Bản tin An Viên 24H 17.07.2023

18/07/2023 09:37:14 884 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 17.07.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đại lễ cầu siêu tri ân Anh hùng liệt sĩ tại Côn Đảo, Ký kết ghi nhớ hợp tác về kiến trúc và di sản Phật giáo, Ký kết tuyên truyền An toàn giao thông tại Hòa Bình.

BRVT: Đại lễ cầu siêu tri ân AHLS tại Côn Đảo

Ngày 17/7, tại đền thờ Côn Đảo và 09 điểm di tích chiêu u, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Nghi lễ TƯ GHPGVN phối hợp UBMTTQVN tỉnh và các ban ngành long trọng tổ chức lễ cầu siêu, truy niệm anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn đảo.

Trong không gian đàn tràng nơi Đền thờ Côn Đảo cạnh Nghĩa trang Hàng Dương, Hòa thượng Thích Lệ Trang, UVTT HĐTS, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư cùng chư tôn đức đã niêm đàn sái tịnh, bạch Phật khai kinh; thực hiện các nghi thức thượng phan với sự tham dự của chư Tăng Ni, Phật tử, thân nhân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào yêu nước các địa phương trở về cầu nguyện.

Trước đó, 9 phái đoàn chiêu u gồm chư tôn đức và đại diện lãnh đạo chính quyền các cấp đã lần lượt thỉnh linh vị anh hùng liệt sĩ tại 9 địa điểm di tích về an vị tại đàn tràng Đền thờ Côn Đảo. Dịp này, khoá lễ trì tụng kinh Hộ quốc nhân vương đã trang nghiêm diễn ra, cầu nguyện âm siêu dương thái.

Đền thờ Côn Đảo được xây dựng vào năm 2008, khánh thành năm 2011, là công trình tâm linh thiêng liêng. Tại đây, danh tánh của 2.147 anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh tại các nhà tù khắc nghiệt ở Côn Đảo qua các thời kỳ, từ năm 1930 đến 1975 được khắc vào bia đá, lưu trên cuộn thư phụng thờ.

Ký kết ghi nhớ hợp tác về kiến trúc và di sản Phật giáo

Sáng hôm qua ngày 16/7, Ban Văn hoá TƯGH đã tổ chức buổi ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực Kiến Trúc và Di sản Phật giáo với Viện Bảo tồn Di tích và Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Theo đó, các bên sẽ phối hợp thực hiện đề án “ĐỊnh hướng đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam; xây dựng hồ sơ khoa học những kiến trúc PG và di sản VHPG có giá trị; hợp tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, truyền thông, xuất bản ấn phẩm bảo tồn, trùng tu các công trình kiến trúc, di sản PG.

Sắp tới đây, Ban Văn hoá TƯ sẽ phối hợp với các bên đặt 4 trụ kinh tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Cần Thơ. Đặc biệt, dịp này, Ban cũng trao đổi với Đại Sứ Quán Ấn Độ về việc đặt trụ kinh của PG Việt Nam tại vườn Nai, Ấn Độ, góp phần lan toả văn hoá PG Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Triển khai chuỗi hoạt động thắp sáng tri ân mùa Vu Lan 2023

Chiều cùng ngày, Chư tôn đức, thành viên Ban Văn hoá cùng các đạo diễn, hoạ sĩ và bộ phận chuyên môn đã họp thống nhất triển khai chuỗi hoạt động văn hoá thắp sáng tri ân mùa Vu Lan 2023. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 18-20/8 (nhằm ngày 3-5/7 ÂL) tại hai điểm là trường hạ Tổ đình Kim Liên (chùa Đồng Đắc), Ninh Bình và Tòa nhà Doji (Hà Nội). Sự kiện nhằm tưởng niệm 30 năm Đức Đệ nhất Pháp chủ viên tịch với nhiều hoạt động đa dạng như: các nghi lễ, thuyết pháp, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày tác phẩm PG, ẩm thực chay, trao quà từ thiện. Đặc biệt, lúc 19h30 ngày 19/8, Chương trình nghệ thuật “Thắp sáng tri ân mùa Vu Lan” sẽ được truyền hình trực tiếp trên Kênh BChanel BTV9 – Truyền hình An Viên và tiếp sóng trên Đài truyền hình Ninh Bình, PSO…

TT – Huế: Phối hợp lan tỏa các đề án văn hóa Phật giáo

Chiều nay ngày 17/7, tại chùa Từ Đàm (TP. Huế), Ban Văn hóa TƯGH đã ký kết triển khai các đề án văn hóa Phật giáo gồm đề án Ngôn ngữ, Pháp phục, nghệ thuật và một số biểu tượng với BTS GHPGVN các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Tại buổi lễ, HT. Thích Thọ Lạc – UVTT HDTS, Trưởng Ban Văn hóa TƯGH đã triển khai khái quát kết quả nghiên cứu 4 đề án gồm: Ngôn ngữ, Pháp phục, Di sản và Kiến trúc Văn hóa Phật giáo Việt Nam của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội trong giai đoạn vừa qua và chương trình hoạt động giai đoạn tiếp theo.

Việc lan tỏa các đề án tạo năng lượng tâm linh, trang nghiêm trong nghi lễ Phật giáo, đồng thời bảo tồn và phát huy, nâng cao vai trò của văn hóa Phật giáo trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Việc ký kết thỏa thuận giúp tăng cường sự phối hợp giữa Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển chung của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Kích hoạt định danh điện tử cho chư Tăng Ni

 Nhằm hưởng ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia và hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến, BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế và Sóc Trăng đã phối hợp với cơ quan Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội địa phương tổ chức buổi đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử cho tăng ni, phật tử.

TT – Huế

Sáng nay, 17/7, tại chùa Từ Đàm, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an thành phố Huế đã tiếp nhận hồ sơ tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và hướng dẫn kích hoạt trong ứng dụng tài khoản định danh điện tử VneID. Tại đây, cho chư tôn đức và Phật tử đã được hướng dẫn chi tiết để kích hoạt, tích hợp các loại giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe… lên hệ thống. Trước đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh kêu gọi chư tôn đức, phật tử tích cực truyền thông đến mọi người về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Sóc Trăng

Còn tại Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng, BTS GHPGVN tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, tổ chức hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID cho 170 tăng ni. Qua đó, góp phần cùng lực lượng Công an tăng cường đổi mới công tác quản lý hành chính trên nền tảng số văn minh, hiện đại.

Hòa Bình: Ký kết tuyên truyền an toàn giao thông

Cuối tuần qua, tại chùa Phật Quang, TP. Hòa Bình, BTS GHPGVN tỉnh Hòa Bình phối hợp cùng Công an tỉnh đã tổ chức Lễ ký kết tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giai đoạn 2023 – 2026.

Tại lễ ký kết, Chư tôn đức và Công an tỉnh Hòa Bình đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng: tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách về trật tự an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, bảo đảm toàn vẹn tính mạng con người, lồng ghép với những triết lý và bài học Phật giáo.

Cùng với đó, với uy tín và trách nhiệm cá nhân, Chư tôn đức sẽ phối hợp khắc phục những bất cập trong tình hình trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở Phật giáo, vận động Tăng Ni, Phật tử đảm bảo an toàn, lan tỏa văn hóa giao thông trong cộng đồng Phật giáo.

Hậu Giang: Khai mạc khóa bồi dưỡng trụ trì 2023

Ngày 16/7, tại chùa Quan Âm, TX.Long Mỹ, BTS GHPGVN tỉnh Hậu Giang đã khai mạc khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì và hành chính Giáo hội với nhiều nội dung đáp ứng nhu cầu thực tiễn của mỗi vị trụ trì thời đại mới.

Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 16/07 – 25/07 với sự tham gia của 125 chư Tăng Ni. Chương trình tập trung vào các nội dung thiết thực như hướng dẫn một số thủ tục hành chính cơ bản, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162, kiến thức An ninh quốc phòng, phòng cháy chữa cháy…; Kỹ năng soạn thảo văn bản hành chính, kỹ năng quản lý và phát triển tự viện thời đại mới…

Khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ Trụ trì cũng là dịp để chư Tôn đức cùng nhau học hỏi theo tinh thần lục hòa, tích lũy kiến thức và nội lực để hoằng pháp lợi sinh.

Kon Tum: Chuẩn bị hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023

Ngày 17/7, tại chùa Huệ Chiếu – là tỉnh Kon Tum, chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã họp, chuẩn bị Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023.

Tại phiên họp, chư tôn đức thông qua những nội dung chính kế hoạch của ban Hoằng Pháp TƯGH và ban Kinh tế Tài chính TƯGH, đi thăm cúng dường trường hạ các tỉnh Tây Nguyên dự kiến bắt đầu vào ngày 29/07; kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 và dự thảo phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm cũng được chư tôn đức thông qua, Hội nghị sẽ tổ chức vào ngày 12/08 DL.

Bình Phước: Triển khai quy chế ban tăng sự TƯGH đến hành giả an cư

Ngày 17/07, tại chùa Tỉnh Hội, tỉnh Bình Phước, HT.Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban – Chánh Thư ký Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội đã triển khai quy chế Ban Tăng sự TƯGH đến chư Tăng Ni trong tỉnh. Theo đó, Hòa thượng đã dành thời gian triển khai về Chức năng nhiệm vụ của Ban Tăng sự:… Giám sát, hướng dẫn các Tự viện, Tăng Ni tuân thủ Giới luật, chấp hành Hiến chương Giáo hội, các quy chế của Giáo hội và quy chế Ban Tăng sự Trung ương (điều 5); Đồng thời trình bày quy định về việc sử dụng không gian mạng của Tăng Ni (điều 81).

Bắc Giang: Khai pháp hậu an cư 2023

Cùng thời gian này, tại chùa Đại Giáp, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ Khai Pháp khóa An cư Kiết hạ PL.2567 – DL.2023; thông qua danh sách Ban duy na, Ban Giảng sư và danh sách hành giả an cư tại 3 điểm an cư chùa Hồng Phúc, chùa Phúc Lâm, chùa Đại Giáp. Dịp này, TT.Thích Thiện Văn – UV HĐTS, Trưởng BTS tỉnh nhắn nhủ chư Tăng, Ni trong 3 tháng an cư cần nghiêm trì giới luật, tịnh tụ tam vô lậu học để tiếng trên con đường đạo.

Tuyên Quang: Khai pháp hậu an cư 2023

Phật giáo tỉnh Tuyên Quang cũng long trọng khai pháp khóa an cư kiết hạ phật lịch 2567 với sự chứng minh của Hoà thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh, đường chủ hạ trường với 15 hành giả an cư và hơn 500 phật tử tham dự. Chư hành giả an cư đã đối trước Hoà thượng đường chủ dâng lời tác bạch và lắng nghe bài pháp đầu mùa an cư nhằm sách tấn trên con đường tu thân học Phật.

Bình Thuận: Khám chữa bệnh cho 200 hành giả và phật tử

Tại Bình Thuận, Phân ban TTXH quản lý các cơ sở bảo trợ từ thiện Phật giáo (thuộc Ban TTXH TƯ) đã kết hợp các đơn vị hành hương cúng dường trường hạ chùa Tòng Lâm Vạn Thiện, tỉnh Bình Thuận. Tại đây, 200 chư Tăng Hành giả và phật tử được thăm khám, chăm sóc, tư vấn sức khỏe như siêu âm, đo điện tim, huyết áp, vấn đề về xương a và cấp phát thuốc, tặng kính lão, trị liệu Đông y miễn phí.

Đồng Nai: BTS GHPGVN tỉnh thăm trường hạ chùa Bảo Sơn

Trong khi đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã tới thăm, sách tấn và cúng dường hạ trường Chùa Bảo Sơn – TP. Long Khánh. Đoàn đã nghe báo cáo việc tu học của hạ trường an cư, ân cần thăm hỏi Chư hành giả, đồng thời khuyến tấn việc tu học, thúc liễm thân tâm, củng cố nguồn nội lực để tiếp tục phụng sự nhân sinh.

Hà Nội: Học viện Phật giáo tổ chức bảo vệ luận văn thạc sĩ và tiến sĩ Phật học

Hôm qua ngày 16/7, HVPGVN tại Hà Nội, đã tổ chức cho các học viên Cao học bảo vệ luận văn Thạc sĩ Phật học đợt IV, 5 vị nghiên cứu sinh khóa III (2020-2025) tham gia bảo vệ Đề cương và Chương I Luận án Tiến sĩ. Theo đánh giá, các Học viên có sự am hiểu tốt về đề tài, đam mê tìm tòi, nghiên cứu với nhiều nguồn tài liệu phong phú, giúp cho tính học thuật cũng như tính khoa học được thể hiện khá rõ.

Quảng Ninh: “Ngày hội ăn chay – Chung tay bảo vệ môi trường”

Riêng tại tỉnh Quảng Ninh, vào sáng ngày 16/7, Chương trình “Ngày hội ăn chay – Chung tay bảo vệ môi trường” được tổ chức tại chùa Am Ngọa Vân. Thông qua chương trình, BTC mong muốn góp phần truyền cảm hứng và khích lệ mọi người ăn chay nhiều hơn, không giết hại động vật, thay đổi nhận thức và hành vi trong công tác bảo vệ môi trường, lan tỏa hành động tốt đẹp cho xã hội

Nét độc đáo kiến trúc chùa Tháp Việt Nam

Trải qua hơn hai nghìn năm phát triển, kiến trúc Phật giáo mà đại diện là những ngôi Chùa – Tháp chứng tích lịch sử chứng minh sự tài hoa trong nghệ thuật của cha ông. Theo dòng thời gian, từ những am thờ phật nhỏ đến những Chùa Tháp quy mô, bề thế, kiến trúc ngôi Chùa Tháp trở thành 1 trong những loại hình kiến trúc truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, loại hình kiến trúc này đã mai một đi rất nhiều. Ở phần tiêu điểm của bản tin ngày hôm nay, kính mời quý vị cùng tìm hiểu về kiến trúc chùa tháp cũng như công tác nghiên cứu, tôn tạo và phục dựng loại hình kiến trúc này.

Tháp Phật là loại công trình tưởng niệm, được xây dựng để thờ Xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các vị Đại Đệ Tử, những đạo sư và bậc thánh nhân.

Căn cứ vào hình dạng kiến trúc, ta có thể chia làm 2 loại: tháp Stupa và tháp Pagoda. Trong đó, Tháp Stupa và những biến thể của nó ở các nước như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan phát triển theo chiều cao, có dạng hình vòm bán cầu hay bát úp thì Tháp Pagoda thường xuất hiện ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản có dạng chủ yếu là tháp cao lớn, mái phân nhiều tầng, có dạng chóp nón thu nhỏ dần theo chiều cao, mặt bằng đa giác đều, có không gian rỗng bên trong chứ không phải là cấu trúc đặc

Ở Việt Nam, mặc dù không còn nhiều tài liệu hoặc công trình, nhưng căn cứ theo những di tích, có thể thấy trong khoảng 10 thế kỷ đầu, kiến trúc tháp đã xuất hiện ở Việt Nam. Và bảo tháp, với vai trò linh thiêng được coi là trung tâm của bố cục ngôi chùa, từ đó các công trình khác liên kết với nhau tạo nên 1 hình thái bao quanh ngôi chùa. Tính tập trung trung tâm hình học được thể hiện rất rõ.

Tháp xưa mang ý nghĩa tương đương một ngôi chùa khi bài trí tượng Phật bên trong để hành lễ, tu tập. Có thể kể ra các ngọn tháp nổi tiếng thời Lý như tháp chùa Phật tích, tỉnh Bắc Ninh, hay như Tháp Tường Long, Đồ sơn, Hải Phòng cao khoảng 45m, có 9 tầng. Tại chùa tháp Tường Long, nhiều di vật cũng được phát hiện, khẳng định đây là tòa tháp thờ Phật.

Theo những tài liệu được lưu chép lại, tháp Tường Long xuất hiện cùng thời với tháp Bảo Thiên, cố đô Thăng Long. Khi đó nơi đây được miêu tả là tọa độ Phật giáo cao nhất Đại Nam, tổng diện tích của toàn bộ công trình lên đến khoảng 2.000 m2. Ngày nay, tòa tháp đã được phục dựng với bốn góc của chân tháp có độ nghiêng khoảng 190 độ. Từ xa, tháp giống như một cây sáo, bên lòng trong rỗng và nhiều cửa sổ theo tầng, đây là nơi đặt tượng A di đà. Bên ngoài tháp được lát bằng gạch và đá hoa cương đỏ đặc trưng. Trên tháp trang trí hoa văn chạm khắc chi tiết như những rồng, đóa sen, đóa cúc, lá đề. Đây đều là những hình tượng đặc biệt rất phổ biến vào thời nhà Lý và xuất hiện ở tất cả các công trình kiến trúc bấy giờ.

Càng ở những giai đoạn sau khi Phật giáo đại thừa có sự phát triển mạnh mẽ, hệ thống thờ tự được mở rộng, do vậy, nếu chỉ có một ngôi tháp chiếm ở vị trí trung tâm sẽ không đủ để đáp ứng được các giá trị của Phật giáo. Vì thế mà đến thời Trần, cùng với tháp còn có ngôi chùa xây dựng phía sau. Ví dụ như ở chùa Phổ Minh, ngôi Tháp đã không còn mặt bằng diện tích lớn như những ngôi tháp thời Lý mà đã thu hẹp lại diện tích và đẩy lên phía trước. Cụ thể, chùa được xây dựng theo kiến trúc quy xà chầu bái với 4 hồ nước tượng trưng cho 4 chân rùa, còn ngôi tháp là đầu rùa.

Tháp Phổ Minh có độ cao gần 20m; gồm 14 tầng nằm ngay phía trước, chính giữa khu nhà bái đường. Tháp là công trình tổng hòa giữa gạch và đá. Nếu như 13 tầng trên được xây bằng gạch nung đỏ thì bệ và tầng dưới xây hoàn toàn bằng đá xanh với rất nhiều hoa văn mềm mại, uyển chuyển như sóng nước thủy ba, cỏ sương bồ, cánh sen kép.

Khi triều Tây sơn được thành lập, Phật giáo tiếp tục phát triển, một số chùa lớn được xây dựng như chùa Kim Liên, chùa Tây Phương nhưng kiến trúc Tháp thì không còn được xây dựng, nếu có thì chủ yếu là các tháp mộ. Đến triều Nguyễn, mỗi vị vua lại có thái độ khác nhau với Phật giáo, tuy nhiên các ngôi chùa vẫn được xây dựng mới hoặc trùng tu, mở rộng.

Tại Thăng long, tháp cao mười tầng được xây dựng trước chùa Liên phái năm 1890. Vì Thượng điện thờ Phật lúc này phát triển lớn, quy mô, Tháp chỉ còn chức năng chứa xá lợi, mà xá lợi thì chỉ có 1 số chùa mới có nên Tháp lúc này là phụ, nơi kỷ niệm, hay để kinh Phật nên trong cấu trúc Chùa Tháp, càng về sau chủ yếu thấy hình thức tháp mộ.

Điều đặc biệt, nếu các ngôi tháp thông thường trong lịch sử thì các tầng sẽ theo số lẻ như 5,7,9 hay 13 tầng. Nhưng ngôi tháp Diệu Quang lại có sự khác biệt khi cao 10 tầng có hình lục lǎng, có lai lịch rõ nhất trong nội đô Hà Nội.

Hiện nay, việc xây dựng mới hay trùng tu tôn tạo các Tháp Chùa được phát triển mạnh mẽ ở Việt nam. Và để làm rõ sự khác biệt giữa kiến trúc chùa Tháp Việt Nam với các nước xung quanh, nhóm nghiên cứu cùa KTS Đinh Việt Phương đã cố gắng phỏng dựng các hệ thống tháp trong chiều dài lịch sử Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm KTS nhận ra rằng hệ thống hoa văn của chùa tháp Việt Nam cũng như tỷ lệ giữa các tầng, chất liệu xây dựng và không gian gắn với ngôi tháp có sự độc đáo riêng.

Dựa vào các tài liệu sử học cũng như các kết quả khảo cổ từ di chỉ liên quan đến Tháp, KTS Đinh Việt Phương đã phỏng dựng lại tháp Lưu ly, chùa Diên Hựu thời Lý. Điểm đặc biệt tòa tháp được thể hiện đầy đủ các nét đẹp, đặc trưng như sử dụng chất liệu bằng sứ trắng thời Lý.

Từ đó có thể thấy, Tháp là loại hình kiến trúc độc đáo về mặt tạo hình, nó có ý nghĩa, vị trí quan trọng, là yếu tố khởi nguồn trong kiến trúc Chùa Tháp. Tuy nhiên hình thức kiến trúc của các loại Tháp này rất khác nhau, thậm chí là trái ngược về chiều cao, số tầng, hình dạng mặt bằng, vị trí trong tổng thể chùa… Do đó, một nghiên cứu về loại hình kiến trúc Tháp rất cần thiết trong công tác bảo tồn, trùng tu, phục dựng hay xây mới là cần thiết, đặc biệt là với dạng công trình mang đậm yếu tố tôn giáo văn hóa.

Giao lưu nghệ thuật “Điểm tựa hòa bình”

Chương trình là dịp tri ân, tưởng nhớ đến những người đã hy sinh máu xương, tuổi trẻ để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Tại đây, BTC chương trình đã tặng 20 suất quà đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, thương binh, gia đình liệt sỹ trị giá 220 triệu đồng.      

Ninh Bình: Thăm các bà mẹ VNAH và thắp nến tri ân AHLS

Trong khi đó, khuôn khổ khóa tu mùa hè do chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) tổ chức, hàng nghìn khóa sinh đã cùng nhau quét dọn khuôn viên nghĩa trang Liệt sỹ xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn); đồng thời đến thăm hỏi, động viên các bà mẹ VNAH và những người có công để tỏ lòng biết ơn, tri ân. Bên cạnh đó, toàn bộ khóa sinh đã tham gia Lễ cầu nguyện quốc thái dân an và thắp nến tri ân các AHLS.

Đồng hành cùng thương bệnh binh

Tháng 7, tháng tri ân, các tự viện trên cả nước sôi nổi với nhiều hoạt động thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, bày tỏ sự biết ơn với các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh và gia đình chính sách. Những ngày qua, chùa Linh Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổ chức nhiều chương trình đồng hành, thể hiện tinh thần tứ trọng ân quý báu của Phật giáo.

Hướng về ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, chùa Linh Sơn dành ra 3 ngày chủ nhật trong tháng để khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho thương bệnh binh, cựu chiến binh. Mọi người tới đây được khám tổng quát, siêu âm, điện tim với sự hướng dẫn tận tình của các bác sĩ tình nguyện từ nhiều bệnh viện tuyến đầu trên địa bàn thủ đô. Là cựu chiến binh chiến trường Đông Nam Bộ những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Văn Tâm vô cùng cảm động trước tình cảm của Chư tôn đức và các lương y.

Không chỉ hỗ trợ tại chùa, đoàn thiện nguyện chùa Linh Sơn còn trao hàng trăm suất quà tới gia đình thương bệnh binh, chính sách tại 4 xã vùng sâu vùng xa tại tỉnh Yên Bái. 500 suất quà với nhu yếu phẩm với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng, là những tình cảm ấm áp của những người con Phật.

Tinh thần tri ân báo ân là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, được phát huy và thể hiện rõ nét qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực. Những con Phật luôn biết ơn sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước, trân trọng để sống trách nhiệm và cống hiến cho cộng đồng.

Danh lam cổ tự Linh Ứng

Chùa Linh Ứng tọa lạc trên địa bàn thôn Cao Dương xã Gia Khánh huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Hiện chưa xác định được chính xác khởi lập từ năm nào. Tuy nhiên, theo văn bia 4 mặt hiện còn tại chùa cho biết: chùa Linh Ứng vốn là chốn lâu đài cổ tích danh lam nổi tiếng. Trải qua cơn binh biến phá hủy, trở nên hoang tàn. Đến năm Sùng Khang Giáp Tuất 1574, chùa được trùng tu, trong đó có sự đóng góp của Phượng Sơn Thái trưởng công chúa Mạc thị Ngọc Tuyền và vợ chồng viên quan Thừa Chánh sứ tham nghị Nguyễn Lộc – Phạm thị Ngọc Nga. Với những giá trị lịch sử và tâm linh, ngôi cổ tự Linh Ứng không chỉ là chốn nương tựa cho người dân địa phương, mà còn là nơi thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu.

Căn cứ vào ghi chép của bia đá Linh Ứng tự bi ký và Trùng tu Linh Ứng tự bi ký, chùa đã có từ khoảng thời Hậu Lê đến thời Mạc. Theo văn bia, chùa Linh Ứng trong lịch sử đã bị cháy do chiến tranh, đến năm Hoằng Định thứ 11 (1611) chùa được trùng tu nhiều hạng mục như tiền đường, tô tạo tượng Phật.

Ngoài ra chùa còn bảo tồn được một Thiên đài thạch trụ dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) hiện vẫn còn đặt trước chính điện chùa cũ. Cây hương đá được nghệ nhân đục tạo 4 mặt, trên đỉnh có hoa sen, giữa bông đục rỗng để cắm hương. Hoa sen có thể xoay 360 độ. 

Không chỉ là ngôi danh lam cổ, mà chùa Linh Ứng còn được coi như bảo tàng với nhiều hiện vật có giá trị như: dụng cụ nông nghiệp, đồ dùng sinh hoạt, các tháp, tượng, bát hương Phật giáo cổ. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ gần 600 quyền kinh sách xưa quý hiếm. Đó chính là cách y lưu giữ và quảng bá nét đẹp văn hoá, tâm linh cho thế hệ sau.

Giữa sự phát triển của cuộc sống hiện đại, ngôi chùa Linh Ứng vẫn giữ được những giá trị cổ xưa từ ngàn năm. Dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024, chùa sẽ tu sửa hoàn thiện để không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh cho bà con, mà còn là điểm nhấn du lịch, tham quan của địa phương để thế hệ trẻ và các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu tìm hiểu lịch sử dân tộc.

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube anvientvbchannel.

​​

19 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2621 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1640 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3730 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4635 lượt xem 0 Bình luận