Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

02/09/2024 09:23:16 2643 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.

TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Vừa qua, tại chùa Từ Đàm, TP. Huế, Chư tôn giáo phẩm TƯGH cùng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và BTS GHPGVN tỉnh TT-Huế cử hành nghi thức dâng hương cầu nguyện nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS quang lâm chứng minh Đại lễ.

Trong không khí thiêng liêng, Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN tỉnh TT-Huế cùng các Bộ ban ngành T.Ư đã thành kính dâng hương, cầu nguyện cho vong linh của các nạn nhân tai nạn giao thông được vãng sanh. Dịp này, HT.Thích Khuế Chơn, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh TT-Huế đã nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của đại lễ, không chỉ bày tỏ niềm tiếc thương cho các nạn nhân, mà còn nhắc nhở người dân trân trọng sinh mạng, tham gia giao thông an toàn.

Nhằm xoa dịu nỗi đau của những người ở lại, Ban Tổ chức đã trao những suất quà ấm áp nghĩa tình cho thân nhân các nạn nhân, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật.

Cũng trong hôm nay 31/8, nhiều nghi thức tâm linh truyền thống cũng được tổ chức như: Tụng kinh Vu lan, Tụng kinh Di Đà, Đăng đàn chẩn tế cô hồn, Tạ Phật – Hoàn kinh…

Nỗ lực gìn giữ Bảo vật Quốc gia

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều bảo vật quốc gia nhất cả nước với tổng số 18 bảo vật, nhóm bảo vật. Bên cạnh niềm tự hào, đó còn là trách nhiệm của Phật giáo và chính quyền địa phương, trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Chùa Dâu, một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nơi khởi nguồn của đạo Phật. Không chỉ là điểm đến tâm linh tiêu biểu, nơi đây còn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi những Bảo vật quốc gia, trong đó không thể không kể đến Bộ tượng Tứ pháp, gắn liền với ước vọng mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp.

Các pho tượng thuộc loại hình điêu khắc tượng tròn, tư thế tọa thiền trên tòa sen, đầu kết xoắn ốc, cổ cao ba ngấn, để mình trần, quấn xà rông, tay phải giơ ngang ngực, tay trái đặt ngửa trên đùi, nhân tướng theo kiểu Ấn Độ, khuôn mặt hiền hậu, từ bi. Những hình khối của cơ thể mềm mại, uyển chuyển gợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt rất đặc biệt trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh có tổng số 18 bảo vật, nhóm bảo vật Quốc gia trong đó có nhiều kiệt tác Phật giáo như Tượng phật Adiđà, Bộ tượng 10 linh thú chùa Phật Tích; Bộ tượng Phật Tam thế, Hương án, Tòa Cửu phẩm liên hoa, Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp; Tượng Quan thế âm chùa Cung Kiệm… Nhiều năm qua, Phật giáo địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, hoàn thiện hệ thống chính sách đặc thù về bảo tồn, triển khai hiệu quả công tác phát huy giá trị di sản.

Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao

Là tỉnh thuộc miền núi vùng cao Tây Bắc, cả tỉnh Sơn La chỉ có 2 ngôi chùa. Bao nhiêu năm qua, bà con phật tử nơi đây phải di chuyển rất xa và rất khó khăn mới có thể tiếp cận được giáo lý của Đức Phật. Nhân chuyến thăm và trao quà hỗ trợ bà con vùng lũ tại Sơn La, đoàn ban TTXH TƯGH đã tổ chức buổi thuyết pháp nhằm chia sẻ Phật pháp, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu giáo pháp của phật tử vùng sâu, vùng xa.

7h30 tối!

Rất đông bà con phật tử tại tỉnh Sơn La đã có mặt tại chùa Trúc Lâm Hưng Pháp để nghe pháp thoại. Là địa phương vắng tăng, vắng tự nên việc tu tập của phật tử nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Họ ít có cơ hội được gần gũi chư tăng ni, và lại càng ít có cơ hội được tiếp cận với giáo lý nhà Phật. Ngày hôm nay, được về chùa, trực tiếp lắng nghe những bài giảng của chư tôn đức, ai nấy đều cảm thấy hoan hỷ, vui mừng.

Nội dung bài thuyết giảng hôm nay nói về các duyên lành với Tam bảo. Chư tôn đức mong muốn truyền tải đến các phật tử thông điệp kết duyên với Phật. Thông qua đó, gửi gắm đến mỗi Phật tử cách tu tập giúp tốt đời đẹp đạo, trở thành một hạt giống lành.

Không khí vui tươi, rôm rả tiếng nói cười trong buổi pháp thoại đã giúp những lời giảng của chư tôn đức từ từ thấm sâu vào tâm thức mỗi phật tử, từ đó giúp giáo lý Phật đà lan tỏa đi xa hơn, len lỏi vào đời sống vùng núi xa xôi này. 

Dấu ấn cơ sở cách mạng đầu tiên nơi non côi sông Vị

Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều ngôi chùa đã trở thành nơi đùm bọc, nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Những ngôi già lam này trở thành minh chứng cho lịch sử hào hùng của quân và dân, ghi dấu ấn sâu sắc thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như sự nhiệt thành, đồng hành cùng dân tộc của chư tôn đức tăng ni.

Tại xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, địa phương vốn được gọi với cái tên: mảnh đất non Côi sông Vị có một ngôi chùa vô cùng đặc biệt. Ở đó, từ công trình kiến trúc cho đến hoa văn, hoạ tiết đều nhuộm màu thời gian, hiện lên nét rêu phong cổ kính. Và ngôi chùa đó mang tên Phúc Chỉ với lịch sử hơn 800 năm.

Vốn dĩ ban đầu chùa có tên là Thái Tử Quán tự do Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật xây dựng sau thắng lợi trước quân Nguyên xâm lược và cũng do chính Ngài làm trụ trì. Sang thời Hậu Lê, chùa được gọi là Phúc Long tự. Đến thời Nguyễn dưới triều vua Minh Mạng do kỵ húy vua Gia Long nên đổi tên là Phúc Chỉ như hiện nay.

Và đây cũng chính là điểm đặc biệt của ngôi chùa này. Bởi dù đã đổi tên đến vài lần, và còn nằm ở vùng thôn quê hẻo lánh…nhưng Phúc Chỉ có vai trò nhất định trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.

Theo ghi chép, năm 1929, chi bộ hội Việt Nam cách mạng thanh niên huyện Nghĩa Hưng và chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng huyện Nghĩa Hưng đã được thành lập tại chùa Phúc Chỉ, biến nơi đây trở thành Cơ sở cách mạng đầu tiên của tỉnh Nam Định. Kể từ đó, nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi, phát triển rầm rộ diễn ra ở khắp các vùng nông thôn ở hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình.

Và theo gương xưa của vị trụ trì đầu tiên là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật anh dũng kháng Nguyên, sư Vận, vị trụ trì thời điểm đó cũng trung kiên, một lòng vì đất nước. 

Cần phải nói ở thời điểm đó, xã Yên Thắng là nơi sinh sống của Chánh Tổng và cả Lý Trưởng, những kẻ thân tín của thực dân Pháp… Chính vì vậy mà việc cưu mang, cất giấu, bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ là một việc hết sức nguy hiểm. Thế nhưng, sư Vận vẫn không ngại, nhiều lần địch biết, đến vây chùa Phúc Chỉ nhưng nhờ sự cảnh giới của sư mà các cán bộ thoát lui an toàn.

Cuốn lịch sử đảng bộ Nghĩa Hưng còn ghi rõ, khi sư Vận bị địch bắt tra hỏi nhưng không khai báo, dùng lý lẽ nhà chùa đấu lý với địch, dưới làn đạn vẫn chở thuyền đưa đón cán bộ.

Bên cạnh đó, trước đây, chùa Phúc Chỉ có một tháp Cửu phẩm Liên hoa, theo các cụ cao niên trong làng miêu tả, ngôi tháp có hình dáng tương tự với tháp chùa Cổ Lễ.

Tuy nhiên, trong những năm tháng chiến tranh, ngôi tháp cao sừng sững đó vô hình dung lại trở thành điểm mốc để quân Pháp lấy làm tọa độ căn chỉnh pháo, bắn giết quân dân ta mỗi lần đi càn. Chính vì lẽ đó mà sư Vận cùng người dân ngậm ngùi hạ tháp, lấy làm nguyên vật liệu phục vụ kháng chiến.

Sau chiến tranh, ngoại trừ tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chưa thể phục dựng thì chùa Phúc Chỉ vẫn giữ nét đẹp vốn có về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cùng lịch sử đáng tự hào. Với những giá trị như vậy, năm 1999, Chùa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia. Các thế hệ Tăng Ni trụ trì đều sống tốt đời, đẹp đạo, được Nhân dân trong vùng tin tưởng, yêu mến.

Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”

Tại mảnh đất Long An “trung dũng kiên cường”, quân và dân đã cùng nhau chiến đấu vì hòa bình, độc lập của dân tộc. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, không ít mái chùa tại đây trở thành nơi nuôi giấu cán bộ. Một trong số đó là chùa Gia Phước ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức. Ngôi cổ tự đã đồng hành, “che chở hồn dân tộc” trong suốt những năm tháng ác liệt nhất.

Chùa Gia Phước là ngôi cổ tự được hình thành vào khoảng năm 1860. Hơn 150 năm trôi qua, ngôi cổ tự năm xưa đã được xây dựng lại khang trang hơn. Tuy nhiên nơi đây vẫn lưu giữ những hiện vật gắn với những ngày đầu lập chùa như tượng gỗ đức bổn sư, tượng gỗ đức Phật đản sanh… Đặc biệt là bảng tên chùa bằng gỗ đặt ở chính điện. Bảng tên này được khắc bằng tiếng Hán với nội dung: Canh Thân niên, Gia Phước Tự, Hạ nguyệt tạo. Trong đó, chữ Phước nằm ở chính giữa có một lỗ thủng do viên đạn xuyên qua sau một cuộc giao tranh. Bảng tên này cùng với căn hầm trú ẩn trong khuôn viên chùa, là những bằng chứng sống động về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân xóm Trầu, xã Thạnh Đức. Đặc biệt, ký ức về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ là điều mà bà Nguyễn Thị Ngọc Bé – con gái của bà mẹ VNAH Phẩm Thị Tám – vẫn luôn nhớ rõ dù năm nay đã 74 tuổi.

Để thuận tiện cho việc bám trụ địa bàn, hoạt động cách mạng, căn hầm trú ẩn này được đào ngay trong khuôn viên chùa Gia Phước. Việc ngụy trang cẩn thận đã biến căn hầm thành nơi ấn náu an toàn của các cán bộ lãnh đạo, các chiến sĩ.

Với những đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, nơi này được UBND tỉnh Long An xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2021. Trước đó, miếu ngũ hành trong khuôn viên chùa Gia Phước cùng với căn hầm trú ẩn đã được trùng tu. Đây cũng là nơi đặt bia tưởng niệm các bà mẹ VNAH, các liệt sĩ ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng tinh thần bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc vẫn còn mãi. Và những di tích lịch sử gắn liền với các ngôi chùa như thế này là nơi ghi dấu ấn đậm nét nhất về sự nhiệt thành, đồng hành cùng dân tộc của chư Tôn đức Tăng Ni, phật tử các thế hệ.

Đến thăm ngôi chùa quê Xứ Quảng

Đến thăm ngôi chùa quê xứ Quảng để cảm nhận vẻ đẹp an yên, thanh tịnh nơi đây. Nằm giữa thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, chùa Giác Nguyên từ lâu trở thành chốn đi về, nương tựa tâm linh của biết bao thế hệ người dân nơi đây, mang theo bao kỷ niệm, nỗi nhớ quê hương với những người đi xa.

Chùa Giác Nguyên được xây dựng vào năm 1935. Ban đầu chùa có tên là Long Hội Tự, nằm trên mảnh đất rộng với diện tích khoảng 15.000m2. Trải qua chiến tranh, ngôi chùa chịu nhiều biến thiên của thời cuộc. Trong những năm 1945, chùa được trùng tu lần thứ nhất và làm nơi đặt trụ sở Hội An Nam Phật học thuộc Tổng Hội Phật giáo Trung phần. Năm 1969, chùa được di dời về khu đất mới thuộc bờ phía Bắc Bầu Hà Lam đổi tên thành chùa Giác Nguyên. Năm 2012, chùa được trùng tu xây dựng lại để khanh trang như ngày hôm nay.

Hiện chùa có không gian kiến trúc đẹp, uy nghiêm. Nơi đây không chỉ trở thành mái nhà chung của bà con phật tử lui về tìm hiểu, nương tựa Phật pháp mà còn là điểm đến tham quan, vãng cảnh của đông đảo du khách cả nước.

Với những giá trị mang tính truyền thống, giá trị về nghệ thuật kiến trúc, về cảnh quan môi trường, chùa Giác Nguyên xứng đáng trở thành nơi hành hương Phật giáo và là địa chỉ du lịch tâm linh thu hút khách gần xa. Nơi đây mang lại cảm giác an yên, thanh bình của một vùng quê thâm tín Phật giáo.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 31.08.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

4 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2574 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1544 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3692 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4604 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.08.2024

Bản tin 24h 28/08/2024 08:37:31

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.08.2024

Bản tin 24h 28-08-2024 08:37:31

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Điện Biên: Ban TTXH TƯGH làm việc với UB MTTQVN tỉnh; Nét đẹp xuất gia báo hiếu của đồng bào Khmer; Lễ Vu Lan nơi xa xứ.
24177 lượt xem 0 Bình luận