Bản tin An Viên 24H 21.08.2023
Bản tin An Viên 24H 21.08.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lễ tưởng niệm 30 năm Đức Đệ nhất Pháp Chủ viên tịch; Các địa phương tạ pháp an cư Phật lịch 2567 và các hoạt động trong khuôn khổ Đại lễ Vu Lan trên toàn quốc.
Ninh Bình: Lễ tưởng niệm 30 năm Đức Đệ nhất Pháp chủ viên tịch
Nhằm tưởng nhớ công đức cao dày của Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN – cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, tại tổ đình Kim Liên – chùa Đồng Đắc (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Trung ương Giáo hội đã trang nghiêm tưởng niệm 30 năm ngày Đức Đệ nhất Pháp chủ viên tịch.
Trong không khí trang nghiêm, chư tôn giáo phẩm đã cung tuyên tiểu sử, kính dâng lời tưởng niệm tri ân công đức của cố Đại lão Hòa thượng Pháp chủ GHPGVN, xem phim tư liệu về cuộc đời và những đóng góp của Ngài cho đạo pháp, dân tộc.
Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897 – 1993), pháp hiệu Thanh Thiệu, pháp danh Đức Huy, thế danh Phạm Đức Hạp; xuất gia năm 20 tuổi (1917). Ngài là bậc tòng lâm thạch trụ, giới hạnh tinh nghiêm, có công lao to lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, mở nhiều lớp Phật học ở nhiều nơi, đào tạo Tăng Ni tài đức, lần lượt được thành danh. Tháng 11.1981, tại Hội nghị đại biểu thống nhất, thành lập GHPGVN, Ngài được cung thỉnh ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh. Cũng tại hội nghị, Đại lão Hòa thượng đã đề đạt với Chính phủ cho GHPGVN được mở Trường Cao cấp Phật học tại ba miền Nam, Trung, Bắc; chùa chiền được nuôi dưỡng người phát tâm xuất gia, được tự do hoạt động tín ngưỡng, v.v..Trên ngôi vị Pháp chủ tối cao, Ngài đã tỏa sáng gương lành, ân đức bao trùm Tăng Ni, Phật tử cả nước, làm hải đăng định hướng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chuỗi sự kiện Ban Văn hoá
Nằm trong chuỗi sự kiện “Thắp sáng tri ân mùa Vu lan” năm 2023 do Ban Văn hóa TƯGH phối hợp với BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình tổ chức, nhiều hoạt động mang tinh thần tri ân báo ân đã diễn ra.
Trong khuôn khổ Lễ hội thắp sáng mùa tri ân năm 2023, Ban tổ chức trang nghiêm tổ chức lễ an vị và khánh thành lầu Quan Âm tại chùa Đồng Đắc. Chư tôn giáo phẩm đã cắt băng khánh thành, thực hiện nghi lễ sái tịnh và an vị tượng. Tôn tượng Bồ tát Quan Âm hàng trăm năm tuổi do cố chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát tâm cúng dàng lúc sinh thời. Dịp này, chư tôn giáo phẩm cùng quý Phật tử cũng nhất tâm cầu nguyện quốc thái dân an, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trước đó, chư Tôn đức Ban Văn hóa TƯGH và BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã đến dâng hương tại Đền thờ Nguyễn Công Trứ – người có công khai sinh huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; đền thờ Đức Thánh Trần; viếng mộ cố chủ tịch nước Trần Đại Quang; tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đồng Hướng và huyện Kim Sơn. Các hoạt động này thể hiện tinh thần tri ân báo ân; truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đặc biệt đó là ân Tổ quốc để tất cả mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Các địa phương tạ pháp an cư Phật lịch 2567
Sau 3 tháng tổ chức an cư tịnh tu, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ cho chư hành giả, BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam và thành phố Cần Thơ đã cử hành lễ tạ pháp.
Sáng 21.08, tại chùa Bầu, BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam trang nghiêm tổ chức lễ Tạ pháp khóa An cư kiết hạ PL.2567. Trong 3 tháng qua, tất cả chư Tăng Ni tập trung về các Tự viện, Tổ đình đầy đủ; Duy trì 6 thời công phu lễ bái theo đúng quy củ thiền gia. Bên cạnh đó, Ban Trị sự mời Sở Nội Vụ, UBMTTQVN tỉnh, Công an tỉnh, và Sở Xây dựng giảng dạy, giúp tăng, ni nắm vững kiến thức Luật tín ngưỡng; Quy định của pháp luật xây dựng công trình tự viện; Vai trò khi tham gia bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu…
Còn tại TP. Cần Thơ, BTS GHPGVN TP cũng trang nghiêm bế giảng khóa An cư kiết hạ 2023 tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Trên địa bàn TP.Cần Thơ năm nay có 3 điểm an cư tập trung; chư hành giả học theo giáo trình căn bản Kinh, Luật, Luận; Hiến chương Giáo hội, Quy chế Ban Tăng sự Trung ương; Ban Trị sự đã phối hợp với Ban Tôn giáo TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị phổ biến chính sách Pháp luật. Dịp này, BTS cũng tổ chức lễ Cổ Phật Khất Thực với gần 500 Tăng Ni nhằm tái hiện hình ảnh đức Thế Tôn và Tăng đoàn thời khất thực du hóa, giúp Phật tử gieo phước duyên với Tam bảo.
Kon Tum: Huyện Sa Thầy sơ kết Phật sự 6 tháng đầu năm
Tại chùa Khánh Sơn (tỉnh Kon Tum), Ban Trị sự GHPGVN huyện Sa Thầy sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và thông qua phương hướng Phật sự 6 tháng cuối năm 2023. Nổi bật thời gian qua là tổ chức đại lễ Phật đản với nhiều hoạt động ý nghĩa; huy động 500 triệu đồng cho công tác từ thiện xã hội. Thời gian tới, Ban Trị sự sẽ tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, tổ chức lễ Tự tứ; chăm lo cho người nghèo mùa Vu lan; duy trì sinh hoạt và phát triển thêm các khóa tu cho Phật tử tại gia.
Hà Nội: Tổng kết lớp giáo lý Phật pháp căn bản & Khai giảng lớp giáo lý tịnh độ
Hôm qua, tại chùa Đại từ Ân – Hà Nội, diễn ra lễ Tổng kết lớp giáo lý phật pháp căn bản và khai giảng lớp giáo lý Tịnh độ. Do ảnh hưởng dịch Covid 19, từ năm 2021, lớp học trực tuyến giáo lý phật pháp căn bản cho phật tử tại gia được tổ chức do TT.Thích Tiến Đạt giảng dạy, có 250 Phật tử học viên từ Bắc đến Nam, đầy đủ các lứa tuổi tham học. Kết quả, có 53,8% học viên xuất sắc toàn khóa.
Quảng Trị: Kỷ niệm 70 năm GĐPT huyện Cam Lộ
Còn tại tỉnh Quảng Trị, Phân ban Gia đình phật tử huyện Cam Lộ vừa kỷ niệm 70 năm thành lập (1953-2023). Trải qua nhiều thăng trầm nhưng với bao thế hệ huynh trưởng, đoàn sinh đã đồng tâm hiệp lực cống hiến, hướng tới thực hiện mục đích cao cả, giáo dục đạo đức Phật giáo cho thế hệ thanh thiếu nhi tin Phật, góp phần xây dựng xã hội an lạc.
Cà Mau: Tổ chức trại huấn luyện Anoma Ni Liên – Tuyết Sơn
Trong 3 ngày, từ 19 – 21.08, Phân ban GĐPT tỉnh Cà Mau tổ chức trại huấn luyện Anoma Ni Liên – Tuyết Sơn tại chùa Quan Âm Phật Tổ, TP.Cà Mau với 52 trại sinh, 20 huynh trưởng và 20 trại sinh hỗ trợ từ 3 đơn vị cơ sở. Tại đây, trại sinh được rèn luyện kỹ năng cơ bản; tham gia trò chơi lớn tăng cường tinh thần đoàn kết và đồng đội. Qua đó, tạo môi trường xây dựng lực lượng nòng cốt phụ giúp huynh trưởng trong việc củng cố, kiện toàn đơn vị Gia đình Phật tử cấp cơ sở.
Cao Bằng: Trại hè “Nụ cười, bước chân và hơi thở”
Với chủ đề “Nụ cười, bước chân và hơi thở”, Trung tâm từ thiện và hướng nghiệp Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh) đã tổ chức trại hè cho các em nhỏ của Trung tâm tại chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng). Nhiều hoạt động diễn ra như giao lưu các dân tộc Việt Nam, thiền hành, trò chơi tập thể, thắp nến tri ân,… giúp các em có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thiền môn, gắn kết với nhau hơn. Hiện Trung tâm nuôi hơn 200 em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc.
Hoạt động thiện nguyện mùa Vu Lan
Trong mùa Vu lan này, nhiều hoạt động thiện nguyện cũng được tổ chức tại các địa phương, hỗ trợ người dân khó khăn đón một mùa hiếu hạnh nhiều niềm vui.
Hôm qua ngày 20/08, tại Việt Nam quốc tự, Ban hoằng pháp GHPGVN TP.HCM trao thưởng cho khoảng 430 em học sinh giỏi trên địa bàn thành phố. Đây là hoạt động nhằm chia sẻ khó khăn, động viên các con em phật tử tiếp tục vươn lên trong học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi.
Tại tỉnh Bình Phước, chùa Giác Ngộ huyện Bù Đăng đã trang nghiêm tổ chức Vu Lan, đồng thời tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho 500 người nghèo tại địa phương, tặng 200 phần quà cho học sinh hiếu học và 110 phần quà cho người nghèo. Tổng trị giá cho toàn bộ chương trình từ thiện là: 120 triệu đồng.
Còn tại TP.Đà Nẵng, vào chiều ngày 20/8, chư Tăng chùa Tam Bảo chia sẻ 4 tấn gạo đến bà con khó khăn với mong muốn bà con ổn định cuộc sống, hưởng sự an lành, hạnh phúc. Dịp này, đoàn Ban Tôn giáo thành phố cũng đã đến thăm và chúc mừng tăng chúng Việt-Lào đang an cư kiết hạ tại chùa.
Ngày 20/08, UBMTTQ tỉnh Trà Vinh phối hợp Đại đức Thích Minh Trí, trụ trì chùa Long Bửu khởi công cầu và khánh thành công trình đường đal giao thông nông thôn tại huyện Càng Long. Công trình dài hơn 700m, rộng 2m, tổng kinh phí hơn 350 triệu đồng. Cùng ngày, đoàn cũng khánh thành tuyến đường đal ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, dài 120m, rộng 02m; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh Trà Vinh.
Những cây cầu nối bờ vui
Tinh thần của Phật giáo là từ bi, cứu khổ. Nhiều năm qua, Đại đức Thích Định Hương, trụ trì chùa Vĩnh Phước, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng đã chung tay, góp sức làm nhiều việc có ích cho xã hội, giúp đỡ bà con nơi vùng quê nghèo khó khăn.
Huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng là địa phương với nhiều sông rạch, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, khi về trụ trì chùa Vĩnh Phước, Đại đức Thích Định Hương đã thành lập Đội từ thiện “Xây cầu Vĩnh Phước”, vận động các nhà hảo tâm, phật tử cùng chính quyền, nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng.
Thực hiện công tác vì cộng đồng, Đội từ thiện “Xây cầu Vĩnh Phước” gồm 13 thành viên rất đặc biệt, đó là những người nông dân chất phác ở địa phương. Người trẻ nhất cũng đã 56 tuổi, đa số đều ngoài 60 tuổi, được đại đức Thích Định Hương hướng dẫn tay nghề. Từ bỡ ngỡ bước đầu, nay ai cũng thành thạo công việc. Nhờ đó, chất lượng các công trình được đánh giá rất cao.
Gần 7 năm nay, người dân huyện Thạnh Trị và các địa phương lân cận rất quen thuộc với hình ảnh những phật tử tự nguyện vác cát, đá, xi măng, đổ móng… để xây nên hàng chục chiếc cầu vững chắc trị giá hàng chục tỷ đồng. Hiện tại Đội từ thiện “Xây cầu Vĩnh Phước” vẫn tiếp tục tạo nên những công trình mới, nối liền huyết mạch giao thông nông thôn tại các địa phương và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần vì cộng đồng.
Lễ Vu Lan qua văn liệu Hán Nôm
Ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 7 Âm lịch, nhiều sự kiện liên quan đến lễ Vu Lan báo hiếu đã được tổ chức. Điều đó cho thấy tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của ngày lễ với không chỉ Phật tử, mà còn với cả dân tộc Việt Nam. Vậy lễ Vu Lan đã có lịch sử hình thành và phát triển ra sao? Và để ngày lễ này Phật giáo được ấn định vào 15.07, đã có sự dung hội ra sao với Nho giáo, Đạo giáo và văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt? Kính mời quý vị ngược thời gian, tìm câu trả lời trên các tư liệu Hán Nôm còn lưu trữ đến ngày nay.
Nguồn gốc chữ Hiếu vốn không có tài liệu lịch sử nào ghi lại, chỉ biết rằng khi con người hiện hữu thì chữ Hiếu đã xuất hiện và lớn dần theo năm tháng; hình thành rất lâu đời không những ở Việt Nam mà còn khắp phương Đông và phương Tây. Dù mỗi đất nước đều mang một sắc thái văn hóa, phong tục tập quán riêng biệt, nhưng tất cả mọi người trên thế gian này lại có cùng điểm giống nhau là tinh thần Hiếu đạo.
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, con cái phải hiếu thảo với cha mẹ bằng cách tôn thờ, chăm nom cha mẹ ốm đau sớm tối. Khi cha mẹ mất đi, phải mai táng, thờ phụng. Theo Nho giáo, người con phải thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ bằng cách: Quý trọng, giữ gìn thân thể do cha mẹ sinh ra; Lập thân dương danh ở đời để vinh hiển cha mẹ; Đối với cha mẹ, phải phụng dưỡng khi còn sống và lo hậu sự cho hợp lễ. Còn theo Phật giáo, chữ Hiếu cũng có hàm ý tương tự nhưng nội dung và ý nghĩa rộng lớn hơn. Như trong Kinh Tương Ưng tập I, Đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, cái gì là nhiều hơn sữa mẹ mà các người đã uống, trong khi các người lưu chuyển luân hồi trong thời gian dài, hay là nước trong bốn biển”.
Với sự tương đồng đó, khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, ngày rằm tháng 7 Vu Lan được hình thành đã cho thấy sự dung hòa giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và Tín ngưỡng bản địa.
Trước khi có sự dung hòa này, lễ Vu Lan chịu ảnh hưởng của đạo giáo khi ngày rằm tháng 7 được nhắc đến trong Công văn tâm nang diệu ngữ, Ứng phó dư biên tổng tập, hay Đại việt sử ký toàn thư với tên gọi tết Trung Nguyên. Bên cạnh đó, những hoạt động như cúng thí thực, đốt vàng mã, thả đăng, phóng sinh cũng ít nhiều mang màu sắc Đạo giáo.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, Vu Lan đã trở thành lễ hội quan trọng, không chỉ nhằm báo ơn bậc sinh thành, mà còn cả ơn thầy tổ, ơn đất nước. Những nghi lễ ấy được ghi sâu, khắc dấu trên nhiều văn bia. Như văn bia chùa Thanh Mai dựng năm 1362 tại Chí Linh, Hải Dương, sau được sao chép vào Đại việt sử ký toàn thư có đề cập đến triều đình tổ chức Vu Lan Pháp Hội. Đối tượng tham dự gồm đầy đủ các giai cấp, trên từ vua quan, dưới đến vạn dân bách tính, chưa kể đến lân quốc, chư hầu. Nội dung của lễ hội làm toát lên giá trị của cả thế pháp, Phật pháp và Tam giáo tịnh hành Phật – Nho – Đạo của đương thời. Thời gian diễn ra lễ kéo dài suốt 3 ngày và thành thông lệ hàng năm.
Trong thế thế kỷ 17,18, khi hoạt động in ấn phát triển, hàng loạt các bộ kinh đã được nhập về, biên soạn và in ấn. Đáng chú ý, Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18) đã cùng các đệ tử xuất bản bộ Thuỷ Lục Chư khoa với 6 khoa cúng cả trên cạn và dưới nước nhằm độ sinh thì nghi lễ Vu Lan cũng được cho là đã hoàn thiện hơn. Cùng thời gian này, Mục liên sám pháp, Vu lan bồn, Giới luật … cũng được thỉnh về Việt Nam.
Xét về phần lễ của Vu Lan, Bách Trượng thanh quy đã đưa ra khoa nghi Lan bồn nghi quỹ trích yếu. Trong đó có các khoa tiết như: Tinh đàn nhiễu kinh – chư tăng đi vòng quanh chính điện hoặc sân chùa để tụng kinh Vu Lan, Báo ân; Thướng Lan bồn cúng – chư tăng thiết bồn và phẩm vật cúng dường; Tán tụng tuyên sớ; Chư tăng thụ trai…
Tại Việt Nam, phần lễ có tiết lược và cũng có tăng bổ. Rõ nhất là ngoài việc chư tăng phải dâng sớ để “cung tiến tôn sư” (hiến cúng cho thầy tổ đã viên tịch) thì tại gia có thể tham gia để “tiến vong phụ” (hiến cúng cho cha mẹ đã mất). Hay như với nghi lễ Chẩn tế cô hồn phóng diệm khẩu thì sự điều chỉnh lại mang đậm yếu tố văn hoá dân gian.
Còn đối với phần Hội Vu Lan, số lượng văn liệu Hán Nôm đề cập đến rất nhiều nhưng lại ít về dung lượng. Có thể nhắc đến: Thanh Mai Viên Thông tháp bi, Đại Việt sử ký toàn thư, Tam tổ thực lục, Đại nam thư lục tiên biên, Sùng Thiện Diên Linh tháp bi, Đại Nam thực lục…
Như vậy có thể thấy, Lễ Hội Vu Lan với ảnh hưởng Phật giáo Bắc truyền du nhập vào Việt Nam từ rất lâu nhưng chưa xác định được thời gian chính xác. Và do ngày rằm tháng 7 đã trở thành hoạt động mang tính dân gian nên nhiều nghi lễ Phật giáo đã có sự điều chỉnh cho phù hợp. Với sự biến thiên của lịch sử, Lễ Vu Lan cũng đã có sự phát triển và điều chỉnh, phù hợp với thời thế và đời sống hiện đại.
Vu Lan – Mùa báo hiếu không chỉ là cánh cửa yên bình, xoa dịu nỗi đau mất mát, chia lìa với người ở lại, mà còn là bài thực hành giáo lý ứng dụng vào cuộc sống. Người đang làm ác được nhắc nhở mà biết hồi đầu hướng thiện, người chưa làm các điều ác thì phát sinh thiện tâm, giữ “thân, khẩu, ý” trong sạch – gieo nhân ngọt, gặt quả lành. Con cái yêu thương, hiếu kính cha mẹ, người dân biết ơn, báo ơn tổ quốc. Đó là cách Phật giáo đi sâu vào đời sống, góp phần xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước.
Cụm tin Vu Lan
Không khí Vu lan đang lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc. Mỗi nơi tổ chức theo một cách riêng những tựu chung là tinh thần tri ân báo ân và gửi gắm đến người con Phật thông điệp về lòng hiếu hạnh.
Chùa Bái Đính – tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức Đại lễ Vu Lan PL.2567. Tham dự, chư tôn đức và quý Phật tử nghe giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan, tri ân đến cha mẹ và thực hiện nghi thức cài hoa hồng, tụng sám Vu Lan, nhắc nhở mỗi người nhớ về ân đức dưỡng dục sâu dày của hai đấng song thân.
Trong khi đó, chiều hôm qua ngày 20/9, tại tòa nhà Doji – Hà Nội, Phân ban hợp tác và phát triển văn hóa thuộc Ban Văn hóa TƯGH đã kết hợp cùng tập đoàn Doji tổ chức chương trình Vu Lan. Tại đây, chư tôn đức đã thuyết giảng về “Ý nghĩa Vu lan” và “Phật giáo với doanh nhân” xem lẫn là các mục nghệ thuật đặc sắc về lòng tri ân, hiếu hạnh. Dịp này, DOJI cũng chính thức khai trương Trung tâm Quà tặng Kim Bảo Phúc lấy cảm hứng tạo tác từ các biểu tượng Phật giáo như chữ Vạn, hoa sen,….
Mùa Hiếu hạnh trên quê hương quan họ
Hòa chung niềm hân hoan của những người con Phật, BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Đại lễ Vu Lan PL.2567 với sự chứng minh của Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Dũng – Phó pháp chủ, Chánh Thư ký HĐCM và hàng nghìn người dân, Phật tử. Mùa hiếu hạnh trên quê hương quan họ đã lan tỏa rộng rãi tinh thần tứ trọng ân và nhắc nhớ mỗi người trân trọng những gì đang có.
Cứ đến dịp tháng 7 âm lịch hằng năm, bà con xứ Kinh Bắc lại mong chờ được đến dự lễ Vu Lan tại chùa Đại Thành – trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh; bởi đến đây, họ được nghe chư tôn đức thuyết giảng kỹ càng, thâm sâu về nguồn gốc, ý nghĩa của mùa lễ hiếu hạnh. Cả hội trường mấy nghìn người nhưng không một tiếng động, họ thấm thía xúc động về tấm lòng của mẹ cha, về công nuôi dưỡng sinh thành không gì đong đếm được.
Người xuất gia cài lên ngực áo bông hồng vàng, người còn cha mẹ cài bông hồng đỏ, người chỉ còn cha hoặc mẹ cài bông hoa màu hồng, người mất cả cha và mẹ cài bông hồng trắng. Mỗi người một màu hoa, đó có thể là niềm vui hạnh phúc nhưng với nhiều người, đó cũng là nỗi nhớ 2 đấng sinh thành khôn nguôi. Pháp hội có sự tham dự của cả người già và người trẻ, như sự tiếp nối, nhắc nhớ mỗi người về lòng tri ân, báo ân.
Đại lễ Vu Lan trên quê hương quan họ trở nên ý nghĩa hơn với hoạt động truyền đăng – biểu hiện của tinh thần từ bi, trí huệ. Đó cũng là sự lan tỏa tình yêu thương, tinh thần hiếu hạnh, dù là người xuất gia hay tại gia. Ngoài trời mưa rơi nặng hạt… còn trong hội trường, tiếng tụng kinh Vu Lan vẫn vang vọng, để hồi hướng công đức cho cha mẹ và lan toả truyền thống đạo hiếu cho thế hệ sau.
Giọt hồng tri ân mùa Vu Lan
Ngày 20.08, tại chùa Pháp Lâm, Phân ban Gia đình Phật tử TP.Đà Nẵng đã tổ chức đợt hiến máu tình nguyện năm 2023 với sự tham gia đông đảo của chư Tăng Ni, các huynh trưởng, đoàn sinh, tình nguyện viên Đội máu sống Gia đình Phật tử Đà Nẵng. Sự kiện này càng có ý nghĩa khi diễn ra nhân mùa lễ Vu lan Báo hiếu.
Ngay từ sáng sớm, tại sân chùa Pháp Lâm, rất đông chư tăng ni, phật tử đội tình nguyện viên máu sống GĐPT Đà Nẵng đã có mặt để tham gia hiến máu. Sau 3 năm gián đoạn do dịch Covid-19, đến hôm nay, phân ban GĐPT Đà Nẵng mới chính thức tổ chức lại hoạt động này nhằm sẻ chia và trao đi những giọt hồng tri ân nhân mùa lễ vu lan.
Với tinh thần “Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”, ngay trong buổi sáng, đã có hơn 300 tình nguyện viên đăng ký hiến máu. Ban tổ chức thu về 293 đơn vị máu để phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Hiến máu cứu người đã trở thành việc làm ý nghĩa thể hiện tinh thần từ bi của người con Phật và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.
Một mùa Vu Lan nữa lại về. Vu Lan không chỉ là dịp bày tỏ lòng tri ân với bậc làm cha, làm mẹ mà còn là dịp để lan tỏa lòng từ của mỗi người. Mỗi giọt máu cho đi là hiện thân của lòng yêu thương, của tình người ấm áp. Hi vọng rằng hoạt động ý nghĩa này sẽ được tiếp tục để có thể cứu giúp nhiều mảnh đời hơn nữa.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 21.08.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
11 lượt thích 0 bình luận