân và tâm luôn được an vui, ngày không gặp việc nguy khốn, đêm ngủ không thấy ác mộng, diện mạo hiền sáng, mạnh khoẻ, an lành, việc làm thuận lợi, kết quả tốt đẹp.

Sáu là, tâm không mong cầu phước báu giàu sang, nhưng tự nhiên cơm ăn áo mặc được đầy đủ, gia đình trên thuận dưới hoà, con cháu đời đời hưởng lộc.

Bảy là, lời nói cho đến việc làm đều khiến mọi người đều sinh tâm vui vẻ, đi đến đâu cũng được mọi người chào đón niềm nở, kính mến, khen ngợi và tin tưởng.

Tám là, nếu mắc phải những chứng bệnh mê muội thì sẽ được trở nên thông minh lanh lợi, thân thể luôn được cường tráng khoẻ mạnh, nếu phải ở những nơi thâm sơn biên địa, thì những nơi ấy cũng trở nên thịnh vượng, sung túc. Tâm thức luôn hướng về chánh đạo, sau khi mạng chung sẽ được sinh thiên.

Chín là, khi tái sinh nếu là nam thì sẽ trở thành vương tôn công tử, nếu là nữ thì sẽ trở thành thiện mỹ nhân, tướng mạo đoan trang, tâm trí siêu việt, phước lộc tròn đầy.

Mười là, thương tất cả chúng sinh như thân bằng quến thuộc, vì chúng sinh mà gieo trồng tất cả căn lành. Nhờ công đức ấy mà thường gặp được các Đức Phật, nghe pháp, siêng năng tu tập, cuối cùng được thành Phật quả.

Ấn Quang Tổ Sư dạy: Ấn tống kinh được vô lượng công đức như vậy, nên vào những dịp chúc thọ, thành hôn, cầu phước, cầu tiêu trừ tật bệnh, cầu siêu độ hương linh… hãy tinh tấn phát tâm bồ-đề, ấn tống kinh điển, để gieo trồng cội phước cho chính mình và thân bằng quyến thuộc.

27 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Tụng kinh Lăng Nghiêm: Nghi thức, cách tụng

Kinh Phật 02/08/2024 09:27:51

Kinh Nhân Quả Ba Đời PDF trọn bộ đầy đủ

Kiến thức Phật giáo 12/06/2024 11:36:08

Kinh Nhân Quả Ba Đời PDF trọn bộ đầy đủ

Kiến thức Phật giáo 12-06-2024 11:36:08

Kinh Nhân Quả Ba Đời (因果三世經), còn được gọi là Kinh Nhân Quả, là một bộ kinh Phật giáo thuộc hệ thống Đại thừa, đề cập đến luật nhân quả và sự luân hồi trong ba kiếp: quá khứ, hiện tại và tương lai.
291 lượt xem 0 Bình luận

Kinh Pháp Bảo Đàn PDF trọn bộ đầy đủ

Kiến thức Phật giáo 11/06/2024 17:01:15

Kinh Pháp Bảo Đàn PDF trọn bộ đầy đủ

Kiến thức Phật giáo 11-06-2024 17:01:15

Kinh Pháp Bảo Đàn (zh. 法寶壇經) là một bộ ngữ lục, 1 quyển, do Lục Tổ Huệ Năng thuyết, nên còn gọi là Lục Tổ đàn kinh (六祖壇經). Lúc Lục Tổ Huệ Năng ở chùa Bảo Lâm, Tào Khê có Thứ sử Thiều Châu là Vi Cừ thỉnh Tổ vào chùa Đại Phạm để diễn giảng pháp Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật.
248 lượt xem 0 Bình luận

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo PDF trọn bộ đầy đủ

Kiến thức Phật giáo 11/06/2024 16:27:53

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo PDF trọn bộ đầy đủ

Kiến thức Phật giáo 11-06-2024 16:27:53

Kinh Thập Thiện (十善業道經, Shíshènyèdàojīng), còn được gọi là Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, là một bộ kinh Phật giáo đề cập đến mười nghiệp lành (thập thiện) mà con người cần tu tập để tránh xa những điều ác và hướng đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc.
172 lượt xem 0 Bình luận

Kinh Kim Quang Minh PDF trọn bộ đầy đủ

Kiến thức Phật giáo 10/06/2024 10:53:08

Kinh Kim Quang Minh PDF trọn bộ đầy đủ

Kiến thức Phật giáo 10-06-2024 10:53:08

Kinh Kim Quang Minh là một bộ kinh quan trọng và sâu sắc, chứa đựng nhiều giáo lý quý báu về Phật tính, giới pháp, tu tập và hộ quốc. Kinh là nguồn hướng dẫn và nguồn cảm hứng cho những ai muốn tu tập Phật giáo Đại thừa và đạt được giác ngộ.
217 lượt xem 0 Bình luận