Những nghi lễ chính trong mùa Vu Lan báo hiếu

26/08/2023 17:44:37 351 lượt xem

Khi những ngọn nến được thắp lên vào tháng 7 âm lịch là lúc chúng ta trở về với những điều thiêng liêng nhất, đó là gia đình. Thời điểm này mỗi người con Việt Nam chọn một bông hồng cài lên ngực áo và thực hiện các nghi lễ tâm linh để thể hiện lòng biết ơn, trân quý những phút giây quý giá của tình thân.

Lễ Vu Lan là một nghi lễ rất quan trọng của Phật giáo trong năm, là mùa báo ân báo hiếu không chỉ với tổ tiên, cha mẹ mà còn với tất cả các mối quan hệ trong xã hội. Khởi nguồn từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, Lễ Vu Lan ngày nay không đơn thuần là ngày lễ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng, mà còn là ngày lễ của tình yêu thương và tấm lòng hiếu hạnh.

Trải qua hàng ngàn năm, lễ Vu Lan đã khắc sâu trong tâm trí của người dân Việt Nam, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, trở thành nét văn hóa đặc sắc thể hiện giá trị nhân văn của tín đồ Phật tử và mỗi con người đất Việt. Mùa Vu Lan, mùa báo hiếu và cũng là khoảng thời gian để mà chúng ta nhìn lại nhiều hơn những gì đã diễn ra trong cuộc sống và có thể là tỉnh thức lại sám hối lại những gì mà chúng ta đã làm ngày hôm nay bằng những nghi lễ hết sức đặc biệt.

Trong chương trình Dưới Bóng Bồ Đề của Truyền hình Bchannel – BTV9, Đại đức Thích Nguyên Toàn, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Giang cho biết: “Trong xã hội hiện nay, có hai nghi lễ trong mùa Vu Lan là nghi lễ hành chính và nghi lễ tâm linh. Nghi lễ hành chính là việc tổ chức các sự kiện liên quan đến bông hồng cài áo; nghi lễ tâm linh là nghi lễ theo truyền thống Phật giáo Việt Nam”.

Ngày lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ của riêng nhà Phật làm lễ tự tứ cho chư tăng kết thúc ba tháng an cư tỏa sáng công hạnh mà còn trở thành ngày lễ chung của những người con nhằm thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành, dưỡng dục và tổ tiên với nghi thức bông hồng cài áo.

Về nghi lễ bông hồng cài áo, nghi thức này khởi nguồn từ một đoản văn đầy xúc động của Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ hơn 60 năm trước. Đây là một trong những nghi thức quan trọng của mùa Vu Lan báo hiếu nhằm nhắc nhở mỗi người con luôn phải ghi nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Nếu ai cài một bông hồng trắng là báo hiệu rằng mình đã mất cha mất mẹ, ai cài một bông hồng màu đỏ trên chiếc ngực cho thấy mình vẫn có hạnh phúc, còn cha, còn mẹ.

Về nghi lễ tâm linh, theo Đại đức Thích Nguyên Toàn, ở miền Bắc trong mùa Vu Lan thường tổ chức cúng tiếp linh, cúng triệu linh, cúng giải oan cắt kết rồi đàn phá ngục, cúng mông sơn thí thực để thông qua đàn tràng giúp cho người đã mất được về với giới an lành, còn người sống thì được an vui, hạnh phúc.

“Mười phần công đức các cụ vẫn nói thì việc cúng, thực hiện nghi lễ Phật giáo, an sinh hay từ thiện xã hội thì người mất chỉ được hưởng có ba. Người sống mới quan trọng được hưởng bảy phần công đức”, Đại đức Thích Nguyên Toàn nói.

Nghi lễ tâm linh vừa hướng tới người đã “khuất núi” vừa hướng tới người hiện tại, nhưng ý nghĩa quan trọng nhất là giáo dục đạo hiếu đối với giới trẻ, răn dạy bài học về lòng hiếu thảo của mỗi người con đối với cha mẹ. Đặc biệt, nếu mỗi gia đình con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì chữ “Hiếu” sẽ được nhân rộng ra toàn xã hội, cộng đồng. Bởi theo giáo lý nhà Phật, chữ “Hiếu” không chỉ là lòng hiếu thảo của con cái trong gia đình mà còn là hiếu với đất nước, với xã hội.

Ngày nay, đại lễ Vu Lan đã được hiểu với ý nghĩa rộng hơn gồm Kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là: Tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

Đại đức Thích Nguyên Toàn nhấn mạnh: “Sự hiếu trong đạo phật đã bao trùm, không phải là duy tâm nữa, không phải là duy vật nữa mà đã trở thành chất liệu đạo đức, là giá trị nhân văn, làm tốt cho xã hội và làm tốt cho gia đình”.

Có thể thấy, với mỗi một nghi thức trong mùa Vu Lan đều mang một ý nghĩa tốt đẹp nhằm răn dạy mỗi người về chữ “Hiếu” với gia đình và xã hội. Ngày Vu Lan đã đến gần, mỗi người con hãy nhanh chóng thu xếp công việc công việc để về nhà sum vầy với cha mẹ, những ai đang ở xa hãy gọi điện về hỏi “Mẹ ơi mẹ ăn cơm chưa”, “Bố ơi, bố có khỏe không?”. Không có món quà nào ý nghĩa bằng tấm lòng chân thành, hiếu thảo của con cái cả. Được con cháu quan tâm, hỏi thăm vào ngày này chính là điều ý nghĩa nhất đối với cha mẹ, ông bà.

Kính mời quý vị đón xem chương trình Dưới Bóng Bồ Đề cùng Đại đức Thích Nguyên Toàn để hiểu rõ hơn về những nghi lễ chính trong mùa Vu Lan báo hiếu.

11 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Nhìn lại những hình ảnh đẹp mùa Vu Lan báo hiếu 2023

Vu Lan 31/08/2023 17:06:21

Nhìn lại những hình ảnh đẹp mùa Vu Lan báo hiếu 2023

Vu Lan 31-08-2023 17:06:21

Vu Lan báo hiếu không chỉ là Đại lễ của một tôn giáo, mà từ lâu, tinh thần Hiếu đạo, lòng biết ơn ông bà tổ tiên đã trở thành một phần không thể tách rời trong văn hoá và con người Việt Nam. Mỗi tháng 7 âm lịch, trong lòng mỗi người con đất Việt lại rạo rực thứ cảm xúc thiêng liêng, trân quý dành cho đấng sinh thành.
585 lượt xem 0 Bình luận

Đại đức Thích An Đạt: ‘Mùa Vu Lan là hiện thân cho tinh thần tri ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên’

Vu Lan 31/08/2023 09:59:33

Hàng nghìn người ngồi kín Hội trường Trung tâm Quốc tế Vesak chùa Tam Chúc tụng kinh Vu Lan

Vu Lan 30/08/2023 11:03:02

Quốc Thiên nghẹn ngào hát về mẹ trong không gian linh thiêng của ngày Vu Lan báo hiếu

Vu Lan 30/08/2023 00:23:10

Hoàng Bách và mẹ song ca gây xúc động trong đêm truyền hình trực tiếp Vu Lan tại chùa Tam Chúc

Vu Lan 30/08/2023 00:23:01