Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

04/09/2024 09:03:46 1501 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.

Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam

Cho đến thời điểm hiện tại, khoảng 3/4 BTS GHPGVN các tỉnh thành trên cả nước đã ký kết hợp tác lan tỏa đề án pháp phục với Ban Văn hóa TƯGH. Điều này từng bước cho thấy sự hưởng ứng và áp dụng thực tế hiệu quả các mẫu pháp phục thống nhất trong đa dạng của Phật giáo VN.

Thời gian qua, Phòng may pháp phục Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (TP. Cần Thơ) được chọn là đơn vị thí điểm để tập huấn và triển khai đề án pháp phục Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng của Ban Văn hóa TƯGH. Từ chất liệu vải, kích thước, kiểu dáng, nếp gấp, đường chỉ đều được chú ý cao về độ chính xác. Những ngày đầu, do có sự thay đổi với những mẫu áo trước đây; nên thợ may, trong đó có cả chư Tăng Ni còn bỡ ngỡ. Nhưng sau khi tham khảo catalogue và được các chuyên gia là thành viên Ban Văn hóa TƯGH tận tình hướng dẫn; phòng may Phương Nam trở nên thuần thục hơn và phổ biến mẫu pháp phục chuẩn đến chư Tăng Ni toàn TP.

Với mong muốn phổ cập kỹ thuật may pháp phục chuẩn; Ban Văn hóa TƯGH tổ chức nhiều buổi tập huấn cho thợ may của các tỉnh thành trong cả nước, kể cả các tỉnh miền núi. Đây đều là những người có chuyên môn và đã từng may pháp phục để có thể hiểu rõ về yêu cầu, sự đổi mới cũng như quy chuẩn thống nhất.

Bên cạnh hoạt động tập huấn, việc ký kết lan tỏa đề án pháp phục với BTS GHPGVN các tỉnh thành trong cả nước cho thấy sự hưởng ứng tích cực của các địa phương. Hình ảnh nổi bật của Pháp phục Phật giáo Việt Nam trong các quốc lễ, quốc tế lễ, chính là nét đặc trưng riêng của chư Tăng Ni Việt Nam.

Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo

Trong những năm qua, song song với sứ mệnh giáo dục và đào tạo, HVPGVN tại Huế đặc biệt quan tâm tới công tác sưu khảo và phát huy giá trị các nguồn di sản tư liệu, văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Với sự quan tâm đó, Trung tâm Lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo đã được ra đời nhằm bảo tồn và lưu trữ các mộc bản, tư liệu Phật giáo một cách khoa học, tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu sau này.

Trung tâm lưu trữ HVPGVN tại Huế hiện là nơi quy tập toàn bộ kho mộc bản vốn được lưu giữ tại chùa Từ Đàm trước đây với số lượng 828 tấm (1.319 mặt khắc) và từ các tổ đình danh tiếng Phật giáo xứ Huế như: chùa Kỳ Viên, Đức Sơn, Thiền Lâm, Viên Thông, Thuyền Tôn, Báo Quốc, Bảo Lâm, Ba La Mật… Là kho mộc bản đa chủng loại, gồm: kinh, luật, luận, trước tác, phái điệp quy y – thế độ, tranh đồ họa cổ…; tích hợp đa niên đại ván khắc, với tuổi đời của mộc bản trải dài từ cuối thế kỷ XVII đến nữa đầu thế kỷ XX.

Trung tâm còn là nơi nối kết các học giả, các trường Phật học, các trung tâm giáo dục, văn hóa, lưu trữ và thư viện ở trong nước cũng như khu vực, thông qua các hoạt động nghiên cứu, trao đổi học thuật, tọa đàm, hội thảo, triển lãm,… nhằm giới thiệu giá trị di sản – tư liệu văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc, đặc biệt là di sản văn hóa Phật giáo Huế.

Không chỉ dừng lại ở việc số hóa di sản, Chư tôn đức đang lên kế hoạch thu thập nguồn tư liệu Phật giáo trên khắp mọi miền đất nước, để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của giảng viên, Tăng Ni sinh cũng như đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Chắp cánh ước mơ

Chỉ còn 1-2 ngày nữa, các em học sinh sẽ chính thức bước vào năm học mới 2024-2025. Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện sẵn sàng cho các em tới trường. Chính bởi vậy, với mong muốn chia sẻ và chắp cánh ước mơ cho những mầm non tương lai của đất nước, nhiều hoạt động trao tặng đồ dùng học tập đến học sinh nghèo được chư Tăng Ni triển khai. Bên cạnh đó, nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hiếu học cũng được trao học bổng, bảo trợ học tập đến năm 18 tuổi.

Năm học mới sắp bắt đầu, thế nhưng trên khuôn mặt cô bé 12 tuổi Dương Thị Nga, ở Thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chất chứa nỗi buồn không thể lấp đầy. Cha mẹ mất sớm, bà ngoại trở thành người mẹ đặc biệt, cố gắng bù đắp những thiệt thòi cho đứa cháu ngoại côi cút. Bà Mậu đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe yếu, việc nuôi Nga ăn, học đều dựa vào tiền trợ cấp ít ỏi cho người cao tuổi. Hoàn cảnh khó khăn, việc học của cô bé Dương Thị Nga không biết duy trì được bao lâu. Thấu hiểu cuộc sống của 2 bà cháu, đại đức Thích Minh Thông, UV BTS GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Phúc Thủy đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kinh phí mua sách, vở và chiếc xe mới để cháu có điều kiện an toàn đến trường.

Cũng đã lâu rồi, ngôi nhà nhỏ của 2 ông cháu Nguyễn Văn Thuấn, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam mới tràn ngập tình thương yêu như thế này. Những người thân trong gia đình lần lượt ra đi, chỉ còn 2 ông cháu nương tựa nhau sống qua ngày. Dù có thiếu thốn, cơ cực, nhưng ông Trần Văn Lễ vẫn cố gắng cho cháu được đi học, để sau này có cuộc sống tươi sáng hơn. Khi nhận sự sẻ chia, động viên của chư tôn đức, năm học này, 2 ông cháu đã vơi bớt khó khăn, em Nguyễn Văn Thuấn có xe mới đến trường, viết tiếp ước mơ vào cánh cửa đại học. Và có lẽ, sự tủi thân, mất mát của 2 ông cháu cũng đã nguôi ngoai đi phần nào.

Đồng hành với học sinh khó khăn, đại đức Thích Minh Thông phối hợp hội Khuyến học huyện Lý Nhân, tài trợ học bổng cho 10 em nhỏ đến khi các em đủ 18 tuổi. Đây là tình cảm, sự sẻ chia, giúp đỡ các em vượt khó viết tiếp ước mơ đến trường.

Không chỉ riêng tại Hà Nam, Phật giáo khắp mọi miền trên cả nước đều luôn quan tâm đến mầm non tương lai của đất nước. Đến thăm gia đình em Nguyễn Tuấn Huy sinh năm 2013 tại thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh vào một buổi tối muộn; mẹ Huy đang chỉ bảo em học bài. Nhà Huy có 5 người; bà nội già yếu; bố mắc bệnh hiểm nghèo. Cả gia đình trông chờ vào đồng lương ít ỏi của mẹ em; mùa du lịch làm phục vụ nhà hàng, những mùa còn lại thì đi biển đánh bắt. Thương bố mẹ; Huy cố gắng để luôn đạt học sinh khá giỏi, thời gian rảnh thì đỡ đần việc nhà. Biết tin được chư tôn đức chùa Trúc Lâm Cô Tô tặng học bổng, cả nhà Huy đều mừng.

Vừa qua, chư tôn đức chùa Trúc Lâm Cô Tô đã trao học bổng, nhận đỡ đầu cho 2 em nhỏ trên địa bàn huyện, bắt đầu từ năm học 2024 này đến khi 18 tuổi. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn; chính bởi vậy, việc được đến trường đủ đầy cũng là ước mơ của nhiều em nhỏ. Sự quan tâm của chùa chính là sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời; và cũng là nền tảng để vun bồi những hạt mầm nhỏ.

Không có bố mẹ đi cùng, em Nguyễn Thị Bình ở xã Đồng Tiến đến chùa nhận học bổng cùng chị gái mình. Nhìn cái dáng nhỏ con không ai nghĩ em sinh năm 2014. Bố mẹ em đều là lao động tự do, mẹ ốm đau liên miên mà nhà lại đông con. Phần quà đặc biệt của quý Thầy chí ít giúp việc học của em không bị “đứt gánh” giữa chừng.

Cùng với đó, Phật giáo Nam tông Khmer cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa chắp cánh ước mơ cho các em người đồng bào. Năm nay, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh phối hợp với các nhà hảo tâm, trao 700 suất học bổng cho học sinh tiểu học, THCS, THPT, sinh viên người dân tộc Khmer. Cùng với đó, nhiều xe đạp được trao đi giúp các em học sinh nghèo có điều kiện đến trường trong năm học mới.

Nhiều năm qua, phong trào khuyến học, nâng cao chất lượng giáo dục cho con em người đồng bào luôn được chư tôn đức trong hội Đoàn kết sư sãi yêu nước quan tâm, thực hiện, nhất là vào dịp chuẩn bị bước vào năm học mới. Bên cạnh hỗ trợ học bổng, chư tôn đức mở lớp học văn hoá, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em người đồng bào. Qua đó góp phần chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho nhiều học sinh dân tộc khó khăn.

Có thể thấy rằng, với nhiều hoạt động ý nghĩa, Phật giáo khắp nơi đã và đang nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ cho các em nhỏ có điều kiện đến trường. Bằng tình yêu thương, sự sẻ chia, tâm huyết, trách nhiệm, chư tôn đức truyền tải thông điệp, năng lượng tích cực và lan tỏa sự tử tế trong cộng đồng.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 03.09.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

3 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2547 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3675 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2618 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4592 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.08.2024

Bản tin 24h 28/08/2024 08:37:31

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.08.2024

Bản tin 24h 28-08-2024 08:37:31

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Điện Biên: Ban TTXH TƯGH làm việc với UB MTTQVN tỉnh; Nét đẹp xuất gia báo hiếu của đồng bào Khmer; Lễ Vu Lan nơi xa xứ.
24154 lượt xem 0 Bình luận