Bản tin An Viên 24H 16.08.2023

17/08/2023 09:53:45 499 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 16.08.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Chủ tịch nước tiếp đoàn chức sắc tôn giáo TP.HCM, Triển khai nhiều Phật sự trọng tâm, Bắt đầu mùa Vu Lan yêu thương.

Hà Nội: Chủ tịch nước tiếp đoàn chức sắc tôn giáo TP.HCM

Ngày 16/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp đoàn đại biểu chức sắc, chức việc các tôn giáo, Dân tộc thiểu số, nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu của TP.HCM, nhân dịp đoàn ra Hà Nội, trong Chương trình “Hành trình kết nối” kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn xác định, “Đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược quan trọng, là “Nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nguồn sức mạnh ấy, được hình thành từ các lực lượng, thành phần xã hội, trong đó đặc biệt là các chức sắc, chức việc tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức và mỗi cá nhân tiêu biểu.

Chủ tịch nước nêu rõ, gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín, trong khu vực và trên thế giới ngày càng được khẳng định. Những kết quả đó, có sự đóng góp to lớn của TPHCM, của đồng bào các giới với truyền thống kiên cường, năng động, sáng tạo, đoàn kết.

Dịp này, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu chức sắc, chức việc, trí thức, người tiêu biểu phát huy hơn nữa vai trò, là hạt nhân trong mọi phong trào; lan tỏ, truyền cảm hứng cho xã hội, nhất là cho thế hệ trẻ góp phần tích cực vào tiến trình phát triển của Thành phố, của đất nước.  

Chương trình “Hành trình kết nối” do UBMTTQVN TP.HCM tổ chức  diễn ra trong 4 ngày từ 14/8-17/8 với sự tham gia đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc, chức việc các tôn giáo, đồng bào dân tộc, cá nhân tiêu biểu của TP. Đoàn đã đến thăm các cơ sở tôn giáo trong đó có chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Long Hưng (Hà Nội)….

“Hành trình kết nối” là nội dung, phương thức hoạt động mới của Ủy ban MTTQVN TP.HCM nhằm kết nối, tiếp tục xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa lãnh đạo TP với các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, đồng bào các dân tộc, nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu với mục tiêu lớn nhất là xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng vững bền.

Triển khai nhiều Phật sự trọng tâm

Ngày 15/8, tại chùa Quan Âm (thị xã Long Mỹ) Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang đã họp Tăng sự định kỳ hàng tháng và triển khai nhiều Phật sự trọng tâm.

Tại Hậu Giang, buổi họp Chư tôn đức nghe báo cáo công tác Phật sự trong tháng, với hoạt động đón tiếp đoàn Ban Hoằng pháp và Ban Kinh tế Tài chính TƯGH, tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì năm 2023, triển khai chủ trương chính sách tới đông đảo Tăng Ni, Phật tử.

Thời gian tới, BTS sẽ tập trung chuẩn bị Lễ Tạ pháp và Đại lễ Vu lan Báo hiếu 2023, nêu cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ công tác Phật sự nhằm tạo sự ổn định, phát triển. Dịp này, chư tôn đức cũng tiến hành Bố tát và tụng giới, thanh tịnh ba nghiệp, tăng trưởng đạo tâm.

Trong khi đó sáng nay 16/8 tại chùa Long Sơn, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa đã họp triển khai Phật sự trong mùa Vu lan – Báo hiếu, thống nhất tổ chức chương trình như: “Bông hồng xuống phố”, văn nghệ Vu lan đường phố nhằm mục đích đưa tinh thần tri ân và báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ theo tinh thần Phật giáo, lan tỏa đến xã hội. Về thời gian và địa điểm thực hiện, chư tôn đức các Ban lên kịch bản chi tiết để trình Ban Trị sự tỉnh trong kỳ họp tới.

Nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Tại huyện vùng núi Đức Trọng, Lâm Đồng có một cô nhi viện quanh năm rộn rã tiếng cười. Đó chính là Cô nhi viện Lục Hòa – mái nhà thân thương của gần 50 em nhỏ kém may mắn nhiều năm qua. Thương cảm với những mảnh đời vừa sinh ra đã bị bỏ rơi, Ni sư Thích Nữ Tâm Hạnh đã đón nhận, cưu mang, nuôi dưỡng hàng chục trẻ nhỏ. Người con Phật ấy mong muốn- một mai những mầm non sẽ được chắp cánh, đi tiếp chặng đường dở dang.

Năm 2006 với lòng nhiệt huyết và mang trong mình ý nguyện nhỏ nhoi là cưu mang, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, Ni sư Thích Nữ Tâm Hạnh đã từ chùa Niết Bàn – Hương Sơn tại Bà rịa – Vũng Tàu chuyển về Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng và lập nên Cơ sở nuôi trẻ mồ côi Lục Hòa. Từng mồ côi và được nuôi dưỡng tại chùa, Ni sư hơn ai hết hiểu và thương cảm với những đứa trẻ thiếu may mắn ấy.

Hơn 40 em nhỏ với nhiều hoàn cảnh và độ tuổi khác nhau. Em thì bị bỏ rơi ngay tại cổng chùa khi còn đỏ hỏn, em thì bị bệnh không ai chăm sóc… Nhưng giờ đây nhờ vòng tay nhân ái và tấm lòng từ bi của người con Phật nơi đây, các em được nuôi dưỡng, được quan tâm, chăm sóc và lớn lên giống như bao bạn bè khác. Vật chất có thể còn khó khăn, thiếu thốn nhưng tình yêu thì luôn dạt dào và đong đầy.

Cứ như thế, trẻ nhỏ mỗi ngày một lớn lên trong sự yêu thương của những người mẹ hiền. Cũng chính từ đây, hơi ấm tình thương được lan tỏa để ươm mầm những “hạt” duyên lành, giúp cuộc sống thêm tươi đẹp, màu nhiệm.

Bắt đầu mùa Vu Lan yêu thương

Một mùa Vu lan nữa lại về với thật nhiều cảm xúc đặc biệt. Bất cứ ai cũng đều cảm thấy hân hoan, rộn ràng, hướng tới mùa đặc biệt nhất trong năm – mùa của hiếu hạnh, của tri ân, báo ân. Những ngày vừa qua, các tự viện trên cả nước cũng đang khoác trên mình một diện mạo mới, rực rỡ với nhiều công trình, thiết trí hướng về Đại lễ. Trong chuyên mục tiêu điểm hôm nay, kính mời quý vị cùng đến với không khí chuẩn bị và các hoạt động đặc sắc kính mừng Vu lan năm 2023.

Vu Lan nhớ mẹ, bài hát được Bảo Anh lựa chọn và đang ra sức luyện tập. Từng câu từng chữ, em đều cố gắng tròn vành rõ chữ, để truyền tải đầy đủ nhất tình cảm đến với người xem.

Không chỉ dành thời gian luyện tập ở nhà, Bảo Anh còn tranh thủ học và lan tỏa giai điệu Vu Lan đến với mọi nhà khi hát dạo dọc bờ biển với bố. Chính sự nỗ lực của cô gái từng giành hạng nhất Hội thi Sơn ca 2021 – 2023 tại Hải Phòng này, đã đưa tiết mục của em trở thành một phần trong chương trình văn nghệ tại chùa vào dịp rằm tháng 7.

Cùng với Bảo Anh, nhiều thầy cô giáo trường Mầm non Hải Sơn cũng hân hoan góp sức chuẩn bị tiết mục ngày Vu Lan. Là người biên đạo bài múa, chị Phương Oanh cho biết, Vu Lan là ngày lễ trọng trong truyền thống văn hoá Việt và ngày càng được Phật giáo lan toả với nhiều chương trình nhân văn. Vì vậy, chị cố gắng dành nhiều thời gian biên đạo, sao cho mỗi động tác đều ẩn chứa những thông điệp ý nghĩa.

Sự háo hức của cô trò Phương Oanh, Bảo Anh cũng như nhiều người dân, Phật tử tại Đồ Sơn, Hải Phòng chính là kết quả rõ ràng nhất sau các sự kiện Vu Lan do Phật giáo nơi đây tổ chức những năm qua. Như tại Chùa Hang năm 2022, một buổi tối hoa đăng rực rỡ, một nghi thức rửa chân cho đấng sinh thành đầy xúc động đã làm ngày Vu Lan vẹn tròn ý nghĩa và dư âm vẫn còn vẹn nguyên đến ngày nay.

Như thường lệ, cứ vào ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng Phật tử Thọ Hoa lại làm lễ cúng Gia thần, Gia tiên và lên chùa lễ Phật cầu bình an cho gia đình, cha mẹ. Cũng vẫn là hoạt động ấy nhưng hôm nay tâm trạng và cảm xúc của chị thêm dâng trào bởi mùa Vu Lan đang về, nhắc nhở người con biết hiếu đạo trước công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Cũng giống như Phật tử Thọ Hoa, các Phật tử của đạo tràng chùa Vinh Phúc ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh hôm nay lên chùa từ rất sớm, cùng chư Tăng chuẩn bị băng rôn, dọn dẹp, sắp xếp, thiết trí cảnh quan chuẩn bị đón bà con Phật tử cùng người dân địa phương về lễ Phật nhân mùa Vu Lan.

Chọn hoa Hồng là biểu tượng của buổi lễ, chùa Khai Nguyên, thị xã Sơn Tây nhiều năm qua đã tạo được ấn tượng với người dân và du khách về vườn hồng cầu kỳ, rực rỡ mỗi dịp Vu Lan. Lễ hội hoa hồng là hoạt động thường niên của chùa, được tổ chức từ ngày mùng 1 tháng 7 ÂL đến hết mùa Vu lan báo hiếu. Chính vì vậy, nhiều ngày qua, hàng trăm chư Tôn đức, Phật tử chùa Khai Nguyên, thị xã Sơn Tây, Hà Nội lại tất bật chuẩn bị trải thảm cỏ, bố trí tiểu cảnh, xây dựng các khu vực check in, chụp hình với loài hoa mang ý nghĩa đặc biệt này.

Mỗi công trình lại mang một nét đặc sắc riêng về màu sắc, hình dáng nhưng tựu chung đều mang những hình ảnh quen thuộc như Khuê Văn Các với chất liệu tre nứa; những câu đối về ơn nghĩa sinh thành, hình tượng rồng truyền thống … Tất cả đã tạo nên không gian tự viện trang nghiêm, hứa hẹn một Lễ hội rộn ràng và nhiều cảm xúc. Anh Vũ Nguyễn – một nghệ nhân tại TP.HCM cảm thấy hoan hỷ khi vượt hơn 1000 km ra Hà Nội để trợ duyên cùng Chư tôn đức.

Khu vực vườn cây cảnh là sự góp sức của đông đảo Phật tử trẻ. Những chậu hoa được các em cẩn thận vun trồng, tạo nên không gian ngập tràn màu sắc và hương thơm. Nhiều em lần đầu làm quen với việc trồng cây, thế nhưng dưới sự hướng dẫn của Chư tôn đức, mọi bỡ ngỡ vụng về dường như không còn nữa, thay vào đó là tinh thần tuổi trẻ, sẵn sàng phụng sự với tất cả niềm nhiệt huyết hăng say.

Đại Lễ Vu Lan không chỉ thu hút sự quan tâm của Phật tử, mà còn là một ngày lễ quan trọng đối với tất cả người con Việt Nam. Đây là thời khắc đặc biệt, khi con người bày tỏ tình cảm sâu sắc đến cha mẹ với tấm lòng thành kính.

Thời kinh Vu Lan hòa trong tiếng mõ vang lên chốn thiền môn tĩnh mịch, báo hiệu một mùa Vu Lan đã về trong cảm xúc yêu thương và tình mẫu tử thiêng liêng và dâng trào mãnh liệt. Trong bầu không khí trang nghiêm, mỗi người cảm nhận sự gắn kết và tình người hòa quyện vào nhau, nhìn lại quá khứ và cảm nhận tình yêu thương, sự hy sinh vô điều kiện của cha mẹ. Tâm hồn được nâng niu, tình cảm được trao trọn, và lòng biết ơn trỗi dậy.

CỤM VĂN HÓA

Chuyển sang những thông tin văn hóa đáng chú ý. Nhằm chào mừng kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng tổ chức Liên hoan văn nghệ các tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2023.

Đà Nẵng: Liên hoan văn nghệ các tôn giáo, tín ngưỡng năm 2023

Liên hoan quy tụ hơn 250 đạo diễn, diễn viên, người làm nghệ thuật đến từ 07 đơn vị tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố. Đêm trình diễn với 14 tiết mục đặc sắc, gồm nhiều thể loại trình diễn (ca, hợp xướng, múa, nhảy hiện đại,…) mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước và truyền thống tốt đẹp của các tôn giáo, tín ngưỡng.

Đây là hoạt động định kỳ nhằm tăng cường công tác tập hợp, đoàn kết, gắn bó giữa các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện sự đồng hành trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung

Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4 năm 2023 với chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung – bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 8-10/9 tại Bình Định. Trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động: Liên hoan Văn nghệ quần chúng; Trình diễn Trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc tại địa phương; giới thiệu ẩm thực… nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc khu vực miền Trung trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Sun World Fansipan là “Quần thể Văn hóa Tâm linh tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương”

Quần thể văn hóa tâm linh Sun World Fansipan Legend được vinh danh và trao tặng giải thưởng “Quần thể văn hóa Tâm linh tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương” do Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam và Hội đồng Thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ bình chọn. Giải thưởng này là danh hiệu quốc tế đầu tiên dành cho quần thể văn hóa tâm linh Fansipan. Hàng năm, quần thể văn hóa tâm linh Fansipan tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, tâm linh như Hội xuân mở cổng trời, Đại lễ Phật Đản, Đại lễ Vu Lan… với sự tham gia của hàng trăm ngàn chư Tăng Ni, Phật tử cả nước.

CỤM QUỐC TẾ

Chuyển sang Phần tin quốc tế, vào cuối năm nay tại Singapore sẽ diễn ra một vở nhạc kịch nói về câu chuyện của đức Quán Thế Âm. Điều đặc biệt là vở nhạc kịch này được thực hiện với sự hỗ trợ của rất nhiều loại hình nghệ thuật.

Singapore: Sắp trình diễn vở đại nhạc kịch về Quán Thế Âm

Câu chuyện về Quan Âm, vị bồ tát của lòng từ bi sẽ trở nên sống động thông qua nghệ thuật tranh cát, âm nhạc và các hiệu ứng sân khấu. Vở nhạc kịch này được trình diễn tại Nhà hát Victoria từ ngày 24 đến 26 tháng 11 năm nay. Theo ban tổ chức, Chú Đại Bi và kinh Phổ Môn được tụng tại các tự viện nhưng sẽ được thể hiện bằng một hình thức mới mẻ, hiện đại hơn trong nhạc kịch.

Nepal: Khôi phục bản kinh 800 năm tuổi

Trong khi đó, các nghệ sĩ Nepal đang cố gắng khôi phục một bản kinh Phật cổ tại Chùa Vàng ở Lalitpur. Kinh Phật có tổng cộng 300 trang, còn được gọi là “PRAGYAPAARMITA”, đã hơn 800 năm tuổi. Những phần chữ bị mờ hoặc đã phai màu hoàn toàn sẽ được các nghệ sĩ căn cứ, đối chiếu với các tài liệu hiện nay để tô lại bằng mực vàng. Trong khi những trang kinh đã bị hư hại cũng được nhóm cố gắng khôi phục từ vật liệu nguyên bản làm từ loại cây đặc hữu của Nepal.

Đến Bình Dương thăm danh lam cổ tự Hội Khánh

Đến với vùng đất Bình Dương, không ai là không biết chùa Hội Khánh – trụ sở BTS GHPGVN tỉnh, tọa lạc ở trung tâm TP.Thủ Dầu Một. Được xây dựng vào thế kỷ 18, đây là một công trình tôn giáo mang tính chất lịch sử và mỹ thuật cao.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dù được trùng tu và mở rộng nhiều lần nhưng về cơ bản chùa Hội Khánh là ngôi chùa hiếm hoi còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương.

Chùa Hội Khánh có cấu trúc theo kiểu “nội đinh ngoại quốc”, gồm 5 hạng mục chính là Tiền đường, Chính điện, Hậu tổ, Giảng đường và Hành lang Đông – Tây. Trong khuôn viên Chùa có l kiến trúc 4 thánh tích gắn với Đức Phật, gồm vườn Lâm Tỳ Ni; Bồ Đề đạo tràng, vườn Lộc Uyển và Câu Thi Na. Nội thất kiến trúc, tranh, tượng, đồ thờ tự trong chùa đều được điêu khắc, chạm trổ tinh tế công phu, với những đề tài như tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung.

Năm 1993, Chùa Hội Khánh được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Tháng 5/2013, tổ chức kỷ lục Châu Á đã chính thức xác lập tượng Phật Nằm tại chùa là “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất Châu Á”. Vãn cảnh, lễ Phật chùa Hội Khánh, mỗi người đều cảm nhận sự thanh bình, tìm về chốn an yên sâu thẳm trong tâm.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 16.08.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

11 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2551 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1507 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3676 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2619 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4593 lượt xem 0 Bình luận