Tại sao khi niệm Phật thường hay buồn ngủ?

07/07/2023 17:50:38 2729 lượt xem

Minh Hiếu (23 tuổi) hỏi: Con rất thích lên chùa tụng kinh nhưng không hiểu sao mỗi lần tụng, con lại có cảm giác rất buồn ngủ. Thậm chí, có những lúc con ngủ gật mà không biết. Quý Thầy có thể giải thích giúp con được không ạ?

Trả lời:

Bạn Minh Hiếu thân mến!

Hôn trầm là tình trạng không riêng gì Phật tử mà đa số người tu đều mắc phải. Người mắc tình trạng hôn trầm này cũng không phải dễ trị. Người tu sợ nhất là hai chứng bệnh: “hôn trầm và tán loạn”. Chính hai thứ tập khí sâu nặng này nó làm chướng ngại rất lớn trên bước đường tu tập của chúng ta.

Có người lúc bình thường, họ ngồi lại tán ngẫu những chuyện bù khi thị phi tạp nhập ở thế gian với nhau cả buổi, mà họ không bao giờ biết buồn ngủ là gì. Vì lúc đó, họ quá hăng say đam mê với những câu chuyện mà họ đang nói. Hằng ngày, họ huân tập những hạt giống đời quá sâu nặng, nên khi gặp nhau bắt đài đúng tần số thì họ phát thanh huyên thuyên không bao giờ biết nhàm chán mỏi mệt. Trái lại, hễ khi tụng kinh hay niệm Phật thì con ma hôn trầm buồn ngủ bắt đầu xuất hiện. Nó cảm thấy chán nản mệt mỏi uể oải và buồn ngủ. Những tập khí này, không phải chỉ mới huân tập trong hiện đời mà nó còn huân tập trong nhiều đời nữa. Chính do sự huân tập đó, nên khi gặp cơ duyên là nó hiện hành phát khởi rất mạnh mẽ.

Có người khi họ đam mê ghiền chơi một thứ gì đó, như cờ bạc chẳng hạn. Có thể nói, họ ngồi ỳ một chỗ suốt cả ngày, thậm chí quên cả ăn uống, mà họ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi buồn ngủ. Nhưng khi ngồi tụng kinh hoặc niệm Phật hay nghe pháp v.v… chỉ cần trong giây lát thôi, là họ bắt đầu ngủ gà ngủ gật rồi. Lý do tại sao? Tại vì hạt giống Phật pháp của họ rất cạn mỏng yếu kém. Người nào mắc phải chứng bệnh hôn trầm này, thì Phật gọi người đó đang bị chìm sâu vào trong hang quỷ.

Về phương cách đối trị, trong kinh nêu ra có nhiều cách. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu bốn cách, tùy ý Phật tử chọn lựa xem cách nào phù hợp và có hiệu quả nhất, thì Phật tử cố gắng thực hiện.

  • Nếu trong lúc đang ngồi niệm Phật hay tụng kinh mà nó muốn buồn ngủ, Phật tử không thể kiềm chế được, thì Phật tử nên đứng lên lạy Phật sám hối, vì đó là nghiệp chướng của mình quá sâu nặng.
  • Phật tử cũng có thể đứng lên đi kinh hành niệm Phật ở trong nhà hoặc ngoài sân, tùy theo khung cảnh và thời điểm thích hợp.
  • Nếu không lạy Phật và đi kinh hành, thì Phật tử cũng có thể dùng phương pháp sổ tức niệm Phật. Nghĩa là niệm Phật bằng cách đếm số theo hơi thở. Như niệm câu hiệu Phật có thể chia ra làm hai, như hít vào niệm “Nam Mô A”, thở ra “Di Đà Phật”. Hít vào thở ra, thầm đếm một. Cứ đếm như thế cho tới số 10 rồi bắt đầu đếm trở lại. Điều quan trọng của phương pháp này là phải nhớ số câu theo hơi thở cho rõ ràng. Nếu nhớ không rõ là phải niệm đếm lại. Vì chăm chú như thế, nên con ma ngủ nó sẽ biến mất.
  • Chúng ta cũng có thể dùng phương pháp Chỉ Quán. Phương pháp này, Phật Tổ dạy chúng ta nên chọn một đề mục để quán. Như quán “thân bất tịnh” hay quán “nhân duyên”… Khi chúng ta quán phân tích chi tiết sâu vào, lúc đó những hệ thần kinh trong não bộ của chúng ta bắt đầu làm việc căng thẳng, do đó, nên con ma buồn ngủ sẽ tan biến ngay. Tuy nhiên, khi quán một hồi mà tâm ta bị loạn động, thì hãy lập tức dùng Chỉ, tức là dừng vọng tưởng. Như dùng hơi thở hay câu niệm Phật để tâm ta an trụ vào đó. Đó là phương pháp tốt nhất nhất để chúng ta thực hành.

Chúc bạn tinh tấn!

(Đại đức Thích Nguyên Quảng) 

56 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Đã được truyền thọ Tam Quy và Ngũ giới, vậy có phải ăn chay không?

Vì sao Đức Phật Thích Ca đặc biệt tán thán cõi Tịnh độ Cực Lạc Tây Phương?

Ăn chay trường nấu mặn có tội không?

Tại sao người Phật tử khi tụng kinh lễ bái hoặc chào hỏi nhau lại chắp tay?

Tụng Kinh ở nhà có cần đánh chuông mõ không?

Tụng Kinh ở nhà có cần đánh chuông mõ không?

17-09-2024 15:48:13

Ở nhà, chúng con thường tụng kinh vào những buổi tối, nhưng con không biết đánh chuông mõ, vậy chúng con chỉ tụng niệm không cần đến chuông mõ có được không? Và tụng như thế nào mới được lợi ích?